Đọc văn phê bình của Trần Thị Trâm không có cảm giác nặng nề, khô khan bởi rất có văn, những vấn đề lý luận luôn được ẩn sau từng con chữ. Bài bản, lớp lang mà không sa vào tầm chương trích cú quá nhiều. Nhận định khoa học mà không khiên cưỡng áp đặt, bởi câu văn giàu hình ảnh, gần với ngôn ngữ đời sống.


TỪ “ĐIỂM” MÀ NHÌN RA “DIỆN”

HẢI ĐƯỜNG

 Nếu chỉ có “Tài hoa Việt” người đọc sẽ hình dung đây là cuốn sách giới thiệu chân dung các văn nghệ sĩ, nhà giáo, nhưng khi thêm vế thứ hai “từ một điểm nhìn” thì vấn đề đã khác. Tức là những chân dung ấy đã được “nhìn ngắm”, được phân tích, bình luận từ các chỗ đứng, góc nhìn, các điểm khác nhau. Có thể là một quan sát toàn diện, kỹ lưỡng cả cuộc đời, sự nghiệp, cả con người và tác phẩm. Lại cũng có thể chỉ là một đôi nét chấm phá, khắc họa tính cách, tài năng nổi trội, hoặc một vài tác phẩm tiêu biểu. Chọn điểm nhìn như thế sẽ tránh được sự trùng lắp, tránh được những “phát hiện” mà không mới, bởi hầu hết các “tài hoa” rất nổi tiếng, đã từng được giới thiệu nhiều lần.

Tập tiểu luận, phê bình Tài hoa Việt-Từ một điểm nhìn* của nhà phê bình văn học Trần Thị Trâm đã đem đến những phát hiện mới và lạ. Từ góc nhìn của mình, tác giả cuốn sách đã phát hiện được không ít những điều thú vị về 36 nhà văn, nhạc sĩ, nhà giáo tài hoa. Đó là những tác giả chị đã nghiên cứu khá kỹ hoặc là những người thầy, người anh, người bạn rất thân thiết của chị. Vì thế, Trần Thị Trâm không chỉ hiểu sâu sắc, mà còn “thuộc”, gắn bó với họ bằng cái tình của một đồng nghiệp, một nhà nghiên cứu, một độc giả và một… học trò. Khi đã qua sơ kiến sang thâm kiến thì những dòng viết ra không thể sơ lược. Mỗi con chữ kết đọng trong đó trí tuệ và cả tấm lòng. Cùng với những thành tựu trong sự nghiệp sáng tác, nghiên cứu, giảng dạy, độc giả hiểu sâu sắc hơn cuộc đời và tác phẩm của họ.

Bên cạnh những khảo cứu công phu, những nhận định sắc sảo là những kỷ niệm, những hồi ức đẹp khi tác giả còn là sinh viên Khoa Ngữ văn-Đại học Sư phạm Hà Nội, cho đến khi trở thành nhà nghiên cứu, giảng dạy, nhà văn, PGS.TS Trần Thị Trâm. Khi những trang văn được viết ra từ tình cảm nồng ấm yêu thương, từ những vệt sáng vụt hiện trong ký ức thường đem đến sự rung động thẩm mĩ, và khi ấy, độc giả sẽ là người tham gia vào hành trình đồng sáng tạo.

Chúng ta gặp ở đây những nhà văn từ trung đại đến hiện đại, đương đại. Những nhà văn mà tác giả đã nhiều năm nghiền ngẫm về họ và luôn tìm ra những lớp, những vỉa quặng mới trong tầng tầng nội dung, ý tưởng: Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Ngô Tất Tố, Nguyễn Bính, Hữu Thỉnh,Trần Đăng Khoa… Chúng ta gặp những nhạc sĩ tài năng mà tên tuổi của họ gắn liền với đời sống âm nhạc Việt, gắn liền với “những bài ca đi cùng năm tháng”: Nguyễn Văn Thương, Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ…Lại gặp các thầy giáo, cô giáo yêu quý từ ngôi nhà thân yêu Đại học Sư phạm: GS Lê Trí Viễn, PGS Nguyễn Văn Hoàn, GS Đặng Thanh Lê, GS Trần Đăng Suyền, TS Chu Văn Sơn… Mỗi người thầy, mỗi đồng nghiệp đều được nhà giáo Trần Thị Trâm rủ rỉ kể chuyện, từ những kỷ niệm đắng đót thời gian khó đến con đường khoa học truân chuyên và hạnh phúc. Như khi trò Trâm nói về thầy Lê Trí Viễn: “Tiếp cận văn chương và cuộc sống bằng trái tim nghệ sĩ, nhà nghiên cứu Lê Trí Viễn luôn có những linh giác đặc biệt để phát hiện cái mới. Còn tư duy lý tính soi sáng lại giúp nhà khoa học không cực đoan, vì thế ông luôn chỉ tra một cách xác đáng nhưng hạn chế mang tính lịch sử của đối tượng nghiên cứu”.

