Sau đợt sinh hoạt chính trị đấu tranh với nhóm Nhân văn Giai phẩm và ảnh hưởng của nó, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức cho văn nghệ sĩ đi thực tế tìm hiểu về đời sống sản xuất và chiến đấu của quần chúng nhân dân.


NHỮNG NGƯỜI BẠN VÀ MỘT THỜI VĂN NGHỆ QUA NHẬT KÝ ĐIỆN BIÊN CỦA LƯU QUANG THUẬN

LƯU KHÁNH THƠ

Trong số di cảo của cha tôi để lại có một cuốn sổ nhật ký bọc bìa màu xanh, đánh số 14, được ghi trong 2 năm 1957-1958. Chính xác là từ 1-10-1957 đến 31-12-1958. Đây là thời kỳ đời sống văn nghệ nước ta có nhiều biến động, không ít những sai lầm ngộ nhận và ấu trĩ cực đoan. Trong cuốn sổ này cha tôi đã ghi lại nhiều sự kiện, nhiều chi tiết liên quan đến tình hình văn nghệ và những đồng nghiệp ở lĩnh vực sân khấu cũng như văn học lúc đó. Ông đã ghi lại rất thành thật những cảm xúc của mình, những suy tư dằn vặt cho riêng mình.

Điều đặc biệt thú vị ở đây là cha tôi đã ghi lại khá tỉ mỉ cuộc sống và sinh hoạt của ông cùng những người bạn văn nghệ trong gần nửa năm đi thực tế ở Điện Biên Phủ. Ngay sau trang bìa cuốn sổ cha tôi ghi mấy hàng chữ: Hòm thư 79.181 ĐBP (E). Nguyễn Tuân C9 D11 (Long Vai), Nguyễn Văn Tý C8 D10 (Cò Mỵ), Nguyễn Huy Tưởng C17 Trung đoàn bộ. Sau đợt sinh hoạt chính trị đấu tranh với nhóm Nhân văn Giai phẩm và ảnh hưởng của nó (trong nhật ký cha tôi ghi là Lớp học đấu tranh tư tưởng thứ II ở Thái Hà ấp), Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức cho văn nghệ sĩ đi thực tế tìm hiểu về đời sống sản xuất và chiến đấu của quần chúng nhân dân.

Mỗi đoàn khoảng từ 3 đến 6 người, đi về nhà máy, hầm mỏ, công trường xây dựng, nông thôn, đơn vị bộ đội. Khi không thấy có đoàn đi Điện Biên - Tây Bắc, một vùng đất ghi dấu chiến công oanh liệt còn nóng hổi của quân dân ta, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng đã gợi ý nên tổ chức một đoàn lên đó. Vậy là đoàn văn nghệ sĩ đi Điện Biên được thành lập, gọi là Tổ 1 - Điện Biên Phủ gồm: Nguyễn Huy Tưởng (trưởng đoàn), Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Tý (hàng xóm của gia đình tôi), Văn Cao, Lưu Quang Thuận. Danh sách đợt đi thực tế thu đông 1958 có 15 tổ, đi về các vùng miền khác nhau được cha tôi ghi lại đầy đủ trong sổ tay.

Đường lên Tây Bắc xa xôi

Lúc này do những ấu trĩ sau “cú sốc” Nhân văn, Hội Nhà văn đề ra chủ trương, được ghi trong quyết định: các đoàn đi để công tác, lao động chứ không phải đi sáng tác. Thời gian không hạn chế, đến lúc nào cần thiết và đủ điều kiện, hội sẽ có chỉ đạo tiếp theo. Tuy háo hức với chuyến đi nhưng những ngày trước khi lên đường cha tôi suy nghĩ trăn trở rất nhiều. Phần vì mệt mỏi với không khí văn nghệ lúc đó, phần vì lo lắng gia đình, các con nhỏ, vợ đang có mang gần đến tháng sinh.

