Câu hỏi mà Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc 2022 đặt ra: Vì sao chúng ta viết? Chúng tôi đã nhận được câu trả lời từ chính các bạn trẻ. Rằng, tôi viết vì một sức hút kỳ lạ, vì cái đẹp của văn chương, mà cái đẹp cứu rỗi con người.


TRẺ VÀ KHÁT VỌNG SÁNG TẠO

HẢI ĐƯỜNG

Trong hai ngày 18 và 19 tháng 6, một cuộc gặp gỡ của các cây bút trẻ sẽ diễn ra tại Đà Nẵng, thành phố bên sông Hàn có thương cảng lớn nhất miền Trung vào đầu thế kỷ XIX, nơi có nền văn hóa Mỹ Sơn đạt đến trình độ phát triển đỉnh cao. Về dự hội nghị có hơn 120 tác giả, phần lớn trong độ tuổi 35 trở về trước. Đây là một truyền thống đẹp và cũng là niềm mong mỏi từ lâu của những người viết đang thử sức và thử nghiệm, đang đi tìm chính mình và không ít tác giả đã ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Ngôi nhà văn chương thời nào cũng bao gồm nhiều thế hệ xây đắp nên. Ở nước ta, trong những năm đầu thế kỷ XX và kéo dài cho đến hôm nay đã hình thành ba thế hệ: Lớp nhà văn chống Pháp, chống Mỹ, và lớp nhà văn trưởng thành sau năm 1975, bước vào công cuộc Đổi mới. Đương nhiên, việc phân định cũng chỉ là tương đối, vì có ý kiến cho rằng, có lẽ phải tính đến thế hệ thứ tư - thế hệ nhà văn của thời kỳ Đổi mới, tính từ thập niên 90 thế kỷ trước đến nay, cũng đã ngót nghét 40 năm rồi.

Dù là ba hay bốn thế hệ và nhìn xa trong tương lai thì thời kỳ nào cũng rất cần những lớp người đi sau như những con sóng nối nhau vô bờ bến. Người trẻ tiếp nối, thay thế người già. Người già chăm sóc, nâng niu, tạo không gian rộng mở, truyền nghề cho lớp trẻ. Điều này vừa là trách nhiệm lớn lại vừa là đạo lý, bởi chính “lớp già” đã từng được lớp già hơn khai tâm, khai trí, uốn nắn, cho lời, cho chữ từ những bản thảo đầu tiên. Vẫn biết mỗi thời mỗi khác. Thời chống Pháp, “gặp nhau hồi chưa biết chữ” (Nhớ- Hồng Nguyên); chống Mỹ, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (Theo chân Bác - Tố Hữu) và thời nay chúng ta đã bước vào kỷ nguyên công nghệ số. Thế giới phẳng hoặc còn nhiều lồi lõm thì con người vẫn liên hệ với nhau trong một không gian ảo mà hết sức thần kỳ của Internet. Hơn ba tháng qua, những bài bút ký nóng bỏng trong cuộc chiến Nga-Ukraine đã đến với công chúng toàn cầu ngay khi sự kiện vừa xảy ra. Chính từ đòi hỏi gần như tức thì này mà dù làm nghề báo, nghề văn hay bất cứ nghề nào trong xã hội cũng phải bứt lên rút ngắn khoảng cách phát triển. Nhà văn chúng ta phải có mặt không phải là đầu nguồn tin tức nữa mà ngay ở trong lòng sự kiện. Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa báo in và báo mạng, giữa sách in giấy và sách trên mạng đang tiếp tục diễn ra và lợi thế của sách trên mạng là điều không phải bàn cãi.

Thế cho nên các cây bút trẻ hôm nay đang viết gì, vì sao họ viết và viết như thế nào là một câu hỏi cần phải tìm hiểu một cách kỹ lưỡng để có những nhận xét xác đáng và cùng chia sẻ, gợi mở cho các nhà văn và các nhà văn tương lai hành nghề một cách tốt nhất, say mê nhất và chuyên nghiệp nhất.

