Để có một cái tên vừa vặn, phù hợp ôm lấy 25 đứa con tinh thần bé bỏng, Trần Đức Tiến lựa chọn Xóm Bờ Giậu. Kiểu định danh ấy khá thú vị, hợp với tạng người thích tìm nơi hoang sơ, dân dã để lánh sự ồn ào như Trần Đức Tiến. Đồng thời, nó như là để gợi lại một khoảng sân nhà “quê mùa lạc lõng nhất thành phố” của chính tác giả. 

MIỀN CỔ TÍCH THÔN DÃ

THANH TÂM NGUYỄN

Mãi đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bạn đọc mới biết đến Trần Đức Tiến với tư cách nhà văn. Tuy nhiên trước đấy, thuở còn là cậu học trò giỏi Văn xứ Hà Nam, Trần Đức Tiến đã tập tành sáng tác văn chương. Năm 1974, chùm thơ đầu tay được đăng báo. Sự khởi đầu ấy không thật ngọt ngào vì về sau thơ không đem đến thành công cho tác giả nhưng đã ngầm dự báo về cái duyên văn chương của Trần Đức Tiến.

 Năm 1991, Trần Đức Tiến bắt đầu sáng tác cho thiếu nhi và tính đến nay đã là chủ sở hữu của nhiều tác phẩm. Điều đáng nói là trong mấy mươi năm theo nghiệp văn chương, Trần Đức Tiến liên tục có sự thay đổi về thể loại, từ tiểu thuyết sang truyện ngắn, tản văn. Với sự đổi thay ấy, người đọc nhận ra một Trần Đức Tiến khôn ngoan, thức thời và có tài nữa. Riêng việc tác giả tự nguyện làm bạn dài lâu với trẻ thơ qua những trang văn chứ không nhất nhất đứng về người lớn lại là câu chuyện của tình yêu và trách nhiệm. Tình yêu dành cho trẻ và trách nhiệm với nền văn học thiếu nhi nước nhà.

Thực tế, ban đầu Trần Đức Tiến đến với văn học thiếu nhi không hẳn vì đam mê và cảm tình đặc biệt dành cho bộ phận văn học này, mà vì muốn thử thách ngòi bút ở lĩnh vực mới (trước đó Trần Đức Tiến đã có những thành công nhất định với truyện ngắn viết cho người lớn), và mặt khác là do… gánh nặng cơm áo (nhà văn viết đủ thứ để kiếm sống). Sau khi truyện thiếu nhi đầu tiên được đăng, Trần Đức Tiến viết liên tục theo hình thức đặt hàng cho một số tờ báo có trang văn học thiếu nhi.

Về sau, khi đời sống vật chất đã đảm bảo, tác giả vẫn kiên trì bám trụ với mảng văn học này. Người quen của Trần Đức Tiến hẳn sẽ hiểu rất nhanh lí do của sự gắn bó đó bởi trong các cuộc chuyện trò Trần Đức Tiến không giấu được niềm tự hào, rằng mình rất thích trẻ con và trẻ con cũng rất thích mình. Hơn thế là bởi sự trăn trở về thành tựu đã có của văn học thiếu nhi nước nhà trong nhà văn có đam mê đọc sách này.

Với Trần Đức Tiến, không ngừng mở rộng không gian tồn tại cho tâm hồn và trí tuệ không chỉ là vấn đề của cá tính mà còn là tự trọng nghề nghiệp. Vì vậy, nhà văn kiên quyết nói không với kiểu nhà văn lười đọc sách để theo đuổi thói quen đọc sách. Đọc nhiều và ngẫm ra khoảng cách khó bù lấp giữa văn học thiếu nhi Việt Nam với văn học thiếu nhi nước ngoài. Những tác phẩm văn học nước ngoài đưa đến cho tác giả sự thích thú, hưng phấn, ngạc nhiên bao nhiêu lại làm cho tác giả chạnh lòng khi nghĩ về văn học nước nhà bấy nhiêu. Như Trần Đức Tiến từng chia sẻ, các tác giả viết cho thiếu nhi hầu hết là người lớn nên khó tự trẻ hóa mình, tác phẩm của họ thường ít yếu tố tưởng tượng bay bổng mà lại hay “dạy dỗ lộ liễu”.

Vì thế, bằng khả năng của mình, Trần Đức Tiến đã quyết tâm tạo ra những điều mới mẻ, thú vị. Nhiều người thích lối tự sự chân tình và trong trẻo của tác giả trong tự truyện Trên đôi cánh chuồn chuồn nhưng tôi cho rằng sức bật của Trần Đức Tiến phải ở những câu chuyện mang dáng dấp đồng thoại như Làm mèo và gần đây nhất là Xóm Bờ Giậu - tác phẩm mà Trần Đức Tiến đã thực sự quên tuổi để viết.

