Tại Hội thảo khoa học quốc gia "Hoài cố nhân - Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Võ Hồng" vừa tổ chức tại Phú Yên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang nhận định: “Viết về quê hương, Võ Hồng bắt đầu bằng một tình yêu ruột thịt như con với mẹ. Mở rộng thêm một chút còn là ý thức lưu giữ một nếp sống, một nền văn hóa, làng mạc của người miền Trung mà ít người biết đến. Văn chương có giá trị như chiếc cầu nối giao lưu tâm hồn đến những tâm hồn”.

NHÀ VĂN VÕ HỒNG VÀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG 

                  NGUYỄN THỊ THU TRANG


Nhà văn Võ Hồng đã chọn ra đi vào cõi thiên thu vào ngày cuối cùng của tháng 3 - Ngày 31/3/2013!  Ngày tiếp sau là ngày 1 tháng 4, ngày kỷ niệm 12 năm mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Còn nhớ năm 1972, trong cuốn Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay, tập 2, tác giả Tạ Tỵ có chọn và viết về mười nhà văn, nghệ sĩ tiêu biểu của miền Nam thời bấy giờ. Cuốn sách mở đầu là chương viết về Trịnh Công Sơn và kết thúc là chương viết về Võ Hồng.

Võ Hồng cũng như Trịnh Công Sơn là những người nghệ sĩ mang tâm hồn dân tộc, là những người đã lưu giữ qua tác phẩm của mình một thời đã qua với những mất mát, đau thương của hơn 20 năm khói lửa chiến tranh ở miền Nam.

Trong Từ Điển Văn Học (bộ mới), tác giả T. Khuê và Nguyễn Huệ Chi nhận xét: “Võ Hồng là một nhà văn đôn hậu, yêu quê hương và con người...”.

Nhà văn Võ Hồng nhiều lần kể ông sinh ngày 5 tháng Chạp năm Nhâm Tuất (tức 21/01/1923), nhưng để đủ tuổi đi học, người nhà ông đã làm giấy khai sinh ghi năm 1921. Tính theo ngày mất, đến nay ông đã rời xa cõi tạm gần 10 năm. Tính theo ngày sinh, thì nay cũng gần 100 năm. Một thế kỷ đã trôi qua quá nhanh, trong những gì nhà văn để lại, những trang viết về quê hương vẫn là phần giá trị vững bền nhất.

Võ Hồng sinh ra và lớn lên bên dòng sông Phường Lụa, vùng có nghề dệt vải và nghề làm gốm nổi tiếng, thuộc làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Thuở nhỏ học ở trường huyện, trường phủ, ra Qui Nhơn học rồi sau đó ra tận Hà Nội học Tú tài. Những năm kháng chiến chống Pháp, Võ Hồng tham gia công tác Bình dân học vụ, dạy học và làm Hiệu trưởng trường Trung học Lương Văn Chánh của Phú Yên. Năm 1954, ông đưa vợ con về quê vợ ở Đà Lạt. Năm 1956, ông chuyển xuống Nha Trang và sinh sống bằng nghề dạy học ở các trường tư thục. Đến 1957, vợ ông qua đời, Võ Hồng một mình nuôi 3 con nhỏ, vừa dạy học vừa sáng tác văn chương. Với gia tài hơn 30 đầu sách đã in gồm hơn trăm truyện ngắn và 8 tiểu thuyết, truyện dài; có nhiều tác phẩm được tái bản; Võ Hồng là nhà văn có vị trí chắc chắn trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, đặc biệt trong giai đoạn 1954-1975.

Đọc tác phẩm của Võ Hồng, có thể hình dung các miền của Phú Yên, từ đèo Cả đến đèo Cù Mông, biển Mỹ Á, Sông Cầu, vùng Xuân Phước, Xuân Quang của Đồng Xuân...; làng Ngân Sơn của nhà văn với con sông Phường Lụa trong trẻo, những bến đò đông đúc, nhà thờ Mằng Lăng, chùa Châu Lâm... Trên những con đường quê nối liền An Thạch với An Thổ, An Dân, An Mỹ; vẫn là bóng dáng của những người nông dân lam lũ, cần cù, suốt đời gắn bó với đất.

Nói đúng hơn, quê hương không chỉ là đề tài. Quê hương còn là máu thịt, là tâm niệm của nhà văn Võ Hồng. Ông có lần nói:

“Nếp sống của quê tôi chưa hề được nhà văn nào nhắc đến... Thế hệ của chúng tôi bị chiến tranh tàn phá quá nhiều, một số lớn đã chết, những nếp sống cũ lần lượt bị xóa đi, thay thế bằng nếp sống mới. Tôi nghĩ rằng nếu tôi dâng trọn cả cuộc đời của tôi để dựng lại cái Dĩ vãng đó cũng vẫn còn chưa đủ... Vậy viết về những kỷ niệm Dĩ vãng tôi nhằm vào việc lấp một cái hố trống. Tôi muốn các thế hệ đàn em có dịp để thiết tha gắn bó với quê hương hơn...”.

