Năm nay, dân số của quốc gia đông người nhất thế giới lần đầu tiên sẽ giảm bớt, kể từ khi Mao Trạch Đông thử nghiệm xã hội. Vì sao như vậy?


Cứ 5 người trên hành tinh này thì có 1 người là người Trung Quốc. Đây là một tiên đề! Trong vòng 40 năm qua, dân số của Trung quốc đã tăng từ 660 triệu lên 1,4 tỷ người, và đây, chính khả năng sinh sản phi thường này đã trở thành cơ sở tạo nên thành công lớn về kinh tế của Trung Quốc.

Với nguồn cung cấp lực lượng lao động rẻ nhất thế giới gần như không cạn kiệt, Trung Quốc đã trở thành trung tâm sản xuất chính của thế giới trong vài thập kỷ. Và điều này bất chấp thực tế là các ông bố bà mẹ Trung Quốc đã phải kiềm chế bản năng sinh sản bằng mọi cách có thể. Họ sinh con dày đặc đến mức siêu sinh bắt đầu bị chính quyền coi là gánh nặng.

Năm 1980, Trung Quốc với chính sách “ mỗi gia đình- một con”, các nhà nhân khẩu học ước tính đã ngăn cản 400 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra. Nếu không, dân số của đất nước ngày nay sẽ đạt gần 2 tỷ người.

CON RỒNG KINH TẾ ĐÃ GIÀ ĐI

Nhưng, như Vua Solomon đã lưu ý một cách chính xác, mọi điều tốt đẹp sớm muộn cũng sẽ kết thúc. Phép màu nhân khẩu học của Trung Quốc cũng đã kết thúc. Các nhà nhân khẩu học, đặc biệt là Xujian Peng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Victoria (Australia) tin rằng năm nay dân số Trung Quốc sẽ giảm lần đầu tiên kể từ nạn đói lớn 1959-1961 (cướp đi sinh mạng của hơn 15 triệu người). Trong năm 2021 vừa qua, số dân của đất nước này chỉ tăng 480 nghìn người - hoàn toàn vô nghĩa so với mức tăng của những năm gần đây là 8 - 10 triệu người mỗi năm.

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải dự đoán rằng sau năm 2021, quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ bắt đầu giảm quy mô 1,1% mỗi năm (hơn 1 triệu người). Kết quả là Trung Quốc sẽ mất khoảng 1 tỷ dân vào năm 2100 và dừng lại ở con số 587 triệu. Để so sánh, Trung Quốc hiện có 1 tỷ 413 triệu người.

Và điều quan trọng nhất, theo sau nhân khẩu học, cũng được dự đoán là một sự suy giảm về kinh tế. Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ mất vị thế là công xưởng chính của thế giới. Hiện chi phí lao động ở Trung Quốc cao gấp đôi ở Việt Nam. Do đó Hà Nội cùng với Ấn Độ và Bangladesh, đang chuẩn bị trở thành “Trung Quốc mới” và là nơi tổ chức các ngành lợi dụng lao động có tỷ suất lợi nhuận thấp. Ngoài ra, vào năm 2100, chi trả lương hưu ở Trung Quốc sẽ tăng gấp 5 lần và 20% GDP của quốc gia này sẽ dành cho những chi tiêu ấy. Gánh nặng chính của những người trẻ tuổi Trung Quốc sẽ là phải duy trì một đội quân người cao tuổi khổng lồ: sẽ có 120 người hưởng lương hưu trên con số 100 công dân còn sức làm việc. Để so sánh, với nước Nga đang già đi, cứ 240 công dân trong độ tuổi lao động thì gánh lấy 100 người hưởng lương hưu.

ÍT TRẺ EM LÀ GÁNH NẶNG CỦA NỀN VĂN MINH

Tại sao người Trung Quốc - giống như người Nga, một thời gian trước đây không muốn sinh con? Rốt cuộc, mới gần đây thôi, những hậu duệ yêu trẻ con của Khổng Tử thường nhổ nước miếng những hình phạt và cấm đoán hà khắc chỉ vì mục đích hạnh phúc được trở thành cha mẹ của nhiều đứa trẻ. Nhưng các công chức và thậm chí các giáo sư đại học có nguy cơ mất việc nếu họ bị phát hiện sinh con thứ hai, và việc không nộp phạt đồng nghĩa với việc những đứa trẻ “thừa” sẽ không được tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục (chưa kể đến việc cưỡng bức phá thai và triệt sản). Mặc dù vậy, các bậc cha mẹ Trung Quốc đã tìm mọi cách để vượt qua các lệnh cấm. Ví dụ, tiền phạt không áp dụng cho trường hợp mang đa thai và công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm có nhu cầu lớn, làm tăng cơ hội thụ thai sinh đôi hoặc sinh ba một cách tự nhiên.

