Nhà văn Linda Lê, một cây bút nữ gốc Việt vừa qua đời ở tuổi 59 tại Pháp, để lại nhiều thương tiếc cho công chúng trong nước và đồng nghiệp quốc tế.

Nhà văn Linda Lê qua đời ngày 9/5 tại Paris, đã được loan tin trên nhiều tờ báo Pháp. Nhà văn Linda Lê là gương mặt văn chương nữ gốc Việt được đánh giá rất cao trên văn đàn Pháp và châu Âu. Sự ra đi đột ngột ở tuổi 59 của nhà văn Linda Lê, thực sự khiến độc giả bất ngờ và ngậm ngùi.

Nhà văn Linda Lê sinh năm 1963 tại Đà Lạt. Năm 1977, nhà văn Linda Lê theo gia đình sang Pháp định cư. Được đào tạo bằng tiếng Pháp, nhà văn Linda Lê cũng sáng tác bằng tiếng Pháp như một sự chọn lựa tất yếu và đầy thử thách, như chính bà thổ lộ: “Tôi luôn có cảm tưởng tiếng Pháp quá khó nếu tôi không thử tìm cho mình lối viết riêng. Vì vậy, viết văn thường là một cuộc thử thách. Đôi khi tôi ngồi hàng giờ, vì có một chữ không hợp… Đến khi tôi bỏ đi dạo, tự rủa mình, và cuối cùng tôi cũng tìm ra được đúng chữ. Tôi nhận thấy chính trong lúc đi dạo, chuyển động, tôi đã tìm ra những ý tưởng hay nhất. Trong khi cứ cố ngồi bàn nặn óc, thì không nghĩ ra được. Tôi cần phải bước những bước dài, không nhìn thấy gì cả, toàn tâm với những suy nghĩ của mình”.

Năm 1985, nhà văn Linda Lê công bố tác phẩm đầu tay “Un si tendre vampire (Về một con dơi ác độc trìu mến) ở tuổi 22. Năm 1992, tập truyện ngắn “Les Évangiles du crime (Phúc âm của tội ác) thực sự giúp nhà văn Linda Lê thành danh. Và những tác phẩm tiếp theo của nhà văn Linda Lê như “Calomnles” (Vu khống) “Les Dits d’un Idiot” (Lời tên Khùng) Les trois Parques (Ba nữ thần số mệnh) Voix (Tiếng nói) À l’enfant que je n’aurai pas (Gửi đứa con mà tôi sẽ không sinh)... được thị trường sách đón nhận khá nồng nhiệt. 

Sự thành công ở xứ người, đã đưa tác phẩm của nhà văn Linda Lê về lại cố hương. Năm 2009, tiểu thuyết “Vu khống” là cuốn sách đầu tiên của nhà văn Linda Lê được dịch sang tiếng Việt. Tiểu thuyết “Vu khống” phát hành, nhanh chóng tạo ra dư luận trong giới mộ điệu.

Đọc tiểu thuyết “Vu khống”, độc giả được chia sẻ sự day dứt của nhà văn Linda Lê về số phận những con người nhiều góc khuất u uất: “Trước kia tôi kinh khiếp những người điên mở miệng là nói nhăng nói cuội, nói gióng tiếng một, nói đi nói lại, chửi bới và kêu thét. Bây giờ, tôi kinh khiếp những kẻ tâm trí lành mạnh. Họ phun ra những từ trống rỗng và chờ đợi những lời vô nghĩa đáp lại”.

Sau tiểu thuyết “Vu khống”, có 5 tác phẩm nữa của nhà văn Linda Lê được xuất bản tại Việt Nam là “Lại chơi với lửa”, “Thư chết”, “Tiếng nói”, “Sóng ngầm” và “Vượt sóng”. Năm 2010, nhà văn Linda Lê có chuyến về Việt Nam và giao lưu với người đọc. Bà thổ lộ: “Khi viết, tôi luôn luôn thích tâm trạng như đứng trên một sợi dây căng trên không. Nếu có lúc tôi thấy không hài lòng và tu chỉnh lại một vài cuốn sách của mình, đó chính là lúc tôi không cảm nhận trạng thái căng thẳng đó.



Nhà văn Linda Lê là một cây bút chuyên nghiệp. Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy (1976-2021) lúc sinh thời từng theo một nhóm làm phim đến thăm nhà văn Linda Lê ở Paris, và kể lại rằng: “Căn hộ của Linda Lê nằm trên tầng cao nhất của một khu nhà cổ, cổ đến nỗi các bậc cầu thang gỗ đều đã mòn vẹt. Chúng tôi đi loanh quanh trên những con đường nhỏ, có một phố mang cái tên rất nữ tính, đài các dẫn thẳng vào một cánh cổng gỗ to. Thật ra thì có đến ba con đường tương tự như phố ấy cùng chạy thẳng đến một cánh cổng gỗ to. Bạn có thể sẽ bị nhầm lẫn nếu không đọc tên đường và số nhà. 10 giờ hơn một chút, chúng tôi có mặt dưới cổng nhà Linda Lê và bấm chuông, bà nhấn nút mở cổng cho chúng tôi từ trên căn hộ nhỏ của bà. Chúng tôi leo ba tầng gác trên những bậc thang gỗ đã mòn vẹt, sau đó đi bộ ngang qua một cái hành lang có cửa sổ đặt một chậu xương rồng để đến một cái cầu thang khác hẹp hơn và leo tiếp hai tầng gác nữa.

Căn hộ của Linda Lê nằm ở tầng trên cùng, hành lang dẫn vào căn hộ của bà khởi đầu ở chỗ cuối của bậc cầu thang, theo một cách thức bất ngờ hết sức đối với một người không quen leo gác và đang thở dốc hổn hển như tôi. Tôi không nhớ rõ nó thực sự được cấu tạo như thế nào, cái cầu thang nối với hành lang dẫn vào căn hộ ấy, mà chỉ nhớ về mặt hình ảnh, nó nằm ở mãi tít sau phía hành lang chật đặc biệt, và tối, nối bậc cầu thang cuối cùng với một khung cửa nhỏ ngập đầy ánh sáng. Khuôn mặt Linda Lê lấp loáng trong ánh sáng ấy. Tôi sững một vài giây và thấy ngộp thở vì gương mặt ấy.

Nhà văn Linda Lê qua đời ở tuổi 59, khi bút lực vẫn đang sung mãn, thực sự là một điều vô cùng tiếc nuối cho văn giới và công chúng. Chắc chắn, những tác phẩm khác của nhà văn Linda Lê sẽ tiếp tục được chuyển ngữ và ra mắt tại Việt Nam, bởi lẽ bà đã gửi vào những trang sách tất cả sinh lực và trách nhiệm của một người phụ nữ gốc Việt cầm bút: “Tôi luôn viết với cảm giác mình có thể nói mà chẳng ai nghe. Nhưng điều này không làm tôi nản lòng. Trái lại. Theo một cách nhìn nào đó, có thể như vậy hay hơn. Không nên có cảm giác mình luôn được tán thành. Nếu không, ta sẽ dễ cảm thấy yên tâm yên phận. Nhất định không được từ bỏ chính mình, cũng như không được oán hận. Cảm giác yên tâm yên phận và oán hận là hai hòn đá ngầm to, và tôi cố chèo lái giữa chúng./.

                                                  TUY HÒA