Với tâm niệm ấy, hơn nửa thế kỷ cầm bút, quê hương là đề tài nhất quán xuyên suốt trong các trang viết của nhà văn. Từ thưở còn là cậu học trò chơi trò chơi văn chương, một cách tự nhiên ông đã kể về làng quê thân yêu của mình: cảnh gặt lúa ở cánh đồng Gò Dài một buổi sáng tinh sương có đàn ông huơ liềm, đàn bà con nít ngồi trên bờ, cò trắng bay và đậu trên lưng trâu (Truyện Mùa gặt đăng ở Tiểu thuyết Thứ Bảy năm 1939). Và trong Hoài cố nhân - tác phẩm đầu tiên được xuất bản năm 1959, còn là nỗi hoài cố hương. Quê hương với những ngày đi học, lớp đồng ấu rồi trường huyện, trường phủ - cảnh sinh hoạt của một miền quê hiện rõ như đang diễn ra trước mắt.

Đi theo truyện Chuyến về Tuy Hòa”,  ta sẽ được khám phá quê hương Phú Yên của những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Khi "xe đang chạy trên cánh đồng Hiếu Xương", là lần lượt thấy: "... những đụn rơm. Những bụi chuối. Chợ Xéo, Bàn Thạch, Phú Lâm, Cầu Đà Rằng một màu đen nghiêm nghị" (trang 131). Đến Tuy Hòa trung tâm của tỉnh, đi trên đường phố bạn không khỏi bật cười vì cách ví von, dí dỏm của Võ Hồng. "Đường Trần Hưng Đạo đâm xuyên qua thành phố từ đầu trên xuống đầu dưới như cây lụi xuyên qua mình con gà" (trang 137). Trên mình "con gà" đó, bạn sẽ lên chỗ cao nhất là núi Nhạn để ngước nhìn lên ngôi tháp Chàm rêu phong cổ kính đứng "âm thầm giảng giải bài học hưng phế ở đời" (trang 140). Đọc truyện Võ Hồng như xem lại những trang tư liệu sống động về một thời đã qua, cảnh sinh hoạt nối tiếp thay đổi. Tuy Hòa - vùng trấn biên dinh - một thời có: "rạp hát Bang Hưng rộn rịp kèn trống ngày nào, thời của Dũ Ký, Bầu Nụi" (trang 138) giờ đã khác trước nhiều.

Chúng tôi về thăm quê làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An của nhà văn Võ Hồng vào một buổi sáng mùa thu. Nắng vàng trong trẻo trên dòng sông Phường Lụa. Tôi nhớ đoạn văn ông tả trong truyện ngắn Lễ cúng trường:

“Thật đẹp là những ngày nắng đầu mùa. Nắng vàng nhẹ, không khí trong suốt khiến cảnh vật sáng tưng bừng. Đứng ở bến đò Thiện Đức có thể nhìn thấy rõ bầy bò lội qua bến đò Gạch cách đó hai cây số. Bờ tre ở Hội Phú, rặng dương liễu ở Mằng Lăng hiện lên thành một dải xanh ngăn ngắt và dãy núi cát ở mũi Vũng Lắm toàn một màu vàng rất nhạt, sáng óng ánh mặt trời”.

Làng xóm giờ đã đổi khác nhiều so với 40 năm trước đây khi ông giã từ. Đập Tam Giang, đập Đồng Cháy mà ông mô tả trong truyện đã được xây dựng lại qui mô hơn. Điện về đến mỗi nhà. Dòng sông Cái (sông Phường Lụa) chảy ngang qua trước mặt nhà ông bị xâm thực ăn sâu vào bờ bên này và người ta phải làm kè đá để giữ. Võ Hồng có lần nói vui rằng ông thực mâu thuẫn với trường hợp nhà thơ Tú Xương - Với Tú Xương thì:

“Sông kia giờ đã nên đồng,

Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai.

Đêm nghe tiếng ếch bên tai,

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”.

