Từ chỗ giá trị khen thưởng chủ yếu là tinh thần đã chuyển sang giá trị vật chất dưới nhiều dạng. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu sinh ra hiện tượng chạy Huân chương, chạy Giải thưởng.


“Chạy” danh hiệu thi đua - khen thưởng?

MAI TIẾN NGHỊ

Khen người có công, phạt người có tội là việc làm của bất cứ một thể chế nào trong xã hội loài người nhằm phát huy các nhân tố tích cực đóng góp cho xã hội. Ngay từ khi thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng vấn đề này và đã tạo được sức mạnh của dân tộc để chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống xâm lươc và xây dựng xã hội mới. Khẩu hiệu: “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua” mà Người nêu lên đã động viên mọi lực lượng xã hội phấn đấu kháng chiến kiến quốc thành công.

Tiếp nối truyền thống ấy, để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, năm 2003 Quốc hội đã ban hành Luật Thi đua khen thưởng. Qua ba lần sửa đổi đến năm 2014 Luật hiện hành đã ghi rõ “Mục tiêu thi đua khen thưởng nhằm tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh” (Điều 5- Luật Thi đua khen thưởng- số 39/2013/QH13).

Ta có thể điểm lại một số kết quả của việc Thi đua Khen thưởng từ năm 1945 đến nay và những yếu kém bất cập của nó:

Giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chiến tranh chống Mỹ: Đây là thời kỳ mà công tác thi đua khen thưởng đạt được những kỳ tích vĩ đại phát huy các nhân tố tích cực trong quần chúng nhân dân đủ mọi tầng lớp. Việc đánh giá thi đua khen thưởng tấm gương trong chiến đấu, trong lao động sản xuất đã thực sự khơi dậy phong trào thi đua yêu nước. Trong kháng chiến chống Pháp có các Anh hùng tiêu biểu Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên… Kháng chiến chống Mỹ ỏ miền Bắc có cờ Ba Nhất, sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, tiếng trống Bắc Lý và các anh hùng Hồ Giáo, Phạm Thị Vách, Đào Thị Hào, Ngô Thị Tuyển… ở miền Nam có Hồ Vai, Kan Lịch, Nguyễn Thị Út… Điều đáng nói là các Anh hùng đều là những người bình thường trực tiếp lao động, trực tiếp cầm súng chiến đấu. Các cán bộ lãnh đạo từ cấp huyện trở lên rất ít có trong danh sách khen thưởng. Đặc biệt các vị lãnh đạo trung ương thường từ chối khen thưởng mà tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể nói thời kỳ này việc xét thi đua khen thưởng làm rất chặt chẽ và rất dân chủ. Tôi biết có một trường hợp ở quê ông Hiệu trưởng trường cấp một năng nổ bám lớp bám dân xây dựng phong trào, vừa dạy học vừa tham gia chiến đấu… đưa nhà trường là điển hình tiên tiến của tỉnh, của cả nước. Ông được đề nghị tuyên dương Anh hùng nhưng sau đó không được xét duyệt vì trong nhà trường có một cô giáo bị dư luận đồn thổi là có quan hệ bất chính. Hay như một chiến sĩ ở đơn vị 14 trung đoàn 31 (đơn vị tôi trong chiến trường) bằng súng 12 li 7 đối đầu trực tiếp với kẻ địch, bắn rơi 6 máy bay trực thăng của Mỹ nhưng có một lần vi phạm kỷ luật mà đơn vị nhất quyết không đề nghị tuyên dương Anh hùng.

Tuy nhiên do thông tin chưa phát triển và với nhiệm vụ “tất cả cho chiến thắng” nên cũng có một số trường hợp đơn vị xây dựng tấm gương anh hùng bằng cách lấy công của nhiều người dựng thành công của một người hoặc cường điệu thành tích một cách phi thực tế (được cán bộ viết hộ) nên bây giờ soát xét lại có những hành động vụ việc như truyện thần thoại cổ tích (!). Đó là những sai sót không hoàn toàn do chủ quan của người làm công tác thi đua bởi vì khi ấy khen chưa gắn với thưởng, các giá trị phần thưởng chỉ có tính chất tượng trưng.