Để có một cái tên vừa vặn, phù hợp ôm lấy 25 đứa con tinh thần bé bỏng, Trần Đức Tiến lựa chọn Xóm Bờ Giậu. Kiểu định danh ấy khá thú vị, hợp với tạng người thích tìm nơi hoang sơ, dân dã để lánh sự ồn ào như Trần Đức Tiến. Đồng thời, nó như là để gợi lại một khoảng sân nhà “quê mùa lạc lõng nhất thành phố” của chính tác giả. Cái tên nôm na gợi về một không gian không có trong bản đồ, đủ sức rũ sạch “bụi kinh thành” và đưa độc giả về miền cổ tích thôn dã dường như đã cư ngụ trong tâm hồn trẻ thơ từ tiền kiếp.

Trong số 25 tác phẩm, tôi ấn tượng đặc biệt với Trăng vùi trong cỏ và nghĩ đến phương án lấy đó làm tên cho tập truyện. Lúc đó, ý nghĩa về sự quê kiểng không bị mất đi nhưng chất thơ của văn chương Trần Đức Tiến sẽ được khẳng định. Trăng vùi trong cỏ không chỉ là nhan đề của một câu chuyện nhỏ mà là mạch ngầm tư tưởng lặng lẽ chảy suốt tập truyện. Vượt qua mối liên hệ tạm thời giữa hiện tượng (trăng) và không gian trú ngụ (cỏ), nhan đề này trước hết gợi một thông điệp có tính vĩ mô: thôn quê là nguyên thuỷ, là khuất lấp nhưng chính là viên mãn của cái đẹp. Ý nghĩ đó bám rễ vào từng trang văn với bao day dứt về vấn đề nguồn cội. Trần Đức Tiến để các nhân vật của Xóm bờ giậu đi xa, thật xa “quê xưa người cũ”, rồi bất ngờ tạo ra bước ngoặt để họ không thể tiếp tục bình thản thả đời trôi dạt. Buổi tối mất điện ở thành phố, lần nhỡ đường phải ngủ dưới vòm trúc… trở thành nút thắt của tâm trạng. Nhà quê ngỡ như là miền yên tĩnh vĩnh hằng với những người xa xứ, đã đường đột quay về, tràn cả đêm thanh vắng (Giọt sương đêm).

Nhà quê trở thành biểu tượng của cái đẹp. Cái tên Xóm Bờ Giậu được viết hoa cẩn trọng. Vùng cỏ dại nhuộm vàng trăng quê, bình yên và trong veo vẫy gọi bao thương nhớ. Trần Đức Tiến như muốn gom hết phù sa của đời vào mỗi góc, mỗi cảnh thuộc về Xóm Bờ Giậu, đến mức thứ âm nhạc “cất lên từ bụi cỏ, từ chiếc bình gốm bỏ đi, từ nỗi buồn sâu kín và niềm hy vọng chưa bao giờ tắt trong tâm hồn cư dân xóm Bờ Giậu” cũng là thứ âm nhạc tuyệt vời nhất (Bài hát của Thằn Lằn).

Ở nghĩa khác, Trăng vùi trong cỏ còn là khát vọng quay về nơi cội nguồn của mình, nhưng hơn thế, lại nói được cái thoả thuê, đê mê của hạnh ngộ đúng nơi, đúng thời điểm. Xứ cỏ này là chỗ ghé chân của Thằn Lằn cô đơn, nhà buôn Bọ Dừa, Ốc Sên người mẫu, chuyên gia dự báo thời tiết Tắc Kè… Ở những lần dừng chân chóng vánh ấy, ai cũng kịp thời dệt thêu những mối lương duyên với Xóm Bờ Giậu. Lớn lên trong xứ cỏ - xóm Bờ Giậu, chim Vành Khuyên thao thức trong nỗi niềm muốn bé lại để đằm mình vào khoảnh khắc bình yên, mấy anh em nằm gối đầu lên nhau dưới đôi cánh chở che của mẹ, “mùi cỏ chỉ, mùi lá bưởi thơm cả vào những giấc mơ”. Đọc những tác phẩm như thế, người đọc ngạc nhiên bội phần bởi trước đấy họ đã quen với một Trần Đức Tiến gai góc, cá tính.

Về hình thức thể loại, nhiều người nhận diện Xóm Bờ Giậu là đồng thoại. Bởi nhân vật trung tâm của truyện không phải là con người. Bởi nhân vật tựa vào hình thức nhân hoá để hành động và biểu đạt tâm lý. Bởi nhà văn đã “quyện vào thiên nhiên” (từ của Văn Thành Lê) và dắt trẻ em phiêu lưu với sinh thái – một cuộc chơi vừa cũ kỹ vì trước đấy đã lắm người theo như Võ Quảng, Tô Hoài, Nguyễn Kiên, Lưu Thị Lương… vừa thời thượng (xét riêng trong phạm vi văn học Việt Nam) vì thời gian qua văn học nước nhà đang bị ám ảnh bởi lý thuyết phê bình sinh thái.

Xét thấy 25 câu chuyện trong Xóm Bờ Giậu vừa mang sắc thái đồng thoại nhưng vừa mang phong vị ngụ ngôn, có truyện còn thuộc dạng cổ tích mới. Cư dân xóm Bờ Giậu là Hoa, là Dế, là Cóc… nhưng tác giả không đẩy câu chuyện rời xa nhịp sống hiện đại của con người. Không nhiều lời nhưng một số vấn đề bản chất của văn minh thành thị vẫn được làm rõ, nhất là khi nhân vật quyết định từ giã thành thị để về quê.