Dòng sông tuổi thơ Võ Hồng không mất, trái lại nó mở rộng sát vào trước nền nhà cũ của ông. Nhưng, những chuyến đò qua sông đông vui vào ngày mùa, ngày Tết mà ông kể trong truyện không còn nữa. Người ta đã xây một chiếc cầu xi măng chắc chắn bắc qua sông gọi là cầu Lò Gốm. Lác đác trên sông những chiếc thuyền câu trôi lững lờ, êm ả. Không còn những nhân vật như Lão Nhảy trong truyện Lễ cúng trường quanh năm làm nghề chống đò chở khách qua sông. Chỉ có làng Lò Gốm vẫn là làng Lò Gốm với những lò nung đồ gốm hầu hết đã xiêu vẹo, cũ kỹ hoặc bỏ hoang không dùng nữa (nghề này đã thu hẹp lại). Rải rác trong các nhà những cái chậu, vại, hỏa lò... bằng đất nung đỏ bày la liệt. Võ Hồng trong tiểu thuyết Như cánh chim bay đã xây dựng nhân vật lão Tâm, một lão nông nghèo hăng hái tham gia công tác kháng chiến là thợ làm đồ gốm truyền đời từ năm 7, 8 tuổi - từ rất nhiều những người thợ gốm ở quanh ông. Nhà văn hẳn không quên những từ chuyên môn mà ông đã ghi trong truyện về nghề gốm như: "Vói đất, vực đất, đắp bộng, sửa chóe, đổ ngói, trồng lò, dõ lò... Chậu cắt, chậu thùng, chậu cục, chậu ghè, bộng chiếc, bộng đôi, hỏa lò tàu, hỏa lò ta..."

Ký ức về tuổi thơ, về quê hương sống nguyên hình trong trí nhớ của nhà văn đến nỗi đọc tác phẩm của ông người ta thấy hiện rõ từng tư thế, hình dáng của cây sung, cây bồ lời, hương vị của hoa mù u bay trong buổi chiều, con đường làng lổn nhổn mẻ sành... Đó cũng là cuộc đời thực của bất kỳ làng quê nào. Với Võ Hồng, mối liên hệ nối con người với mảnh đất ruột thịt "chôn nhau cắt rốn" bao giờ cũng bắt đầu bằng chính những tình cảm hồn nhiên, trong trẻo của ngày thơ bé: "Tôi thương yêu cái xóm nhỏ của tôi, con đò bằng nan tre chèo qua lại trên dòng sông, những người láng giềng nghèo nàn. Tôi thương yêu những đứa trẻ chăn bò vốn là bạn chơi đáo, chơi bi..." (Hoa bươm bướm - trang 163).

Trên con đường trở về quá vãng, Võ Hồng gặp Thạch Lam, Thanh Tịnh, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng... Họ cũng giống nhau ở điểm: hướng về quê hương, cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng so với các tác giả của Hà Nội ba mươi sáu phố phường, Vang bóng một thời và Thương nhớ mười hai..., Võ Hồng gần với Thanh Tịnh hơn. Thanh Tịnh cũng người miền Trung, khi còn đi học cũng yêu thích văn của Alphonse Daudet, cũng có thời gian làm nghề dạy học. Văn Thanh Tịnh đằm thắm, mượt mà, gợi cảm.

Thạch Lam viết trong lời tựa của tập truyện Quê mẹ:

"Thanh Tịnh có lẽ là nhà văn đầu tiên ở miền Trung đã trình bày các mối dây liên lạc nối ông với đồng nội, quê hương, những dây liên lạc nhẹ nhàng như tơ đồng ngày thu, nhưng không vì thế mà kém phần vương vít và quyến luyến. Gió mùa của cả một vùng làng mạc và đồng ruộng ấy, chúng ta thấy lướt qua trong các tác phẩm của ông, trong những truyện ngắn mà hầu hết khung cảnh là lũy tre của một xóm nhỏ, hoặc dòng sông con chảy qua ruộng lúa xanh tươi".

Thanh Tịnh là người Huế, ông viết Quê mẹ năm 1941 và được xem là tác phẩm văn xuôi thành công nhất của ông. Nhưng làng Mỹ Lý (một dặm đẹp) - tên trong truyện chỉ là một cái làng được hư cấu, không có thật trên bản đồ, tượng trưng cho một miền quê mà tác giả muốn kể. Với Võ Hồng, mục đích của ông là tái hiện những cái có thật. Những cái tên: Lò Gốm, Phường Lụa, Gò Dài, Đập Đồng Cháy, núi A Man, An Thổ, Định Trung, Hóc Lá, Sông Cầu, Tuy Hòa v.v... đọc lên nghe cảm giác thân quen, gần gũi nhất là đối với những người cùng quê hoặc đã từng biết đến. Nếu Thanh Tịnh:  " muốn làm người mục đồng ngồi dưới bóng tre thổi sáo để ca hát những đám mây và làn gió lướt bay trên cánh đồng, ca hát những vẻ đẹp của đời thôn quê"  (như lời Thạch Lam), thì Võ Hồng lại chú ý hơn đời sống mộc mạc, nếp sinh hoạt, thói quen của những người dân quê.                                              

Trong 8 tiểu thuyết và truyện dài (đã xuất bản và chưa) của Võ Hồng có ba quyển hoàn toàn nói về Phú Yên: Ngôi sao nhỏ, Người về đầu non và Như cánh chim bay. Các quyển khác qua nhân vật hoặc chi tiết trong truyện đều có nhắc đến quê hương. Rất nhiều truyện ngắn của Võ Hồng lấy bối cảnh quê nhà và con người nông thôn làm đề tài và nhân vật chính. Đặc biệt trong tập Chúng tôi có mặt, Võ Hồng đã để các nhân vật là những con thú nói rặt giọng Phú Yên.

