Có thể mong đợi sự kiên cường của những người lính Ukraine và kỹ năng chiến đấu của họ sẽ được cải thiện nhờ tích lũy được kinh nghiệm. Tuy nhiên, Ukraine khó có thể giành được một chiến thắng quyết định trước Nga và đánh bật các lực lượng vũ trang có tổ chức của Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ của mình.
XUNG ĐỘT Ở UKRAINE SẼ KẾT THÚC NHƯ THẾ NÀO ?
(Báo THE NATIONAL INTEREST - Mỹ)
Có vẻ như ngoại giao không phải là lựa chọn thuyết phục nhất để giải quyết xung đột Ukraine. Nhưng giải pháp thay thế - những trận chiến khốc liệt hơn với viễn cảnh mở rộng địa lý - thậm chí còn tồi tệ hơn.
Nếu lịch sử dạy chúng ta bất cứ điều gì, thì điều cần nhớ là việc kết thúc các cuộc chiến tranh khó hơn nhiều so với việc bắt đầu chúng. Điều này hoàn toàn áp dụng cho cuộc xung đột hiện tại giữa Nga và Ukraine, bắt đầu vào cuối tháng 2 năm 2022.
Sau hai tháng, cuộc giao tranh đã đi vào bế tắc và các bên đang tập hợp lực lượng lại trước cuộc tấn công của Nga ở Donbass. Cuộc giao tranh được dự đoán là sẽ rất căng thẳng, kéo dài và tốn kém cho cả hai bên. Người ta có cảm giác rằng các mục tiêu quân sự của Nga là ở chỗ tạo ra một hành lang trên bộ tới Crimea và "giải phóng" hoàn toàn Lugansk và Donetsk khỏi sự kiểm soát của Ukraine. Đến lượt mình, Ukraine cố gắng duy trì chế độ và quyền kiểm soát đối với lãnh thổ có chủ quyền của mình, bao gồm cả những vùng có đa số người nói tiếng Nga sinh sống.
Làm thế nào để có thể kết thúc cuộc xung đột này? Có bốn lựa chọn có thể ảnh hưởng cả tới lãnh đạo Nga,lãnh đạo Ukraina và cộng đồng thế giới: (1) một bên dáng những thất bại quân sự quyết định, buộc bên kia tuân thủ trật tự sau chiến tranh,đáp ứng lợi ích của bên thắng; (2) tình trạng bế tắc quân sự kéo dài với sự tăng cường dần dần của các lực lượng mới và gia tăng thương vong làm tăng áp lực cho một giải pháp ngoại giao; (3) leo thang làm thay đổi rất nhiều tính chất của cuộc xung đột - theo chiều ngang ( nhiều quốc gia tham gia vào cuộc giao tranh hơn) hoặc theo chiều dọc (vũ khí hủy diệt hàng loạt được sử dụng); (4) một cuộc khủng hoảng xảy ra đồng thời ở một nơi khác trên thế giới ảnh hưởng đến các lợi ích chính của Hoa Kỳ và quốc tế (ví dụ: Trung Quốc đe dọa hoặc thậm chí tiến hành tấn công Đài Loan).
Lựa chọn đầu tiên - một bên đầu hàng hoàn toàn và bên kia giành chiến thắng quyết định - vào thời điểm hiện tại dường như điều này không thể xảy ra. NATO có thể vũ trang cho Ukraine vô tận, và sự cô lập về mặt ngoại giao của Nga sẽ chẳng giúp ích được gì nhiều cho Nga có được sự hỗ trợ toàn cầu. Có thể mong đợi sự kiên cường của những người lính Ukraine và kỹ năng chiến đấu của họ sẽ được cải thiện nhờ tích lũy được kinh nghiệm. Tuy nhiên, Ukraine khó có thể giành được một chiến thắng quyết định trước Nga và đánh bật các lực lượng vũ trang có tổ chức của Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ của mình. Sự gần gụi của Nga với miền Đông Ukraine đảm bảo cho họ có thể tiếp tục duy trì tình trạng hỗn loạn trong khu vực nếu họ thấy rằng cái giá phải trả của các hành động thù địch nằm trong tầm tay.
Từ đây dẫn đến lựa chọn thứ hai - một cuộc xung đột kéo dài sau đó là một cuộc ngừng bắn bằng các cuộc thương lượng và một giải pháp hòa bình - dường như thực tế hơn là chiến thắng hoặc thất bại hoàn toàn cho một trong hai bên. Tuy nhiên, để lựa chọn này thành hiện thực, cần phải đưa ra phương pháp ngoại giao khéo léo từ NATO, Nga, Ukraine và các nhà hòa giải quốc tế lành nghề.
Hiện tại, ngoại giao đã lùi bước trước giao tranh - ngay cả khi quy mô và hàng loạt các hành động tàn bạo của nó đã khiến các nhà quan sát quốc tế tức giận. Tuy nhiên, cuộc chiến vẫn sẽ tiếp tục, chừng nào các đối thủ và cộng đồng quốc tế còn chưa tìm thấy biện pháp ngoại giao thích hợp.Các cuộc đàm phán cần phải được kết nối với đại diện của Liên hợp Quốc, Liên Minh châu Âu, Tổ chức an ninh và hợp tại tại châu Âu (OBSE) và các nước lớn không thuộc châu Âu.
Mục đích hàng đầu của các cuộc thương thảo ngoại giao giữa Ukraine, Nga, NATO và các nước khác là phải đạt tới thỏa thuận chấm dứt ngay xung đột. Đây không nhất thiết phải là quyết định cuối cùng về sự giải tỏa các lực lượng chiến đấu, nhưng cái gọi là thỏa thuận đình chiến "đứng ở vị trí bạn đang đứng" sẽ chấm dứt đổ máu. Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời sẽ được tiếp nối bởi một chuỗi các hội nghị chuyên môn với sự tham gia của Ukraine, Nga, NATO và các nước khác - theo một định dạng được tất cả các bên chấp nhận.
Nhiệm vụ thứ hai đối với ngoại giao là đồng ý về các điều khoản chính trị và quân sự được NATO, Nga và Ukraine đều tán thành. Có hai lựa chọn thay thế có thể đóng vai trò là điểm khởi đầu để thảo luận thêm.
Đầu tiên là công thức Minsk-2, cho phép quyền tự trị hạn chế đối với các vùng Lugansk và Donetsk trong lãnh thổ Ukraine có chủ quyền. Hiệp ước còn lại là Hiệp ước Nhà nước Áo năm 1955, xác định trước vị thế trung lập của nước này trong Chiến tranh Lạnh. Trong mọi trường hợp, các lực lượng vũ trang có tổ chức của Nga sẽ rút khỏi lãnh thổ Ukraine,cũng như bất kỳ lực lượng Ukraine nào rút khỏi lãnh thổ Nga
Ban đầu, quân du kích và các lực lượng không chính thức khác của một trong hai bên có thể còn ở lại trong lãnh thổ bên kia, nhưng các khu vực tranh chấp sẽ được tuần tra bởi lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế từ LHQ, EU hoặc OSCE.
Lựa chọn thứ ba sẽ có hiệu lực nếu một trong hai bên leo thang bằng cách mở rộng hoạt động quân sự sang các nước khác hoặc đưa vũ khí hủy diệt hàng loạt ra chiến trường. Một cuộc tấn công của Nga nhằm vào một quốc gia khác - chẳng hạn như Moldova, hoặc thậm chí xa hơn là một nước thuộc thành viên NATO - sẽ đòi hỏi liên minh phải đáp trả mạnh mẽ. Khi đó, sẽ nổ ra xung đột được tuyên bố giữa NATO với Nga, và tình hình ở Ukraine sẽ chỉ trở thành một phần của nó.
Thách thức đối với NATO trong tình huống này là duy trì sự thống nhất về chính trị và nhất trí về chiến lược quân sự trong bối cảnh các hành động quân sụ diễn ra với việc sử dụng vũ khí thông thường tầm xa.
Sự không xác định sẽ còn lớn hơn nếu Nga là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Ngay cả khi người Nga chỉ sử dụng vũ khí năng suất thấp bắn từ bệ phóng tầm ngắn đến tầm trung, tác động chính trị và tâm lý đối với Ukraine, NATO và cộng đồng quốc tế sẽ rất sâu sắc - và không hoàn toàn có thể đoán trước được. Có thể hiểu rằng hầu hết các chính phủ và công dân của họ sẽ kinh hoàng. Và NATO nên phản ứng như thế nào trước việc Nga sử dụng một cách hạn chế vũ khí hạt nhân?
