Là một nhà phê bình mỹ thuật, Thái Bá Vân (1934-1999) cũng có phẩm chất thật sự của một nghệ sĩ sáng tác, lặng lẽ dâng hiến đời mình cho cái Đẹp.


 

NGƯỜI BÊNH VỰC CÁI ĐẸP

PHẠM THÁI

Tôi có ý định từ  lâu viết một cái gì đó về anh Thái Vân mà không biết bắt đầu từ đâu. Tôi vẫn canh cánh bên lòng một vài dòng về anh kể từ lúc anh ra đi, như một lời tri ân vì những bước chân đầu tiên vào việc quan sát đời sống mỹ thuật đương đại của tôi, thật may mắn lại có anh như một người bạn, như một người thầy, cùng đi. Tôi vẫn nghĩ  rằng, chỉ có những người có nhân cách lớn mới có thể bảo vệ đến cùng giá trị của cái Đẹp.

Tôi tin vào thuyết nhân duyên của nhà Phật. Và lần này thì tôi gặp may khi từng bước một được bước cùng anh vào một thế giới thật nhiều đam mê và xúc động.

Nhiều bài viết đã phân tích thật cặn kẽ những đóng góp trong cả cuộc đời không mấy dài nhưng thật đẹp đẽ của anh, với một tập hợp dầy dặn các ý tưởng trong “Tiếp xúc với nghệ thuật” anh để lại cho đời. Tôi luôn coi đấy là một ngọn đèn sáng soi rọi vào đời sống mỹ thuật Việt Nam mà chúng ta cần nâng niu. Tôi chỉ muốn đóng góp thêm một cái nhìn về anh, con người và ý thức thẩm mỹ mà anh đem tới một cách hồn nhiên đáng trân trọng.

Đôi khi tôi có một câu hỏi cho riêng mình: liệu những hiểu biết về một con người nào đó, về tính khí của anh ta, về những thói quen, những cái hay, cái dở của anh ta có khiến cho tôi hiểu hơn những tác phẩm mà anh ta tạo ra không? Liệu những thiên kiến và cảm tình đã có về tác giả có làm cho tôi không còn sự cảm nhận khách quan về tác phẩm chăng? Nhiều khi ẩn khuất đằng sau những vui buồn đời thường của một ai đó lại là một tâm sự khác hẳn với vẻ ngoài. Có những người thật thâm trầm, ít nói, thậm chí rụt rè khi giao tiếp lại có những giọng văn sắc như dao, quyết liệt và gây sửng sốt. Chúng ta đã găp những người như vậy, chẳng hạn Nguyễn Huy Thiệp.

Nhưng về Thái Bá Vân thì khác. Có một tinh thần vừa nghệ sĩ, vừa thông tuệ trong lối tư duy, lối ăn nói, lối phát biểu, lối đưa ra vấn đề và tất cả làm nên một tư cách riêng, của anh. 

Chân dung

Mỗi khi nghĩ về anh, tôi lại thấy hình ảnh anh đang chậm rãi, chậm rãi trên chiếc xe đạp Mini cà tàng (Hình như mua được nhờ tiêu chuẩn chuyên viên) trên dòng xe ngược xuôi ở phố Khâm Thiên những ngày nắng nóng. Có một cái gì đó thật phiêu lãng trong cái lối đi như trôi dạt giữa hư không. Nghe tiếng gọi, anh nhảy xuống xe, ngẩng mặt trên chiếc mũ lá cũ và cười ra dáng hồ hởi. Trông anh thật thanh thản. Chẳng có gì quan trọng. Mặc cuộc sống ra sao thì ra, anh vẫn loanh quanh như thế mỗi ngày: “đường đến anh em, đường đến bạn bè” như  họ Trịnh đã hát.

Thường anh và tôi hễ có dịp là tìm một quán ngồi. Chuyện tào lao không có gì to tát. Món nhắm cũng không có gì to tát để đưa vài chén rượu trắng, ở những địa chỉ quen: hoặc “ngủ piu” trên đường Bà Triệu, hoặc bánh mì pate ở đầu Hàng Gà. Tôi không uống nhưng rất thích được đi với anh vào quán. Tôi hay mời anh vài điếu thuốc thơm khi có dịp. Anh hút thuốc đẹp. Uống rượu cũng thật đẹp. Cái tinh thần đẹp đẽ toát ra từ khuôn mặt, từ những câu chuyện vui bao giờ cũng đượm vẻ thông thái và hài hước đầy bao dung. Đôi khi anh kể về cái thói rởm đời, kệch cỡm của vài người mà chúng tôi cùng biết nhưng không một chút ác cảm, chỉ là để vui. Tôi hiểu anh là người rất kỹ. Cái chất kỹ càng và chuẩn mực là tính cách của anh. Kỹ càng từ cách ăn mặc đến mỗi trang viết, thậm chí mỗi từ, thậm chí mỗi chữ. Anh nắn nót và điệu đàng trên mỗi trang giấy. Nhưng cái điệu đàng của từng con chữ ấy lại chuyển tải những ý tứ hết sức nhọc nhằn khi viết. Văn của anh chưa bao giờ dễ dãi mà luôn trau chuốt, đôi lúc thật cầu kỳ nhưng luôn sáng sủa và đẹp. Bản văn, theo anh cũng phải có một đời sống của nó. Và nó cũng cần phải đẹp. Cái ý thức tôn thờ cái đẹp hình thức ấy truyền sang tôi sau mỗi lần tiếp xúc. Đấy có lẽ là bài học đầu tiên tôi nhận được từ anh…  