Nhà văn Trần Đức Tiến


Tôi cũng không nghĩ là Trần Đức Tiến viết tác phẩm này dưới sự soi chiếu của lý thuyết phê bình sinh thái. Nhìn phía nào của Xóm Bờ Giậu cũng thấy tự nhiên nhưng đấy là tự nhiên có chức năng phát ngôn thay con người các vấn đề nhân sinh. Mỗi một sinh thể ẩn dụ cho một nhân vị. Hành trình tìm về sinh thái của nhà văn vừa là hành trình tìm kiếm sự tương thích giữa tác phẩm với người đọc nhỏ tuổi, vừa là sự từ chối chốn thành thị rực rỡ, hào nhoáng nhưng thiếu sự “run rẩy, hồi hộp” của những trái tim đa cảm được tưới tắm từ những gì đơn sơ, vụng dại.

Truyện của Trần Đức Tiến, vì thế có khả năng mở rộng đối tượng tiếp nhận, điều tương đối khó với những tác phẩm được gọi là văn học thiếu nhi với sự quy chiếu của chủ thể thụ hưởng. Sáng tác mà không hề lo lắng đến khâu phát hành, tác phẩm của Trần Đức Tiến tự tin có chỗ đứng vững vàng trong lựa chọn của người đọc các thế hệ, không phân biệt tuổi tác. Không phải vì tác giả đã xoá bỏ giới hạn thông thường giữa văn học thiếu nhi và văn học người lớn để biến tác phẩm của mình thành “tài sản chung”. Sâu xa là bởi Trần Đức Tiến không coi thường bạn đọc nhỏ tuổi và có khả năng mời gọi người đọc lớn tuổi can dự vào “sự nghiệp nên người” của con em từ trang văn của mình.

Đọc Xóm Bờ Giậu có thể thấy sự kế thừa về mặt cảm hứng, mô tip truyện giữa một vài truyện ngắn của Trần Đức Tiến với truyện cổ tích, ngụ ngôn trong và ngoài nước. Sự tái xuất hiện của những chi tiết, hình ảnh cũ đã làm nên cấu trúc liên văn bản của các tác phẩm – hệ quả của việc nhà văn chủ động “va chạm”, kết nối văn hoá trong các chiều không, thời gian. Lúc đó, truyện của Trần Đức Tiến trở thành những kết cấu nghệ thuật giàu tính đối thoại, kiểu như tác phẩm Hai chú dê nhỏ bên bờ sông xuân, Trăng vùi trong cỏ. Có một sự tương đồng khá lớn giữa Trăng vùi trong cỏ với bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy. “Đột ngột vầng trăng tròn” hiện lên ngoài cửa sổ vào đêm thành phố mất điện đã chạm đến những ân tình thẳm sâu của người lính đã một thời là bạn tri kỷ với vầng trăng, giống hệt chàng Dế Lửa đêm nay, vầng trăng vành vạnh nơi phố thị đã gợi lại trong chàng những tháng năm tuyệt đẹp còn “chơi cho giàn nhạc giao hưởng dế giun”. Trần Đức Tiến đứng trên tứ thơ cũ để phát triển một câu chuyện mới với mục đích nhắc nhớ con người về “cội nguồn nhà quê” mà ai cũng có.

Không hiểu sao đọc Xóm Bờ Giậu lòng cứ đinh ninh cụ giáo Cóc trong tác phẩm này với Trần Đức Tiến là một. Cụ giáo là người tinh tế phát hiện ra vẻ đẹp thuở Cúc Áo còn lẫn vào đám cỏ dại. Cụ giáo “rành chuyện” và sâu sắc với những phát hiện giản đơn đến mức ai cũng nhận ra nhưng lại dễ dàng bỏ qua, kiểu như: “Có khi người ta thức trắng đêm chỉ vì một giọt sương” (Giọt sương đêm).

Trần Đức Tiến khi viết Xóm Bờ Giậu đã chạm đến sự giản đơn đẹp đẽ như thế. Như khi nhà văn kể chuyện chú Cún nhỏ chưa bao giờ một lần đi hết dãy phố của mình, dù đầu phố đến cuối phố chỉ vài trăm mét, và khi đi rồi mới biết cuối phố là những chân trời vô tận (Chân trời cuối phố). Hay khi ông dệt nên một câu chuyện cổ tích lạ lùng về chiếc ấm đất “khuyết tật” nhưng tâm hồn thì sáng trong, ngay thẳng, tình nghĩa (Cổ tích ấm sứt vòi). Là những câu chuyện đậm đặc chất hư cấu, nhưng giống như cách viết tản văn, Trần Đức Tiến nhẹ nhàng thả thông điệp chính của mỗi tác phẩm vào phần kết. Ở những điểm thắt ấy, câu chuyện ngỡ là về sinh thái khép lại để mở ra bất tận câu chuyện cuộc đời…