Cái hay ở đây là Trần Thị Trâm viết trong tâm thế của người trong cuộc. Viết về người trong giới sáng tác hay phê bình, nghiên cứu thì đã hẳn, đó là nghề mà chị cả đời gắn bó. Còn viết về các nhạc sĩ thì còn ít người biết đến “giọng ca vàng” thời sinh viên của chị. Nếu không theo nghề văn biết đâu đấy, chị có thể đã là một nghệ sĩ nổi tiếng, một nhà nghiên cứu âm nhạc. “Điểm nhìn” về các nhạc sĩ tài hoa của Trần Thị Trâm là điểm nhìn khi Nguyễn Văn Thương “bay lên cùng sông núi”; khi Hoàng Vân “Rất hào hùng nhưng lại rất trữ tình và thấm đẫm chất dân gian”; khi Nguyễn Văn Tý “giữa những âm thanh hùng tráng, ca khúc của ông là những tiếng sáo trúc lảnh lót, tiếng đàn bầu thiết tha, tiếng hát ru sâu lắng, ngọt ngào”. Vậy là không chỉ nhìn mà còn nghe và nghe rất tinh, nghe được cả những khoảng lặng cứ vang ngân mãi trong không gian và thời gian, nghe được cả mạch đời xôn xao, tiếp nối. Điều này, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ: “Tất cả mọi điều sẽ qua đi, sẽ biến mất, nhưng tiếng hát, câu ca, một khi đã được khai sinh với ngày thôi nôi huy hoàng của nó thì sẽ ở lại với đời mãi mãi”.

Khi viết về các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, tôi rất thấm sự “hiểu người” của Trần Thị Trâm. Đặc biệt khi nhà phê bình viết về nhà phê bình có thể nói là hai lần phê bình. Cơm đã cất thành rượu. Và rượu một lần nữa được chưng cất. Rượu ấy uống ít mà say ngọt ngào khiến ta thăng hoa trước những điều quen thuộc hằng ngày như gặp bông hồng bên cửa sổ, như nghe tiếng chim lảnh lói vậy. Viết về Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, tác giả đã dựng nên “bức chân dung kép” về một nhà thơ, nhà phê bình văn học. Hữu Thỉnh đã “làm nhiệm vụ nối vòng tay lớn, tạo cơ hội để chúng ta tiếp nhận tinh hoa văn hóa nước ngoài và giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè năm châu”. Trần Đăng Khoa đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận “Nó (LLPB) không chỉ là một mảnh vườn thiêng của riêng cánh nghiên cứu phê bình (…) mà đã trở thành món ăn tinh thần cho tất cả những ai quan tâm đến sự phát triển của nền văn học nước nhà”; “Khoa khéo chọn cho mình một lối viết thật dân chủ, trong tư thế đối thoại cởi mở, hài hước và suồng sã”.