Điều mà các thế hệ nhà văn đều cần nuôi dưỡng, phấn đấu bền bỉ đó là khát vọng sáng tạo. Khát vọng ấy là lý tưởng, mục đích, là la bàn chỉ hướng. Khát vọng ấy ươm mầm trên nền tảng của lòng yêu nước, yêu độc lập, tự do. Khát vọng nuôi dưỡng, bồi đắp cảm hứng sống, cảm hứng viết. Từ những định hướng lớn mà người viết tìm ra lối đi riêng, dần hình thành nên tư tưởng, phong cách nghệ thuật. Qua kinh nghiệm của các nhà văn lớn, khả năng quan sát, ghi chép, mô tả tưởng như thứ trời cho, nhưng khả năng ấy sẽ không thể phát huy tối đa khi người viết thiếu đi sợi dây vô hình dẫn dắt, đó là tư tưởng. Cái lớn nhất của một nhà văn lớn là luôn luôn đổi mới, luôn vượt qua chính mình. Họ tiếp nhận cái mới rất nhanh chóng và cái mới ấy được thẩm thấu qua màng lọc vô cùng quý giá là văn hóa, truyền thống dân tộc. Với mỗi nhà văn, dù trong bất kỳ tác phẩm nào, ngắn hay dài, viết về lịch sử hay đương đại, thể hiện với thể loại, bút pháp nào đều thấm sâu tính tư tưởng và tính xã hội trong đó. Một nhà văn chân chính khi viết luôn hướng về cái đích là lợi ích của dân tộc, sự phát triển của văn hóa dân tộc, một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc. Phản ánh trung thực đời sống không có nghĩa bê nguyên xi những gì đang diễn ra mà là “nhìn”, là “nghĩ” sâu hơn về sự quan sát ấy, từ đó mà hình thành nên những hình tượng nghệ thuật, cao hơn là những biểu tượng. Hình tượng càng độc đáo, sâu sắc càng thể hiện nổi bật tư tưởng, tài năng, cá tính sáng tạo của nhà văn. Những hình tượng nghệ thuật có thể trở thành biểu tượng hoành tráng, có sức sống lâu bền: Việt Bắc (Tố Hữu), Giăng sáng (Nam Cao), Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), Dáng đứng Việt Nam (Lê Anh Xuân), Người đi tìm hình của nước (Chế Lan Viên), Ngọn đèn đứng gác (Chính Hữu) Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm), Sức bền của đất (Hữu Thỉnh), Cây ánh sáng (Nguyễn Quang Thiều),v.v..

Trong những năm gần đây chúng ta rất mừng khi xuất hiện đội ngũ cây bút trẻ xuất hiện khá hùng hậu từ khắp mọi miền đất nước. Không chỉ ở các thành phố, đô thị lớn, người viết trẻ có mặt ở nông thôn, miền núi, là người dân tộc thiểu số, đang sinh sống, học tập ở nước ngoài. Có tác giả mới 30 tuổi đã viết năm-sáu cuốn tiểu thuyết, hoặc truyện ngắn, thơ, tản văn. Có cuốn tản văn được tái bản với số lượng lên tới 20 nghìn cuốn. Thật là con số mơ ước trong thời kỳ mà mỗi cuốn sách in ra thường chỉ có số lượng bản in hết sức “khiêm tốn” từ 500 đến 1000 cuốn. Viết với niềm say mê, với tư duy độc đáo, ngôn ngữ mới lạ, phù hợp với tâm lý người trẻ với cuộc sống hôm nay. Nhiều tác giả trẻ có lối viết phóng khoáng và mạnh mẽ, ngôn từ như muốn nổ tung, kết cấu linh hoạt, như muốn phá vỡ thể loại. Họ viết về mọi góc khuất, tìm tòi và lý giải nó, khác với những lý giải, những “chân lý sẵn có” trước đây. Và cũng có những câu chuyện giản dị, sâu sắc, thầm lặng, chạm đến trái tim người đọc. Có nhà văn đàn anh nhận xét rằng: Họ trẻ về tuổi đời thôi, còn văn của họ thì không còn “xanh” nữa. Đây có lẽ là lý do lần đầu tiên, năm 2021, Hội Nhà văn Việt Nam đã chọn lọc, trao Giải thưởng cho Tác giả trẻ.