Tin vào cái đẹp

Có thể cái mệnh đề này đã là một chủ đề gây tranh cãi do dư âm của những cuộc tranh luận chưa có hồi kết tại Việt Nam, lúc đó, về sứ mệnh của nghệ thuật trong sự phát triển “có định hướng” của xã hội, dẫn đến cái thứ chủ nghĩa vị dân sinh hay vị nghệ thuật được hiểu theo một nghĩa rất sơ lược và ấu trĩ. Không  thể, theo tôi, lúc nào cũng phải phân chia tách bạch nội dung hay hình thức của một tác phẩm nghệ thuật, nhất là khi ta đang muốn hiểu nó. Hình thức, hiểu theo nghĩa là ngôn ngữ với sự đa dạng của nó cũng chính là nội dung của một bức tranh, một bản nhạc, hay thậm chí một con người. Càng cúi nhìn thật gần những con đường đã đi qua của nghệ thuật thế giới, tôi càng tin rằng cách phân chia hai mặt đối lập theo lối nhị nguyên là bất cập, nếu không nói là vô phương để đi đến sự thật, để đi đến chân lý, để đi đến khẳng định cái đẹp.

Một cánh bướm đẹp đẽ chính là vẻ đẹp đích thực của nó, bất kể nó có ích cho ai hay không. 

Nghệ thuật trừu tượng từ lâu trên thế giới và ngày nay ở Việt Nam được chấp nhận một cách không cần bàn cãi vì vẻ đẹp tự thân của chính tác phẩm chứ không cần bất kỳ một thông điệp nào. Nó chỉ là một vệt cảm xúc trong một khoảnh khắc xuất thần, thậm chí là thế. Nhưng cái mà nó mang lại cho người thưởng thức là một sự trải nghiệm, một kỷ niệm đôi khi, hay một sự giải phóng năng lượng của người thưởng thức, tuỳ theo cách cảm thụ.

Bởi thế, Thái Bá Vân luôn bênh vực cái đẹp, ngay cả khi sự định hướng khắt khe của những nhà quản lý tư tưởng muốn tiếp tục duy trì sự ổn định tưởng như có lợi mà vô cùng tai hại vì nó khiến cho cái sân khấu nghệ thuật  thời đấy thật khô cứng và vô bổ. Anh thèm có được cái không khí cho tất cả các cung bậc cảm xúc được giãi bày. 

Mà chỉ có được như vậy khi nghệ thuật không bị đóng khung trong sự phản ánh cái thấy bằng mắt thường. Anh phát biểu một cách can đảm và quả quyết: “Hiện thực không phải là cái ta nhìn thấy bằng con mắt mà là cái ta quan niệm bằng tâm tưởng”. Mệnh đề này, lúc bấy giờ, là một sự thách thức dũng cảm. Tôi nghĩ đấy là nhân cách của anh. Tin tưởng “cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới” như văn hào Dostoyevsky đã từng nói, anh không ngần ngại bảo vệ quan điểm của mình, dù sau đó anh gặp không ít rắc rối từ phía những người bảo thủ.

Tôi cho rằng, cái hiện thực trong tâm tưởng mà anh nhấn mạnh mới chính là hiện thực đích thực. Cái Đẹp , về bản chất chính là cái Thật được chiếu sáng bằng sự cảm thụ. Chỉ người nghệ sĩ mới nhìn thấy cái đẹp ẩn tàng trong cái vẻ ngoài của một sự vật, một hiện tượng hay một con người. Và người nghệ sĩ trong sự tự do tuyệt đối mới có thể diễn đạt cái họ nhìn thấy, và chỉ họ nhìn thấy bên trong mình, về thế giới. Anh Vân viết: “Giá trị đạo đức và tư tưởng của nghệ thuật chính là ở chỗ nó tận tụy đi tìm cái Đẹp, và khi đã đến đẹp, thì Thiện, Chân đã nằm đầy đủ và hồn nhiên trong đó”. 