Thời kỳ sau 1975 là thời kỳ tổng kết chiến tranh, Nhà nước ta đã xét khen thưởng và đề bạt cán bộ theo công trạng trong kháng chiến với số lượng rất lớn. Mặc dù vậy đa số những người được khen thưởng đợt đầu đều xứng đáng. Kỳ tích của ngành Thi đua - Khen thưởng trong đợt này là đã phát huy dân chủ, làm chặt chẽ các khâu trong quy trình, mặc dù ngày ấy chưa có Luật Thi đua - khen thưởng. Nhưng đợt hai và các đợt tiếp theo đã nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có hiện tượng dễ dàng bỏ qua chuyện khai man thành tích để được hưởng quyền lợi tuyên dương danh hiệu, thăng tiến đề bạt. Điển hình là vụ việc tuyên dương Anh hùng cho một lãnh đạo của Thừa Thiên Huế. Trớ trêu hơn khi ông này khi đương chức đứng đầu một tỉnh được suy tôn là tấm gương cá nhân học tập đạo đức tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ sau một năm ông ta có hành động sờm sỡ với một nhân viên nhà hàng mà báo chí tốn khá nhiều giấy mực phê phán. Rất may là chúng ta đã kịp sửa sai khi ông này về hưu. Ở các tỉnh khác cũng phát hiện nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo khai man thành tích để được tặng thưởng Huân, Huy chương. Rõ ràng là công tác thi đua khen thưởng đã bắt đầu bộc lộ có vấn đề khi mà khen đã gắn với thưởng, cái danh đã gắn với cái lợi.

Chuyển sang thời kỳ Đổi mới, xã hội bắt đầu tiếp cận với kinh thế thị trường đã nảy sinh nhiều vấn đề. Bên cạnh những thành tích đã đạt được về tăng trưởng kinh tế, những tiến bộ xã hội… thì cũng bắt đầu nảy sinh các tiêu cực. Ngành thi đua khen thưởng cũng không ngoài guồng quay sáng tối của các vấn đề ấy. Tự nhiên các điển hình thi đua, các tấm gương tiêu biểu là người trực tiếp lao động chiến đấu cứ thưa dần... Thay vào đó là những gương mặt lãnh đạo các cấp, những doanh nhân giàu có. Ngay trong một cơ quan, một ngành thì danh hiệu thi đua đã trở thành đặc quyền của lãnh đạo và giảm dần theo vị trí. Đến nhân viên thì chả mấy khi được khen thưởng. Vì vậy mới có nghịch lý phổ biến: có thành tích thì công đầu là cấp trưởng. Nếu có sai phạm thì cấp phó đi tù, cấp trưởng vô can (!)

Ngày xưa suy tôn các danh hiệu nhằm khơi dậy sự cố gắng phấn đấu. Người được khen thưởng là tấm gương cho mọi người noi theo. Từ đó hình thành phong trào thi đua. Nhưng ngày nay thì người ta cần được khen thưởng để thăng tiến, tạo uy tín trong công việc. Đối với các đối tượng sản xuất kinh doanh thì việc được tăng thưởng danh hiệu thi đua còn là công cụ để quảng bá thương hiêu, thu lợi nhuận cao. Không ít đơn vị, cá nhân tìm mọi cách để có được các danh hiệu khen thưởng “cao quý” làm lá chắn che giấu sự khuất tất. Cho đến giờ thì gần như 100% các trường hợp khi ra tòa thường đem Huân, Huy chương và Bằng khen (nếu có) làm “kim bài miễn tử” và để được giảm nhẹ tội trạng.

Rõ ràng mục đích, bản chất của hoạt động/công tác Thi đua - khen thưởng đã bị biến tướng. Từ chỗ “Thi đua là yêu nước” đã biến thành thi đua để trục lợi; Từ chỗ giá trị khen thưởng chủ yếu là tinh thần đã chuyển sang giá trị vật chất dưới nhiều dạng. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu sinh ra hiện tượng chạy Huân chương, chạy Giải thưởng. Một đơn vị nhân kỷ niệm ngày thành lập cố chạy cho được một Huân chương; Một cá nhân muốn được đề bạt cũng cố chạy cho được tấm Huân chương, hoặc danh hiệu Chiến sĩ thi đua, hoặc Bằng khen của Nhà nước; Một cơ sở sản xuất làm ăn bết bát cũng cố tìm cách chạy được cái giải thưởng, cup này cúp nọ... Thậm chí có những kẻ lừa đảo cũng tìm cách có được một tấm Huân chương hoặc cái Bằng khen để thực hiện hành vi lừa đảo…

Đến nay hiện tượng này đã trở thành khá phổ biến.

Có cầu ắt có cung. Ngành Thi đua - khen thưởng đã và đang đáp ứng cái nhu cầu được khen thưởng một cách khá dễ dãi. Chắc chắn đằng sau sự dễ dãi là những chạy chọt, là những khuất tất. Nhưng ngành này thường vô can, bởi theo thông lệ là nếu phát hiện khen thưởng sai, thì cùng lắm là thu hồi cái danh hiệu là xong. Bên trí trá khai man và bên xét duyệt không hề hấn gì, chỉ “rút kinh nghiệm” qua loa chiếu lệ.

Xét về bản chất hiện tượng thì cả hai phía (phía đề nghị được khen và phía xét duyệt) đã có sự cấu kết thông đồng trục lợi. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín lãnh đạo, phá hoại kinh tế, gây mất ổn định xã hội, làm mất ý nghĩa tốt đẹp của phong trào thi đua yêu nước. Đó thực sự là một hành động tham nhũng. Nhưng rất lạ cho đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý. Rõ ràng việc quản lý công tác Thi đua - khen thưởng đang bị buông lỏng (!)

Nhiều vị lãnh đạo các cấp băn khoăn tại sao trên báo chí, trong các tác phẩm văn học hôm nay thấy ít những gương người tốt việc tốt. Các nhà báo nhà văn cũng rất muốn viết về những tấm gương sáng. Nhưng trước thực trạng nhiều đối tượng “hôm qua là anh hùng, hôm nay là tội đồ” thì những người viết có tự trọng càng phải đắn đo cân nhắc.

Phải chăng đã đến lúc cần quan tâm và có một chế tài đủ mạnh để ngăn chặn sự tùy tiện, sự tiêu cực trong công tác Thi đua - khen thưởng. Trước hết phải lấy lại ý nghĩa nhân văn của công tác này theo đúng khẩu hiệu “Thi đua là yêu nước” và theo mục tiêu đã ghi trong Luật Thi đua - Khen thưởng. Những người được tuyên dương phải thực sự là tấm gương sáng để xã hội noi theo.

Đối với những kẻ lợi dụng khen thưởng để trục lợi, che giấu việc làm sai trái thì cả bên đề nghị cùng bên xét duyệt đề nghị đều bị coi là đã cấu kết thực hiện hành vi lừa đảo và phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với những trường hợp nhờ danh hiệu thi đua để được thăng tiến nhưng sau đó tha hóa biến chất thì kiên quyết xử lý theo đúng tội danh, không cho phép dùng các loại danh hiệu Thí đua - khen thưởng đã chạy được làm kim bài miễn tử hoặc tình tiết giảm nhẹ.

Trong cả hai trường hợp trên thì ngành Thi đua - khen thưởng đều phải chịu trách nhiệm một cách nghiêm túc trước Đảng và pháp luật của Nhà nước, chứ không thể trong cuộc mà vô can như hiện nay!

 

Nguồn : Văn Nghệ