Theo dõi các diễn biến không dễ, vì thực ra câu chuyện là cái mờ khuất, nhưng Nắng Thổ Tang thực sự cuốn hút bởi thứ ngôn ngữ mạch lạc, sáng tỏ trong từng chi tiết đặc tả, hay khơi gợi, suy nghiệm.


LỊCH SỬ VÀ CÁC CHIỀU KÍCH VĂN CHƯƠNG

 (Đọc “Nắng Thổ Tang” của Đinh Phương, NXB Hội Nhà văn 2021)

LÊ HOÀI LƯƠNG

1.

Còn nhiều biện giải khác nhau khi xác định thể loại văn chương khai thác các sự kiện, nhân vật lịch sử, như cách phân biệt và gọi tên: ký sự lịch sử, tiểu thuyết lịch sử, truyện sử, ngụ ngôn lịch sử, tân chủ nghĩa lịch sử…, nhưng trong chuỗi dài phát triển của nó, rõ ràng mảng văn học này càng mở rộng biên độ và chứng tỏ ưu thế trong diễn trình về số phận, lịch sử con người, và thời đại. Nắng Thổ Tang của Đinh Phương mới đây là một minh chứng.

Tiểu thuyết có mấy sự kiện lịch sử chính: việc mười ba lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ) lên đoạn đầu đài ở Yên Bái năm 1930; ba trăm ngày của 1954- 1955 cho người Bắc di cư vào Nam ở Hải Phòng; và những sự vụ hệ thuộc, mờ khuất hoặc rất “ngoại vi” kiểu sự thật về Ám sát đoàn của VNQDĐ, cuộc đình công đấu tranh của thợ mỏ Mạo Khê bị chủ xử lý…

Không có nhân vật lịch sử. Những Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Ký Con… chỉ liên đới nhắc tên. Các sự kiện cũng không nặng vấn đề ý thức hệ, phe phía, Việt Minh miền Bắc hay miền Nam của Chúa, của Việt Nam Cộng hòa.

Chuyện xoay quanh nghi án về cuộc thanh trừng nội bộ các đảng viên VNQDĐ qua cái bẫy của trùm mật thám Pháp, Brides: chị em Nhu, Uyển bị bắn từ Ám sát đoàn, sự kiện 13 lãnh tụ VNQDĐ bị hành quyết bằng máy chém ở Yên Bái. Rồi cái chết thảm của những thợ mỏ Mạo Khê sập hầm, lở núi và 13 người thợ mỏ bị chủ chôn sống tội đấu tranh đòi các thứ quyền theo chủ thuyết Tam Dân- cuộc tranh đấu bị lộ vì có 2 kẻ phản bội. Đỉnh điểm là cuộc di cư vào Nam: chuyện ở nơi tập trung, thời 300 ngày đậm đặc nghi ngờ, bất an, hoảng loạn… Những con người của 3 vụ việc khác biệt lại có dây mơ rễ má với nhau, thời điểm ấy, và kéo dài đến hôm nay, những hậu duệ liên đới.

Gã thanh niên dù không tin Chúa nhưng cùng đi với Hằng, cô người yêu, đến điểm chờ vào Nam: gã đi vì là con Ông Đao Phủ lấy đầu mấy trăm người, thành tích để đời là những cái đầu VNQDĐ; đi để hy vọng một lai lịch mới trên vùng đất mới. Hằng mất tích, rồi sau này gã làm người xà ích chở mấy thi thể thợ mỏ bị sập núi đè chết; có thể gã cũng là người tuần đường, lai lịch bí ẩn, người chứng kiến cái chết cô gái tự tử vì tình phụ, xác chết sau đó mất đầu không thể tìm thấy. Nhân vật A có bố mẹ chủ hãng nước mắm ở Hà Nội, không theo cha mẹ vào Nam trong chuyến bay, ở lại Bắc để “chứng kiến suy nghĩ, sinh hoạt của người buộc phải đi khỏi mảnh đất quen thuộc bao đời gắn bó… cố gắng quan sát, miêu tả, viết lại mọi sự, chỉ mong sau này nó có người đọc…”; ở nơi tập trung chờ xuống tàu- một thánh đường bỏ hoang- A thành linh mục bất đắc dĩ, chứng kiến, nghe những lời xưng tội của bao người trong bất an, hoảng loạn; những mất tích, giết người, trộm cắp, hiếp dâm…

