Từ trước đến nay, cũng đã có nhiều văn nghệ sĩ được trao tặng Huân chương Độc lập hoặc những Huân chương cao quý khác. Tuy nhiên, chẳng ai có được một buổi lễ vinh danh tưng bừng như nhà thơ Hữu Thỉnh. Vì sao như vậy?


 Nhà thơ Hữu Thỉnh năm nay tròn 80 tuổi. Nhà thơ Hữu Thỉnh có được một sự nghiệp với đầy đủ sự ghi nhận, mà không mấy người trong giới văn chương có thể so bì hay mơ ước. Đời văn và đời thưởng của nhà thơ Hữu Thỉnh hoàn toàn là chất liệu mỹ mãn cho một tiểu thuyết sinh động về giới cầm bút Việt Nam thời hiện đại.

Nhà thơ Hữu Thỉnh sinh ra tại làng Phú Vinh, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp phổ thông, Hữu Thỉnh vào bộ đội Tăng - Thiết giáp và ghi dấu ấn bằng bài thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” được phổ nhạc phổ biến rất rộng rãi trong toàn quân và toàn dân.

Hòa bình, anh lính xe tăng Hữu Thỉnh theo học Trường viết văn Nguyễn Du và từng bước trở thành tên tuổi đứng đầu giới văn chương. Từ năm 1983, nhà thơ Hữu Thỉnh đã tham gia ban lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam. Đến năm 1995, nhà thơ Hữu Thỉnh làm Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng ông hầu như nắm toàn bộ quyền điều hành hoạt động của tổ chức này vì Chủ tịch Hội là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm phải bận bịu với cương vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin.

Nhà thơ Hữu Thỉnh làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam suốt 4 khóa, kéo dài 20 năm, từ 2000 đến 2020. Ngoài ra, ông còn có hai khóa làm Đại biểu Quốc hội, hai khóa làm Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Nói chung, nhà thơ Hữu Thỉnh là một quan văn đầy nhiệt huyết. Nếu không có quy định của Ban Bí thư về độ tuổi của các chức danh đứng đầu đơn vị, thì nhà thơ Hữu Thỉnh cũng sẵn sàng đảm đương trọng trách đến tận hơi thở cuối cùng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh có cách ứng xử mềm mại và khéo léo, ông mềm mại để cấp trên tin cậy và ông khéo léo để cấp dưới ủng hộ. Nhà thơ Hữu Thỉnh hiện diện đúng phẩm chất một nhân vật văn chương thành đạt, ông có tất cả từ tác phẩm, công chúng đến chức vụ, giải thưởng. Ở tuổi 80, nhà thơ Hữu Thỉnh được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cũng là thêm một dấu son rực rỡ, như ông từng dự báo “những gì không bị hư danh cuốn theo/ làm nên các thi sĩ”.

Từ trước đến nay, cũng đã có nhiều văn nghệ sĩ được trao tặng Huân chương Độc lập hoặc những Huân chương cao quý khác. Tuy nhiên, chẳng ai có được một buổi lễ vinh danh tưng bừng như nhà thơ Hữu Thỉnh. Vì sao như vậy? Đơn giản, vì nhà thơ Hữu Thỉnh có con gái là đạo diễn Nguyễn Việt Thanh. Nhà thơ Hữu Thỉnh có ba người con gái mà ông viết “Việt Thanh và Việt Tú/ Việt Trì trong tên con”. Con gái đầu Nguyễn Việt Thanh đã dàn dựng lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì cho cha mình, thành một chương trình nghệ thuật “Sức bền của đất” tại Nhà hát Lớn Hà Nội, rất ấn tượng.

“Sức bền của đất” là tên gọi của một trong bốn trường ca của nhà thơ Hữu Thỉnh. “Sức bền của đất” tuy không có tầm ảnh hưởng bằng “Đường tới thành phố”, “Trường ca biển” hoặc “Trăng Tân Trào” nhưng được chọn làm tên chương trình vì mang ý nghĩa phản ánh sức sống của người. Sức sống không chỉ bao hàm sức khỏe mà còn phản ánh sức nghĩ, sức viết, sức rung động, sức yêu thương, sức sáng tạo. Đạo diễn Nguyễn Việt Thanh đã mời nhiều người nổi tiếng như Lê Khanh, Tự Long, Xuân Bắc, Đàm Vĩnh Hưng... diễn ngâm những bài thơ quen thuộc của Hữu Thỉnh và hát những ca khúc phổ thơ Hữu Thỉnh trong chương trình “Sức bền của đất”, để bày tỏ sự hiểu thảo dành cho phụ thân.  

Nhà thơ Hữu Thỉnh luôn tham công tiếc việc. Ông đam mê các hoạt động đoàn thể, nhưng vẫn tràn trề năng lượng văn chương. Không thể phủ nhận, Hữu Thỉnh là nhà thơ vượt trội trong thế hệ chống Mỹ cứu nước. Hữu Thỉnh có nhiều câu thơ hay, không hề thua kém những tiền bối như Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh...

Đặc biệt, nhà thơ Hữu Thỉnh thường có kiểu xã giao “thật tuyệt vời”, nhưng ông vẫn rất chịu khó đọc của các đồng nghiệp và có cách lý giải tác phẩm đồng nghiệp khá tinh tế. Các tập phê bình của nhà thơ Hữu Thỉnh như “Lý do của hy vọng” hoặc “Bến văn và những vòng sóng” có không ít tiểu luận xuất sắc về Nguyễn Đình Thi, Vũ Quần Phương, Thanh Thảo, Bằng Việt, Nguyễn Quang Thiều...

Là một nhà thơ, dù có thu hoạch được chức vụ, giải thưởng hay huy chương thì cũng không quan trọng bằng có tác phẩm để lại cho đời. Nhà thơ Hữu Thỉnh quan niệm “Tôi rất tin: Thơ là kinh nghiệm sống”, nên thứ “sức bền” đáng giá duy nhất của ông nằm ở những câu thơ mà ông đinh ninh “suy thịnh bao đời rơi cuối liễu/ binh đao chết yểu cạnh thơ Đường”.

10 năm nữa, 20 năm nữa, hoặc 50 năm nữa... có khi chẳng ai còn nhớ nhà thơ Hữu Thỉnh từng đảm đương vị trí gì. Thậm chí, cũng chẳng ai còn nhớ chương trình “Sức bền của đất” rộn ràng đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì dành cho ông, nhưng có lẽ độc giả vẫn nhớ thơ ông. Nhà thơ Hữu Thỉnh thấu hiểu “Thời gian thường khề khà/ Nhưng lịch sử lại khép màn nhanh chóng”, nên ông tiếp tục thao thức “sông còn đem sóng ra lau/ giếng còn chum vại mo cau múc trời/ núi còn mỏi mắt mong mây/ chiều bao nhiêu gió rót đầy cổ kim”.

                                                      TUY HÒA