Xin mượn tạm tên tập thơ “Điêu tàn” của thi sĩ Chế Lan Viên để miêu tả cảnh tượng cơ quan cũ của tôi, cùng tâm trạng chung của nhiều cô bác, anh chị em từng làm việc tại đây: Hãng phim truyện VN, 4 Thụy Khuê Hà Nội, cơ sở làm phim truyện lớn nhất nước - mặc dù tính chất Điêu tàn mới chỉ nói được phần nào cái vẻ ngoài của hiện tượng cũng như bản chất sự việc…


 SỰ “ĐIÊU TÀN” CỦA MỘT NỀN ĐIỆN ẢNH

MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN

Nếu một họa sĩ thiết kế phim truyện đang có ý định xây dựng bối cảnh về một Công ty, hay một Gia tộc từng có thời hoàng kim nay bị phá sản, rồi bị thời gian vùi trong lãng quên – chắc sẽ phải reo lên sung sướng, vì cái bối cảnh tự nhiên đang bày ra kia có giá trị thuyết phục hơn bất kỳ sự tưởng tượng của những họa sĩ điện ảnh tài ba nhất!

Những ai từng làm việc ở cơ ngơi này đều dễ dàng nhận ra: sau tấm pano phim cũ kia là cầu thang lên các văn phòng Giám đốc và Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật; mấy gian phòng ở dưới, bên trái là các xưởng làm phim 1,2,3… Phía sau cùng là các phòng Tổ chức, Tài vụ, kỹ thuật, v.v, lối dẫn vào phòng họp Hãng, phòng chiếu phim, trường quay, xưởng in tráng, v.v – tạo giới hạn của Hãng với địa phận của trường Chu Văn An và Hồ Tây, và cũng là địa bàn sinh sống những năm cuối đời của đôi vợ chồng thi sĩ đặc biệt có số phận vất vưởng: Phùng Quán (Tôi có đôi lần được ngồi xem nhà thơ PQ câu cá trộm ở Hồ Tây; và một lần duy nhất mời được ông vào xem phim học tập tại cơ quan, phim Ý “Anh em nhà Rôc-cô”).

Không hiểu sao, giữa khung cảnh hoang tàn, đổ nát này, tôi bỗng chợt nhớ đến tiểu thuyết “Trò chơi” - cuốn tiểu thuyết tuy không phải là đặc sắc nhất của nhà văn Nga Iu.V. Bondarev nhưng lại là tác phẩm nói rất kỹ, rất thấm thía về sự suy đồi, tha hóa của một trong những nền Điện ảnh lớn thế giới kể từ khi tuân theo định hướng sáng tác XHCN và những “nghệ sĩ lớn” dần biến thành “ông quan” nghệ thuật có “sứ mệnh” là thực hiện chỉ thị từ trên xuống tới các “nghệ sĩ bé” (về chức vụ) nhằm tạo ra các tác phẩm phục vụ thật tốt đường lối cao cả của Chính quyền và đồng thời cũng xa cách dần các giá trị nhân văn phổ quát của nhân loại… “Cái đít ngồi ghế Giám đốc Mosfilm” - theo cách nói của Bondarev - đã lấn át hết, tới chỗ thống trị tư duy sáng tạo của không ít nghệ sĩ Điện ảnh Liên xô có lương tâm một thời…

Nền điện ảnh đàn em, sinh sau đẻ muộn ở ta tuy không mắc căn bệnh ung thư tới độ trầm trọng như sự miêu tả của Bondarev, song lại không có đủ nội lực để tự vượt thoát và tự “xạ trị” như “ông lớn Mosfilm”, nên đã bị “đầu độc” một lần tới gần chết vào đầu những năm 90 thế kỷ trước - khi Liên Hiệp Điện ảnh VN đã có chủ trương hãm hại nó bằng nhiều phương thức khá tàn độc - trong đó có việc xóa bỏ tất cả các rạp chiếu phim và chuyển chúng thành quán bia, vũ trường, các kinh doanh văn hóa lặt vặt không dính líu gì tới Nàng tiên thứ Bảy… Hãng phim, cùng cả nền điện ảnh dân tộc chết lâm sàng từ đó; những phim sử thi hoành tráng ca ngợi chủ nghĩa Anh hùng cách mạng và Lãnh tụ vĩ đại một cách chân thành nhất cũng không cứu nó thoát khỏi cảnh ngắc ngoải. Rồi tới khi chủ trương cổ phần hóa đưa ra đã là phương thức thật lý tưởng cho tầng lớp “Mafia” (hay gần giống Mafia) trong ngành Văn hóa - Điện ảnh, những “hậu duệ” của Liên hiệp điện ảnh trước đó nhảy vào ngang nhiên xâu xé cả nền điện ảnh đang thở hắt, với quy luật trơ tráo của thời kinh tế thị trường dị dạng mà một nhà văn từng công tác ở Cục Điện ảnh đã phải thốt lên: “Đó là một thương vụ Mua - Bán mà  Ăn cướp cũng chào thua!”

Năm ngoái, khi có dịp phải đi qua phố Thụy Khuê, tôi có nghé vào cổng hãng phim cũ, đúng cái lúc ông chủ mới của Hãng - những người chẳng cần biết điện ảnh là gì ngoài số tiền họ đã bỏ ra “mua như ăn cướp” để làm chủ khu đất vàng lớn sát Hồ Tây (cùng khu đất của Hãng tại Đồn Đất, Sài Gòn) - ném hết ra ngoài sân toàn bộ kho phục trang, đạo cụ phó mặc cho mưa nắng, bởi với họ, đó chỉ là mấy thứ “đồng nát” vô giá trị, làm bẩn kho của họ. Cũng như họ đâu thèm quan tâm những người làm nghề sẽ đau xót đến chảy máu mắt ra sao, không thèm đếm xỉa đến đời sống và nghề nghiệp của người làm phim giờ đang như “cá nằm trên thớt” chờ “ơn huệ” của ông chủ mới… Hiện giờ, những ông chủ mới của Hãng phim ấy đã phải nhè ra, bởi khó “ăn tươi nuốt sống” được miếng mồi béo bở cùng phe nhóm bên trên… Nhưng số phận của cả Hãng phim cùng hàng trăm nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên vẫn còn trong giai đoạn “Sống cùng Lịch sử” - như tên một bộ phim truyện gần đây, “Sống cùng Lịch sử” với Vinh và Nhục của một nền Điện ảnh chịu nhiều thua thiệt và kém cỏi so với các đàn anh đàn chị trong khu vực chứ chưa dám so với cả thế giới - dù nó chẳng có tội lỗi gì…