Gã cuối cùng thành A phẩy, bố ả phụ xe, và mấy cuốn sổ ghi chép, khơi mở một phần bí ẩn. Hòa, nhà văn trẻ hôm nay, ký ức tuổi thơ từng chứng kiến người xà ích và con ngựa trắng chở sáu xác chết thợ mỏ, lại biết anh em ông nội mình- qua mẹ kể- là hai kẻ phản bội xưa, khiến 13 thợ mỏ bị chôn sống. Vợ Hòa là Hằng, phóng viên một tờ báo, được đặt tên trùng với bà cô ngày trước mất tích, sống trong gánh nặng tâm tưởng oan khuất và thực tế- chén cơm cúng hàng ngày của gia đình! Vợ chồng 2 người trẻ nhà văn nhà báo cùng bị quá khứ ám ảnh, bất an, đến mức không thể làm tình, rồi lạc mất nhau, ngay trong thành phố họ đang sống.

Tôi “diễn nôm”, xâu chuỗi các diễn biến, xưa và nay, lai lịch, hành trạng các nhân vật cho dễ theo dõi, chứ cuốn sách được viết bằng thủ pháp hòa trộn hiện thực với kỳ ảo; sự việc đan cài theo thời gian/ kết cấu phi tuyến tính; nhân vật cũng hư thực;  mọi thứ cứ bềnh bồng, ẩn hiện như qua một màn sương mù bí ẩn. Có thật Lân- người của Ám sát đoàn phải giết người tình của mình theo mệnh lệnh tổ chức, và cuối cùng tự sát? Hay Nhu, Uyển không phải người của VNQDĐ, mà là người của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội “không thể đưa cả hai sang Hồng Kông, ở lại sợ bị bắt tiếp thế là đành ra tay”- cái buổi hội đoàn bí mật, phe phía, Việt quốc Việt cách, có thật và đồn đại như bóng ma? Hằng vẫn mãi mất tích như bao người biến mất, thời này.

A, kẻ đọc sách, chứng kiến những hỗn loạn, bất an, tội ác ở điểm chờ, tức A phẩy, sau này cứ mãi viết mấy chữ tiếng Pháp ám ảnh: teur, blesser ou kidnapper (giết, làm bị thương hay bắt cóc)- là bố, bị ả phụ xe kết tội giết mẹ; có đúng ông ta làm vậy không hay kẻ thủ ác xưa trong vai mua đồng nát làm để dằn mặt vị “linh mục” bất đắc dĩ, biết bí mật của hắn? Con ông Chọc Tiết - người xà ích, với con ngựa trắng chở xác, rồi người tuần đường có lai lịch, hành trạng bí ẩn cùng cái xác cô gái mất đầu, là nỗi ám ảnh không dứt về mấy trăm cái đầu- “thành tích” lẫy lừng của bố mình? Còn bố Hòa- tức con của ông thợ mỏ Mạo Khê phản bội 13 người đấu tranh xưa- trong gánh nặng ám ảnh, bỏ mẹ Hòa, sống cùng người đàn bà khác ở “bên kia thị trấn”- bên này và bên kia thị trấn được lặp lại nhiều lần- cách xác định địa danh cũng mơ hồ, hư thực...

Và nhất là cách kể chuyện sử dụng ngôi thứ nhất cho hầu hết các nhân vật: Long xách tai- học trò đồ tể Cai Công, Hòa, Hằng (nay), con ông Chọc Tiết- người yêu Hằng (xưa), A, A phẩy, B, Lân… Tuyến truyện đứt nối, “tôi” này chồng lấp với “tôi” khác càng làm tính chất mờ ảo vốn có của câu chuyện thêm nhiều tầng lớp.

