Szymborska làm thơ không để đánh đố ai. Nhưng để “giải mã” một cách thấu đáo về thơ của bà, cũng không phải là chuyện đơn giản. 

   

KHÔNG CÓ GÌ HAI LẦN

ĐẶNG HUY GIANG

     Nếu coi sự nghiệp của W. Szymborska là một lâu đài, thì lâu đài ấy chắc chắn là lâu đài thơ. Và cũng chắc chắn, lâu đài ấy có rất nhiều cánh cửa và rất nhiều lối vào, dành cho mọi đối tượng.  

     Có người đến để thưởng lãm. Có người đến để thưởng ngoạn. Có người đến để chia sẻ. Có người đến để cứu rỗi. Có người đến để tìm kiếm. Có người đến để trải nghiệm…  

     Cho dù đến vì mục đích gì thì cái đích cuối cùng vẫn là để phát hiện ra những vẻ đẹp mang tính phổ quát và tính tư tưởng, gắn bó sâu sắc với số phận con người và bản chất của đời sống. Những vẻ đẹp ấy như một thứ ánh sáng thuần khiết có tác dụng soi sáng và sưởi ấm. Những vẻ đẹp ấy luôn mang một đức tin không gì lay chuyển nổi. Những vẻ đẹp ấy luôn sống động và lấp lánh. Những vẻ đẹp ấy luôn vận động và tràn ra khỏi mọi khuôn phép. Những vẻ đẹp ấy vừa đa diện, vừa đa phương. Những vẻ đẹp ấy đầy quyền năng của một con người thông thái và đầy quyền biến.   

      Ở đời, kẻ không thông minh cho lắm, lại không có tài, thường làm phức tạp những vấn đề vốn đơn giản. Còn người thông minh và có tài, thường làm đơn giản những vấn đề vốn phức tạp. Kẻ “làm phức tạp những vấn đề đơn giản” như được sinh ra để hù dọa, chia rẽ. Còn người “làm đơn giản những vấn đề phức tạp” lại như được sinh ra để chinh phục, tập hợp. Đó là hai loại “vũ khí” mà kẻ trí thường chọn để hành xử.   

      Và W. Szymborska đã chọn thứ “vũ khí” thứ hai - “làm đơn giản những vấn đề vốn phức tạp”. 

      Tất nhiên, thơ Szymborska tuy giản dị, sâu sắc nhưng không hoàn toàn dễ hiểu và không dễ làm. Với bà, sự tối thượng của thơ không nằm trong câu, trong chữ, mà nằm trong ý, trong tứ. Hay nói một cách khác: Thơ Szymborska không dành cho những độc giả lười biếng, ít chịu đào sâu suy nghĩ, ít chịu tư duy.   

      W. Szymborska làm thơ không để đánh đố ai. Nhưng để “giải mã” một cách thấu đáo về thơ của bà, cũng không phải là chuyện đơn giản.   

      Nêu thế để thấy: Thơ W. Szymborska luôn đa tầng, đa nghĩa và luôn có chiều sâu của sự phát hiện.   

      Mặt khác, thơ W. Szymborska cũng tràn đầy thông điệp. Mọi bài thơ mà bà viết ra đều nhắm đến một cái đích (hoặc nhiều cái đích) mang ý nghĩa nhân sinh, có tác dụng nâng vực, làm cho con người lớn dậy.   

      Đối với bà, cái ranh giới giữa “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” mà nhiều người làm thơ lớp trước ở ta quan tâm đến thật mỏng manh hoặc như chưa bao giờ có. Đơn giản thơ trước hết phải là thơ - vậy đã là một phần vị nghệ thuật rồi. Còn thơ viết ra để làm gì? Vì mục đích gì? - vậy đã là một phần vị nhân sinh rồi. Hay nói một cách khác: Với bà, vị nghệ thuật với vị nhân sinh đã hòa làm một, tạo nên một tổng thể rất khó phân biệt một cách rạch ròi và nếu có ai cố tình tách rời chúng ra, về thực chất, chỉ là một trò cơ giới thuần túy và máy móc.     