Đoàn khởi hành từ Hà Nội vào mùa mưa 1958. Lên miền núi vào mùa này thật khổ, đường đi không dễ dàng chút nào. Cả đoàn lên đường vào ngày 30-7-1958. Cha tôi vì bận việc bên Hội Sân khấu nên được lãnh đạo đồng ý cho đi sau mấy ngày. Cả đoàn hẹn gặp nhau ở Thuận Châu rồi cùng đi Điện Biên. Ngày đó đi Điện Biên phải mất gần một tuần. Cha tôi ghi lại rất tỉ mỉ hành trình chuyến đi gian khổ đó.

Sống và lao động như người chiến sĩ Điện Biên

Kết thúc một chặng đường gian khổ, nơi tổ công tác đến là Sư đoàn 316. Nơi đây họ sẽ sống và gắn bó với mảnh đất này gần nửa năm trời. Sư đoàn 316 là một đơn vị bộ đội có bề dày thành tích, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nay chuyển sang làm nhiệm vụ kinh tế. Một bộ phận làm đường ở Tây Bắc, một số chuyển sang sản xuất ở nông trường, chỉ còn một số ít làm nhiệm vụ chiến đấu. Ngay sau hôm vừa đến nơi, mặc dù ai cũng mệt nhoài nhưng tất cả đều bắt tay vào việc học tập và tìm hiểu lịch sử sư đoàn, nắm bắt nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của đơn vị. Ở Sư đoàn bộ 1 tuần, đoàn công tác lại được cử xuống Trung đoàn bộ 176. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ở lại trung đoàn, 3 thành viên còn lại được chia về 3 D khác nhau để công tác. Lưu Quang Thuận về D9, Nguyễn Văn Tý về D10 và Nguyễn Tuân D11. Họ đã sống và lao động thực sự như một người lính của nông trường. Tất cả đều tuân thủ quy định của tổ.

Cha tôi ghi trong nhật ký:

Họp tổ chiều 12-8. Nội quy sinh hoạt: 1. Ngày 1 buổi lao động chân tay; 2. Ba cùng với quần chúng cơ sở (chiến sĩ trong đơn vị), quan hệ tốt với quần chúng địa phương; 3. Công tác văn hóa văn nghệ theo yêu cầu của cơ sở nhưng vẫn đảm bảo một buổi lao động chân tay; 4. Tham gia sinh hoạt hội nghị học tập với cơ sở; 5. Sinh hoạt tổ 1 tuần 1 lần. Mỗi tháng một hội nghị tổ để báo cáo về cho cấp trên. Nội dung báo cáo là nội dung hội nghị.

Công việc vất vả cộng với thời tiết thay đổi khắc nghiệt làm ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe của mọi người. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bị đau dạ dày ngay từ lúc đi đường. Đến Điện Biên được ba ngày, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng phải đi bệnh viện. Vài ngày bác Tuân hoặc cha tôi lại vào viện báo cáo tình hình hoạt động và công tác của từng người cho ông biết.

Ở đơn vị, mỗi người đều được giao những công việc cụ thể. Thường là cuối tuần anh em bộ đội họp kiểm điểm, góp ý nhận xét từng người. Mỗi người lại rút kinh nghiệm và báo cáo với trưởng đoàn. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và nhà văn Nguyễn Tuân rất ngại việc báo cáo. Các ông thường làm chiếu lệ cho xong. Chỉ có cha tôi là ghi chép, nhận xét cẩn thận, chi tiết. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng rất hoan nghênh việc làm này, để từ đó ông có cơ sở làm báo cáo chung cho cả đoàn. Đây là một bản báo cáo của cha tôi:

Chuẩn bị báo cáo với tổ sáng 17-9-1958:

Thời giờ: Sốt 3 hôm. 30-8 xuống tiểu đoàn 9. 31-8 xuống C3 và xuống với 1 tiểu đội sản xuất trong D.

Công việc: Lao động theo chế độ đề ra. Đã cùng anh em làm cỏ lúa, đào hào thoát nước chung quanh sân phơi thóc, tăng gia vườn rau trung đội. Thường áp dụng chế độ nửa ngày. Những ngày làm cỏ ở cuối đồng lúa nông trường, buổi trưa anh em nghỉ lại một bản xa chỗ ở 2 cây số thì làm luôn cả ngày, hôm sau nghỉ ở nhà ghi chép. 