Các nhân vật hiện lên trên dòng sự kiện như những chiếc lá cuốn bay trong gió, như rác rìu trong dòng sông mùa lũ; tâm lý, hành trạng họ lúc cụ thể, sống động, khi mơ hồ, bí ẩn, nhưng lại để hiện rõ hình vẻ cơn gió lá rong trên phố, hay tính chất của dòng nước xiết, ngầu đục khôn cưỡng. Chỉ ghi nhận gió chướng chứ hơi đâu nhắc tới xác lá cuộn xoáy vô định trong nó; lưu lại trận lụt kinh hoàng, chứ mọi rác rìu cuốn trôi theo đó là không đáng nói: lịch sử thường bỏ quên hoặc có tính a dua, xu thời!

Cần xác định rằng, lịch sử Việt Nam ngót trăm năm qua có những biến động lớn, lớn nhất là cuộc chiến đấu thoát khỏi thân phận “vong quốc nô”, giành độc lập dân tộc, rồi thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Cuộc chiến với các kẻ thù hùng mạnh, những đúc kết, cái giá phải trả, những kỳ tích vang dội… là bề nổi nổi trội; vì nhiều lẽ, lịch sử dù cố gắng cũng chỉ là những “lựa chọn” cho phù hợp theo quy cách nào đó, huống chi phần ẩn khuất, hoặc những vụ việc chẳng phải trung tâm, số phận đám đông bé mọn.

Thế những nhân vật của “Nắng Thổ Tang”, chung chung, bé mọn, chẳng cần định danh, hoặc chìm khuất, bất lực, nhập nhòa, vô định - một cách chủ ý- nói lên điều gì?

Không có các sự kiện “long trời lở đất”, “chấn động địa cầu”, không có các anh hùng, huyền thoại, vĩ nhân…, Nắng Thổ Tang đi sâu vào những điều có vẻ như nhỏ nhặt, ngoài lề của thời kỳ này, và chỉ ra cái gờn gợn mà lịch sử chưa tường, chưa thể gọi tên. Đó là phần âm ỉ phân rã nhưng hằn vết sầy xướt dai dẳng trong tâm thức Việt trải nhiều thế hệ ngót một thế kỷ qua: cuộc di cư của người Bắc vào Nam 54- 55, dù lý do gì, vẫn để lại di chứng nặng nề nhiều thế hệ. Khi cuộc sống tiếp tục với những biến động lớn theo chiều thuận: không còn bên này bên kia giới tuyến, sông Bến Hải không còn ranh định thù hận, thì chừng như trong sâu khuất lòng người còn mãi gờn gợn, nghi kỵ, phân chia.

2.

Đinh Phương là thế hệ trong- ngoài ba mươi hiện nay, lấy quy chuẩn tuổi ba lăm của Hội Nhà văn về Hội nghị Viết văn trẻ, Giải thưởng Tác giả trẻ, thì anh là nhà văn trẻ. Quy vùng “trẻ” để có định hướng phát triển thì tốt thôi, nhưng tôi chẳng bao giờ thích việc phân biệt trẻ già khi nghe cách nói, cách viết này về một sáng tác, một cây bút. Có chăng, biết độ tuổi tác giả, người đọc thêm chút hài lòng hoặc thất vọng: nếu trẻ mà không tìm tòi mới về ý tưởng, kỹ thuật thì dễ hình dung tác giả ấy sẽ đến đâu, và nếu là số đông sẽ thấy tương lai nền văn học.

Đinh Phương có mới không?

