Đôi khi vốn sống gián tiếp thông qua sách vở và kinh nghiệm của người khác, lại có ý nghĩa hơn, mạnh mẽ hơn kinh nghiệm trực tiếp… Lỗ Tấn từng bảo: “Không nhất thiết phải sống trong chảo mỡ mới hiểu được tâm trạng của miếng mỡ rán”.


SỰ TRẢI NGHIỆM VÀ VỐN SỐNG GIÁN TIẾP TRONG SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT

MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN

Trên van.vn có một bài viết khá lý thú: “Có phải cứ trải nghiệm mới viết được văn?” về cuộc tọa đàm “Văn học trẻ Hà Nội có gì mới?”, chuẩn bị cho Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần X sắp diễn ra tại Đà Nẵng. Tôi là người ngoài cuộc của các hội văn chương, song yêu văn học, xin có vài ý nhỏ góp vui:

Nhớ dạo thi vào ngành Điện ảnh (Khóa Tu nghiệp ĐH Đạo diễn đầu tiên và cũng là cuối cùng, do Cục Điện ảnh, Trường ĐHSK-ĐA HN và các Hãng phim trong nước kết hợp tổ chức để tuyển đạo diễn, biên kịch, lý luận phê bình, họa sĩ phim, chủ nhiệm phim). Trong buổi thi vấn đáp, là buổi cuối cùng, sau khi các thầy Ban Giám khảo gật gù vẻ hài lòng về các câu trả lời của tôi, thì đạo diễn Trần Vũ chốt lại, hỏi một câu khá “hóc”: “Anh đã lập gia đình chưa?” Tôi trả lời chưa, thì liền bị “phang” như sau: “Thế thì anh làm đạo diễn thế nào được! Anh làm sao miêu tả được chân thực tình cảm của người chồng với vợ, người cha với con, khi chưa từng là một người chủ gia đình?”

Nếu không trả lời hoặc trả lời ú ớ, thì mọi cố gắng từ đầu cuộc thi sẽ bị ném xuống sông xuống biển, vĩnh viễn “Goodbye” giấc mơ điện ảnh! Tôi liều mạng khi bắt buộc phải “thông minh đột xuất”:

- Thưa Ban giám khảo, em chưa có được gia đình riêng khi đã tới tuổi “tam thập nhi lập”, đó là một sự kém cỏi của em, khiến nhiều người thân phải thất vọng. Song em thiển nghĩ: đôi khi vốn sống gián tiếp thông qua sách vở và kinh nghiệm của người khác, lại có ý nghĩa hơn, mạnh mẽ hơn kinh nghiệm trực tiếp… Em nhớ ông Lỗ Tấn từng bảo: “Không nhất thiết phải sống trong chảo mỡ mới hiểu được tâm trạng của miếng mỡ rán”, và ông Dostoievski cũng nói: “Để miêu tả tâm trạng của chàng sinh viên Raskonikov khi giết người thì không cần phải là một kẻ cầm búa giết người”…

Bất ngờ cả Ban giám khảo vỗ tay - như một trường hợp ngoại lệ hiếm hoi trong các cuộc thi khắt khe thế này, và tôi liền bị “đuổi” ra ngoài để kết thúc phần “nung vôi” một kẻ ngoại đạo ĐA dám mon men tán tỉnh Nàng Tiên út-Nghệ thuật Thứ Bảy!

Xét cho cùng, đó chỉ là một kiểu bao biện, dùng tý chút tiểu xảo và kiến thức cóp nhặt để chống chế, và chắc chắn sẽ có hại cho bạn trẻ cầm bút nào quan niệm rằng: “vốn sống trực tiếp, sự từng trải không có gía trị gì lắm trong sáng tác văn học”… Nhiều nhà văn lớn tuổi và ông Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội trong tọa đàm trên đã nói tới sự cần thiết phải có sự trải nghiệm cuộc sống kết hợp với sách vở - vốn sống gián tiếp.

Ở đây chỉ xin nhắc lại một câu nói của nhà thơ Ba Tư Saadi mà nhà văn K. Pautovski có trích dẫn trong bài viết “Một con người lớn lao” nhân dịp kỷ niệm M. Gorki tròn 50 tuổi:  “Tôi dùng 30 năm để chu du. Tôi đã sống nhiều ngày với những con người thuộc mọi dân tộc và đã sưởi ấm bên nhiều đống lửa trại. Tôi đã thấy chút ít vẻ đẹp lớn lao tràn đầy vũ trụ. Tôi đã dùng 30 năm để học và 30 năm cuối cùng để sáng tác. Sung sướng thay kẻ nào sau khi sống cuộc đời như thế, đã để lại cho con cháu dấu ấn của tâm hồn mình”. Và bản thân Pautovski cũng đã sáng tác theo phương châm: “Cuốn sách hay chỉ ra đời như kết quả của một cuộc đời đầy giá trị và sáng tạo” (Nguyễn Hải Hà dịch, Vịnh Mõm đen, Nxb Thanh niên, 1978).