Trước khi chờ một cơ chế bảo vệ và được bảo vệ thành công, an toàn, hiệu quả thì duy nhất mỗi cách là mỗi người - nếu đã đủ hiểu biết, tri thức, có sẵn khát vọng làm việc, cống hiến thì phải tự tìm cách tự vệ.


Có một loại cán bộ +++

LÊ HUYỀN ÁI MỸ

 

Chiều 4.6, tại hội nghị quán triệt kế hoạch số 124 của Ban Thường vụ Thành ủy về triển khai thực hiện kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói, “hiện chúng ta có 3 loại cán bộ. Đó là cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh và chịu trách nhiệm. Thành phần thứ 2 là ai sao tôi vậy, tới đâu hay tới đó. Thứ 3 là bộ phận cán bộ tiêu cực, toàn nghĩ đến lợi ích bản thân”.

Tôi nghĩ còn có thêm một loại cán bộ +++, nó cộng sinh, hỗn hợp và phát triển lẫn nhau, trong từng giai đoạn, môi trường công vụ của cả ba loại cán bộ mà ông bí thư nêu ra. Có thể, ban đầu là loại 1, rồi mài mòn thành loại 2 và khi gặp “nước đục”, sự biến đổi chất xảy ra nhậm lẹ, thành loại 3. Hay có khi ban đầu là loại 2, kiếm một chỗ trú thân nhưng quá nhiều “ai sao” - dính chàm -nên “tôi vậy” theo cùng, thành mưu cầu ấm cật, thành loại 3.

Trong cuốn “Tư bản thân hữu Trung Quốc”, tác giả Minxin Pei có dẫn 3 trường hợp tham nhũng trong cùng một đơn vị, nhưng lại là “tham nhũng độc lập”, tức thấy, biết đồng chí mình “ăn” trước, coi như không biết và kiếm chỗ khác để “ăn”. Nhưng dù có tham nhũng cấu kết hay độc lập thì hệ quả vẫn là tham nhũng sụp đổ - chữ dùng của Minxin Pei - có vụ, ở một thành phố thuộc tỉnh, đường dây tham nhũng đã dẫn cả trăm quan chức vào tù, từ cán bộ cấp phòng (sở), cán bộ trực tiếp “trông coi” dưới địa bàn quận/huyện đến lãnh đạo chóp bu (cả đảng lẫn chính quyền).

Cái loại thứ 3 ấy ấy, nó lại biến hình, xảo thuật đến khó tin. Nhưng, vì nó quá hoàn hảo trong lớp vỏ bọc “thanh lương”, “năng nổ” trong một khoảng thời gian tương đối dài, nên phải chịu khó quan sát, theo dõi chúng thì cũng sẽ nhận ra ngay “tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình” - chúng chỉ diễn trong khi chờ cơ hội tham nhũng mà thôi; hoặc vung tay trái diễn, tay phải đút dưới gầm bàn.

Một đặc điểm dễ nhận diện dấu hiệu của chúng là hầu hết các “mâm cỗ doanh nghiệp” nào cũng có những “bát khuôn mặt” ấy, dưới hình thức nào “chỗ thân quen”, nào “ông anh, đứa em” rồi môi giới, kết nối, bày trò (ăn chơi, hưởng lạc, đút túi).

Nhìn lại danh sách “cán bộ đút lò” thời gian qua, có khá nhiều người mà tôi tin rằng, họ đã từng là loại 1 rồi mới tiến dần đến loại 3, tiến từ thụ động đến chủ động. Cơ chế, môi trường đã biến đổi họ đi từng ngày. Cho nên, trước khi chờ một cơ chế bảo vệ và được bảo vệ thành công, an toàn, hiệu quả thì duy nhất mỗi cách là mỗi người - nếu đã đủ hiểu biết, tri thức, có sẵn khát vọng làm việc, cống hiến thì phải tự tìm cách tự vệ. Mà thành lũy cuối cùng, có khi là… rời bỏ, ra khỏi “chốn lao xao”!

Trở lại với bảng phân loại của ông bí thư, tôi nghĩ, ông đã tường minh cái “lằn ranh giữa đổi mới, sáng tạo và cố ý làm trái rất mong manh”; và chính nhờ sự mong manh ấy mới là phép thử - giữ mình của con người -cán bộ; là cuộc giằng co, chiến đấu mà chiến thắng phải thuộc về cái sạch sẽ, tử tế, liêm chính.

Cũng như, một khi đã nhận diện, phát hiện mầm mống, biểu hiện của loại 3 đang tồn tại, lẩn khuất nơi hang này hốc kia thì duy nhất một phương cách, biện pháp là loại bỏ chúng ra khỏi môi trường, đừng luân chuyển, bố trí hay cho chúng an vị ở bất kỳ đâu. Vì chúng là virus có tính đột biến cao, là tác nhân gây đại dịch “ăn không từ thứ gì”.

Chỉ sợ đến khi, không còn phân biệt đâu là loại 1 loại 2 hay loại 3, nghĩa là không còn cán bộ để mua chuộc, cán bộ cũng chẳng phải là cán bộ để tham ô, tham nhũng mà đã hoàn tất cuộc “tư nhân hóa quyền lực nhà nước”, “nhà nước xã hội đen địa phương” như điềm chỉ của Minxin Pei đối với guồng máy chính trị ở Trung Quốc./.