Nhà thơ Vân Long đã qua đời lúc 12h30 ngày 6/5/2022, hưởng thọ 89 tuổi. Linh cữu nhà thơ Vân Long được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, và an táng tại Nghĩa trang chùa Am, Sơn Tây, Hà Nội. Xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang, như một nét nhang tưởng nhớ nhà thơ Vân Long.


MỘT LOÀI CA ĂN CHÌM

ĐẶNG HUY GIANG

“Một loài cá ăn chìm”. Ấy là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với nhà thơ Vân Long. Tôi thấy ông là người lịch lãm, nói năng nhỏ nhẹ và rất dễ gần, dễ mến. Ông khuyên tôi rất chân thành: “Là người còn trẻ thì rất nên viết nhiều, nên quan niệm: Viết như là để thử sức, đào bới mình vậy. Trước đây mình cũng từng nghĩ như vậy và được nhiều nhà thơ đàn anh khuyên như vậy đấy”.

1.

Vào những năm 80 trở về trước, đối với những người viết trẻ, có thơ được lên mặt  báo quả là khó khăn. Nhìn chung là cứ phải xếp hàng dài dài và có khi phải lâu thật là lâu mới hy vọng đến lượt. Cũng có không ít người bị hẫng hụt vì những sự cố không đáng có. Bởi vì hồi ấy số đầu báo ít, “đất” dành cho văn chương nói chung và thơ nói riêng cũng ít, trong khi số người “gác gôn” thơ lại khá chặt chẽ và số người làm thơ vẫn đông đảo.

Đối với những tờ báo không chuyên sâu về văn hóa văn nghệ, mỗi tuần có khi chỉ cho ra mắt độc giả vẻn vẹn một bài thơ. Vậy mà vẫn có một tờ báo mở ra một cánh cửa tương đối hào phóng với thơ, mỗi tuần vẫn dành cho thơ khoảng ¼ trang khổ to, đăng tải khoảng 3 – 4 bài thơ của 3 – 4 cộng tác viên. Ấy là tờ Độc lập – cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ Việt Nam, từng tồn tại trong làng báo Việt Nam đến năm 1988. Sở dĩ có hiện tượng lạ này là do Báo Độc Lập có Tổng biên tập là nhà thơ Ngô Quân Miện chăng?

Vào thời điểm từ 1979 đến 1982, tôi tự nhận mình là người làm thơ trẻ ít nhiều có may mắn khi được Báo Độc Lập đăng khoảng 5 – 7 bài. Một lần, sau khi đi Hòn Gai về, viết được bài “Trước biển Hòn Gai”, tôi háo hức gửi Độc Lập và được báo đăng sau đó ít ngày.

Bây giờ, “Trước biển Hòn Gai” chỉ là một kỷ niệm đẹp của thuở ban đầu lưu luyến ấy, không làm tôi nhớ lâu. Nhưng tôi nhớ nhất một chi tiết: Câu thơ “Cho tôi nguôi nỗi nhớ về em” trong hai câu thơ: Và Hòn Gai như một người con gái/ Cho tôi nguôi nỗi nhớ về em được người biên tập “chỉnh” thành: “Tôi không nguôi nỗi nhớ về em”.

Ban đầu tôi hơi khó chịu. Hình như cũng giống như nhiều người cầm bút làm thơ khác, mỗi khi bị đụng câu, đụng chữ… tôi vẫn hay có cái “máu” phản ứng bằng cách tự ái thường trực như vậy. Nhưng sau khi bình tĩnh ngẫm nghĩ lại, tôi thấy việc chỉnh sửa ấy là có lý. Nếu nguôi nỗi nhớ về em thì chẳng hóa ra mình đã ở bên em này mà quên em khác, cho dù em – Hòn Gai và em – người yêu tôi xa nhau một trời một vực, có lẽ phải “Tôi không nguôi nỗi nhớ về em” mới ổn, câu thơ mới có ý khác hơn.

Tôi bèn đến trụ sở báo ở phố Lý Thường Kiệt cảm ơn nhà thơ Ngô Quân Miện một câu. Không ngờ, khi đến nơi, nhà thơ Ngô Quân Miện bảo: “Cậu nên cảm ơn nhà thơ Vân Long – người đang là Trưởng ban Văn nghệ, trực tiếp biên tập thơ của báo mình, người vừa chuyển từ Ty Văn hóa Hà Tây về đây ít năm”.