Ngay từ những truyện ngắn Lau lách chiều trắng xóa, Chiều ký ức phủ gai, Chuyến trở về của cỏ, Hoa trải trắng sông…, đã có một Đinh Phương miệt mài lối riêng vào miền xa khuất của lịch sử: với anh, cái lý thuyết về nhân vật điển hình hoàn cảnh điển hình gì gì đó chẳng hề là lựa chọn. Những cỏ, gai, lau lách, xác hoa trên sông…- phần “ngoại biên”, theo cách phân biệt của một lý thuyết văn học- qua ngòi bút tác giả này, đã chuyên chở tiếng nói khác của thời đại mình. Nó dễ dàng biến hóa, không chỉ bổ sung cho vùng “mờ”, vùng “quên” của lịch sử, mà còn khả tín hơn- ở lợi thế văn chương- về số phận, lịch sử con người. Lựa chọn này của anh cũng được thể hiện ở tiểu thuyết đầu tay Nhụy khúc, tức, mọi thứ đã dần định hình cho một Nắng Thổ Tang, với những vấn đề trực diện và nhạy cảm hơn.

Nắng Thổ Tang được viết bằng bút pháp, thủ pháp nào? Đó là vận dụng tối đa sự hòa trộn hiện thực và huyển ảo; màu sắc trinh thám và tâm phân học Freud; là dòng ý thức và hồi ức, ghi chép; là lựa chọn ngôi thứ nhất cho các nhân vật; là sự can dự xuyên suốt của các nhân vật/hình tượng nghệ thuật: con ngựa trắng, nắng… Tất cả, có khi rạch ròi từng trường đoạn, nhân vật, có lúc chập vào nhau, biến hóa xưa, nay. Chẳng phải để rối rắm, bí hiểm, mà chính là diễn tả cái rối rắm, bí ẩn cần rọi xét. Theo dõi các diễn biến không dễ, vì thực ra câu chuyện là cái mờ khuất, nhưng Nắng Thổ Tang thực sự cuốn hút bởi thứ ngôn ngữ mạch lạc, sáng tỏ trong từng chi tiết đặc tả, hay khơi gợi, suy nghiệm. Bạn đọc sẽ dần kết nối để sáng tỏ thân phận và lai lịch, hành trạng các nhân vật, sẽ có câu trả lời cho mình về các vấn đề lịch sử, hoặc cuối cùng chẳng có lời giải đáp rõ ràng nào cả: nhưng cái vùng mờ khuất đã hiện lên, cái sầy xướt đã thực tồn, dù không dễ nắm bắt. Như nắng!

Với các thủ pháp, bút pháp hòa trộn; xoắn bện vào nhau không gian thời gian xưa và nay; cách dàn dựng giấu kín hành tung nhân vật- tạng nhân vật có có không không, ai cũng được cũng là, chung chung vô tăm tích; tuyến truyện cũng ẩn hiện, không trội lên nhánh chủ lưu nào cả: chẳng riêng người đọc, nhân vật nhiều lúc còn ngơ ngác với chính mình. Cái ma trận ấy, hẳn tác giả phải vạch sơ đồ, cân nhắc các biện pháp xử lý, biểu hiện rất kỳ khu. Chỉ có thể tiếp nhận cuốn sách một cách đầy đủ các giá trị từ ý tưởng đến cách thể hiện của nó khi đọc xuyên suốt, chứ khó thể thông qua mấy đoạn trích dẫn.

Nhưng, các phương thức, kỹ thuật dù vận dụng biến hóa cỡ nào, công cụ chuyển tải trực tiếp là chữ nghĩa, cách hành văn- thứ lưu dấu rõ rệt của người viết- trong Nắng Thổ Tang, cũng giữ vai trò quan trọng.

