Việc người ta nghi ngờ nó là giả chỉ chứng tỏ cái cũ đã tồn tại quá lâu và trong đầu óc người ta mọi cái khác đi bị coi là giả, với nghĩa xấu nhất mà chữ giả vẫn được hiểu. Đã cổ hủ đến thâm căn cố đé như thế thì còn hòng gì thay đổi nữa.


CÁI GIẢ LÀM LỘ BẢN CHẤT XẤU XA CỦA CÁI THẬT

VƯƠNG TRÍ NHÀN

Sự phổ biến của cái giả

Không khó gì nếu muốn tìm dẫn chứng cho sự phổ biến của cái giả trong xã hội chúng ta đang sống.

Nhà văn bạn tôi Triệu Bôn nhiều năm sống ở chiến trường, nên thấy sau chiến tranh quê hương biến chất lấy làm bực bội lắm. Trước khi ông mất, đến thăm ông ốm, tôi được nghe ông cười nhạt bảo: “Tôi đã thấy những tờ giấy báo để nguyên đặt giữa xếp tiền âm phủ người ta bán cho mẹ Hằng nhà tôi về đốt ngày giỗ. Tức là có hàng giả của hàng giả. Thế thì ông tính còn cái gì người ta không tính chuyện bịp nữa”.

Trong trường hợp này người ta làm hàng giả để đỡ mất công hơn làm hàng thật.

Giả sống hơn thật

Cuối năm 2004, tôi đọc được một bài báo kể chuyện bên giới nghệ thuật tranh làm giả lại bán chạy hơn tranh thật và cố nhiên là các họa sĩ làm giả đó sống khỏe hơn các họa sĩ “chỉ là chính mình”.

Tương tự, về chuyện quan họ - theo lời nhà văn Nguyễn Phan Hách - ở Bắc Ninh đang có hiện tượng vui vui. Các diễn viên quan họ thật thì sống khó khăn, thỉnh thoảng đi diễn mà chẳng được bao nhiêu. Ngược lại, số diễn viên nghiệp dư trong những tổ chức “dân lập” hoạt động theo lối xe ôm, taxi, lúc nào cũng túc trực đấy, có người mời là đến phục vụ liền, sống khá sung túc.

Những ví dụ này cho thấy mối quan hệ kỳ lạ giữa thật và giả. Trong khi nương tựa vào nhau chúng không chịu bó vào vị trí sẵn có. Đôi khi ở đây có cả sự thay bậc đổi ngôi nữa.

Trong tiểu thuyết “Thiên Long bát bộ” của Kim Dung, một chuyện giả thật kỳ thú cũng xảy ra với Thạch Phá Thiên. Nhân vật này bị bắt đi, thay vào đấy một Thạch Phá Thiên giả, tạo ra “náo kịch” mang đầy dư vị triết lý.

Ngày nay trong giới viết văn, viết báo mới vào nghề hồi chống Mỹ bọn tôi, không thiếu gì người hồi chiến tranh viết rất hay, nhưng càng già viết càng nhạt hẳn đi. Ví dụ như Phạm Tiến Duật. Cố nhiên rất nhiều, rất nhiều các nhà thơ cùng lứa với Duật sau chiến tranh đã dở đi. Nhưng vì bọn tôi từng yêu Duật quá, đề cao nhà thơ Trường Sơn này lên, nên bây giờ mới bàn nhiều về cái sự suy vi kém cỏi của thơ ông.

So với ông Duật cũ nay chúng tôi có một ông Duât hồn cốt hôm qua chẳng còn là bao. Khi muốn gọi ra một bài của ông viết sau chiến tranh, chẳng biết gọi bài nào cả.

Bắt chước cách nói của Kim Dung, một người bạn khác, tôi không nhớ là ai, đã bảo :

-Giờ thì ông Duật ấy là ông Duật giả. Chứ Phạm Tiến Duật thật bị bắt về Tàu rồi.

Giả lại hơn thật – chuyện chỉ có ở VN sau chiến tranh

Khoảng những năm 1975-1980, đất nước mới thống nhất, trong khi nhiều thứ hàng được mang từ Sài Gòn ra Hà Nội, thì cũng có một vài thứ mang ngược từ Hà Nội vào, trong đó có bút máy Trường Sơn do Nhà máy Hồng Hà chế tạo.

Bút thuộc loại xoàng, bây giờ đã tuyệt chủng. Thế nhưng người dân Sài Gòn lúc ấy vẫn thích có một thứ gì đó của miền Bắc trong nhà nên đua nhau sắm.

Thế là đẻ ra cái chuyện mấy bác ba Tàu ở Chợ Lớn làm giả bút máy Trường Sơn để bán.

Nhưng lạ nhất là cái sự thực sau đây, người nói với tôi là nhà văn Nguyễn Quang Sáng:

-Này, chính Trường Sơn giả lại tốt hơn Trường Sơn thật, thế mới bán chạy.

Cái giả làm lộ bản chất xấu xa của cái thật

Còn đây là một ví dụ về mối quan hệ thật, giả trên phương diện chính trị xã hội tôi đọc được trên báo Tuổi Trẻ số ra 17/4/2007.

Chuyện kể rằng đầu năm 2007, Trùng Khánh nhật báo ở Trung Quốc làm một cuộc thay đổi, trong một số ở trang nhất đưa tin một xã trưởng vận động gánh nước cho dân, còn tin nhà lãnh đạo thành phố làm gì đó thì mang vào trang hai.

Thông thường báo chí bên Tầu cũng như bên ta, sự kiện gì đó có liên quan đến cấp cao thì tô đậm kẻ viền, đưa vào chỗ thật nổi, còn chuyện của quan chức cấp dưới và dân thường thì giấu tít vào trong. Sự thay đổi kỳ lạ quá, đến mức có người đã nghi tờ Trùng Khánh nhật báo hôm đó là báo giả, nên mang về nhà đối chiếu. Không chừng còn có người đi tố cáo nữa!

Trong các trường hợp ở trên, cái giả thường khi là cái kém cỏi. Ở trường hợp này, cái giả chỉ là cái khác. Còn tin đưa trên Trùng Khánh nhật báo bị nghi là giả vì cách người ta đưa nó khác đi so với cách tờ báo vẫn đưa.

Việc người ta nghi ngờ nó là giả chỉ chứng tỏ cái cũ đã tồn tại quá lâu và trong đầu óc người ta mọi cái khác đi bị coi là giả, với nghĩa xấu nhất mà chữ giả vẫn được hiểu. Đã cổ hủ đến thâm căn cố đé như thế thì còn hòng gì thay đổi nữa.

Quanh chuyện sự phổ biến của cái giả ở VN. Một chuyện vui vui. Nói tới cái giả ở người Việt tôi nhớ hơn cả tới cái ý khá độc đáo của Ngô Tất Tố, chuyện ông nêu ra làm hiển hiện cái chất giả mà chỉ người Việt mới có. Trên một số báo Thời vụ, ra năm 1938, tác giả Tắt đèn viết:

“Đọc báo hàng ngày, thỉnh thoảng lại thấy xã hội Việt Nam sản ra những bọn người giả.

Giả mật thám, giả lính đoan, giả làm người của sở nọ sở kia.

Hạng người nào cũng có kẻ giả, trừ ra một bọn ăn cướp.

Có lẽ trong các thực đơn của thế giới, không đâu có nhiều món giả bằng nước An Nam.

Cũng thì một miếng thịt, người ta bầy ra đủ trò:

-nấu với tiết gọi là giả trâu,

-nấu với riềng mẻ gọi là giả cầy,

-nấu với hành răm gọi là giả chim, nấu với đậu nghệ gọi là giả ba ba, đốt đi rồi bóp với thính đỗ tương thì lại bảo là giả dê.

Đồ ăn là thứ sẽ ăn vào miệng, hễ qua hàm răng thì nó là lợn hay trâu, hay gì gì nữa, cái lưỡi sẽ biết tức thì, thế mà chúng ta cứ làm giả, thì có khác chi xúi giục nhau rằng: trên đời không có cái gì mà không giả được? Cái nạn nhiều hạng người giả cũng từ đấy mà ra”.

Thoạt nghe “đôi khi cái giả lại rất cần thiết”, hẳn mọi người thấy chối tai, không thể chấp nhận. Song sự thực vẫn có biết bao trường hợp như vậy. Cái giả loại này đẩy xã hội đi tới. Và câu chuyện giả cầy, giả chim... mà Ngô Tất Tố nói cũng không xấu nữa.

 

Nguồn: Facebook Vương Trí Nhàn