Nhà thơ Trần Quốc Thực (1948-2007) trong ký ức nhà văn Hà Nguyên Huyến: “Sáng nào anh cũng ngồi sau xe tôi đến tối lại trở về. Tôi đi trong những câu khẩu lệnh “rẽ trái, rẽ phải”của anh đến hàng trăm lần mà không sao có thể nhớ được. Đêm đêm, tôi mê man mệt mỏi trong cái mê cung nhằng nhịt không có lối ra ấy”.


TRẦN QUỐC THỰC những câu thơ vút lên tìm sự sống

HÀ NGUYÊN HUYẾN

Năm ấy (1998), lúc ấy tôi đang đọc phần văn xuôi cho tạp chí sáng tác Tản Viên Sơn của Hội VHNT tỉnh Hà Tây, nhà thơ Trần Quốc Thực lên nhà chơi. Hôm ấy có cả cố thi sỹ Thế Mạc – Bạn thân với Trần Quốc Anh, anh trai Trần Quốc Thực. Làng Đường Lâm - một làng làm ruộng nghèo nhưng có truyền thống văn học nên chúng tôi rất quí trọng anh.

Các con tôi còn nhỏ, vợ tôi vừa đi dạy học, vừa làm tương để tăng thêm thu nhập nên hằng ngày công việc tối mắt từ sáng cho đến nửa đêm. Mặc dù vậy, việc tổ chức một “mâm rượu” để tiếp nhà thơ là một việc không thể thiếu. Hôm ấy hai đứa con tôi được mẹ sai đi mua rượu. Lúc về, hai đứa trẻ nhễ nhại mồ hôi, mỗi đứa một quai làn kéo lê trên mặt đất trong đó có nhõn… một chai rượu! Nhìn thấy thế, nhà thơ liền reo lên: Hay quá, hai đứa… khiêng rượu cho bác uống!

Lúc bấy giờ Trần Quốc Thực đã có những dấu hiệu không tốt về sức khoẻ, anh chẳng còn uống được bao nhiêu. Song, chuyện về rượu thì mãi mãi còn nguyên đây những kỷ niệm chẳng bao giờ phai trong lòng bè bạn… Khoảng những năm hai nghìn, một buổi chiều cuối thu, nhà văn Lã Thanh Tùng chở Trần Quốc Thực trên một chiếc xe gắn máy phân khối lớn vào Hội VHNT Hà Tây chơi. Tôi và nhà thơ Tô Thi Vân (hiện đang đọc phần thơ ở tạp chí Tản Viên Sơn) rất vui. Chúng tôi lại mang rượu ra uống, và tất nhiên những bài thơ mới nhất được mang ra đọc cho nhau nghe. Rồi, trời tối lúc nào không biết, Lã Thanh Tùng Tùng nói thế nào Trần Quốc Thực cũng nhất định không về.

Dùng dằng mãi, Lã Thanh Tùng đành một mình “gió bụi đường trường” quay về thành phố. Tôi đưa “hai nhà thơ” về Văn phòng Hội và lủi thủi về chỗ ở của mình (cách văn phòng Hội khoảng 1 km). Thú thật là tôi không đủ “bản lĩnh” để… hầu hai ông vì tôi biết chắc chắn rằng: họ sẽ… “bắc cầu” qua đêm nay bằng rượu, bằng những câu thơ và, bằng tất cả những gì mà chúng ta không dễ dàng lý giải bằng lời được.