Tiểu thuyết Như cánh chim bay là truyện dài nhất của nhà văn Võ Hồng được nhiều người biết đến.

Giới hạn trong những làng quê của tỉnh Phú Yên, Như cánh chim bay ghi lại những hoạt động của một giai đoạn lịch sử kéo dài từ 1946 đến 1954. Luân, Quỳ... những nhân vật chính, cuối tập 1 (Hoa bươm bướm), dù khó khăn nguy hiểm... đã vượt một chặng đường dài đầy bom đạn về đến quê của Luân - vùng kháng chiến. Truyện mô tả đầy đủ những phong trào chống giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Cảnh phá đường, tập huấn quân sự, canh gác; cảnh tăng gia sản xuất, trồng khoai lang bồ, trồng bí, trồng sắn; cảnh dạy học đóng cổng đố chữ của phong trào Bình Dân Học Vụ... diễn ra sống động trong truyện.

Trong Như cánh chim bay, Luân, Quỳ đã hòa nhập, chứng kiến không khí kháng chiến sôi động đó và tham gia vào các phong trào như những người dân bình thường khác. Bên cạnh Luân, Quỳ còn có đủ mọi tầng lớp khác nhau. Nổi bật là những người dân hết mình vì kháng chiến như chị Nữ, chị Tha, chị Hậu, lão Tâm... Họ không nề hà gian khổ, cũng không chút mặc cảm cá nhân hay mặc cảm tự ti nào. Họ vui vì được cống hiến công sức cho tập thể, cho tổ chức Cách Mạng. Nhân vật lão Tâm, một lão nông có tuổi, đưọc miễn giảm công việc vẫn hăng hái tham gia  buổi phá đường thực hiện nhiệm vụ "tiêu thổ kháng chiến" :

" ...Người chủ cái cuốc là một bần nông, đã dè dặt cản lão lại:

Ông đã quá tuổi rồi ai bắt đi mà đi? Ở nhà nằm nghỉ mai có sức đi làm.

Thực tình anh ta sợ lão không thạo nghề cày, nghề cuốc, cứ nhè đá ba lát và nhựa đường mà bổ nhào xuống làm cuốn lưỡi cuốc, làm mẻ lưỡi cuốc của anh.

Nhưng lão Tâm cũng khá sành tâm lý:

Kệ nó mà. Tao không làm hư cuốc của mày đâu. Tao cuốc đất chớ không xắn đá đâu " (Trang 159).

Lịch sử được làm nên bởi những con người bình dị đó. Lịch sử không phải chỉ là những trận tập kích, công đồn, lịch sử còn là những cuộc chạy tản cư tránh bom đạn của người dân với ba lô, ruột nghé gạo; là sự ra đời của những cái chén nung bằng đất sét, thuốc trị sốt rét bằng vỏ cây rau dền giã nát, rây nhỏ in thành viên; dép cao su và dụng cụ xỏ dép... Võ Hồng đã miêu tả sự vận động của lịch sử bằng những đổi thay trong cuộc sống và nếp sinh hoạt của người dân ở ngay quê hương mình.

Viết Như cánh chim bay Võ Hồng không hướng tới mục đích tuyên truyền chính trị. Đơn giản là ông muốn ghi lại một hoàn cảnh cụ thể mà ông đã sống, đã chứng kiến. Lịch sử ngẫu nhiên thử thách lòng yêu nước của mỗi người. Như cánh chim bay là những bằng chứng của lòng yêu nước đó. Lòng yêu nước bắt đầu từ lòng yêu ngôi nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê, yêu cuộc sống, yêu những con người cùng nhau chia sớt vui buồn, gian khổ.

Nhân vật Luân coi trách nhiệm của mình đối với công việc được giao không phải là nhiệm vụ bắt buộc mà là bổn phận tất yếu đối với quê hương, mảnh đất nuôi dưỡng mình.

