Nhiều năm nay Trương Nam Hương đã có thói quen mỗi sáng dậy thật sớm, lên sân thượng tưới giàn hoa lan và vườn cây kiểng. Mọi việc đâu vào đó, cũng là lúc anh thư thả một mình với ly trà thật ngon, quyển sổ cùng cây bút trên tay để ghi những cảm xúc thơ tươi ròng chợt đến. Nhiều bài thơ trong tập “Thời nắng xanh” và những bài thơ khác đã ra đời trong hoàn cảnh này.
Nhà thơ Trương Nam Hương - trong trẻo những
miền xanh
ĐOÀN TUẤN
Đọng mãi trong tôi là hình ảnh Trương Nam Hương, tay cầm
bản thảo, gí sát mắt (anh bị cận nặng), đi từ tầng 2 xuống, rủ tôi ra cái quán
đêm gần nhà ăn trứng vịt lộn. Lúc đó đã gần 4 giờ sáng. Dạo đó, anh đang phụ
trách biên tập Tạp chí Văn nghệ công an ở phía Nam. Thức đêm thế mà giọng vẫn
trong. Hai đứa lang thang ra chợ. Vừa đi, Hương vừa sôi nổi kể mấy chuyện vui về
những người bạn thân chung như Lê Minh Quốc, Vũ Xuân Hương... Ngồi đến lúc thấy
người thành phố nhộn nhịp đi lại trên đường cũng là lúc Hương chuẩn bị đến tòa
soạn. Trong dáng hình hơi gầy của Hương, dường như chứa đựng sức mạnh vô hình.
Nhớ lần đầu tôi gặp Trương Nam Hương, lúc ấy anh đang
rạng rỡ với ánh hào quang của tập thơ “Khúc hát người xa xứ” với giải thưởng của
Hội Nhà văn Việt Nam, năm anh 28 tuổi. Ngày ấy, những giải thưởng còn được dư
luận chú ý. Tôi ngỡ ngàng vì giọng thơ sâu đằm, mê đắm, trong trẻo của Hương.
Anh tìm ra con đường của mình. Con đường này không mới nhưng anh vẫn tự tin bước
vào và cất lên tiếng hát bằng nỗi buồn riêng. Một nỗi buồn chân thành khiến người
đọc cảm động.
“Ước mang một chút nắng về/ Thường khi cứ Tết là quê
mưa dầm/ Mệt nhoài cơm áo quanh năm/ Hiếm hoi có một đêm nằm với quê/ Gối đầu
sóng nước tôi nghe/ Sông côi cút tiếng hò khuya buồn buồn/ Mẹ theo hương khói
lên nguồn/ Sau ta thăm thẳm cánh buồm lẻ loi/ Ruổi rong khắp bốn phương trời/
Câu thơ hành khất theo người hành hương/ Ta gom nhặt giữa đời thường/ Nỗi đau của
mẹ, nỗi buồn của cha...” (Trích “Câu thơ ngày về”).
Thời thơ ấu và tuổi trẻ của Trương Nam Hương là những
ngày phiêu dạt. Quê cha ở Huế. Quê mẹ miền Kinh Bắc. Tuổi thơ ở Hà Nội. Hơn mười
tuổi, Hương theo cha mẹ vào Nam. Định cư ở Biên Hòa. Rồi lại về thành phố Hồ Chí
Minh. Con người như đám mây, trôi hết miền này đến miền khác. Nhưng, vẫn nhớ về
miền thơ ấu của mình. Thơ của anh mang tâm trạng tâm hồn anh. Nó càng bất định,
càng nhớ về một miền yên bình. Nhớ về nơi đó, nơi có ánh sáng cội nguồn: “Trăng
thắp nến đợi ngày sông trở dạ/ Con chào đời cùng lúc với phù sa/ Con nhận nước
sông Hồng là máu đỏ/ Cát ôm con từ hơi mẹ ấp òa/ Con mượn cỏ bờ đê làm chỏm
tóc/ Mắc vành nôi lên dợn sóng la đà/ Khi bập bẹ âm đầu, con gọi mẹ/ Chạm mảng
trời run biếc của bèo hoa”. (“Nhớ sông Mẹ”). Để từ ánh sáng đó, chiêm nghiệm về
số phận con người.