Nhờ có sự hiểu người, cũng chính là hiểu về sự nghiệp sáng tác, về các tác phẩm mà Trần Thị Trâm đã để lại những dấu ấn đậm nét trong khi dựng chân dung tác giả. Đó là việc lựa chọn nhân vật để soi chiếu cũng có nét độc đáo: nhà báo-nhà văn; nhà văn-nhà phê bình; nhà giáo-nhà văn. Qua đây mà đúc rút những vấn đề lớn như quan hệ giữa tác phẩm văn học và tác phẩm báo chí, nhất là thể loại phóng sự. Khi viết phóng sự ký giả đã đưa văn vào báo rất…ngọt, đó là trường hợp Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng. Đó là tác giả khảo sát rất kỹ hoàn cảnh lịch sử, sự ra đời tác phẩm, khắc hoạ chân dung rất nét, có khi chỉ qua một vài nhận định. Hồ Xuân Hương: “Nàng đã cảm nhận thế giới bằng toàn bộ giác quan, bằng đôi mắt xanh non mới lạ, bằng xúc giác mạnh mẽ, bằng tất cả sức sống của tuổi trẻ, chứ không phải chỉ bằng cái tâm, cái trí như các nhà Nho hành đạo”. Tú Xương: “Thơ ông đã được dân gian hóa và trở thành những câu thơ trong trí nhớ, như một giá trị tinh thần cao quý”. Nguyễn Bính: “Cội nguồn dân tộc đã nâng cánh cho ông, giúp ông dễ dàng băng mình bay lên hòa cùng nhân loại, thăng hoa rồi xuất thần mà có được những câu thơ đẹp mang phong cách thời đại: tân kỳ nhưng lại không hề gợi cảm giác bị thất cước…” Đó là, khi khắc họa những thành công của các nhà phê bình, Trần Thị Trâm chú ý nêu bật những đóng góp của họ về tư tưởng, phong cách nghệ thuật, lựa chọn đề tài, ngôn ngữ, ảnh hưởng của tác giả đối với nền văn học nước nhà. Tôn Phương Lan nặng lòng với đề tài chiến tranh cách mạng, trở thành một trong những “chuyên gia” về văn xuôi chiến tranh nói chung và Nguyễn Minh Châu nói riêng. Bích Thu chủ yếu khảo sát sự vận động của tiểu thuyết và ký – hai thể loại tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Bích Thu viết tốt khi “kỹ lưỡng, công phu, bài bản”, viết hay khi “tinh tế, xúc động, tài hoa”. Bùi Việt Thắng làm rõ hơn tiêu chí trong việc nhận dạng một truyện ngắn thành công: cấu tứ hay, cách kết thúc truyện bất ngờ, tình huốn truyện độc đáo, chi tiết độc lạ; có ngôn ngữ, giọng điệu và nhịp điệu riêng.



Cần nói thêm rằng, đọc văn phê bình của Trần Thị Trâm không có cảm giác nặng nề, khô khan bởi rất có văn, những vấn đề lý luận luôn được ẩn sau từng con chữ. Bài bản, lớp lang mà không sa vào tầm chương trích cú quá nhiều. Nhận định khoa học mà không khiên cưỡng áp đặt, bởi câu văn giàu hình ảnh, gần với ngôn ngữ đời sống. Nhiều bài viết của chị gần với những kỷ niệm, hồi ức về nhân vật, có cảm giác như những chiếu nghỉ trong một cuộc hành quân ra trận với binh chủng chữ nghĩa hùng hậu. Như khi tác giả viết: “ngôn ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương căng phồng ý nghĩa, không đứng yên mà nhảy múa”; “Vũ Trọng Phụng đã tìm cái đáp số của thời đại, đã phát hiện ra hồn cốt của báo chí, làm rõ được những khác biệt giữa báo chí với văn chương”; Trần Đăng Thao đến đâu cũng nhanh chóng phát hiện ra chất thơ trong cuộc sống và thơ hóa nó “chưa ở đâu đất hào phóng thế/như mắt xoài ăm ắp nhớ thương” (Chiều Hậu Giang); và Nguyễn Thị Mai, “những vần thơ của chị hình như đều là những bức thông điệp được dệt bằng thứ ánh sáng linh diệu của trái tim người phụ nữ, đều là những khúc ca vang ngân khi trái tim người đàn bà tự hát”, v.v..Thơ làm sao có thể chắp cánh bay khi nó không được viết ra bởi sự rung động của con tim. Đúng như nhà phê bình văn học Nga V.Biêlinxki (1811-1848) đã viết: “Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”.

Cũng như các cuốn sách chân dung, tiểu luận khác, Tài hoa Việt- Từ một điểm nhìn không có tham vọng đem đến một bức tranh toàn cảnh của một loại hình nghệ thuật trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Nhưng chỉ với những chân dung đặc sắc này đã đưa người đọc ngược dòng lịch sử hơn 200 năm trước đến cuộc sống thời kinh tế số, xã hội số, như một cuốn phim tư liệu văn học-nghệ thuật quý giá. Theo một lôgic thông thường: Từ điểm mà nhìn ra diện. Điểm nhìn của tác giả khi thì cắt ngang theo trình tự thời gian, niên biểu sáng tác; khi bổ dọc, tìm ra nét xuyên suốt trong tư tưởng nghệ thuật, đề tài; khi quan sát và bình chú từ ngoài vào trong, khi khác là từ trong ra ngoài và có khi chỉ là một vài nét chấm phá đã rõ khuôn mặt, hình hài, như gặp một lá cây mà hiện ra cả khu vườn rợp xanh. Bởi thế, cuốn sách đã giúp cho người đọc một phương pháp xem xét, đánh giá thẩm định, đã đưa chìa khóa cho khách quý mở cửa một căn nhà vốn quen thuộc. Nhưng lần này ta lại tìm thấy những cái mới trong ăm ắp xưa cũ ấy, có khi chỉ là một câu thơ, một câu hát vọng lại. Dư ba…