Đây, cảnh tả thực, chiếc xe ngựa chở xác chết: “Người chết gói tạm bợ trong manh chiếu, buộc thừng ở giữa, nằm trong thùng xe ngựa lọc cọc trở về thị trấn. Giá mà người chết nằm thẳng đuột ra như hồi ông nội chết thì tốt, dây có thể buộc vào chân, đầu, bụng rất gọn ghẽ, chỉ như một thân chuối to bọc lá thôi. Đằng này, mỗi người mỗi kiểu, co ro cúm rúm, như tôm tép, quay ngược quay xuôi chẳng theo trật tự nào. Thùng xe lại chật, người này nằm lấn sang người kia, khuỳnh khuỳnh khoàng khoàng./…/ Người xà ích ban đầu còn vừa đi vừa kéo chiếu che cho kín mấy cái xác, sau chẳng còn che nữa, bước chân mệt mỏi, chiếu bay lật phật, lật phật.” (Tr.52-53).

Rồi trong cái nắng bức bối, trong sự cùng quẫn tuyệt vọng, chuyện chẳng đâu vào đâu khi con ngựa chồn chân cọ móng, hẩy bụi lên mặt những người nhà tụ lại nhận xác, một cuộc lên đồng tập thể xảy ra: “… ai đó giằng roi trong tay người xà ích quật mạnh vào đầu ngựa, đám người nhà bu lại, người này quật xong dúi tay người kia, một cái roi không đủ cho ngần ấy sự giận dữ vừa thắp lên, cọc rào vườn rau sau lưng nhổ tung chia ra, mặt phừng phừng đỏ, từng nhát đòn riêng ràn rạt quất xuống, người xà ích hét “mẹ kiếp, làm gì đấy, điên hết rồi à”, sấn lại định thẩy mấy cái xác xuống, lập tức tay đẩy huỵch ra, chân đạp với theo trúng bụng, khuỵu xuống, sáu cái xác nằm yên trên thùng xe chứng kiến trận đòn thù bất ngờ không căn cứ, con ngựa lồng lên bị cầm cương ghì lại, chi chít vệt đỏ ối bừng nở rực rỡ, con ngựa khuỵu hai chân trước, xác trên thùng xe theo đà chúi xuống, “ối… ối”, vài người phụ nữ hét lên, buổi trưa nắng vàng biến thành buổi trưa nắng máu, không gian ngập mùi tanh máu ngựa quyện với mùi mồ hôi người, mấy cái xác nhìn nhau oi oi bức bối, bùn trên mặt những cái xác đã khô đi bắt đầu rạn ra những vết nứt, bong lên, nắng chiếu vào da thịt người bên trong, người chẳng còn là người, roi trên tay vẫn vụt vun vút, người xà ích nhao lên cứu lấy cần câu cơm của mình lần cuối lập tức bị vả vào miệng, máu trào ra, máu đỏ, nắng đỏ, buổi trưa đỏ lạnh buốt…” (Tr. 56).

Ký ức tuổi thơ về người xà ích, con ngựa ở thị trấn Mạo Khê quê nhà, bám theo Hòa cơn mộng du con ngựa trắng, dai dẳng cuộc tìm về quá khứ ám ảnh như thế. Thêm ký ức túm năm tụm ba thuở nhỏ đốt vàng mã, cúng ngựa, khi đốt: “lửa cháy con ngựa như đang nhảy múa. Nhưng có thật là nhảy múa không? Hay đang vẫy vùng trong đau đớn. Phàm những gì có hình dạng con người hay con vật đều chứa đựng trong nó linh hồn. Khi đốt, xé, vày vò cũng đồng thời giết đi linh hồn bên trong.” Cuộc nhập vai đã để lại những vết bỏng thật: “Vợ, mẹ tôi cuống lên bảo tôi đi khám. Tôi ừ hử rồi nghĩ, chỉ là vết sẹo vô hình của nhiều năm trước hiện về, có gì phải sợ hãi. Cũng chính từ đây tôi biết linh hồn mình năm đó đã bỏng một vệt rất sâu chứ không phải thường.” (Tr.67).