Ấy là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với nhà thơ Vân Long. Tôi thấy ông là người lịch lãm, nói năng nhỏ nhẹ và rất dễ gần, dễ mến. Ông khuyên tôi rất chân thành: “Là người còn trẻ thì rất nên viết nhiều, nên quan niệm: Viết như là để thử sức, đào bới mình vậy. Trước đây mình cũng từng nghĩ như vậy và được nhiều nhà thơ đàn anh khuyên như vậy đấy”.

Sau đó, vào năm 1993, có một lần Vân Long ghé qua Báo Hà Nội mới. Ông nói với tôi: “Mình đã chuyển sang Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Mình sắp làm Tuyển tập thơ Việt Nam hiện đại tập 2, sang năm xuất bản, mỗi người một bài, mình nhớ đến Giang. Ông gửi ngay thơ cho mình, kẻo muộn”. Hay tin, tôi cảm động mãi và thầm cảm ơn nhà thơ đàn anh đã quan tâm. Đến quý 4 năm 1994, đúng hẹn, một tuyển thơ gồm 200 bài thơ của 200 tác giả ra đời, trong đó có nhiều tác giả hải ngoại như Nguyễn Hồi Thủ, Luân Hoán, Khế Iêm…

Có lẽ là lần đầu tiên, một tập thơ được xuất bản qua con đường xã hội hóa. Trước khi đọc thơ, người đọc bắt gặp dòng chữ: Trân trọng cảm ơn sự đóng góp tài trợ của Công ty Vận tải đường sông số 2 (giám đốc Dương Xuân Chính).

Ban đầu, tôi nghĩ vậy. Sau mới biết mình đã hoàn toàn võ đoán, bởi vì ngay sau khi chuyển về nơi công tác mới, Vân Long thấy nhiều bản thảo thơ ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn đang ở dạng “tồn kho”, chưa in được vì kinh phí xuất bản eo hẹp, ông đã mạnh dạn đề xuất Ban Giám đốc giải quyết theo hướng “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chính vì thế mà mới có màn mở đầu bằng việc ra mắt bạn đọc một tập thơ của ba tác giả: Trần Quốc Thực, Dương Kiều Minh và Nguyễn Lương Ngọc.

Qua đó, tôi mới nhận ra: Vân Long là một người luôn yêu thơ và hết lòng với  thơ. Và tôi tin, hai kỷ niệm này tuy làm tôi nhớ, nhưng Vân Long thì chắc hẳn đã quên từ lâu rồi. Ông làm sao có đủ thời gian để nhớ những chuyện có thể là rất thường ngày và thường xuyên vì thơ của ông như thế.

 

Vân Long làm thơ từ rất sớm. Đầu những năm 50, ông đã tham gia Nhóm thơ Hoa Phượng cùng với một số nhà thơ, trong đó có Băng Sơn. Thời ấy, ông có khoảng 15 – 16 bài thơ đăng trên một số tờ báo có xu hướng tiến bộ như “Tiếng dân”, “Đời mới”, “Thẩm mỹ”… Và tuy ở vùng địch tạm chiếm nhưng tâm tưởng ông vẫn hướng về khát vọng độc lập tự do của dân tộc.

Cách nay không lâu, ông đã đọc lại mấy câu thơ viết từ lâu lắm rồi, tôi nghe và vẫn thấy không cũ. Tôi thấy tư chất và phẩm cách thi sĩ đã manh nha trong ông từ rất sớm:

Là hoa, đến thời, cứ nở
Ngại chi giông gió phũ phàng
Một đóa quỳnh trắng mới hé
Mảnh mai trong cõi dương gian…

Những năm ở Đoàn Văn công Hải Phòng, thời kỳ ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, thơ Vân Long như góc cạnh hơn, tốc độ hơn, vạm vỡ hơn, dữ dội hơn, mang hơi thở và dấu ấn thời cuộc hơn.