Tờ mờ sáng hôm sau, tôi bị đánh thức dậy bởi một câu hỏi như mệnh lệnh: Còn tiền không? Anh lục trong túi quần ấy! Tôi biết, trong túi tôi lúc đó chỉ còn lại một tờ hai chục nghìn đồng. Đến giờ làm việc, tôi đến văn phòng Hội, Tô Thi Vân đã ngồi “từ bi, tự tại” hai tay khoanh trước ngực đặt trên bàn. Bên ngoài khoác chiếc áo véc-tông, chiếc áo này do nhà văn Phượng Vũ đi Liên Xô về cho với một câu nói giản dị, khi chỉ có một mình ông với nhà thơ: “Anh đi Liên Xô về, có hai chiếc, cho Vân một, mặc cho đỡ lạnh…”. Vào những năm tháng ấy cho nhau một cái “áo vét” là cả một vấn đề. Điều đó cũng nói lên tình cảm của nhà văn “Hoa hậu xứ Mường” đối với Tô Thi Vân.

Tôi nhìn Tô Thi Vân và trời ơi! Bên trong áo véc-tông chỉ còn duy nhất chiếc áo “ba lỗ”… cháo lòng, mặc đằng trước quay ra đằng sau che cho kín cổ để… cố giấu mọi người trong cơ quan. Tôi đã hình dung ra “hai nhà thơ đã sống với nhau qua một đêm như thế”! Để chặn tôi không được tọc mạch, Tô Thi Vân nói chắc nịch và gỏn lọn: Tiễn lão Thực ra bến ô tô về bằng xe buýt rồi!

Cho đến hôm nay ngồi viết lại những dòng này, lòng tôi vẫn bồi hồi. Hai chục nghìn đồng, hai nhà thơ chẳng biết có đủ để mỗi người lót dạ một bát bún riêu không, hay Trần Quốc Thực lại đi “chạc” xe buýt về Hà Nội…

Vài năm sau, cuối 2002 tôi được về công tác tại Nhà xuất bản Thanh Niên, lương thử việc 3 tháng đầu là 500 nghìn đồng một tháng. Tôi không biết sẽ xoay sở thế nào để sống khi tiền thuê nhà một tháng là 300 nghìn đồng. Nhà xuất bản Thanh Niên chỉ cách báo Văn Nghệ một đoạn dốc Bà Triệu. Một hôm, cuối giờ làm việc tôi đến thăm Trần Quốc Thực, nhà thơ hỏi: Mày về đâu? Tôi trả lời: Chẳng biết về đâu! Giữa Hà Nội đông đúc mà mỗi buổi đêm về với tôi là một nỗi lo. Không lẽ cứ tá túc qua đêm làm phiền bè bạn mãi. Như hiểu ra, Trần Quốc Thực bảo: Mày về với anh!

Tối đó chúng tôi ra bờ sông (sông Hồng – có lẽ thuộc phường Phúc Tân). Tôi được sống với anh trọn vẹn một tháng trời. Một tháng trong cái địa danh nổi tiếng Hà Nội với cái tên đầy ám ảnh: Pháo Đài (tên này có lẽ do cố nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc gọi khi tá túc ở đây)! Cho đến hôm nay tôi vẫn không biết và không bao giờ muốn tìm hiểu xem chỗ đó thuộc phường nào, quận nào của thành phố Hà Nội. Cũng chính nơi đây Nguyễn Lương Ngọc (người cùng quê với tôi) đã sống một thời gian dài với nhiều giai thoại thú vị si cuồng. Nghe đồn cái tên “Pháo Đài” là do nhà thơ Nguyên Lương Ngọc đặt!

Hôm nào cũng vậy, cứ xâm xẩm tối, tôi với nhà thơ Trần Quốc Thực, trong ánh nhạt sáng nhoà của những ngôi nhà hắt ra, chúng tôi lặng lẽ ngồi bên nhau, âm thầm mỗi người một suất cơm bụi. Những người bên cạnh cũng thế, chẳng ai muốn nhìn và muốn nói với ai, bởi không ai muốn ngồi ăn tối ở một nơi như thế. Đôi khi tôi có một cảm giác như mình bị lạc vào một thế giới khác, thế giới nào không biết nhưng có lẽ không phải là trần gian…