Để viết được những nhận định thật xác đáng về lịch sử Mỹ thuật Việt Nam hay những phát hiện về giá trị đích thực ẩn chứa trong các tác phẩm của các tác giả đương đại, tôi nghĩ Thái Bá Vân luôn có một sự cảm nhận tinh tường cộng với một tấm lòng ưu ái, hồn nhiên trước mỗi đối tượng khi xem xét. Vì chỉ có sự hồn nhiên mới cho phép mình hoà nhập vào làm một với sự thổn thức của kẻ sáng tạo, để cảm thông, để yêu mến và “có yêu mến mới có sự hiểu”, có hiểu mới thấy đẹp.

Bạn bè khi có triển lãm đều muốn có một bài giới thiệu của anh, để rồi xúc động thật sự khi thấy mình như được thêm một lần phát hiện. Những bài viết của anh về Bùi Xuân Phái, Trọng Kiệm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng thật sự là những mẫu mực của phê bình văn nghệ: sâu sắc, cặn kẽ, ưu ái và sáng tạo. Không bao giờ đao to búa lớn hoặc dùng những lời ngợi khen ồn ào, anh luôn chú trọng đến cái chất con người-nghệ thuật của mỗi tác giả để tìm thấy những nguyên do cho cuộc sinh nở những tác phẩm đóng góp vào kho tàng nghệ thuật Việt Nam. 

 “Vắng đi một ý thức” là lời chia tay của anh với Bùi Xuân Phái: “Làm sao ta hiểu biết được một con người, đừng nói là nghệ sĩ. Trong nhiều năm được làm bạn với anh, cái may mắn của riêng tôi là đã biết quý mến và chăm chú vào những bâng quơ ngắn ngủi, vào những chi tiết rất nhỏ trong một ngày thường của anh. Tôi tiếc gì những định nghĩa lớn lao mà thực ra tìm đâu cũng thấy. Tôi phải biết ơn anh, những người như anh đã thức tỉnh ở tôi một thức tỉnh dai dẳng, nhẹ nhàng khó tả về nghệ thuật”.

Phái-Phố “vẽ để mà không vẽ” trong mắt anh Vân là một nhân cách lớn trong những cử chỉ nghệ thuật thật dung dị, đầy cảm mến.

Nhân cách 

Để mô tả một người, nhất là một nghệ sĩ có nhân cách, những phẩm chất phải có ở họ là không xu thời, không háo danh, bất vụ lợi, can đảm, uyên bác, giàu nhân ái và còn nhiều tính từ đẹp đẽ khác. Người có nhân cách luôn tách biệt khỏi đám đông trong cách ứng xử, đôi khi mang tiếng là lập dị. Đấy là phẩm chất chung của những con người tài năng. Nó làm cho con đường mà họ đi qua toả sáng.

Vậy nhưng, tôi nhận thấy, những nhân cách lớn, nhất là trong lĩnh vực văn nghệ, còn có một mẫu số chung khác: sự lặng lẽ. Tôi nhìn thấy ở Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn tư Nghiêm hay Bùi Xuân Phái - “tứ trụ” không thể phủ nhận của hội họa Việt nam cuối thế kỷ XX - hay những tầm cao khác: Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Thiệp, Trịnh Công Sơn, đều làm việc trong sự lặng lẽ. Không một chút ồn ào, họ nhìn vào bên trong, bên trong tâm hồn, bên trong trái tim để sáng tác. Lặng lẽ chỉ là trạng thái của việc cắt đứt với những tranh đua, thi thố để bù đắp những khoảng trống trong lòng mình, để an ủi sự cô đơn truyền kiếp và hơn hết, để im lặng. 

Là một nhà phê bình mỹ thuật, Thái Bá Vân cũng có phẩm chất thật sự của một nghệ sĩ sáng tác, lặng lẽ dâng hiến đời mình cho cái Đẹp.

Chấp nhận sự thua thiệt trong đời sống để tận tâm với nghề nghiệp, để luôn được rộng mở trong lòng, thanh thản nối lòng mình với bè bạn, để thật sự vô tư cảm nhận cái đẹp là một thái độ  sống, một nhân cách đáng trân trọng ở anh.

“Tôi tận tụy ghi danh vào sự nghiệp.

cái hư danh

gian dối tự bao giờ 

đốt mãi họng con người 

rượu cháy ngầm cay nghiệt 

nắng mù loà từng dòng bia văn miếu cố nhân”

(Thái Bá Vân)

Những dòng thơ chảy ra từ trái tim thành thật của người nghệ sĩ trước hàng bia vinh danh tiến sĩ ở Văn miếu  nói lên một thái độ sống, một tâm sự của riêng anh, Thái Bá Vân.