      Đơn giản vì thơ của W. Szymborska ta được đọc bằng văn bản chính là thơ đã được chuyển ngữ (dịch). Một khi thơ đã được dịch, tức là về cơ bản, nó chỉ còn ý, còn tứ (nội dung), còn phần hình thức (nhạc điệu, vần điệu, nhịp điệu) rất khó dịch. Có chăng đó chỉ là tài năng, công sức, đóng góp của chính bản thân người dịch.   

      Có lẽ vì thế mà lúc sinh thời, nhà thơ lớn Chế Lan Viên từng cho rằng (đại ý): “Thơ hay như người đẹp/ Ở đâu, ở đâu, cũng lấy được chồng/ Thơ dở không dịch được”.   

      Đọc W. Szymborska, độc giả cũng dễ nhận ra: Thơ hay không hẳn (và không phải) là thơ đúng và thơ đúng cũng không hẳn (và không phải) là thơ hay.   

      Dường như mỗi bài thơ của bà luôn mở ra một thế giới mà người đọc dấn thân và đắm mình trong đó để cảm nhận, khám phá. Và thế giới này phải được gọi tên là thế giới của W. Szymborska và chỉ có ở Szymborska. Đó chính là sự khác biệt, giúp độc giả phân biệt giữa nhà thơ này với nhà thơ khác, tài năng thơ này với tài năng thơ khác.   

      Đầu tiên, chúng ta hãy đọc một bài thơ ngỡ như không có gì, mà lại rất có gì. Bài thơ có tên là Việt Nam: “- Chị ơi, chị tên gì?/ - Tôi không biết./ - Chị sinh năm nào? Và ở nơi đâu?/ - Tôi không biết./ - Vì sao chị lại đào cái hầm dưới đất?/ - Tôi không biết./ - Chị ẩn náu nơi đây được bao lâu?/ - Tôi không biết./ - Tại sao chị lại cắn vào ngón tay thân ái của tôi?/ - Tôi không biết./ - Chị có biết rằng chúng tôi không làm gì hại chị?/ - Tôi không biết./ - Chị ở bên nào trận tuyến?/ - Tôi không biết./ - Giờ đang chiến tranh chị phải chọn thôi?/ - Tôi không biết./ - Làng chị có còn không?/ - Tôi không biết./ - Những đứa trẻ này có phải con chị?/ - Vâng.”  

    Cả bài thơ chỉ là một lớp đối thoại. Một bên hỏi. Một bên trả lời. Giản dị đến nỗi không giản dị hơn được nữa. Câu hỏi khác nhau nhưng câu trả lời (trừ câu cuối) giống nhau, với một điệp từ: “Tôi không biết”. Mấu chốt của tứ thơ nằm ở hai câu cuối: “- Những đứa trẻ này có phải con chị?/ - Vâng.”   

     Có thể “giải mã”: Người mẹ Việt Nam có thể (vô ý hoặc hữu ý) không biết nhiều thứ, nhưng dù trong hoàn cảnh nào, lúc nào cũng nghĩ đến con, gắn bó với con và không bao giờ chối bỏ con. Đó là một phẩm chất cố hữu, đáng trân trọng.  

      Tiếp theo, chúng ta hãy đọc một bài thơ tuy viết vẫn giản dị nhưng phức hợp hơn, có màu sắc triết lý ngay từ tên gọi Chẳng có gì cho không. Nguyên văn: “Chẳng có gì cho không/ tất cả đều là vay mượn./ Chìm trong nợ nần/ tôi sẽ phải lấy tôi mà trả nợ cho tôi/ lấy cuộc sống trả vào cuộc sống./ Điều đã được định đoạt/ đó là:/ phải trả lại tim/ phải trả lại gan/ phải trả lại từng ngón tay riêng biệt./ Đã quá muộn/ để hủy bỏ điều kiện của bản hợp đồng/ Những món nợ sẽ lột xác tôi/ cùng với làn da./ Tôi đi trên thế gian này/ giữa đám đông của nhiều con nợ./ Một số buộc phải trả bằng cánh/ số khác dù muốn hay không/ sẽ phải trả bằng lá cây./ Bất kỳ tế bào nào trong chúng ta/ cũng đều mắc nợ./ Chẳng có một đốt rong/ một cuống hoa/ tồn tại vĩnh hằng./ Bản danh mục thật rõ ràng/ và có lẽ là/ chúng ta sẽ thành những kẻ trắng tay/ Tôi không thể nhớ ngày/ ở đâu và để làm gì/ tôi đã cho phép mình/ mở tờ quyết toán/ Sự phản kháng chống lại tờ quyết toán/ chúng ta gọi là tâm hồn./ Đó là điều độc tôn/ không nằm trong danh mục.”   