Vẫn ngôn ngữ mạch lạc, sáng tỏ ấy, nhưng cơn điên- vô thức tập thể; cội nguồn cái ác, vết bỏng của tâm thức đã hiện ra: kể tả thực đã nhuốm màu huyển ảo, tâm phân học. Rồi đây, cuộc tìm về bản ngã lơ lửng, bất định: “Con ngựa, người xà ích có thật chứ!” Câu hỏi dễ trả lời, nhưng khi nấp sau thời gian lại thành khó trả lời. Mỗi lần từ thành phố về thị trấn tôi đều cố gắng dò hỏi, nhưng càng hỏi càng mất, càng đến gần câu trả lời thì càng xa.” (Tr.157).

Rồi Hằng, vợ Hòa, có cuộc kết nối với tuyến truyện, bằng dòng ý thức: “Quá khứ của anh không đều đều như mình vẫn tưởng, nó đầy biến động, từ khi con ngựa trắng xuất hiện anh không làm tình với mình nữa. Anh xa lánh tất cả mọi thứ, chìm trong thế giới thị trấn, với con ngựa, gia đình cùng những cơn mơ./…/ Không thể về nhà, bố mẹ không chờ đón mình, bố mẹ chờ một hình bóng Maria Hằng chứ không phải Hằng. Mình sẽ sống cho mình chứ không phải cho Maria Hằng, người năm năm tư đã bỏ nhà đi không một lời nhắn lại.” (Tr. 171-172).

Mê cung giải mã thân phận này khép lại bằng “tâm tư” của nhân vật Hòa- nhà văn: “Lịch sử chưa hẳn đúng, lịch sử mờ ảo, biến hóa./…/ Thời gian, ký ức luôn thay đổi, a có thể thành b hoặc ngược lại, đi tìm lời giải cho lịch sử ký ức là việc làm không mấy khôn ngoan. Song, tôi đã làm việc thiếu khôn ngoan ấy ngay từ lúc con ngựa trắng đột ngột đến tìm bên cửa sổ./…/ Tôi sẽ không sinh con để mang mọi thứ về Mạo Khê xuống mộ. Mười ba, Tam Dân, Tôn Trung Sơn, phu mỏ, hầm lò bỏ hoang đến đời tôi là chấm dứt.” (Tr.265).

Đấy là dõi theo một phần nhánh dẫn chuyện, đã thấy Đinh Phương sử dụng đa giọng điệu trên nền trần thuật, hồi ức. Có vẻ sở đắc của nhà văn là sau những trần thuật, hồi ức thường có những đúc kết mang màu sắc triết luận khi tác giả đã nhập vai nhân vật, nhẹ nhàng một chuyển tải:

“Mấy hôm trước ở mạn chợ Đồng Xuân dồn dập tin tức báo về đoàn người di cư từ Nam Định, Hải Dương, Móng Cái bị đánh bom, bắn lén, đặt hầm chông ngăn chặn; rồi đoàn người đi mấy chục người cứ mất tích lẻ tẻ dần chẳng rõ vì sao; hoặc có đoàn gần chục người đi thì cả chục người đều chết một đêm. Ai giết? Phần nhiều đổ cho Việt Minh ám toán người di cư khiến dân chúng hoang mang, lo lắng không theo Chúa vào Nam, hết hạn ba trăm ngày mọi việc sẽ trở lại bình thường. Người thì nói chính người Mỹ cùng người Pháp giật dây nhau giết người di cư đổ cho Việt Minh; vì người di cư không đi được hưởng lợi nhất là Việt Minh. Có người tưởng tượng viển vông hơn cho rằng tất cả những vụ giết người kia do Ám sát đoàn của Việt Nam Quốc dân Đảng làm, người chết đều là những kẻ phản Đảng; nếu thế việc này phải tiến hành ròng rã từ những năm ba mươi, khi những lãnh tụ của Đảng lần lượt lên máy chém; thật thế thì sợ quá, mối thù nuôi hơn hai mươi năm không còn là mối thù bình thường giữa người với người được nữa; sự thù hận, ân oán lúc này đã thành một nghi lễ cực đoan.” (Tr.127).