Đây là một trích đoạn trong “Thành phố tôi yêu” được ông viết từ năm 1970: Thành phố này – tôi yêu/ Một tình yêu kỳ lạ/ Bằng cái đau của mái trường giặc phá/ Bằng nỗi vui một buổi thông cầu/ Cái trăn trở của không gian vùng bom nổ chậm/ Cái hào hùng trong tiếng hát trầm sâu/ Thành phố của bộn bề sắt thép/ Từng sơ tán cả một vùng công nghiệp/ Chiếc cờ-lê cũng khăn gói đường dài/ Cỗ máy khổng lồ bẩy chục tấn cùng trên vai/ Nơi bài học viết bằng lửa sắt/ Bằng tư thế bóp cò không chớp mắt.

Đây là những trích đoạn trong “Ngày và đêm trên bến cảng” và “Qua quán bán hoa” cũng được ông viết trong những năm tháng hào hùng ấy: Thời gian ở đây biến thành dòng xe nối đuôi nhau không bao giờ hết/ Không gian bị cắt chia bằng những đường quyết liệt/ Mũi nhọn con tàu, ngang dọc những neo, dây/ Và nhiệt tình đo bằng tấn trên vai…/ Không có ca một, ca hai/ Chỉ một dây chuyền dài/ Dòng xe chuyển động”; “Sống và chết, chẳng phải bàn chi nữa/ Những mái nhà kiêu hãnh ngẩng cao…

Đôi khi, ông cũng là người ưa trải nghiệm. Năm 65 tuổi, trong “Đêm chờ xét nghiệm”, ông đã trải lòng mình mà viết những câu thơ gan ruột: Ngày mai là u gì? Tôi vui lòng chấp nhận/ Phải chăng là số phận/ Trời dành riêng cho mình/ Dành cho mỗi loài chim/ Một tầm bay giới hạn/ Dành cho mỗi loài cá/ Một mức nước nông sâu….

Và ngay cả trong sự phấp phỏng đợi chờ may rủi, ông vẫn hướng về ngày mai trong một niềm vui rất thi ca, rất gần gũi và bình dị: Trời vẫn một màu xanh/ Thêm một hai thập kỷ/ Trồng thêm mươi khóm hoa/ In thêm vài cuốn sách/ Cháu ríu rít trong nhà/ Chim lanh chanh trước cửa….

Nhưng hơn hết, ông vẫn trở về với bản thể thi sĩ của mình. “Ngõ Tràng An” là một bài thơ tiêu biểu của ông trong sự “vẫn trở về…” ấy: Tôi thả bước lơ ngơ/ Trưa vàng/ Ngõ cũ/ In một bước tình cờ/ Lên dấu chân ngày nhỏ. Rồi cả “Ngõ Tràng An” như dồn nén lại để bật ra hai câu thơ được coi như “thương hiệu” thơ Vân Long:

Hoa đại đầu thế kỷ
rụng vào tôi-bây-giờ…

3.

Thời trẻ, nhà thơ Vân Long có một đời sống vất vả về cả vật chất lẫn tinh thần. Vì bị người cha đối xử không công bằng, ông đã rời nhà, sống một cuộc sống tự lập từ rất sớm. Ông tâm sự: “Có lẽ vì có nhiều vợ, lắm con, lại thiếu lòng nhân từ nên cha tôi đã không muốn tôi ở chung với ông, với gia đình mới của ông… Bây giờ, đã 83 tuổi rồi, nhớ lại chuyện cũ, tôi vẫn còn buồn. Nhưng biết đâu, trong cái rủi lại có cái may… Đến khi trưởng thành, tôi sớm tự chủ hơn. Tôi từng là diễn viên nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, cán bộ Sở Văn hóa Hải Phòng, cán bộ Sở Văn hóa Hà Tây, Trưởng ban Văn nghệ Báo Độc lập, chuyên viên biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn và từng gắn bó với ba vùng đất là Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây”.

Năm 65 tuổi, qua “Đêm chờ xét nghiệm”, Vân Long viết: “Tôi loài cá ăn chìm/ Thơ và đời lặng lẽ”. Như vậy, ông đã tự nhận mình là loài cá ăn chìm trong thơ và trong cuộc đời của mình.

Trên thực tế: Cá ăn chìm là một loài cá thường hoạt động ở tầng nước sâu, ưa kiên trì, bình tĩnh phát hiện, tìm kiếm những gì nơi đáy nước. Rồi thở. Rồi sống. Rồi… Và biết đâu chính ở nơi tưởng yên ả ấy, lại bắt gặp những gì không yên ả, như sóng ở đáy sông chẳng hạn.