Đọc Như cánh chim bay một lần nữa ta được trở lại với vùng không gian quen thuộc, cố định của Võ Hồng: Vùng quê Phú Yên. Ở đó cuộc sống dù có cực nhọc, thiếu thốn vì sự bất thường của chiến tranh vẫn chan chứa một mối tình quê tốt đẹp. Chính vì vậy, những người xa quê bao giờ cũng tha thiết nhớ về quê. Họ mang theo trong mình mối liên hệ tình cảm bền vững với làng quê cũ. Võ Hồng trong truyện ngắn Chuyến về Tuy Hòa:

"Lúc nãy đi ngang Cô nhi viện Mằng Lăng tôi cảm thấy bùi ngùi. Mằng Lăng là một địa điểm xã tôi, nổi danh vì ngôi nhà thờ lớn, họ đạo đông và giàu. Họ đạo di cư vào Tuy Hòa, nhà mồ côi di chuyển theo, được xây cất cao rộng kiên cố và mang tên cũ. Như một hoài niệm không nguôi, như tấm lòng người Do Thái lang thang lúc nào cũng nghĩ đến đất thánh của mình ".

          (Trích Tập truyện ngắn Trầm mặc cây rừng - Trang 142)

Đoạn văn trên làm ta liên tưởng đến nỗi nhớ quê trong hồi ký Mưa thu nhớ tằm của Bình Nguyên Lộc. (Nguyễn Hiến Lê nhận xét :"... Muốn hiểu biết miền Nam thì phải đọc Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc"). Nhân vật trong tác phẩm là một người quê gốc Quảng Nam - Bác Y trước ở quê làm nghề trồng dâu nuôi tằm, sau di cư vào đất Sài Gòn bất đắc dĩ phải làm một anh thợ kỹ nghệ. Khi được hỏi trúng vào nỗi nhớ của mình:                                                

"... Bác Y bẽn lẽn như người con gái bị người ta đoán trúng tim đen, nhưng lại sung sướng đến mọc óc trên da mặt. Bác quên tôi là người lạ, nắm lấy tay tôi, nói một thôi không ngớt:

-Những hôm trời ủ dột như vầy, tôi nhớ nhà thì ít mà nhớ tằm sao mà như nhớ người tình nhơn đầu. Tôi nhớ "hén" lạnh, tôi nhớ "hén" đói vì dâu ướt át suốt ngày khó tìm ra dâu ráo cho "hén" ăn".

Bác Y nói đến con tằm mà như người ta nói đến một người bạn, một người thân. Bác dùng tiếng "hắn" để kêu nó và cái giọng Quảng Nam thành ra là "hén" nghe ngộ nghĩnh mà tha thiết lạ. Thương nhớ con tằm xưa đến mức giữa cơn mưa thu Sài Gòn, bác Y mang tơi nón ra che mưa cho cây dâu trồng trước sân. Nỗi nhớ quê hương, nhớ thời quá khứ ấy gắn liền với tình cảm gắn bó với công việc nghề nghiệp. Bác Y "nhớ nghề" nhiều hơn.

Tình quê hương trong tác phẩm Võ Hồng gắn liền với tình yêu xứ sở, những kỷ niệm thân thiết về mái ấm gia đình và cuộc sống hồn nhiên bình dị ở quê nhà.

Có thể nói đứng ở góc độ nào nhà văn cũng để tâm hồn mình trở về với quê hương, cội nguồn và ông thể hiện điều đó trên từng trang viết như sức hấp dẫn của một lực hút. Một đứa trẻ xa quê nhớ về cha mẹ, tổ ấm gia đình (Nhánh rong phiêu bạt), một ông ngoại luôn để trí nhớ lãng đãng trôi về cố hương và những ngày xưa cũ (Ông ngoại của bạn tôi). Luân trong Hoa bươm bướm, Nhàn trong Gió cuốn, Tuyết trong Khoảng trống sau lưng đều trăn trở với tình yêu quê hương của mình.

Võ Hồng viết về quê mình tha thiết giống như Vũ Bằng nhớ về xứ Bắc khi đang trôi dạt ở trời Nam. Nhớ từng chi tiết, từng kỷ niệm..., như đang sống thực với nó. Chỉ khác là Võ Hồng không dùng nhớ thương tô điểm cho quê hương mình, ca ngợi thời trân sản vật quê mình, ca ngợi thú thưởng thức thanh tao trà lan, thưởng nguyệt, tháng ba hồng, tháng năm nhãn... như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng. Miền Trung dung dị, hiền lành và vô cùng chân chất trong tác phẩm Võ Hồng.

Văn chương Võ Hồng diễn tả cái êm đềm, hồn nhiên của đời sống quê nhà. Ông có câu thơ:

"Đâu phải chỉ Người mới không sai hẹn

Cuối tháng Giêng, Tu hú gọi vang trời"

(Trích Hồn nhiên tuổi ngọc - Trang 53)

Thiên nhiên còn chung thủy, luyến lưu huống chi con người! Và nhà văn luôn dành cho "Vùng trời thơ ấu" của mình cái nhìn trìu mến, ấm áp đó.