Về mặt lý thuyết, có ba lựa chọn: (1) một cuộc tấn công trả đũa quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu của Nga bằng vũ khí thông thường, và với chính sách ngoại giao toàn cầu Nga sẽ bị mô tả như một kẻ xấu chưa từng thấy trong lịch sử, và cũng sẽ được cảnh báo rằng việc sử dụng thêm vũ khí hạt nhân sẽ gây ra đòn đáp trả hạt nhân của NATO; (2) một phản ứng hạt nhân có tỷ lệ sẽ nhằm vào các mục tiêu tương tự ở Nga, tương tự như những mục tiêu do chính Nga phá hủy; hoặc (3) một phản ứng hạt nhân không đối xứng của Nga nhằm vào nhiều mục tiêu quân sự và mục tiêu khác. Tất cả các lựa chọn của NATO có thể đi kèm với các cuộc tấn công không báo trước nhưng đáng kể vào các cơ sở không gian và điểm tấn công mạng của Nga.
Vấn đề làm thế nào để duy trì kiểm soát đối với sự leo thang và để ngỏ con đường kết thúc chiến tranh là vấn đề gay gắt và có lẽ về nguyên tắc là không thể vượt qua trong phương án thứ ba. Trong những năm Chiến tranh Lạnh, cả NATO và Liên Xô đều triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu trong nhiều thập kỷ, nhưng câu hỏi làm thế nào để ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân khi nó vượt qua ngưỡng đã khiến các nhà chiến lược quân sự và chính trị gia đau đầu. Theo quan điểm của các nhà khoa học lý thuyết, vũ khí hạt nhân có thể kéo theo sự cạnh tranh rủi ro và leo lên cái gọi là "những nấc thang của sự leo thang". Nhưng trong Chiến tranh Lạnh, các chính trị gia của cả NATO và Liên Xô đều coi chiến tranh hạt nhân là điều phải cân nhắc thận trọng, kể cả với quy mô “hạn chế”.
Sự thật là lúc đó cũng như bây giờ đã không có và hiện không có khuôn mẫu nào cho việc bắt đầu và kết thúc một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế. Thay cho kinh nghiệm, chúng ta chỉ có suy đoán và mô phỏng.
Giả sử rằng phương án thứ ba có thể tránh được, thì phương án thứ tư thể hiện một bước lùi tiềm ẩn khác đối với nỗ lực chấm dứt xung đột theo các điều kiện được cả Ukraine và Nga chấp nhận. Các động thái của Trung Quốc chống lại Đài Loan có thể dẫn đến thay đổi chế độ ở quốc đảo này, sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng thứ hai cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và các cố vấn quân sự của họ.
Rõ ràng là tiềm năng quân sự của Mỹ cho phép giải quyết cùng một lúc một số nhiệm vụ quân sự khu vực. Nhưng liệu các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có thể tập trung vào việc kiềm chế hoặc đánh bại Trung Quốc trong khi phải dẫn đầu các nỗ lực của NATO để bảo vệ Ukraine khỏi Nga hay không còn phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của Trung Quốc và Nga trong các chiến dịch quân sự của họ.
Một tình huống mà Trung Quốc tấn công Đài Loan trong khi Nga đồng thời leo thang theo chiều ngang hoặc chiều dọc ở châu Âu sẽ đẩy khả năng quản lý khủng hoảng và khả năng quân sự của Mỹ đến giới hạn. Sự lộn xộn tại Quốc hội và sự mất hướng trên các phương tiện truyền thông tại Mỹ càng khiến những người đứng đầu nước Mỹ gặp khó khăn hơn khi nghe theo lời khuyên của Rudyard Kipling: “Có an cư mới lạc nghiệp”
Có vẻ như ngoại giao không phải là lựa chọn thuyết phục nhất để giải quyết xung đột Ukraine. Nhưng giải pháp thay thế - các hành động quân sự tăng thêm độ khốc liệt với viễn cảnh mở rộng địa lý đất chiếm được- thậm chí còn tồi tệ hơn. Và nếu các chiến dịch của Trung Quốc và Nga diễn ra cùng lúc, mọi dự đoán đều trở nên vô nghĩa.
TÔ HOÀNG chuyển ngữ