    Tứ thơ được rút ra: Ở đời, chẳng có gì cho không. Tất cả đều phải trả giá qua quyết toán. Nhưng vẫn có một thứ được cho không và mãi mãi tồn tại biệt lập với nhiều thứ khác. Ấy là tâm hồn. Thế nên bài thơ mới có cái kết đắc địa: 

Sự phản kháng chống lại tờ quyết toán

chúng ta gọi là tâm hồn

Đó là điều độc tôn

không nằm trong danh mục.  

Tiếp theo nữa, chúng ta hãy đọc một bài thơ nữa, tuy viết giản dị nhưng cũng phức hợp hơn và mang nặng chất định đề về một hiện tượng đã trở thành quy luật qua bài thơ “Không có gì hai lần”. Nguyên văn: “Không có gì xảy ra hai lần/ và sẽ không bao giờ có cả./ Vì thế mà chúng ta/ đã sinh ra như những kẻ vụng về/ và sẽ chết như chưa từng nếm trải./ Chúng ta/ những đứa học trò tột cùng ngu dại/ dưới mái trường thế gian/ chúng ta sẽ không thể làm/ cho một mùa đông, mùa hè lặp lại./ Không có ngày nào lặp lại/ không có hai đêm như nhau/ không có hai nụ hôn/ hai ánh mắt nhìn giống hệt./ Hôm qua/ khi rất gần ai đó gọi tên anh/ em thấy mình/ như một bông hồng rơi vào qua ô cửa sổ./ Hôm nay/ khi ở cùng anh đó/ em đã quay mặt vào tường./ Hoa hồng ư? Bông hồng ấy ra sao?/ Có phải hoa? Hay chỉ là viên đá?/ Vì sao hỡi thời gian nghiệt ngã/ ngươi cú khuấy đảo lên một nỗi âu lo/ ngươi đang tồn tại ư – vậy là ngươi sẽ phải trôi qua/ ngươi đang trôi qua – đó là điều tuyệt diệu./ Chúng ta ôm nhau, miệng cười/ cố tìm điều hòa thuận/ dẫu rằng ta biết/ mình khác nhau như hai giọt nước trong veo.”  

  Tứ thơ được rút ra: Không phải chỉ có nước mới tồn tại hai lần trên một dòng sông, mà mọi thứ khác cũng đều “không có gì hai lần”. Và kèm theo đây là một lời nhắc nhớ: Hãy sống hết mình chính giây phút ấy. Tứ thơ được thực chứng ngay ở những câu:

 Không có ngày nào lặp lại

không có hai đêm như nhau

không có hai nụ hôn

hai ánh mắt nhìn giống hệt.

      Vân vân và vân vân.  