Ai xa quê, hàng năm vẫn đi mua hoa cho ngày Tết đọc Ngày xuân êm đềm của Võ Hồng mà không xúc động, bùi ngùi nhớ đến "hàng vạn thọ trồng quanh mép sân nhà". Ở quê, nhà nào cũng trồng trước sân hoa vạn thọ và cây hoa dân dã, trang nghiêm này chính thức khai mạc cho không khí Tết. Chữ "Tết" được nhắc đến thân thiết, ngọt ngào!

"Cùng với dãy cúc vạn thọ, cái Tết cũng như lớn dần manh nha từ đầu tháng mười một với những cơn mưa nhẹ, mưa gieo cải; cái Tết thấp thoáng mơ hồ với những rò cải, ngò, xà lách, tần ô nằm vuông vắn ở hầu hết mọi sân nhà".

Rồi người ta tất bật mua sắm, buôn bán chuẩn bị cho Tết. Những chuyến đò chen chúc xuôi ngược trên sông... Nhưng có lẽ náo nức, sung sướng và hồi hộp nhất vẫn là tâm trạng đón Tết của chú bé An trong truyện. Tâm hồn cậu bé mở rộng, hồn nhiên thâu nhận những đổi thay của cảnh vật. Đáng chú ý nhất là cảnh bán pháo tre ở chợ quê:

"Bác bán pháo là một người đàn ông vạm vỡ, chỉ bán có pháo tre và pháo thăng thiên bác đựng trong một cặp bồ lớn. Một số pháo bày làm mẫu được dàn trên một chiếc chiếu nhỏ. Người mua pháo bắt đốt thử. Bác tháo ở gắp tre lấy một chiếc pháo, bóc giấy (miếng giấy xanh đỏ dán đè lên ngòi) rồi đặt lên một tấm gạch cách xa bác một sải tay. Bác cầm cây hương cháy châm lên ngòi. Ngòi pháo xì khói, bác quay mặt sang một bên và một tiếng nổ "đùng" rền lên, chát tai. Xác pháo là một vòng nan tre bị cháy sém bay tung lên cao rồi rớt xuống" (6).                 

Hình ảnh của pháo tre, đèn chai, hoa vạn thọ... giờ đã lui vào quá khứ nhưng nó đã "hóa tâm hồn", thành hoài niệm tha thiết trong trang văn Võ Hồng.

Võ Hồng trải qua nhiều năm chiến tranh ác liệt. Biến cố lịch sử đã để lại trong tâm hồn nhạy cảm của nhà văn một vết thương không lành. Võ Hồng lên án chiến tranh vì chiến tranh đã tàn phá cái đẹp, cái nhân tính. Cụ thể hơn, bom đạn chiến tranh đã hủy diệt nếp sống hiền lành, yên bình của quê hương.

Những năm Bắc Nam cách ngăn, bom đạn thật hãi hùng. "Bom đạn không những tàn phá thân xác, bom đạn còn phá nát những gia đình, để lại những lỗ hổng hun hút trong nhiều gia đình. Người còn lại vá víu những lỗ hổng đó, và chính những mảnh vá gây nên chứng ung thư trầm trọng. Nhưng không phải là chiến tranh chỉ trực tiếp phá hoại, phá ồn ào bằng chất nổ TNT có kèm tiếng nổ. Chiến tranh còn tàn phá âm thầm hơn"...

(Thiên đường ở trên cao - Trang 32)

Chiến tranh làm đảo lộn mọi giá trị, giày xéo cả những nơi vẫn gọi là "tổ ấm yêu thương". Với Võ Hồng mất cội nguồn là mất luôn chỗ dựa về tinh thần. Nhân vật Tuyết trong Khoảng trống sau lưng đoạn tuyệt không muốn về thăm quê vì bom đạn đã giết chết cha, anh cô, làm tan nát gia đình cô nhưng Tuyết biết rằng, mất quê hương mình chỉ còn một "khoảng trống sau lưng" không gì bù đắp được.

Võ Hồng cũng không lớn tiếng khoa trương cho tinh thần hòa bình, dân tộc chung chung. Trước sau Võ Hồng vẫn hướng về quê hương của mình với những lo lắng, day dứt khôn nguôi:

"Biết bao nhiêu bà con khác ở quê tôi phân tán đi đến miền nào tôi chưa biết hết. Giống như những mảnh giấy vụn bị gió lốc cuốn đi, có mảnh bay xa, có mảnh tấp gần, trên các chặng đường ra vô lên xuống họ đều hiện diện. Và xơ xác như những mảnh giấy"

(Khoảng mát - trang 133)

Có thể cuộc sống riêng tư của nhà văn đã chịu nhiều mất mát nên khi viết về quê hương, ông luôn bảo vệ cuộc sống êm đềm xưa cũ. Ông sợ sự bất trắc, thay đổi, chuyển dịch nhất là sợ mất đi vẻ đẹp hồn nhiên, trong trẻo của đời sống thôn quê. Ông xót xa với thực tại. Bị bứt khỏi ruộng vườn, con trâu, cái cày, những người dân quê trở nên lạc lõng, tội nghiệp. Và trong mệt mỏi, bất an... của cuộc sống hiện tại những người dân quê càng hướng về "chốn cũ".

