Nhà thơ Từ Nguyên Thạch ra mắt tập truyện ký Hai bên chiến tuyến với những câu chuyện số phận con người đi qua chiến tranh, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành.


Nhà thơ Từ Nguyên Thạch từng được công chúng biết đến qua những vần thơ nhẹ nhàng như “biết tôi năm ấy phải lòng, mẹ ngồi mừng suốt mùa đông tuổi già”. Nhà thơ Từ Nguyên Thạch tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP.HCM năm 190, từng có một thời gian dạy học trước khi chuyển sang làm báo.

Ở tuổi 66, nhà thơ Từ Nguyên Thạch bất ngờ ra mắt một tập truyện ký viết về chiến tranh Việt Nam, có tên gọi “Hai bên chiến tuyến”, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành nhân dịp 47 năm thống nhất đất nước. Nhà thơ Từ Nguyên Thạch chia sẻ: “Đề tài này là vốn sống của các nhà văn cầm súng, nhưng điều đó không ngăn cản những “dân thường” như tôi viết về nó. Tuy tôi chưa trực tiếp cầm súng nhưng tôi có những bạn bè đi lính mất trong chiến tranh, những người thân trong gia đình, trong dòng họ cầm súng ở cả hai phía. Bản thân tôi trực tiếp chứng kiến những trận đánh, máy bay ném bom, pháo bắn, những mất mát đau thương… Chừng đó thôi chiến tranh cũng đủ ám ảnh tôi, buộc tôi phải cầm bút.

Mặt khác, viết về chiến tranh hiện nay còn nặng phần ngợi ca của “bên thắng cuộc” (làm sao mà không tránh được chủ quan) nên tôi muốn góp thêm cái nhìn của một dân thường ở đô thị miền Nam hay “vùng tạm chiếm” theo cách nói sau 1975. Và tôi nghĩ đó là điều cần thiết, vì nó làm cho cuộc chiến được nhìn một cách đầy đủ hơn”.

“Hai bên chiến tuyến” dày hơn 200 trang, gồm 13 truyện ngắn và ký. Đó là những ký ức đau đớn, nghiệt ngã được viết bằng một giọng văn tràn ngập yêu thương: Hai anh em trong một gia đình ở về hai phía của cuộc chiến với trái tim rách nát của người mẹ; một sĩ quan Cộng hòa không bắn vào anh du kích trong căn hầm;  một du kích già tìm mộ đồng đội đã an táng hài cốt một người lính Cộng hòa không người thân...

Cuốn sách không né tránh những góc khuất của cuộc chiến, như một cô gái yêu một lính viễn chinh Pháp dù phải hy sinh, một người lính Cộng hòa lái xe đưa một phụ nữ chuyển bụng đi sanh trong một đêm giới nghiêm, hoặc dòng người di tản xuống tàu Mỹ xuôi Nam vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến…

Nhà thơ Từ Nguyên Thạch không ngại viết về những người của “bên thua cuộc”: Một sĩ quan đi học tập cải tạo trở về đối mặt với cô đơn và mặc cảm; một thương phế binh chế độ cũ mưu sinh bằng nghề bán vé số sau ngày 30/4/1975. Đồng thời, ông cũng mạnh dạn kể ra những sự thật về lứa tuổi học sinh bị bắt lính rồi chết trên chiến trường khi tuổi đời chưa quá 20.

Với mục đích gửi đi thông điệp về hòa hợp hòa, giải dân tộc, nhà thơ Từ Nguyên Thạch thổ lộ: “Tôi không thể viết một cuốn truyện chỉ dựa vào khả năng hư cấu của mình. Tôi chủ yếu viết dựa theo cảm xúc từ những hồi ức về những chuyện có thật, trong đó có nhiều hồi ức về chiến tranh. Có lẽ do tôi sống ở vùng đất có nhiều chiến tranh từ nhỏ nên bị ám ảnh.

Các nhân vật của tôi hầu hết đều sao chép từ những nguyên mẫu có thật ngoài đời. Khi đặt bút viết tôi không băn khoăn họ là nhân vật của phía bên này hay bên kia, mà tôi chỉ quan tâm họ là một con người với đầy đủ số phận sung sướng lẫn khổ đau cùng khát vọng được vươn lên làm người có cuộc sống lương thiện. Và tôi rất vui khi các nhân vật của tôi đã thuyết phục được những biên tập viên “khó tính” ở các nhà xuất bản để đến với công chúng”.

Nhà thơ Từ Nguyên Thạch.


Giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Như Phương nhận định về “Hai bên chiến tuyến” bằng sự trân trọng: “Mặc dù là nhà thơ lâu năm trước khi viết truyện, Từ Nguyên Thạch không đem chất thơ phả sương mù làm nhòa đi sự dữ dội của chiến tranh. Tuy nhiên, bên cạnh những thảm kịch kết thúc một cách đau đớn như chuyện tình ngang trái của Hoa và Doan (Chạy trốn), tình cảnh bi đát của gia đình Vinh và Hải (Chiếc xe đạp trúng thưởng) và số phận bất hạnh của o The (O The), ngòi bút Từ Nguyên Thạch đã an ủi chúng ta với những happy-ends trong Đá nở hoa, Mùi củ cải trắng, Đôi nạng gỗ đi qua thành phố. Con người không thể thiếu hy vọng để mà sống, huống chi đó không phải là trí tưởng tượng lãng mạn mà là một khía cạnh của chính sự thật cuộc đời. Thì chính câu chuyện gia đình của tác giả đó thôi: mẹ con, chị em đã đoàn tụ vẹn tròn sau 21 năm chia xa, cách trở…”.

Với tư cách tác giả “Hai bên chiến tuyến”, nhà thơ Từ Nguyên Thạch nhấn mạnh: “Dân tộc Việt Nam đã nếm trải và đau khổ nhiều vì chiến tranh. Nhưng không thích chiến tranh không có nghĩa là quên đi, không được nhớ lại. Mà ngược lại, phải ngoái lại để nhận diện một cách đầy đủ. Những hy sinh, mất mát dù đau đớn, dằn vặt của ngày hôm qua không được phép quên. Nó cần được nhận diện để không được phép lặp lại. Cũng như vết thương trên người bạn, nó cần được mổ xẻ mới có thể chữa lành. Nhớ lại những đau thương hôm qua để thấy hết giá trị của những ngày tháng hòa bình hôm nay”. 

                     PHẠM TUẤN