Thế nhưng, bên cạnh khoảng sáng ấy vẫn còn những khoảng trống, khoảng mờ cần phải lấp đầy, cần phải nhuận sắc. Một số cây bút trẻ còn lúng túng khi lựa chọn đề tài, lúng túng khi giải quyết mối quan hệ cái riêng và cái chung, cái cô đơn cá nhân nghệ sĩ với tâm trạng xã hội. Đừng vì cái tôi cá nhân lớn quá, hoặc vụn vặt quá mà sa lầy, mất phương hướng. Hãy dè chừng văn hóa đại chúng lấn át văn chương đích thực. Nghệ thuật sáng tác cần phải biến ảo, bay bổng nhưng tỉnh táo. Cái hay có khi nằm ở ranh giới giữa thật và ảo. Thâm sâu nhưng đừng bí hiểm. Duyên dáng nhưng đừng õng ẹo. Chớ nôn nóng làm nên thành tích mà kiên nhẫn lập nên thành tựu. Từ cái tôi bé nhỏ đến với cái ta rộng lớn là câu chuyện vĩnh hằng của văn học. Theo ý của Chế Lan Viên thì suy tư từ thời Nguyễn Du bên ngọn đèn dầu lạc hay suy tư thời chúng ta bên ngọn đèn nê-ông, đèn led, “xứ này yêu kiểu lục lăng, xứ khác hình tam giác” cũng không bao giờ được để trái tim nghèo nàn, xơ xác. Cái thông minh, cái “thần bút” là có thật, nhưng không thay thế được sự rung cảm, mặc dù có thể thể nghiệm, có thể có nhiều cách để sáng tác, hoàn thành một tác phẩm. Cũng sẽ chẳng ai “mượn được bút của trời” để viết khi mà anh thiếu vốn sống, anh vô cảm trước cái xấu và cái ác. Vốn sống ấy nếu chỉ tích lũy qua việc đọc sách báo, nhất là nhờ những thuận lợi trong việc tra cứu trên mạng Internet, thì không thể thay thế việc sống. Sống đầm mình trong đời sống “cùng xương thịt với nhân dân”, sống đắm mình với thiên nhiên. Những chuyến đi thực tế sáng tác, những trại viết chỉ là giải pháp hỗ trợ.

Trở lại câu hỏi mà Hội nghị văn học trẻ Đà Nẵng đặt ra lần này: Vì sao chúng ta viết? Chúng tôi đã nhận được câu trả lời từ chính các bạn trẻ. Rằng, tôi viết vì một sức hút kỳ lạ, vì cái đẹp của văn chương, mà cái đẹp cứu rỗi con người. Đúng như nhà phê bình văn học Nga V.Belinsky đã nói: “Nghệ thuật là một say mê mãnh liệt, một nhiệt hứng”. Hay như nhà thơ Đỗ Phủ ở Trung Quốc, đời nhà Đường: “Sách đọc muôn ngàn cuốn/ Hạ bút như có thần”. Tôi viết vì muốn giãi bày, muốn cho mọi người đọc được ý nghĩ, quan điểm của tôi, như một nhà văn lớn từng nói, viết là một cách tư duy lớn để mọi người nghe được. Tôi viết vì muốn thể hiện rõ ý tưởng, ý thức cá nhân của một người trẻ, sức trẻ, vì không gì có thể thay thế được cá nhân nhà văn.

Những cố gắng của cả một đội ngũ người viết trẻ, sự nâng đỡ, chắp cánh của Hội nhà văn Việt Nam và các Hội văn học nghệ thuật các địa phương, các nhà xuất bản, các tờ báo, là rất đáng trân trọng. Nhà xuất bản Trẻ nhiều năm nay duy trì Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20. Thế nhưng một mùa gặt mới thì vẫn còn phải chờ đợi và hi vọng. Trẻ, vẫn chưa hình thành một đội ngũ xứng với tiềm năng. Trẻ, điều chúng ta mong mỏi là những tiếng nói mới và lạ, nhưng “tiếng cả nhà thanh” còn vắng, chưa nhiều và chưa đều. Cổ nhân thường khuyên: đừng nhìn mãi vào cái chưa có, hãy nhìn vào cái đã có. Hi vọng hình thành một trào lưu, một khuynh hướng nghệ thuật giàu sức trẻ là chính đáng, nhưng hãy kiên trì tìm tòi, tiếp sức, để tránh sa vào nghiệp dư hóa, sáo mòn, lặp lại.

Điều cuối cùng chúng tôi muốn nói tới, xin mượn ý một nhà văn trẻ, khao khát sáng tạo bao giờ cũng đi liền với lòng biết ơn và không ngừng học hỏi. Biết ơn Đất nước, Nhân dân, Đảng, Nhà nước, biết ơn các thế hệ nhà văn đi trước – những người cầm súng trước khi cầm bút, nhiều người đã ngã xuống chiến hào để có những trang viết tươi ròng, bất tử về cuộc chiến tranh kỳ vĩ của một dân tộc anh hùng. Sáng tạo, lòng biết ơn, cùng với trí tuệ là nguồn sáng, nguồn cảm hứng mãnh liệt cho ngòi bút của chúng ta./.

 

 

Nguồn: Báo Văn Nghệ số đặc biệt chào mừng Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc 2022.