Giá văn chương có thể làm ngưng tiếng súng, tôi nghĩ giọng nói nhỏ nhẹ, tha thiết, chân thành của Võ Hồng sẽ có hiệu quả thuyết phục lớn.

Võ Hồng viết về đề tài quê hương thành công không chỉ bởi tình cảm chân thực mà còn do khả năng sử dụng tiếng địa phương tài giỏi.

Người ta thường căn cứ giọng nói để đoán nhau về gốc gác quê quán cũng như xét ngôn ngữ nhân vật, giọng văn để biết "địa phương tính" của tác phẩm.

Võ Hồng sử dụng trong văn chương mình đầy đủ sắc thái biểu cảm, biểu nghĩa của giọng miền Trung.

Đọc Tình yêu đất khó quên giọng điệu cáu kỉnh của mụ vợ lão Túc:

-"Đồ quỷ sứ, ăn hỗn ăn hào. Đụng chỗ nào cũng thọc mỏ"...

(Vết hằn năm tháng - Trang 93)

..."-Con mụ Cốc đó hả ? Mồ tổ cha mày sao mày không đem cái chày trả cho tao ? Nói mượn một chút mà giữ chết ở đằng đó. Nhà tao có ai đâu mà sai. Ôn hoàng dịch tể hại mày..."

(Vết hằn năm tháng - Trang 94)

Đoạn đối thoại của hai ông bà:

-"Hổm rày bà chưa xuống đất thăm, bắp đã trổ cờ dưới đó.

-Mệt, tưởng năm sở bảy sở gì. Có một vạt đất bằng bàn tay mà cũng làm rộn"

(Vết hằn năm tháng - Trang 99)

Trong truyện Trầm mặc cây rừng, nhân vật xưng “tôi” trao đổi với nhân vật Thịnh đang gánh ngọn mía:

“- mùa này sắp trồng mía rồi sao?

- Dạ không. Em đi này ngọn để dặm vào vạt mía bị rầy áp”

Đó là những đoạn phát ngôn mang đậm cá tính nhân vật và dấu ấn một vùng đất. Ngôn ngữ địa phương làm nhân vật cũng như không khí trong truyện chân thật hơn, sống động hơn.

Ngòi bút của Võ Hồng rất có duyên trong việc miêu tả. Chẳng hạn một lớp học nhà quê:

"Vào giấc ba giờ chiều, ngọn gió mát ở dưới đồng vùn vụt thổi lên, thổi bay luôn cái linh hồn nhẹ nhàng của lũ nhỏ đang dính chặt vào lời giảng của thầy bằng một sợi tơ tưởng tượng nào rất mảnh"

(Lễ cúng trường - Trích BÊN KIA ĐƯỜNG - Trang 92)

Đằng sau nụ cười là hình ảnh dung dị của làng quê, ruộng lúa. Ở ông luôn có cái nhìn nhân hậu, tinh tế và nụ cười hài hước. Nhà văn kể về việc một ông thầy dạy học trò làm văn (Những bí mật của anh Đỗ Cúc), cảnh học trò trường làng cúng trường (Lễ cúng trường) bằng một giọng hóm hỉnh. Hóm hỉnh cả khi nói về cái nghiêm túc lẫn điều khiếm nhã.

Suốt tập Chúng tôi có mặt là những vở hài kịch nhỏ mà nhân vật là các con thú hết sức ngộ nghĩnh, đáng yêu. Con bò cộ, con trâu, con ngựa, con cá rô, con chim chìa vôi, con gà cồ tía... thậm chí con còng gió, con ốc, ruốc, tép, chuột... đều được diễn qua sân khấu với những hình dáng và tính cách hết sức đặc biệt. Bối cảnh vẫn là vùng quê Phú Yên. Những cái tên như núi Nhạn, Chóp Chài, rừng Cấm, Phong Thăng, Long Hòa, Đồng Miếu... kéo theo một vùng không gian quen thuộc. Trong vùng không gian ấy, âm vang giọng nói dân dã của quê nhà. Chưa bao giờ, ngay cả với nhiều truyện dài, tiểu thuyết, việc sử dụng giọng điệu địa phương lại triệt để như tập Chúng tôi có mặt. Tôi có cảm giác cái tiếng nói ấy thật hồn nhiên, tự tin bước lên sân khấu văn chương mà không cần chút hóa trang, tô vẽ. Đây là đoạn trích trong truyện Khi khốn khó mới biết ai là bạn:

..."Nhưng đây đó vắng lặng. Chợt từ xa một chú Mèo Rừng lưỡng thưỡng đi săn mồi về. Thấy Bông Lau mình đầy máu, mặt mũi sưng húp, môi vều răng gãy, Mèo Rừng hỏi:

-Sao vậy? Sao tang thương vậy?