Trương Nam Hương có lối sống quảng giao nên được nhiều
người yêu quý. Nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi, như Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng,
Nguyễn Khải, Sơn Nam, Đoàn Minh Tuấn, Mai Văn Tạo, Trần Mạnh Hảo... thường ghé
tòa soạn Tạp chí Văn nghệ công an chuyện trò, trao đổi công việc với anh. Anh
quý đồng nghiệp và hết lòng với bạn bè. Nhớ lần nhà báo Đinh Trọng Tuấn và tôi
vào thành phố Hồ Chí Minh tìm nhà in cho Tạp chí Thế giới điện ảnh phát hành ở
phía Nam, Trương Nam Hương là người rất nhiệt tình. Anh mua giúp chúng tôi từ bộ
ấm chén pha trà. Biết anh Đinh Trọng Tuấn là người nghiện thuốc lào, Hương kiếm
bằng được cái điếu cày, mang đến tòa soạn giữa cơn mưa, người ướt sũng với nụ
cười thật tươi.
Trương Nam Hương có tình bạn, tình thơ lâu bền với Lê
Minh Quốc. Hai nhà thơ này có chung “điểm xuất phát” - cả hai cùng học chung một
lớp ở Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, cùng được chọn
là 2 trong số 60 sinh viên tiêu biểu nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường
(1957-2017). Có một chi tiết độc đáo về thời sinh viên của hai anh chàng này.
Đó là ngày thi ra trường, cả hai toát mồ hôi hột vì biết khó có thể vượt qua
môn tiếng Nga. Môn này, cả hai lờ mờ chỉ biết chữ đực chữ cái. Cuối cùng, họ
bàn với nhau là khi thi vấn đáp, thay vì trả lời vào câu hỏi của cô giáo thì chỉ
còn cách này... Cách gì? Họ đọc luôn bản dịch thơ Puskin mà mỗi người đã dịch
ra thể thơ lục bát - sau khi đã nắm, đã hiểu nghĩa của bài thơ. Thật bất ngờ, sự
“phá cách” này đã được cán bộ giảng dạy là cô Thu Dung cho điểm cao nhất. Chuyện
có thật này đã trở thành “giai thoại” trong Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ
Chí Minh từ ngày đó.
Ngoài thơ, Lê Minh Quốc còn viết sách khảo cứu lịch sử,
địa phương chí... Đặc biệt, Quốc còn là một người say đắm đến tận cùng tiếng Việt.
Anh nâng niu, tìm về ngọn nguồn từng chữ, từng câu, từng cách nói. Biết được nỗi
đắm say của bạn thơ, nhất là từ khi cơn sốt truyền thông dội lên bao lớp sóng
giới thiệu 3 tập sách “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt”, Trương Nam Hương đã viết
bài thơ tặng Lê Minh Quốc: “Như suối nguồn trong vắt/ Tiếng chim trời đa âm/ Tiếng
Việt ơi, tiếng Việt/ Bốn nghìn năm bổng trầm/ Tiếng mặn mòi vị biển/ Tiếng ngọt
lành hương sông/ Tiếng Việt ơi, tiếng Việt/ Thảo thơm như lúa đồng!/ Tiếng vững
bền như núi/ Dọc thời gian đắp bồi/ Tiếng Việt ơi, tiếng Việt/ Lớn lên như cánh
nôi/ Thanh âm hình chữ S/ Từ ngàn xưa ông bà/ Tiếng Việt ơi, tiếng Việt/ Nuôi
nhau bằng dân ca!”.
Nhìn đôi bạn thơ Hương - Quốc sau gần bốn mươi năm
qua, tóc giờ đốm bạc, tôi lại nhớ một bài thơ nữa của Hương tặng Quốc đầy linh
cảm về thời gian, anh viết từ những năm 90: “Bạn bè thương khó bên nhau/ Nỗi
đau của bạn thành đau của mình/ Chiếu đây, ta trải thâm tình/ Rượu đây, hai cốc
thủy tinh rót tràn...”. Bạn ngồi tóc bạc lan man/ Ới a ta hát giữa ngàn nhớ
quên (“Thơ tặng bạn thơ”).
Một người bạn thơ nữa mà Trương Nam Hương tận tình
quan tâm, đó là nhà thơ Vũ Xuân Hương. Trương Nam Hương ân tình với Vũ Xuân
Hương như một người em với một người anh. Trương Nam Hương tìm nhiều cách để giới
thiệu Vũ Xuân Hương, đưa thơ Vũ Xuân Hương đến với công chúng. Tập thơ “Sông
trưa” của Vũ Xuân Hương xuất bản vào những năm 90 có công sức rất nhiều của
Trương Nam Hương và những người bạn. Khi Vũ Xuân Hương sang Nga học, giữa thời
khủng hoảng, Trương Nam Hương cảm nhận bạn mình sẽ gặp nhiều khó khăn. Anh viết
bài “Gửi rừng Nga” để tặng Vũ Xuân Hương: “Những câu thơ không nhà/ Cô đơn chờ
bạc tóc/ Thương một chiều rừng Nga/ Bạn ta ngồi lặng khóc/ Bạn ngồi như tiền kiếp/
Thi ca quên chải đầu /Giữa rừng phong trắng tuyết/ Độc thoại từng nỗi đau/ Đàn
sếu trôi về đâu/ Mới hay mình lưu lạc/ Chao, thương quá cánh cò/ Rét run dòng lục
bát/ Thơ Puskin từng hát/ Tự do cho tình yêu/ Dịch làm sao hạnh phúc/ Hoàng hôn
hay máu chiều?...’’.
Những năm trước, việc đi lại giữa hai miền bằng đường
hàng không còn khó khăn, Trương Nam Hương thường gửi quà cho bà ngoại và người
dì ở phố Chùa Bộc (Hà Nội), nhờ tôi mang đến. Bà ngoại Hương đã gần 90 tuổi. Bà
thường gọi Hương bằng tên gọi ở nhà của anh: ” Thằng Ân có khỏe không cháu? Vợ
con nó thế nào? Bé Bi, bé Bo lớn chưa? Có ngoan không?’’ v.v... Có lẽ bà ở
trong nhà quá lâu nên mỗi khi tôi về, bà lại căn dặn: “Cẩn thận đấy cháu. Giờ
ông ba bị và mẹ mìn nhiều lắm! Họ bắt đấy!”. Trong thơ Trương Nam Hương thường
có bóng hình những chân trời xa xanh. Đó là những ký ức về tuổi thơ đẹp và buồn,
về những miền quê bình yên thẳm xanh trong tâm thức. “Củ khoai gầy trơ ngón
mút/ Tuổi thơ mót gió trên đồng/ Giấc mơ vun vùi trấu bếp/ Tha hồ hoa gạo mà đong”
(“Hoa gạo”).
Anh viết về bà với nhiều chi tiết và hình ảnh thơ thật
đẹp: “Nắng trong mắt những ngày thơ bé/ Cũng xanh mơn như thể lá trầu/ Bà bổ
cau thành tám chiếc thuyền cau/ Chở sớm chiều tóm tém/ Hoàng hôn đọng trên môi
bà quạch thẫm/ Nắng xiên khoai qua liếp vách không cài/ Bóng bà đổ xuống đất
đai/ Rủ châu chấu cào cào về cháu bắt/ Rủ rau má rau sam/ Vào bát canh ngọt
mát/ Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình/ Bà tựa lưng vào nguồn cội lặng thinh/
Gầy như khói trên trang thờ Tiên tổ/ Da mặt ngoại như vỏ cây tróc lở/ Mắt nheo
nhìn tươi mưởi những chồi non/ Tôi là mầm lá lon ton/ Nảy trong lòng mẹ vuông
tròn bà mang/ Run trên gốc rễ cũ càng/ Tôi trong dáng ngoại, bóng làng chở
che... Tôi như thể chú mèo dim dím mắt/ Trong lòng bà tro trấu thật bình yên/
Mây ngơ ngóng dưới vòm trời cổ tích/ Dưới vòm trời tóc ngoại - một bà tiên...”
(“Thời nắng xanh”).
Một hôm, Hương gửi tôi bài thơ nhan đề “Cà phê ban
mai”. Tôi không thích cà phê bằng trà. Với lại có quá nhiều bài thơ viết về chủ
đề cà phê. Bài nào cũng giống nhau về tâm trạng buồn, cô đơn. Ít ngày sau tôi mới
đọc. Bỗng giật mình. Bài thơ không viết về cà phê mà viết về một cảm xúc đặc biệt,
rất đáng trân trọng.
“Buổi sáng tiếng con reo trong nắng nõn/ Nắng ngọt
ngào thời ba hai mươi /Cà phê nhé ba, có cả bạn trai con nữa/ Gió theo ba mát
rượi đến nơi mời/ Ba gặp mẹ trong con ngày rất trẻ/ Hoa cúc ơi, hoa cúc dịu
dàng/ Tay con khuấy hương cà phê ngát nhẹ/ Ba lặng ngồi nghe ký ức ngân vang/
Ba mươi năm sau/ Lại có một chàng trai mang lòng ba sớm ấy/ Đặt những câu thơ
lên môi/ Đặt cả đất trời lên ngực/ Hoa cúc ơi, hoa cúc thật vàng/ Khi mắt lá
xanh đằm mắt lá/ Nắng khẽ dìu cho những ngón tay đan/ Những giọt ban mai hẹn hò
trong đáy cốc/ Ba chứng nhân hai ánh mắt thiên thần!”.
Bài thơ này thật khó viết. Nhưng, Trương Nam Hương đã
thể hiện rất thành công. Bởi anh luôn sống bằng trái tim nhân hậu, tinh thần lạc
quan, sẻ chia tình cảm, một niềm tin vào cuộc đời rộng mở.
Hương lúc nào cũng tha thiết và đau đáu với thơ. Nhiều
năm nay đã có thói quen mỗi sáng dậy thật sớm, lên sân thượng tưới giàn hoa lan
và vườn cây kiểng. Mọi việc đâu vào đó, cũng là lúc anh thư thả một mình với ly
trà thật ngon, quyển sổ cùng cây bút trên tay để ghi những cảm xúc thơ tươi
ròng chợt đến. Nhiều bài thơ trong tập “Thời nắng xanh” và những bài thơ khác
đã ra đời trong hoàn cảnh này. Nếu chú ý, ta sẽ thấy ở đó có nhiều bài thơ tứ
tuyệt chắt lọc từng chữ, từng câu chỉn chu, nhất là những bài thơ viết về danh
nhân văn hóa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu... Anh
tâm tình: “Một bài thơ viết xong, có lúc cũng câu đó nhưng mình đưa ra nhiều
“phương án” khác nhau, để cuối cùng chọn lấy câu, chữ nào đắc ý nhất”. Qua đó,
chúng ta thêm hiểu nỗi nhọc nhằn của lao động nghệ thuật thơ là vậy.
Trải qua thời gian cùng những biến thiên đời sống, anh
vẫn giữ tâm hồn thơ mê đắm, tài hoa như thuở ban đầu. Anh cũng luôn giữ tâm thế
nhẹ nhàng, không màng danh lợi phù du. Vì tất cả những thứ đó là vật ngoại
thân. Không cần thiết. “Đứng ngoài các cuộc bon chen/ Lắng trong nước mắt muộn
phiền nhân gian/ Chẳng quen khoanh dạ mặt bàn/ Về thưa ghế đẩu cơ hàn mẹ cho!”
(“Dặn lòng”).