Những doanh nhân tỷ phú, những chính khách thượng thặng, những tập đoàn buôn vua, họ chẳng mảy may đến việc lộ hàng hay không bởi chính họ mới là những kẻ thao túng thị trường, luân lưu tiền tệ, thiết lập các mối quan hệ rường cột.


A lô lộ hàng những “gã hề” đang giễu

LÊ HUYỀN ÁI MỸ

B. Brecht (1898-1956) được xem là một trong những nhà canh tân sân khấu lớn nhất của thế kỷ XX, lại là người có cái nhìn khắc nghiệt với sân khấu truyền thống. Ông ví nhà hát như một “quầy bán thuốc mê”, nơi những công nhân, người lao động sau khi quần quật làm việc với đồng lương còm cõi đã bỏ một số tiền không nhỏ mua vé vào rạp, say mê theo những câu chuyện lâm li, những tình cảm bay bổng, tạm quên đi cuộc đời tăm tối của mình.

Nhưng, nếu Brecht sống lại và đến Việt Nam, đến Sài Gòn và chỉ với 220.000 đồng để có tấm vé xem “A lô! Lộ hàng” thì chẳng những ông không hề bị “đánh thuốc mê” mà càng xem càng tỉnh, tỉnh để nhận ra mình trên sàn diễn, nhận ra bao trò đời đang đánh lận nơi những vai diễn; hay chính cái tưởng ảo trên kia lại đánh thức, lại kêu đòi, lại phản tỉnh, thậm chí là lời nguyền rủa cho cái thực đang nhiễu nhương, đang xênh xang, đang hợm hĩnh dưới này - cùng khắp.

“Alo! Lộ hàng” là một kịch bản của Lê Hoàng. Nên vẫn thế, chất trào phúng, hoạt kê, giễu nhại. Nhưng luôn không cứ là như thế. Và dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Thành Lộc, qua nghệ thuật trình diễn của kịch sĩ Thành Lộc, những lát cắt trào lộng có khi được tỉa tót, có khi quăng quật, có khi phóng túng, lại có khi thành thật đến rung động…

Kịch nói về hiện tượng lộ hàng, từ chiếc điện thoại bị đánh cắp, kẻ cướp nhận ra một trong hai “diễn viên” đóng cảnh nóng là ngôi sao điện ảnh, ca nhạc, gameshow, tấu hài… Cũng từ đó, phơi bày những chiêu trò hèn hạ, thay trắng đổi đen, ngụy tạo các giá trị ảo trong giới showbiz.

Xem, tôi lại thấy… tội tình cho giới giải trí. Bởi họ có lẽ là giới dễ bị chê bai, bị giễu cợt và bị chịu phán xét nhất. Bởi những trò giả trá, lật mặt hay những màn “bóng đêm tội lỗi”, cái máu bất chấp để đoạt lấy danh lợi thì so ra, họ chỉ tầm… giải trí. Còn những doanh nhân tỷ phú, những chính khách thượng thặng, những tập đoàn buôn vua, họ chẳng mảy may đến việc lộ hàng hay không bởi chính họ mới là những kẻ thao túng thị trường, luân lưu tiền tệ, thiết lập các mối quan hệ rường cột.

Nên, coi “Alo! Lộ hàng”, tôi lại nghĩ ngược, chẳng phải mượn chuyện showbiz để nói chuyện social và hiện thực xã hội. Mà chính “những điều trông thấy” mỗi ngày, mỗi giờ; những toan tính, giả dối, luồn cúi, tham nhũng, cướp bóc ngày cũng như đêm lại trở thành là thứ để vui cười, giễu cợt mất rồi!

Thì đấy, bà cướp già Thành Lộc khoe nhờ tài cạo gió, giác hơi cho bạn tù mà được quản giáo trao cho bằng khen, nay bảo “bằng khen, giấy khen có lợi lắm, nhờ nó còn được giảm án đó chứ”. Thời buổi cái gì cũng giả, cả kít tét cũng giả, chỉ có ăn cướp là thật. Người ta nghèo nên mới phải đi ăn cướp, còn những người giàu họ ăn chặn, ăn hớt…

Chuyện phim sex chẳng may bị “lộ hàng”. Nhưng một xã hội với sự xuống cấp đạo đức, sự hủy hoại của các giá trị nền tảng, văn hóa đã bị tha hóa thì nó trần truồng ra đó, chẳng việc quái gì phải che che đậy đậy nên, coi “Alo! Lộ hàng” của Lê Hoàng - Thành Lộc, thấy rõ một phong cách phản kịch, một sân khấu phi lý mà S.Beckett làm mưa làm gió ở thế kỷ trước.

Nhân vật không có nổi một cái tên riêng, nó chỉ là bà cướp già, cô sinh viên, chàng diễn viên… bởi, nó có thể bất cứ là ai trong xã hội này, là một dạng danh từ chung, nhan nhãn. Nó không còn là đại diện cho một hay một nhóm, nó là khuôn mặt xã hội. Vậy thôi.

Cho nên, tôi sẽ không nói nữa về tài năng Thành Lộc, dù nó là thứ ma mị nhất, bản năng nhất, di truyền nhất. Một độc bản có khả năng… thất truyền. Tôi chỉ nói về một tiếng nói công dân đang chất chứa trong Con-Người-Nghệ-Sĩ ấy, nó có sự phẫn nộ, đau đớn, khinh suất nhưng cũng không giấu đi lòng từ tâm, niềm kiêu hãnh. Ngay cả trong sự ồn ào, náo nhiệt nhất, sẵn sàng đốt cháy sàn diễn thì, vẫn cứ thấy một Thành Lộc lọt thỏm, ngơ ngác, hoài nghi. Cả trong nghiệp dĩ của mình, hình như cũng nhận ra rằng, nó chẳng thể thay đổi được gì, nó chẳng qua cũng chỉ là “liều thuốc mê” cho chính mình, cho tha nhân, cho bao kẻ vong thân ngay trên chính quê nhà, trong chính ngôi nhà và chính bản ngã tự thân.

Hóa ra, cuối cùng, Brecht lại đúng, tôi nhìn quanh khán phòng, rồi cúi nhìn mớ thuốc mê trên tay mình. Thì buồn cười, hãy cười, trò giễu nhại này vô hại, nó không lên mặt đạo đức, thánh thần, trọc phú như cái sân khấu ngoài kia. Nhưng biết đâu, nó lại là “gã hề” khiến cho kẻ độc tài và một phần thế giới đang sa lầy trong giết chóc, đang say sưa ngã giá đạn dược…

 

Nguồn: Facebook Lê Huyền Ái Mỹ