Vào ngày 31 tháng 5 năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo rằng công dân có thể sinh ba con. Điều này xảy ra 3 tuần sau khi nhận được kết quả ấn tượng của Cuộc điều tra dân số quốc gia lần thứ bảy. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát do hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã thực hiện (với 31.000 người tham gia) cho thấy 90% những người được khảo sát không mong muốn có ba con.

Một phần, tỷ lệ sinh sụt giảm nghiêm trọng là kết quả của những sai lệch trong chính sách dân số. Ở Trung Quốc có rất ít phụ nữ. Khi chỉ cho phép sinh một đứa trẻ, cha mẹ thích con trai hơn. Sản phụ mang thai nếu phát hiện mang bé gái, họ đi phá thai luôn. Do đó, tỷ số giới tính của cả nước đã thay đổi - cứ 100 trẻ em gái thì có 120 trẻ em trai và ở một số tỉnh, tỷ số này lên tới 130 trẻ em trai so với 100 trẻ em gái. Ngoài tình trạng thiếu phụ nữ, số lần sinh của mỗi phụ nữ cũng giảm xuống còn 1,15. Đối với "mức sống tối thiểu" - một sự tái sản xuất đơn giản của dân số 2.1 là cần thiết. So sánh: ở Mỹ, con số này là 1,6 và ở Nga - 1,5.

Nhưng nguyên nhân chính không phải do số lượng phụ nữ và cũng không phải do người Trung Quốc thích gia đình ít người. Khi trở thành một quốc gia phát triển, Trung Quốc buộc phải chia sẻ với các quốc gia khác cái gọi là “gánh nặng của nền văn minh” - tỷ lệ sinh thấp. Như nhà nhân khẩu học vĩ đại Anatoly Vishnevsky đã nói, điều này là do các gia đình ở các nước phát triển đầu tư nhiều nguồn lực hơn cho một đứa trẻ so với trước đây. Hơn nữa, đó không chỉ là tiền, mà còn là thời gian và hơi ấm tình cảm. Đòi hỏi của một xã hội công nghệ cao hiện đại là một đứa trẻ phải được giáo dục tốt và hành trang văn hóa ngay từ đầu khi khởi động cuộc sống tự lập.Các chuyên gia cho rằng các " nhà máy sinh đẻ" chính của hành tinh sẽ được chuyển giao cho Ấn Độ một cách suôn sẻ.

Trung Quốc đã không còn là một quốc gia nông dân, 65% người Trung Quốc đã là cư dân thành phố. Việc nuôi dạy một đứa trẻ ở các thành phố lớn rất tốn kém. Theo một tổ chức nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc thì năm 2005, việc nuôi dạy một đứa trẻ đã tiêu tốn của các bậc cha mẹ 490.000 nhân dân tệ (74.838 USD). Đến năm 2020, con số này đã tăng gấp bốn lần. Ngoài ra, nhờ được giải phóng, phụ nữ ở Trung Quốc cảm thấy thích độc lập, thu nhập tốt và thành công trong nghề nghiệp. Họ, cũng như những cư dân của Châu Âu, Nga và Hoa Kỳ, không sẵn sàng hy sinh sự nghiệp của mình vì thiên chức làm mẹ của nhiều đứa trẻ.

Các chuyên gia dự đoán "nhà máy đẻ" chính của hành tinh sẽ được chuyển giao một cách suôn sẻ cho Ấn Độ. Hiện nay số dân của các bộ lạc Zita và Gita tụt thấp so với dân số Trung Quốc vài chục triệu người, nhưng dân số của Ấn Độ ( hiện có 1,38 tỷ người ) đang tăng khoảng 1 phần trăm mỗi năm. Hai phần ba dân số Ấn Độ là cư dân nông thôn, và vẫn còn một chặng đường dài trước khi đô thị hóa hoàn toàn. Và ở thôn quê - như chúng ta biết- trẻ em vẫn lớn lên như nấm sau mưa. Theo dự báo của Liên hợp quốc, dân số Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc vào năm 2027. Vì vậy, học sinh ngày nay thay vì học tiếng Trung Quốc nên học tiếng Hindi. Bởi vì trong một tương lai gần, sau sự suy tàn của “Thời đại hoàng kim Trung Hoa”, trung tâm sản xuất thế giới sẽ chuyển đến địa chỉ là " Nhà máy đẻ ' chủ yếu chính của nhân loại.

 

TÔ HOÀNG (chuyển ngữ)