“Cả bố và mẹ A đều không nghĩ hắn có gan ở lại, nhất là khi gia đình hắn sẽ nằm trong tầm ngắm của những người đi từ rừng ra. Từ ngày tạm chiếm đã có bao nhiêu vụ trả thù, bắt cóc tống tiền. Hà Nội chao đảo thành một cái chậu chứa tất cả phẫn uất lẫn hi vọng, để người ta đổ bao nhiêu nước vào thì đổ, hắt ra gì thì hắt./…/ Hà Nội, A biết chứ, sẽ thành Hà Nội khác trong một ngày không xa, khi người Pháp cuối cùng uể oải rút qua cầu Long Biên. Hà Nội ấy chẳng có chỗ cho A, kẻ không lựa chọn giữa các bên. Đi giữa lằn ranh hứng đạn hai bên. Kẻ đi giữa bao giờ cũng là kẻ thông minh hoặc ngu ngốc nhất.” (Tr.154, 155). V.v…

Chất “văn” của một tác phẩm- dù người cầm bút và bạn đọc Việt hiện nay, còn thiên về “cảm” cái bề nổi kể tả chứ ít “đọc” nội hàm câu chuyện- thì Nắng Thổ Tang vẫn dung hòa được yêu cầu này, tung tẩy và biến hóa!



3.

Nắng Thổ Tang ghi thể loại “tiểu thuyết” chung chung, vì như nói ở phần đầu, các vấn đề Đinh Phương tìm kiếm là lịch sử con người, trong thời cuộc đó; phần ưu thế của văn chương mà lịch sử luôn hạn chế.

Về căn bản, cuốn tiểu thuyết không có nhân vật chính. Ảo, giả, hoặc sắm vai như A- “linh mục” nơi thánh đường bỏ hoang (một chi tiết hóm hỉnh- chuyện Chúa đã vào Nam!), chỉ nói với mọi người xưng tội những điều chung chung về ngày mai, về sự cứu rỗi. Người chẳng tin Chúa lại phải rao giảng đức tin: tình thế vô vọng chứ không phải bịp bợm! Đó lại là cái thực ấn tượng. Bàng bạc trên dòng sự kiện mờ khuất những kiếm tìm, giả định, là sự thật khác mà văn chương hướng tới: số phận đám đông bé mọn, mọi thời! Và bi kịch của họ: di cư hoặc không, tức chọn phe, hoặc lừng khừng đứng giữa, đều để lại vệt sầy xướt, sự phân hóa kéo dài nhiều thế hệ.

Càng lúc càng xoáy sâu, đọng lại, ám ảnh chủ đề này, đến kết thúc; kỳ thực mọi thứ đã gợi từ phần đầu sách: số phận Long xách tai theo sư phụ đao phủ Cai Công vào Nam, gặp cảnh giết chóc khác cũng chẳng thể xóa nhòa nỗi nhớ đất Bắc, ký ức dai dẳng ngày tháng Bắc, vượt sông trở về, bị bắn chết.

“Đêm đen kịt, tôi bị bắn chết giữa sông Bến Hải, khi đạn cả hai bên bờ cùng nổ ran, chẳng biết chết vì bên nào. Bây giờ là tháng Mười tây, tháng Chín ta, mùa thu quyết xưa bắt đầu. Tôi chết khi chưa thấy mùa thu đất Bắc, chưa cảm nhận được gió heo may thốc thổi bên tai, chưa thấy lá đổ từng tảng thổi bay dào dạt bên trời. Chết khi vẫn chưa đi vào lịch sử đao phủ trên đất Việt này; và nhất là chưa thấy lại ánh mắt buồn bã, tuyệt vọng của bố mẹ nơi thành Nam…

Mặc tôi, sông vẫn mải miết trôi.” (Tr.31).

Với Nắng Thổ Tang, Đinh Phương đã thêm một lần khẳng định chiều kích vô hạn của văn chương, từ đề tài đến cách thức thực hiện. Và vẻ đẹp của nó.