Sinh hoạt: Thực hiện 3 cùng, trừ báo động giả được đại đội miễn không phải chạy đi bố trí, vì không có súng và đồ đạc ba lô không gọn như anh em. Dự các buổi họp kiểm điểm tổng đội, bình bầu học tập điều lệnh. Buổi họp 12-9 được toàn trung đội nhận xét (có báo cáo lên C, D): tích cực lao động, cố gắng theo sinh hoạt bộ đội nông trường, chan hòa với chiến sĩ, giảng bài thêm cho anh em chiến sĩ học văn hóa.

Quan hệ rộng hơn: Ngoài tiểu đội mình ở chung nhà, sang chơi thăm hỏi các nhà khác. Chủ nhật đi thăm các đồng chí máy cày người Nam Bộ ở tiểu đội khác. Học tiếng Thái với gia đình chủ nhà người Thái.

Chuyên môn: Ghi chép quân và dân gần mình: quá khứ, công việc hiện tại, và diễn biến tình cảm tư tưởng, người tích cực, người chậm. Ghi công việc sản xuất, chăn nuôi của các bộ phận chung quanh, thời tiết, sản xuất của dân. Chưa sáng tác. Chuẩn bị làm thơ về nông trường. Giúp đỡ làm ca dao và góp ý kiến chữa thơ cho 3 đồng chí trong tiểu đoàn. Tham gia ngâm thơ tối liên hoan quân dân của tiểu đoàn (bài Ngày Tết quân dân và Núi Đôi).

Tư tưởng: Ra đi và đến nơi lo: a. vở không kịp; b. không làm nổi lao động vì 4 năm hòa bình; c. chiến sĩ không yên tâm, không thú văn nghệ, động viên không nổi như kháng chiến.

Tư tưởng đã giải quyết: a. vở không kịp thì tập sau; b. lao động làm được; c. việc lớn kéo chiến sĩ đi, mình động viên được bằng sự có mặt. Chiến sĩ yêu văn nghệ sĩ vì đời sống tình cảm chan chứa.

Lúc đầu việc ăn ở hoàn toàn gắn với bộ đội, sống cùng trong doanh trại. Hằng tháng cơ quan trích lương gửi lên rồi mỗi người tự đóng tiền cho nhà bếp theo khẩu phần ăn của chiến sĩ. Thời gian sau các thành viên có thể xin ở cùng với các gia đình bà con người dân tộc thiểu số để có điều kiện tìm hiểu phong tục tập quán và học tiếng Thái, tiếng Mèo. Mọi người đã có thể hiểu và giao tiếp những câu nói đơn giản hằng ngày. Sau này thỉnh thoảng cha tôi vẫn nói một tràng tiếng Thái với nhà văn Mạc Phi - khi đó ông đã chuyển về Hà Nội và trở thành hàng xóm, sống cùng trong khu tập thể dành cho văn nghệ sĩ của gia đình tôi.

Có được bức ảnh chụp đoàn văn nghệ sĩ ở Điện Biên thời gian này thật là một sự tình cờ vô cùng may mắn, chỉ tiếc là không có mặt nhà văn Nguyễn Tuân. Khi đó nhà văn Thúy Toàn đang là lưu học sinh ở Liên Xô về nước nghỉ hè. Ông lên Điện Biên để thăm anh trai Hoàng Danh Trà đang là Chính ủy Sư đoàn 316. Nghe tin có đoàn nhà văn với những tên tuổi mình rất ngưỡng mộ đang ở đây, Thúy Toàn rất háo hức muốn được gặp. Ông có chiếc máy ảnh mang ở Liên Xô về (hồi đó là một thứ rất quý hiếm) và đã chụp được một vài bức ảnh. Vì mới có máy ảnh, sử dụng chưa quen nên ông rất lúng túng. Ảnh chụp ngược sáng, không rõ nét. Nhưng đó là những tấm ảnh quý giá mà nhà văn Thúy Toàn đã trân trọng lưu giữ và sau này tặng lại cho gia đình các nhà văn.