Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được nhiều học giả nước ngoài ca ngợi cả về cuộc đời và sự nghiệp, tại Hội thảo khoa học quốc tế khai mạc sáng 29/6 tại Bến Tre.


Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) được UNESCO đưa vào danh sách tôn vinh nhân vật văn hóa có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên về Đồ Chiểu, được tổ chức tại thành phố Bến Tre, thu hút hơn 100 tham luận của các học giả trong nước và nước ngoài.

Trên mảnh đất mà danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được người dân trìu mến xưng tụng “ông già Ba Tri”, 17 tham luận của các học giả nước ngoài đã dành những lời kính trọng nhất để tôn vinh tác giả “Lục Vân Tiên”

Tiến sĩ Pascal Bourdeaux đến từ Viện khảo cứu cao cấp Pháp, nhận định: “Nguyễn Đình Chiểu thuộc thế hệ nếm trải cuộc xâm lăng của Pháp và hứng chịu những hậu quả đầu tiên của chế độ thực dân. Sự nghiệp văn chương của ông phản ánh rõ điều này. Nếu như về nội dung, tác phẩm của ông vì thời cuộc mà có khuynh hướng bày tỏ lòng yêu nước, thì về hình thức, nó cũng có những chuyển biến quan trọng nhờ sự phát triển của ngành in ấn và việc một số tác phẩm sớm được dịch sang tiếng Pháp như “Lục Vân Tiên”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Chính vì thế, nhà cầm quyền Pháp duy trì mối quan hệ đầy mâu thuẫn với Đồ Chiểu lúc sinh thời. Hay nói rộng ra, đó là quan hệ văn hóa đặc biệt được hình thành giữa nền văn học Pháp, nơi đón nhận những bản dịch của nhà thơ và di cảo của ông, vẫn cần được tiếp tục khám phá”

Hai nhà nghiên cứu Hàn Quốc – Jeon Hye Kyung và Lee Hyeo Heong đã bỏ công nghiên cứu sự tương đồng giữa “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu và “Chun – Hyang Jeon” (Xuân Hương truyện) khá thịnh hành ở xứ củ sâm, và đưa ra đối chiếu: “Ở cả Việt Nam và Hàn Quốc, thế kỷ 18 và 19 là giai đoạn đánh sự kết thúc thời kỳ toàn thịnh của văn học chữ Hán, vốn là thể loại văn viết phổ biến ở khu vực Đông Á, và đón chào thời kỳ toàn thịnh của văn học chữ quốc ngữ. Trong thời kỳ này, văn học chữ Nôm phổ biến tại Việt Nam và văn học Hangeul lên ngôi tại Hàn Quốc. Theo đó, theo đó tại Việt Nam có các tác phẩm tiêu biểu như “Truyện Kiều” và “Lục Vân Tiên”, còn tại Hàn Quốc xuất hiện “Thẩm Thanh truyện” và “Xuân Hương truyện”.

Tiến sĩ Bùi Long đến từ Học viện Nghệ thuật Quảng Tây – Trung Quốc, đánh giá: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ có vai trò quan trọng trong việc thừa kế tiền nhân, tiếp truyền hậu thế trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam từ cổ đại đến cận đại. Cả cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là sự kết hợp giữa tinh thần lao động không mệt mỏi và lòng yêu nước bất khuất. Bất chấp hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói và bệnh tật, ông đã đem toàn bộ tâm huyết, sức lực và tinh thần hiến dâng cho sự nghiệp giáo dục, làm thuốc và sáng tác văn học”.

Giáo sư A. Ya. Sokolovsky đến từ Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông của Nga, chia sẻ: “Tên tuổi của nhà thơ yêu nước Việt Nam vĩ đại nhất thế kỷ 19 – Nguyễn Đình Chiểu, được nhiều người biết đến ở Nga. Ông chủ yếu được biết đến với tư cách là một đại biểu xuất sắc của văn học chống Pháp tại Việt Nam thời thuộc địa. Tác phẩm chính của ông được biết đến ở đất nước chúng tôi, nhờ vào những bản dịch và nghiên cứu của những nhà Phương Đông học”

                                              TUY HÒA