Người phụ nữ Lâm Thị Ngọc Hạnh – nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Hoàng Việt viết bản “Tình ca” bất hủ, vừa qua đời ở tuổi 94, vào sáng 9/6 tại TP.HCM.


Người phụ nữ có họ tên Lâm Thị Ngọc Hạnh không phải nhân vật của công chúng, nhưng lịch sử âm nhạc Việt Nam luôn ghi ơn bà. Bởi lẽ, người phụ nữ ấy chính là vợ của nhạc sĩ Hoàng Việt (Lê Chí Trực, 1928-1967). Người phụ nữ ấy đã sinh nở và nuôi dưỡng cho nhạc sĩ Hoàng Việt cả thảy 4 người con.

Người phụ nữ Lâm Thị Ngọc Hạnh đã sánh duyên với chàng trai Lê Chí Trực cùng tuổi với mình, vào năm 1949. Khi chồng tham gia cách mạng, bà chấp nhận làm hậu phương lặng lẽ cho chồng, như lời ca khúc mà nhạc sĩ viết Em đi cắt lúa trên ngàn, còn anh chiến đấu sa tràng/ Mai này kháng chiến thành công, anh về em thỏa ước mong.

Năm 1954, sau hai con trai Lê Chí Dũng và Lê Hữu Dụng ra đời, thì nhạc sĩ Hoàng Việt tập kết ra Bắc, khi bà Lâm Thị Ngọc Hạnh đang mang thai con gái thứ ba Lê Thị Thanh Bình. Hành trang nhạc sĩ Hoàng Việt mang theo không chỉ là những ca khúc “Tiếng còi trong sương đêm”, “Lá xanh”, “Lên ngàn”, “Nhạc rừng”... mà còn là nỗi nhớ thương người vợ miền Nam.

Vì vậy, hình ảnh bà Lâm Thị Ngọc Hạnh trở thành cảm hứng để nhạc sĩ Hoàng Việt sáng tác ca khúc tốt nghiệp khóa đào tạo đầu tiên của Trường âm nhạc Việt Nam là bản “Tình ca”, vào năm 1957: “Khi hát lên tiếng ca gởi về người yêu quê ta. Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba. Em ơi! nghe chăng lời trái tim vọng ra. Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang. Qua núi biếc chập chùng xa xa. Qua bóng mây che mờ quê ta. Tiếng ca đời đời chung thủy thiết tha”.

Suốt 12 năm nhẫn nại một mình nuôi 3 đứa con, người phụ nữ Lâm Thị Ngọc Hạnh mới có dịp gặp lại chồng mình, khi nhạc sĩ Hoàng Việt trở lại chiến trường miền Nam vào năm 1966. Cuộc đoàn viên thật ngắn ngủi, đứa con trai thứ tư Lê Trùng Phùng vừa tròn 1 tháng tuổi, thì nhạc sĩ Hoàng Việt hy sinh tại Cái Bè – Tiền Giang ngày 31/12/1967.

Đứa con trai thứ tư Lê Trùng Phùng của nhạc sĩ Hoàng Việt, chưa bao giờ được thấy mặt cha. Trưởng thành, Lê Trùng Phùng lấy họ Lâm của mẹ để bước vào nghệ thuật, là đạo diễn Lâm Lê Dũng.     

Nhạc sĩ Hoàng Việt được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996 và được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân năm 2011. Và người đóng góp lớn nhất vào cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Việt, chính là bà Lâm Thị Ngọc Hạnh.

Bà Lâm Thị Ngọc Hạnh (1928-2022).


Tình cảm mà nhạc sĩ Hoàng Việt gửi gắm cho vợ hiền: “Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa/ Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu/ Đập tan ngay bao đau khổ và chia ly/ Giữ lấy đức tin bền vững em ơi! Giữ lấy trái tim đời sống yêu đời/ Làm một bài tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người”, sau này được nhắc nhớ trong tên gọi đứa cháu ngoại Nguyễn Thị Tình Ca.

Ngoài bản “Tình ca” bất hủ, nhạc sĩ Hoàng Việt còn một tác phẩm nữa viết tặng người phụ nữ Lâm Thị Ngọc Hạnh là ca khúc “Vẳng từ quê nhà”. Nhạc sĩ Hoàng Việt gọi ca khúc “Vẳng từ quê nhà” là “Tình ca số 2”.

Ca khúc “Vẳng từ quê nhà” với bút tích của nhạc sĩ Hoàng Việt, được bà Lâm Thị Ngọc Hạnh cất giữ cẩn thận đến tận những giây cuối cùng trên cuộc đời, với những lời nồng nàn “Đây còn đây sông núi xưa vẫn đẹp/ Như tình em chung thủy đợi tháng năm chưa hề nhạt phai/ Quê hương dù bóng đêm còn che mờ nửa trời/ Nhưng trái tim yêu đời sáng như ánh dương ngời ngời/ Cho dù sao dời vật đổi/ Cho dù núi lấp sông ngăn/ Nối liền tình ta trên Tổ quốc mênh mang…”.

                                TUY HÒA