Nghe Bông Lau hổn hển kể lại sự việc, Mèo Rừng chép miệng:

-Tệ chưa! Đã phục kích mà còn kêu viện trợ tới ba bốn đứa ! Rõ ràng là thời đại thiếu Đạo Đức trầm trọng. Bá đạo và tiểu nhân. Thôi, gắn lết về nhà cho vợ nó băng bó. Mình về rửa mặt tắm táp rồi đi có chút việc.

Một lát sau cụ Beo Già thò đầu ra ngoài hang, nói với:

-Về biểu con vợ mày... hừ hừ... chạy xin chút nước đái đồng tiện rồi trong uống ngoài thoa cho nó tan máu bầm.

-Dạ, cháu lết hết nổi rồi, cụ ơi! Chúng nó vây cắn gần đứt lìa cái cẳng.

-Không sao đâu. Chó liền da. Gà liền xương. Mày là chồn thì cũng... đâu đó. Hừ hừ... thôi để tao về trông chừng mấy đứa cháu nội..."

(Trích trong tập Chúng tôi có mặt)

Kiểu nói như: "lưỡng thưỡng đi, về biểu con vợ mày, lết hết nổi, đứt lìa cái cẳng..." là ngôn ngữ thông dụng hàng ngày của đồng bào miền quê Phú Yên (vùng Bình Định cũng gần giống vậy).

Có thể coi tác phẩm Võ Hồng như phòng triển lãm về tiếng địa phương Nam Trung bộ qua các thời kỳ từ 1930 trở đi. Những năm 30-40 người ta thích nói giọng Bắc (ảnh hưởng văn chương). Sau năm 1945 thanh niên vùng Tuy An ưa nói những câu có tiếng như "Chời ơi! Quá xá, dữ quá, xao dậy" do bắt chước cán bộ miền Nam ra đóng ở đây (trong tiểu thuyết Như cánh chim bay). Những năm 60-70 những cô gái như Ái Lan trong truyện Như con chim sơn ca thích đặt những cái tên hoa hòe và sử dụng điệu nói: "Mốc xì, Thiệt hả, Nghiệt quá ! Ngon hết lớn!"... Tiếng nói của một vùng cũng thay đổi theo thời gian. Với Võ Hồng, ngôn ngữ địa phương đã làm truyện của ông có một sắc thái riêng, tự nhiên, sinh động. Ông tôn trọng con người trong đó có tiếng nói.

Viết về quê hương, Võ Hồng bắt đầu bằng một tình yêu ruột thịt như con với mẹ. Mở rộng thêm một chút còn là ý thức lưu giữ một nếp sống, một nền văn hóa, làng mạc của người miền Trung mà ít người biết đến. Văn chương có giá trị như chiếc cầu nối giao lưu tâm hồn đến những tâm hồn. Võ Hồng đã mang những hình ảnh quê hương vào trong tác phẩm (mang cả giọng nói và nỗi nhớ thương!). Và một Phú Yên - vùng quê yêu dấu - sẽ được nhân lên trong mỗi người. Cũng như người ta nói đến Hà Nội là nhắc đến văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, tranh Bùi Xuân Phái, nhạc Phú Quang v.v... Phú Yên và Nam Trung Bộ nói chung sẽ được nhớ trong văn Võ Hồng.

Nhà văn ra đi khi mùa xuân vừa cạn ngày! Nắng rất vàng và biển vẫn rất xanh ở miền Trung. Tại ngôi nhà số 51 Hồng Bàng, Nha Trang của ông, mọi thứ dường như vẫn còn nguyên như ông đang còn hiện diện. Tại Phú Yên, các học trò cũ và nhiều người thân của nhà văn vẫn nhớ giọng nói và dáng hình cao cao của ông. Vẫn biết đời người không ra khỏi vòng sinh, lão, bệnh, tử; vẫn biết nhà văn đã nằm lâu trên giường bệnh và sức lực đã cạn dần, tinh thần đã mỏi mệt! Nhưng thương nhớ vẫn trào lên trong tim mỗi khi đọc lại những trang văn của ông. Không biết giờ đây trong cõi vô cùng vô tận, nhà văn có nhìn thấy quê hương và nghe tiếng gọi đò bên sông Phường Lụa xưa cũ./.