      Tương tự, chúng ta có thể đánh dấu khuyên vào những câu thơ khác của W. Szymborska đặng tìm cho mình những ý tưởng, quan niệm và cảm thức lạ lẫm, độc đáo, khác người, đọc lên không khỏi giật mình của một tâm sự lớn: “Thế giới này/ Chỉ là sống/ và chỉ là cái chết./ Còn tất cả mọi điều khác/ đều giống như nhạc Bach/ được chơi trong giây lát/ trên một lưỡi cưa” (“Tôi sắp đặt thế giới”); “Trước mặt chúng ta là những nẻo đường/ tối tăm và xa lắc/ những giếng nước bị đầu độc/ và bánh mỳ đắng cay” (“Đã có lúc”); “Chiếc vương miện đã phí công đợi một đầu người/ Bàn tay đã thua chiếc găng tay/ Chiếc giày chân phải đã thắng bàn chân phải” (“Bảo tàng”); “Trên đầu mỗi kim găm/ là một thiên thần bị bắn rớt” (“Em ở quá gần”); “Tất cả ư! Bao nhiêu?/ Đó là cánh đồng cỏ lớn/ Bao nhiêu cỏ xanh trên một đầu người?” (“Trại đói ở Jaslo”); “Mới nhẹ nhàng làm sao trong giọt mưa rơi/ Mới tinh tế làm sao thế giới chạm vào tôi!” (“Nước”); “Sân ga ở thành phố N./ đã qua một kỳ thi rất tuyệt/ môn thi - tồn tại khách quan” (“Nhà ga”); “Không có cuộc đời nào/ dù chỉ trong giây lát/ lại không là cuộc sống vĩnh hằng” (“Về cái chết không hề phóng đại”); “Sự phân chia thành trái đất, bầu trời/ đó chẳng phải là cách đúng/ của tư duy về sự vẹn toàn./ Nó chỉ là phép sống/ với một địa chỉ chính xác hơn/ dễ tìm hơn...” (“Bầu trời”)…   

    W. Szymborska là một người bao dung. Đọc thơ bà, độc giả càng tin: Không thể có một nhà thơ lớn nằm trong một con người không bao dung. Chính vì thế mà W. Szymborska có khá nhiều câu thơ thể hiện sự băn khoăn, mối quan tâm lớn và đầy nhân bản. Có thể dẫn chứng: “Trong tủ kính thứ nhất/ là một hòn đá/ Trong tủ kính thứ hai/ là một mẩu xương trán/ Chúng ta đã làm mất đi nhiều súc vật/ Còn ai sẽ làm mất chúng ta?” (“Bản ghi chép”); “Chỉ có hai điều tôi có thể làm cho họ/ đó là miêu tả chuyến bay/ và không thêm vào câu kết” (“Bức ảnh chụp ngày mười một tháng chín”); “Chỉ có gì thuộc con người/ mới có thể trở thành mới lạ./ còn lại chỉ là những rừng cây hỗn tạp/ gió và mưu mô” (“Bản thánh ca”); “Tôi thích các quốc gia bị chinh phạt/ hơn các quốc gia đi chinh phạt” (“Những khả năng”); “Hãy bỏ quá cho tôi hỡi các sa mạc/ vì tôi không tới ngay với một thìa nước mát…/ Tôi xin lỗi cái cây bị đốn/ vì bốn chiếc chân bàn…/ Hãy thứ lỗi cho tôi hỡi các cuộc chiến xa xôi/ vì tôi đem hoa về nhà…” (“Dưới một vì sao”)…   

      Về mặt hình thức, cách triển khai tứ thơ của W. Szymborsk rất đa dạng và khá tự nhiên. Có bài thơ bắt đầu như một sự trần thuật, tường trình. Có bài thơ bắt đầu như một bản thống kê, thông báo. Có bài thơ bắt đầu như một câu chuyện kể…Nhưng điều quan trọng là chúng được găm lại bằng sự tưởng tượng khác thường và những ý tưởng sáng tạo. Nhiều khi, cách nói của bà ở khoảng giữa văn hóa phương Tây và phương Đông:

 Chúng ta gọi nó là hạt cát nhỏ

Còn nó chẳng là hạt, cũng không là cát

Nó đâu cần đến một cái tên

riêng, chung

thoáng qua, bền vững

sai hoặc đúng

           (“Cảnh quan cùng hạt cát”)

 cùng với xuất phát khác lạ:

Một vật rơi xuống vực sâu

chính là đang rơi

từ bầu trời cao vào lại bầu trời

               (“Bầu trời”)  

      Tất cả đều được có gốc gác từ chính quan niệm và sự xác tín của bản thân bà: “Vậy là có một thế giới/ mà ở đó tôi được định đoạt tự do/ Thời gian là những dấu hiệu được tôi nối thành mắt xích/ Sự sống theo lệnh tôi không một phút ngưng ngơi/ Ôi, niềm vui sáng tác! (“Niềm vui sáng tác”); “Sự hữu hạn của đời tôi phải làm rung động đá” (“Trò chuyện với đá”); “Những từ ngữ này/ cho phép tôi bay trên các quy định/ Chúng không tìm chỗ tựa ở bất cứ hình mẫu nào” (“Sự phát minh”)… Và tôi thực sự ngạc nhiên khi đọc bài thơ “Với bài thơ của mình”:

 Bài thơ của ta ơi

trong trường hợp tuyệt vời

em sẽ được đọc một cách chăm chú

được bình, được người đời nhớ lâu.

Trong trường hợp tệ hơn

em sẽ chỉ được đọc qua đôi chút. 

Khả năng thứ ba:

Dẫu được viết ra

nhưng chỉ lát sau bị vứt vào sọt rác.

Em hãy còn cách thứ tư lựa chọn:

Biến đi từ khi chưa viết ra

Và tự hài lòng lầu bầu với mình một điều gì đó.   

      Với người khác, số phận một bài thơ chỉ có 3 trường hợp xảy ra. Một là hay (được đọc một cách chăm chú, được bình và được nhớ lâu). Hai là dở (chỉ được đọc qua loa). Ba là thậm dở (được viết ra nhưng rồi ném này vào sọt rác). Nhưng W. Szymborska còn có trường hợp thứ tư. Ấy là cho nó “biến đi từ khi chưa viết”. Đó là khả năng đặt ra tình huống kiểu W. Szymborska.    

      Câu: “Và máu trên trán kia chỉ là một vết son” trong “Bài ca màu đen”, cho thấy quan niệm thẩm mỹ rất riêng của W. Szymborska. Nhìn máu mà liên hệ đến vết son được, thì quả là hiếm hoi!  

      Đặc biệt, Thơ W. Szymborska luôn gợi về một khoảng trống với những gợi mở khôn cùng. Đây là sự vĩ đại và đóng góp lớn của W. Szymborska trong thi ca thế giới. Sự gợi mở ấy nhiều khi rất vô thức và nhiều người làm thơ có thể nắm bắt được một cách rất vô hình để có thể tiếp tục triển khai một tứ thơ hoàn toàn mới.   

      Vì thế thơ bà luôn hiện đại và thơ bà luôn được coi như là “hội chợ của những điều kỳ diệu”.     

      Mặc dù vậy, W. Szymborska vẫn rất khiêm tốn. Những lời phát biểu dưới đây trích từ Diễn từ Nobel của bà cho thấy nhân cách của một tài năng lớn:  “Nhà thơ cũng vậy. Nếu như đó là một bài thơ thực thụ thì phải luôn nhắc mình “tôi không biết”. Hãy cố gắng tìm câu trả lời bằng mỗi tác phẩm của mình. Nhưng vừa đặt xong dấu chấm là lại phải cảm thấy băn khoăn, thấy rằng đó mới chỉ là một câu trả lời nhất thời và tuyệt nhiên chưa đầy đủ. Vậy là phải thử một lần, một lần nữa và sau đó, những di chứng về sự không hài lòng với bản thân của nhà thơ sẽ được các nhà nghiên cứu lịch sử văn học găm lại bằng một chiếc ghim lớn và gọi là sự nghiệp sáng tác.”   

     Cuối cùng, xin được cám ơn nhà thơ, dịch giả Tạ Minh Châu - người đã chuyển ngữ thành công thơ W. Szymborska từ tiếng Ba Lan sang tiếng Việt. Lần thứ nhất vào tháng 12 năm 1997. Lần thứ hai vào tháng 6 năm 2014.  Cả hai lần đều được xuất bản qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn.