Sách tinh gọn đang được coi là một hình thức tiếp cận sách dễ dàng, thoải mái, thú vị và không gây cảm giác nhàm chán cho người đọc, qua đó giúp họ tiếp thu thông tin, tri thức một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.


SÁCH TINH GỌN – XU HƯỚNG TẤT YẾU

BẢO LINH

Gần đây, tại Việt Nam, sách tinh gọn xuất hiện khá phổ biến, trở thành một xu hướng tất yếu đáp ứng nhu cầu đọc trong thời đại số. Tuy nhiên, vấn đề bản quyền sách tinh gọn vẫn chưa được thực hiện một cách thỏa đáng.

Nở rộ sách tinh gọn

Sách tinh gọn, hiểu một cách đơn giản đó là những cuốn sách được viết lại dưới dạng tóm tắt nội dung những cuốn sách đã được xuất bản. Nó được thể hiện bằng lối viết đơn giản, dễ hiểu, chỉ tập trung vào những vấn đề trọng tâm nhằm đem đến cho độc giả cách thức tiếp cận gần gũi và đơn giản nhất. Sách tinh gọn đang được coi là một hình thức tiếp cận sách dễ dàng, thoải mái, thú vị và không gây cảm giác nhàm chán cho người đọc, qua đó giúp họ tiếp thu thông tin, tri thức một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.

Trên thế giới, cách đây khoảng 10 năm đã ra đời một số ứng dụng (App) sách tinh gọn với hoạt động chính là tóm tắt nội dung sách để độc giả có thể nghe/đọc trong vòng 15 phút. Tuy vậy, hình thức sách tinh gọn (hình thức sách giấy) tồn tại trước đó đã lâu. Thể loại sách được ưa chuộng cho hình thức này là sách phi hư cấu. Trong mấy năm qua, nhiều ứng dụng sách tinh gọn mới ra đời, đáp ứng nhu cầu thông tin của con người.

Tại Việt Nam, một số đơn vị đã sản xuất và bước đầu kinh doanh sách tóm tắt chuyên nghiệp. Alpha Books khởi động dự án sách tóm tắt từ 10 năm trước. Năm 2010, đơn vị này tóm tắt khoảng 100 cuốn sách. Đến năm 2012, dự án tiếp tục được triển khai, series sách tóm tắt Tinh hoa quản trị, phiên bản sách in truyền thống được xuất bản và phát hành nhưng thị trường tiếp nhận dè dặt. Năm 2017, Alpha Books triển khai lần thứ ba dự án tóm tắt sách.

Đến nay, Alpha Books có 700 đầu sách tóm tắt, phần lớn là tóm tắt nội dung sách do đơn vị này xuất bản trước đó và kinh doanh trên các nền tảng ebook cũng như hợp tác với các đơn vị audio book. Fonos - đơn vị nổi lên trong làng sách khi cung cấp sách nói có bản quyền chuyên nghiệp - cũng tham gia thị trường sách tóm tắt. Bên cạnh cung cấp sách gốc, ứng dụng này cũng cung cấp sách tóm tắt.

Gần đây thị trường sách Việt Nam đã xuất hiện những cuốn sách tinh gọn dưới dạng sách điện tử, sách nói với các chủ đề về kinh tế, tài chính, kỹ năng, khoa học công nghệ… Trong địa hạt sách văn học vẫn tồn tại những cuốn sách rút gọn, tóm tắt nội dung những tác phẩm đặc sắc của văn chương thế giới hay những câu chuyện cổ tích kinh điển của Việt Nam và nước ngoài được viết lại, ngắn gọn, cô đọng, thu hẹp tối đa về dung lượng. Đi kèm với phần nội dung là những hình ảnh minh họa bắt mắt, sinh động nhằm tăng thêm phần hấp dẫn cho cuốn sách.

Tuy nhiên, dòng sách này chủ yếu dành cho bạn đọc nhỏ tuổi. Còn phần lớn, sách văn học vẫn được độc giả đón nhận bằng những bản đầy đủ vì nó không chỉ đơn thuần là nội dung mà còn là những giá trị tư tưởng, nghệ thuật. Phổ biến của sách tinh gọn vẫn là sách về kỹ năng, công nghệ, khoa học... với hình thức tóm lược nội dung một cách đầy đủ, đáp ứng nhu cầu nghe/ đọc nhanh của bạn đọc trong thời đại số.

Những bất cập về bản quyền

Trong hai năm qua, ở Việt Nam đã xuất hiện và dần trở nên phổ biến hình thức sách tinh gọn (thông qua ứng dụng nghe). Một phần là để đáp ứng nhu cầu của độc giả bận rộn, không có nhiều thời gian đọc trọn vẹn một quyển sách. Một phần là để đáp ứng nhu cầu cải thiện và tạo thói quen đọc sách. Và thực tế hình thức này dần đang được bạn đọc đón nhận, đặc biệt là giới trẻ. Chính điều đó cũng tạo cảm hứng cho nhiều công ty, bạn trẻ có ý tưởng xây dựng nền tảng công nghệ, app để tiếp tục phát triển sách tinh gọn ở Việt Nam

Tuy vậy, vấn đề quyền tác giả của sách tinh gọn hiện nay vẫn chưa được Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam điều chỉnh một cách cụ thể. Việc áp dụng pháp luật trong vấn đề này cũng gặp nhiều khó khăn: Việc thực hiện tóm tắt sách có cần phải có sự đồng ý của tác giả và/ hoặc chủ sở hữu quyền tác giả?; Có hay không việc xác nhận hành vi thực hiện, khai thác và kinh doanh sách tóm tắt là hành vi xâm phạm quyền tác giả?

Đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho rằng: "Theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành: "Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn"; tác phẩm tinh gọn không là tác phẩm phái sinh, nên việc tổ chức thực hiện tóm tắt tác phẩm không cần phải xin ý kiến tác giả/ chủ sở hữu quyền tác giả. Hơn nữa, Luật Sở hữu trí tuệ không bảo hộ ý tưởng, chỉ bảo hộ tác phẩm được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định; vậy nên trường hợp tác phẩm tóm tắt chỉ lấy ý tưởng, viết lại bằng lời văn khác, không trích dẫn tác phẩm gốc (hoặc trích dẫn hợp lý - khoảng dưới 10%) không được xem là hành vi vi phạm quyền tác giả theo pháp luật hiện hành".

Tuy nhiên, nếu trường hợp tác phẩm tóm tắt theo mô hình cắt ghép các trích dẫn của tác phẩm gốc, hoăc thuần trích dẫn nội dung các tác phẩm gốc mà chưa nhận được sự đồng ý của tác giả/ chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc thì hành vi tóm tắt này được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tác giả/ chủ sở hữu quyền tác giả có quyền thực hiện các biện pháp luật định để bảo vệ tác phẩm và quyền lợi của mình từ tác phẩm.

Hiện nay, mô hình viết tóm tắt để khai thác kinh doanh thương mại phổ biến hơn hết. Ngoài ra, các nhà sản xuất nội dung tóm tắt còn thay đổi hình bìa gốc để phục vụ kinh doanh, và tránh những hậu quả pháp lý từ tác giả/ chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc. Xét thấy, việc tạo một tác phẩm mới trên nền tảng nội dung và sự nổi tiếng của tác phẩm gốc, có bản chất tương tự với việc làm tác phẩm phái sinh. Việc khai thác và thực hiện các loại hình tác phẩm tóm tắt này phải nhận được sự đồng ý của tác giả/ chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc. Điều này nhằm tạo điều kiện để tác giả/ chủ sở hữu quyền tác giả hưởng những quyền lợi hợp pháp từ công sức sáng tạo của mình; kiểm soát và bảo vệ sự nguyên ven của tác phẩm, tránh những việc làm xâm hại đến nội dung của tác phẩm.

Cũng theo đại diện Nhà xuất bản Trẻ: "Vì những lý do trên, đứng trên phương diện đơn vị làm xuất bản, việc tiến hành thực hiện và kinh doanh sách tinh gọn mà không xin phép tác giả/ chủ sở hữu tác giả của một bên thứ ba nào đó sẽ là thiệt hại cho chính tác giả và/ hoặc đơn vị xuất bản. Ngoài ra, việc xuất bản và phát hành sách tinh gọn (hình thức âm thanh hay chữ viết) còn có thể vi phạm quy định về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm (điện tử) của Luật Xuất bản. Theo đó, sách tinh gọn (hình thức audio) có phải xin giấy phép xuất bản phẩm điện tử không; có phải chịu chế tài của Luật Xuất bản hiện hành không?".

Trong dự thảo lần thứ 5 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2022, có thay đổi khái niệm về tác phẩm phái sinh, như sau: "Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được tạo ra trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm gốc hiện có bằng cách sáng tạo trong việc thay đổi hình thức diễn đạt, loại hình biểu diễn hoặc ngôn ngữ trình bày nội dung tác phẩm".

Theo quy định mới này, thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền đối với các tác phẩm tóm tắt dựa trên tác phẩm gốc của mình. Đây là một thay đổi tích cực, kịp thời với xu hướng phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, dự luật mới vẫn chưa được thông qua và hướng dẫn cụ thể; vấn đề khai thác tác phẩm tóm tắt tràn lan hiện nay gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của các tác giả, nhà xuất bản.

Sách tinh gọn là một xu hướng tất yếu của ngành xuất bản, tạo ra sự phong phú về thị trường sách. Vấn đề đặt ra là cần có những quy định chặt chẽ trong Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ để việc phát triển sách tinh gọn hợp pháp, bảo đảm quyền lợi của tác giả/ chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, "dòng sách tóm tắt - tinh gọn không thể là thước đo "sức khỏe" của ngành xuất bản nói chung, của một nền văn học nói riêng. Hy vọng, đó sẽ là những viên gạch nền móng gia cố thêm trên con đường tạo dựng, hình thành và phát triển thói quen đọc sách để hướng tới một xã hội đọc lành mạnh, bền vững". Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học khẳng định.

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An