Nhà văn trẻ phải viết ra sao trong thời đại số hóa, là câu hỏi gay gắt ở Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc 2022 tổ chức tại Đà Nẵng.


Nhà văn trẻ hôm nay được tiếp xúc với những nền văn học và văn hóa phong phú và khác biệt hơn các thế hệ nhà văn đi trước. Nhà văn trẻ hôm nay được tiếp nhận nhiều hơn những thông tin đa chiều, có nhiều điều kiện công bố tác phẩm hơn và được sống trong một nền dân chủ ngày càng rộng mở. Đó là những khẳng định của Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc 2022 diễn ra hai ngày 18-19/6.

Nhà văn trẻ cũng nhận được sự quan tâm của các vị lãnh đạo cao cấp. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen ngợi hai gương mặt trong Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc 2022 là nhà văn trẻ Trần Phú Minh Anh (đại biểu trẻ nhất, 15 tuổi, học sinh tại TP.HCM) và nhà thơ trẻ Vũ Nguyên (đại biểu là người khuyết tật, cư ngụ tại Sầm Sơn, Thanh Hóa).

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng gửi quà tặng đến các nhà văn trẻ, mỗi đại biểu một cái đồng hồ, với lời nhắc nhở hãy trân trọng từng khoảnh khắc tuổi trẻ để sáng tạo.

Đại biểu nhà văn trẻ được giới hạn dưới tuổi 35, nghĩa là xác định tuổi đời chứ không phải tuổi nghề. Nhà văn trẻ phải viết gi trong thời đại số hóa, khi mà thị hiếu của công chúng đã tập trung vào các phương tiện nghe - nhìn?

Nhà văn trẻ phải viết ra sao, khi quá khứ từng có những tác phẩm được viết từ giai đoạn thanh xuân của các bậc tiền bối hà thơ Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” khi chưa đầy 40 tuổi, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu viết “Lục Vân Tiên” năm 29 tuổi, nhà văn Nam Cao viết “Chí Phèo” năm 24 tuổi, nhà văn Vũ Trọng Phụng viết “Số đỏ” năm 24 tuổi, nhà thơ Chế Lan Viên viết “Điêu tàn” năm 17 tuổi, nhà thơ Xuân Diệu viết “Thơ Thơ” năm 22 tuổi...?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nhà thơ trẻ Vũ Nguyên.


Trong diễn văn khai mạc có tên gọi “Cho cái đẹp và tự do”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam- Nguyễn Quang Thiều đưa ra nhiều gợi ý mạnh dạn và nóng bỏng:

“Vì sao chúng ta viết? Chúng ta viết bởi chúng ta nhận ra trong thời đại chúng ta đang sống vẫn ẩn chứa nhiều tội ác. Đó là những cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, đó là những cuộc chiến tranh tàn khốc, đó là sự áp đặt độc tài của một người này với một người khác, của một quốc gia này với một quốc gia khác. Và nhà văn khi cầm bút chính là bước vào cuộc chiến đấu chống lại tội ác đó.

Vì sao chúng ta viết? Chúng ta viết bởi lòng hận thù giữa con người với con người đang có nguy cơ lan rộng trong mỗi nơi chốn con người đang sống. Bởi nhân phẩm con người đâu đấy trên thế gian này vẫn đang bị đối xử bằng bạo lực và bị định giá bằng vật chất. Sự hận thù là đồng minh của bóng tối. Mỗi trang viết của nhà văn phải thắp lên một ngọn lửa để xua đi bóng tối ấy. Nếu không làm được như vậy thì những gì chúng ta viết ra có nguy cơ trở thành kẻ đồng lõa với bóng tối, với tội ác. Và mỗi trang viết của chúng ta phải là những nhịp cầu bắc qua những ngăn cách, những vực sâu của hận thù để mang yêu thương tới mỗi con người”.

Không khó khăn gì để những người tổ chức cuộc quy tụ nhà văn trẻ cả nước, nhận ra rằng: Bên cạnh lối viết truyền thống, nhiều cây bút trẻ đã có những tìm tòi, thể nghiệm, bắt kịp những khuynh hướng sáng tác mới hiện nay của thế giới như văn học phi hư cấu, tiểu thuyết giả tưởng hay phong cách hiện thực huyền ảo...; một số người quay về với tiểu thuyết trinh thám, kinh dị làm nên một bức tranh văn chương vô cùng phong phú. Có một hiện tượng đáng chú ý là những năm gần đây nhiều tác giả trẻ “tấn công” vào đề tài lịch sử, lý giải lịch sử bằng cái nhìn đương đại.

Nhà thơ Hữu Việt ở tuổi 59, với tư cách Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, nhắn nhủ các đại biểu đôi mươi nhiệt huyết: “Hãy sống và viết như những người mở đường rực rỡ để khám phá vẻ đẹp của con người, thiên nhiên, tình yêu, những điều cao cả, những thân phận bé nhỏ, sự quyến rũ và bí ẩn của tâm hồn, của vũ trụ và cả những điều bình thường nhất mà ta vẫn gặp hằng ngày. Hãy viết như thể, nếu ta không viết ra thì văn học sẽ thiếu vắng điều đó. Hãy làm công việc này thật bình tĩnh, bền bỉ, nhẫn nại và đừng sốt ruột”.

                                                            TUY HÒA