Động cơ vì cái đẹp khá yếu ớt đối với đa số nhà văn, nhưng ngay cả một người viết diễn ngôn chính trị hay sách giáo khoa cũng sẽ có những từ và cụm từ yêu thích vì nguyên nhân ngớ ngẩn nào đó, hay đơn giản là thấy ấn tượng vì phông chữ hoặc độ rộng của lề... 


VÌ SAO NHÀ VĂN VIẾT?

Trong khảo luận mang tựa đề “Vì sao tôi viết”, George Orwell, tiểu thuyết gia, nhà phê bình, bình luận về văn hóa nổi tiếng người Anh, tiết lộ ông ấp ủ mơ ước trở thành nhà văn từ lúc còn rất nhỏ. Là đứa trẻ cô đơn, ông bịa ra các câu chuyện và dựng lên những cuộc đối thoại với những nhân vật mình tưởng tượng ra. Mong muốn viết của ông có liên quan đến cảm giác cô độc thời thơ ấu. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, cậu bé George có 2 bài thơ được đăng trên tờ báo địa phương và đó là bước khởi đầu trong sự nghiệp văn chương.

Ở tuổi thiếu niên, Orwell đã suy nghĩ như một nhà văn và hư cấu câu chuyện về bản thân mình nhưng không bao giờ viết ra. Khi 20 tuổi, ông nuôi tham vọng viết “những cuốn tiểu thuyết vĩ đại theo chủ nghĩa tự nhiên với những kết thúc không có gì vui vẻ, ngập tràn các mô tả chi tiết và hình ảnh so sánh mãn nhãn với những đoạn văn hoa mỹ, trong đó ngôn từ được sử dụng một phần để tạo ra nhịp điệu riêng”. Orwell gọi cuốn tác phẩm hư cấu đầu tay của mình “Những ngày ở Miến Điện” là tiêu biểu cho thể loại tiểu thuyết này.

Trong bài khảo luận, Orwell vạch ra 4 động cơ chính khiến nhà văn cầm viết, trong đó bản tính ích kỷ được ông phân tích khá chi tiết. Nhìn chung, nhà văn có cùng đặc tính này với các nhà khoa học, nghệ sĩ, chính trị gia, luật sư, quân nhân, doanh nhân thành đạt - tóm lại là tầng lớp tinh hoa ưu tú của nhân loại. Sau độ tuổi 30, họ hầu như tắt lịm tham vọng cá nhân và nhiều trường hợp gần như từ bỏ cảm nhận về tồn tại của cá nhân. Nhưng một số ít người tài năng, có ý chí, quyết tâm đeo đuổi đến cùng và các nhà văn đều nằm trong đẳng cấp này. Theo Orwell, các nhà văn nghiêm túc thường hão huyền và thích tự coi mình là trung tâm hơn các nhà báo, mặc dù ít quan tâm tới tiền bạc hơn.

Lý do thứ 2 khiến nhà văn viết là nhận thức về cái đẹp ở thế giới bên ngoài, là ngôn từ và cấu trúc chuẩn mực. Động cơ vì cái đẹp khá yếu ớt đối với đa số nhà văn, nhưng ngay cả một người viết diễn ngôn chính trị hay sách giáo khoa cũng sẽ có những từ và cụm từ yêu thích vì nguyên nhân ngớ ngẩn nào đó, hay đơn giản là thấy ấn tượng vì phông chữ hoặc độ rộng của lề... 

Nhà văn cũng khao khát phản ánh hiện thực và trình bày sự thật cho người đọc, thay đổi quan điểm của mọi người về loại xã hội mà họ muốn sống. Tuy nhiên, điều này cũng có mức độ, bởi mọi nhà văn đều phải chấp nhận lập trường chính trị nào đó. Ông viết: “Không có cuốn sách nào không có thiên kiến chính trị. Ý kiến cho rằng nghệ thuật không nên liên quan đến chính trị, bản thân ý kiến đó đã là thái độ chính trị”.