Nơi Trần Quốc Thực thuê nhà, chủ nhà là một bà già khó tính và luôn cáu bẳn. Sáng sáng, bà ngồi chon chõn trên một chiếc ghế đẩu ngay ngoài cửa bỏm bẻm nhai trầu. Từng đứa từng đứa một, những đứa trẻ không biết ở đâu, làm đủ mọi nghề, từ đánh dày cho đến trộm cắp vặt vãnh, đêm qua đã về đây lúc nào không biết. Chúng “ngủ bụi”, hơn chục đứa một phòng, mỗi đứa 5 nghìn một tối ngủ không chăn màn. Không có tiền thì đừng hòng bước ra khỏi cửa. Riêng tôi với nhà thơ thuê tháng, ba trăm nghìn một tháng. Chúng tôi có một phòng riêng (không có toa-lét) nhưng phải chấp nhận một thứ “lệ” do chính bà đặt ra, đã vào phòng thì không thể ra cổng được nữa. Nếu về sau 21 giờ thì cứ việc tìm… vỉa hè mà tá túc!

Cũng may là mùa đông nên tôi và Trần Quốc Thực hầu như không phải tắm. Tôi rửa qua chân tay rồi lên giường nằm ôm nhà thơ. Hai anh em chỉ có một tấm liếp đóng bằng gỗ keo, thứ bán cho các nhà trọ rẻ tiền. Cả hai đều mệt sau một ngày vật vã ở tòa soạn.

Trần Quốc Thực gầy lắm, ôm anh một lúc mới thấy có tí hơi ấm.  Lúc này nhà thơ đã yếu lắm nhưng đêm đêm anh vẫn thức dậy viết, Hình như tập “Tháp cúc” (tập thơ được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam) được hoàn thiện trong bối cảnh như vậy. Phải chăng, những cảm xúc trong trẻo, chân thực, ấm áp và sự cách tân mạnh mẽ trong bút pháp nhưng vẫn giữ được giọng điệu riêng của anh lại được hình thành trong những ngậm ngùi, tủi cực... Song với Trần Quốc Thực, Thơ là một thế giới khác!

Cứ thế, sáng nào anh cũng ngồi sau xe tôi đến tối lại trở về. Tôi đi trong những câu khẩu lệnh “rẽ trái, rẽ phải”của anh đến hàng trăm lần mà không sao có thể nhớ được. Đêm đêm, tôi mê man mệt mỏi trong cái mê cung nhằng nhịt không có lối ra ấy. Chỉ có một khái niệm rõ ràng trong tôi, một bên là thành phố đêm lộng lẫy ánh đèn, còn ngoài kia là sông. Sông Hồng rầm rì tiếng của ngàn năm trên đường về với biển. Tôi và anh lẻ loi trong ngút ngát nhà vừa cao, vừa nhỏ. Đến hôm nay thì tôi hiểu: Dưới cái đáy sâu hun hút ấy có lẽ chỉ còn lại những câu thơ của Trần Quốc Thựclà có đủ sức VÚT LÊN TÌM SỰ SỐNG nối anh với cuộc đời này! Những năm tháng sau này, mỗi dịp đi qua cầu sang bên kia sông, tôi vẫn không dám ngoảnh đầu nhìn lại vùng đất ven sông bên kia, nơi có một thời tôi và anh đã có những tháng ngày như thế.

Một chiều thứ bảy tôi về quê, sáng thứ hai đến nơi trọ đón anh đi làm. Sáng hôm ấy vừa nhìn thấy tôi, anh nói như reo: Huyến ơi, hôm qua chị tao lên. Chị tao mang cho bao nhiêu là quà, nhiều bánh lắm!”. ( một góc độ nào đó, khi mồ côi mẹ, Trần Quốc Thực coi người chị như mẹ). Tôi nhìn vào mắt anh mà cố ngăn không cho nước mắt mình trào ra.

Sau đó tôi được về làm việc ở Ban Văn, Tuần báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi càng có dịp để gần gũi anh hơn. Năm 2006, chúng tôi (Đăng Bảy, Tô Thi Vân, Phạm Hồ Thu) về thăm người chị cả của anh Trần Quốc Thực đang lâm bệnh hiểm nghèo. Chuyến xe đi về Quỳnh Phụ, Thái Bình do Lã Thanh Tùng ôm vô lăng xe nhà đi trọn một ngày.

Ngồi bên chị, Trần Quốc Thực bần thần như đứa em có lỗi, nhìn hai mái đầu tóc đã ngã màu mà thấy thời gian thật phũ phàng. Trần Quốc Thực có bốn chị em, sinh ra và lớn lên ở thị xã Phủ Lý tỉnh Hà Nam. Người chị gái lấy chồng sang Thái Bình, Trần Quốc Anh hy sinh trong chống Mỹ cứu nước ở Nghệ An. Trần Quốc Thành hy sinh ở chiến trường miền Nam. Cha mẹ đã mất cả rồi. Trần Quốc Thực bao lần nói chuyện với tôi về mẹ. Tình cảm thiêng liêng ấy anh đã gửi gắm vào bài thơ “Tắm mẹ”, bài thơ này là một trong những bài thơ hay nhất của chúng ta khi nói về mẹ!

Cũng một sáng thứ hai tôi từ Sơn Tây về đón anh, bà chủ nhà cho biết: “Ông ấy mặc mỗi một chiếc áo len và một chiếc quần ngủ đi xiêu vẹo ra ngoài từ lúc sáng sớm…”. Tôi đẩy cửa bước vào phòng trọ, mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn, anh đi đâu? Sau đó bạn bè và người thân ào đến bủa đi tìm. Người thì nói anh vào bệnh viện Việt Đức, rồi bỏ ra ngoài mua thuốc, rồi không biết đi đâu nữa. Anh đi trong trạng thái thần kinh không bình thường.

Một lần nữa, Lương Ngọc An, Lã Thanh Tùng, Đăng Bảy, Việt Thắng, Tất Thắng...  tìm anh khắp thành phố. Mãi đến ngày hôm sau nhà thơ Văn Thao (con nhạc sỹ Văn Cao) tìm thấy anh lem luốc lang thang vô định trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ. Văn Thao kéo Trần Quốc Thực lên cái xe ba bánh “nổi tiếng” của mình chở về nhà ở số 108 - Lê Duần (gần ga Hà Nội). Nhà thơ Trần Lan Vinh (vợ anh Văn Thao) nhờ biết nghề thuốc đã chăm sóc cho anh. Hồi lại, Trần Quốc Thực nhìn Trần Lan Vinh, hỏi: Mày vừa tắm rửa và thay quần áo cho anh? Vâng! Thế… mày có… nhìn gì không đấy!

Từ ngày ấy sức khỏe Trần Quốc Thực giảm sút, không bao giờ uống rượu nữa mà chỉ… ngửi! Anh vẫn đến cơ quan đọc những bản thảo thơ từ mọi miền đất nước gửi về nhưng hình như Trần Quốc Thực là một con người khác hẳn, anh là người của thế giới khác, gần gũi đó nhưng sao mà vời vợi…

Cho đến hôm ấy, lầm lũi bước theo chân của đoàn người đến viếng anh. Bụng bảo dạ, chắc tôi không dám nhìn vào gương mặt anh lần cuối. Tôi rất sợ, sợ trên gương mặt anh nếu còn vương vấn một chút gì đó của trần thế khổ đau này, thì quãng đời còn lại tôi sẽ sống và viết như thế nào nếu trời còn cho tôi một cái “duyên bút mực”… Nhưng sao lại có thể như thế được. Tôi đến bên anh, nhìn anh và như trút được gánh nặng bấy lâu. Anh nằm đó thanh thản, bình dị và trong trẻo như một câu thơ mà anh đã từng viết về một qui luật tất yếu nào đó của vĩnh cửu.