Nếu như những động cơ viết văn nói trên có phần cao siêu, nhiều nhà nghiên cứu, phê bình lại có cái nhìn thực tế và sát sườn với đời sống hơn. Trong khảo luận “Tính chuyên nghiệp của nhà văn” đăng trong cuốn “Phác thảo văn học Việt Nam hiện đại (Thế kỷ 20)”, tác giả GS. Phong Lê nhìn nhận: “Văn chương khi đã trở thành nhu cầu của xã hội thì viết văn sẽ trở thành một nghề”.

Do đó, để có thể tồn tại với nghề, nhà văn phải viết sao cho hay, cho có người đọc và từ đó tất yếu diễn ra cạnh tranh nghề nghiệp. Ngoài ra, dấn thân vào nghiệp văn chương cũng hết sức vất vả, đầy rủi ro vì phải phó thác vào thị trường. Nhà văn phải viết cho người khác đọc, không phải để “nói chí” hay “chở đạo” cho riêng mình.

Tuy nhiên, theo GS. Phong Lê, văn chương là nghề hấp dẫn và có sức quyến rũ ghê gớm khiến nhiều người gạt bỏ danh vọng quan trường hay tiền bạc để dấn vào. Ông lấy dẫn chứng từ nhóm Tự lực văn đoàn (1930-1945), trong đó Nguyễn Trường Tam đã bỏ bằng kỹ sư và ghế giáo sư với lương cao để trở thành người sáng lập và ông chủ với bút danh Nhất Linh.

Nhiều nhà văn như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao… đã chấp nhận cuộc sống đạm bạc để theo đuổi nghiệp viết với những quan niệm văn chương và tôn chỉ mục đích khác nhau. Hoàn cảnh khốn khó và túng thiếu triền miên là hình ảnh đặc thù của nhiều nhà văn kể từ khi văn chương xuất hiện trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Vì vậy, do áp lực kinh tế, các nhà văn thường phải có thêm nghề khác để nuôi sống bản thân hay lo cho gia đình.  

Tham khảo những lý do khiến nhà văn cầm viết được George Well nêu lên trong phần đầu của bài viết này, chắc hẳn chúng ta sẽ thấy các nhà văn Việt Nam thường bị hiện thực và lịch sử lôi cuốn. Theo quan sát của GS. Phong Lê qua 2 cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn vào đầu thế kỷ 21, số tác phẩm tham dự và đạt giải viết về đề tài chiến tranh đều chiếm tỷ lệ cao.

Những nhà văn ở độ tuổi 50 và 60 với những trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống khó khăn thời hậu chiến, đã nhanh chóng thoát khỏi âm hưởng sử thi chi phối không ít các tên tuổi đi trước. Những nhà văn sinh ra và lớn lên sau chiến tranh thì kể những câu chuyện về nhân sinh quan, lý tưởng, mục đích sống, quan niệm nghề nghiệp trên quỹ đạo khác, với ước muốn giải phóng và phát triển đến tận cùng những gì của riêng mình.  

Thế nhưng, theo GS. Phong Lê, cho dù khao khát theo đuổi cái riêng có cháy bỏng đến mấy, nhà văn thuộc mọi thế hệ đều phải đặt mình trên một mẫu số chung là “cảnh ngộ và số phận chung của dân và nước”. GS. Lê cho rằng sự nhận diện trong văn học là nhận diện qua con người, qua tính cách và số phận của từng cá nhân cụ thể. Ngoài việc không thể xa rời và quay lưng với ý nghĩa thời sự của những nỗ lực gìn giữ từng tấc đất,  khoảng rừng và hải lý biển của đất nước, nhà văn còn phải thể hiện lòng yêu thương con người, bảo vệ nhân phẩm và lên tiếng trước những bất công xã hội vẫn còn đầy rẫy, phân hóa xã hội ngày càng gay gắt, trước tội ác, hiện trạng tham nhũng, tước đoạt và hủy hoại môi trường sống.

Trong chiều hướng đó, nhà văn phải hòa mình với thực tế và xắn tay áo vào những vấn đề thời cuộc, như cách nói của nhà văn Nam Cao: “Sống rồi hãy viết… góp sức vào công việc không nghệ thuật lúc này là chính để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn”. 

LÊ HỮU HUY

(Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore)