Nhân có chuyện “lùm xùm” kiện cáo giữa các nhà thơ nhà văn Việt gần đây, một kẻ “ngoại đạo Hội Nhà văn” xin hầu góp chuyện vui liên quan chút tới chữ nghĩa, mong có thể làm vơi bớt sự căng thẳng giữa hai bên…


THÂN PHẬN CỦA KẺ CẦM BÚT “CÀY THUÊ CUỐC MƯỚN”

MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN

Năm đó, mới có bằng đạo diễn, hắn được Ban Giám đốc Hãng phim giao làm phó đạo diễn cho một Nghệ sĩ ưu tú (hay NSND gì đó, hắn không nhớ rõ) là đạo diễn chính của một phim có dính dáng đến lịch sử sắp vào guồng sản xuất. Ông ấy (xin được dấu tên, và xin hương hồn ông thứ lỗi) rất vui, và bảo thẳng hắn: “Bác rất thích được làm việc với một đồng nghiệp có đọc sách, lại có bằng văn chương, vì như vậy phim sẽ có gốc chắc chắn của văn học!” (Ôi, đáng quý và đáng yêu quá, lời động viên rất chính xác và cũng rất “có nghề”!).

Sau đó, suốt gần hai tháng trời, “thằng bé” đã làm thay công việc khó khăn nhất của một đạo diễn chính, cũng là công việc then chốt, quan trọng nhất của quy trình sản xuất phim: viết Kịch bản phân cảnh (Scénario technique, dành cho các bộ phận sáng tạo và kỹ thuật trong một đoàn làm phim, tựa như bản thiết kế chi tiết trong việc xây dựng công trình). Như thế lại được tiếng là “học nghề” của một đạo diễn kỳ cựu, khi mỗi lần ông ấy đọc duyệt từng phân đoạn thì gật gù: “Đó, phải viết như thế, đúng, đúng là những điều bác đã ấp ủ lâu nay! Cám ơn đồng nghiệp trẻ đã thể hiện được tư tưởng của bác! Và cháu rất có tiến bộ trong ngôn ngữ điện ảnh… Tuy nhiên, cần đặc biệt chú ý tới những tình tiết, chi tiết liên quan đến chủ đề tư tưởng phim, bởi phim của chúng ta là phim của nền điện ảnh XHCN ưu việt có âm hưởng chủ đạo là ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hay lãng mạn cách mạng, không thể len vào dù chỉ một chút dư âm của sự hoài nghi, u ám, chủ nghĩa cá nhân ích kỷ…”.

Và như để kẻ học nghề phải trả công xứng đáng cho những bài giảng làm ù tai của ông, khi kịch bản phân cảnh được cộp dấu vào sản xuất, thì tác giả thực sự của nó bị gạt bắn ra khỏi cương vị phó đạo diễn – thay vào đó là một phó đạo diễn khác giỏi giang hơn hắn nhiều lần trong các quan hệ xã hội và có khả năng kiếm thêm kinh phí tài trợ cho đoàn phim về ăn, ở, đi lại, quảng cáo, cùng các chi phí khác phi sản xuất…

Còn hắn, sau khi bị cướp trắng công sức lao động một cách lịch sự, cả tên cũng không có trên Générique màn chữ phim một cách đáng đời như thế, đành tự an ủi: “Âu cũng là một bài học đầu tiên cho kẻ làm nghề, nhất là với những kẻ chỉ có chữ mà không có thứ gì khác bảo kê cho nó… Coi như một lần “cày thuê cuốc mướn chữ nghĩa” thành công, mặc dù chẳng được xu rỉ nào! Đến như các nhà văn tài ba có mấy ai đã sống được bằng nhuận bút, còn mình chỉ là thằng thợ viết thôi, lại là thợ viết hạng bét, có gì mà buồn!”.

Nhưng lần “cày thuê cuốc mướn” thứ hai của hắn thì có hậu và có âm hưởng “lãng mạn” hơn – tất nhiên không phải là “lãng mạn cách mạng”: một ông đạo diễn kỳ cựu tên tuổi nổi danh (cũng xin được dấu tên, và cũng xin hương hồn ông thứ lỗi) mời hắn đi ăn trưa và sòng phẳng với tôi: “Chú mày chưa làm phim nên kinh nghiệm chưa có nhiều, rồi sẽ được giao phim xứng đáng thôi! Nhưng mấy cậu đạo diễn gốc dân văn mới vào ngành thì anh tin lắm, yêu lắm… Anh chuẩn bị vào phim, lo nhiều thứ, không có thời gian tâm trí đâu viết phân cảnh… Anh tin là chú làm giúp anh được… - Ông nhìn xoáy vào hắn, thấy đúng là thằng ngớ ngẩn, chứ không phải là kẻ lọc lõi biết cò kè mặc cả, nên hạ giọng tỏ thương tình thật sự - Yên tâm, anh trả chú mày bằng một nửa nhuận bút kịch bản của anh, được chưa? Bọn cầm bút chúng mày đói bỏ mẹ, đừng làm cao nữa!” Cái bỗ bã thân thiết và chân tình đó của ông đã thuyết phục được hắn, và hắn đã nhận lời mà vẫn tìm cách giữ được thể diện cho ông.

Sau đó, qua bè bạn, hắn được biết mình không phải là người duy nhất được ông ấy (và mấy đạo diễn kỳ cựu khác) thuê viết kịch bản phân cảnh! Lần đó, hắn đủ tiền mua được một chiếc xe máy Win cũ, để tập “bay như gió” vào công việc, dù không phải bao giờ cũng xuôi chèo mát mái, nhưng bớt ngớ ngẩn đi và đồng thời có dịp hiểu thêm ý nghĩa của cái gốc văn chương trong nghệ thuật điện ảnh…

Nhưng có một lần “cày thuê cuốc mướn” của hắn lại chẳng “lãng mạn” chút nào, có lẽ bởi nó không dính dáng tới chữ nghĩa:

Thời đó, điện ảnh VN tan tác, các rạp chiếu phim biến thành quán bia, vũ trường, ở Xưởng bị cắt lương vì không có phim làm, hắn và không ít đạo diễn đồng nghiệp mới tốt nghiệp phải vào phía Nam tìm đường làm phim. Gặp đúng thời phim “mỳ ăn liền” đua nở rầm rĩ, hắn ngao ngán đi làm thuê cho một C.ty dịch vụ văn hóa – viết báo, biên tập sách, làm chương trình quảng cáo, phim ca nhạc, phim chân dung, v.v. Một chủ nhật, ông Giám đốc mời hắn (đúng hơn là gọi) đi giúp cho gia đình ông.

Hôm đó, ông tổ chức cho đại gia đình đi chơi công viên ngoại thành Sài Gòn, để cô con dâu đầu tương lai của ông biết được “không khí văn hóa cao cấp” nhà ông. Hắn có trách nhiệm ghi lại thực sinh động buổi sinh hoạt quý hiếm này bằng phim và ảnh. Hắn đâu phải là thằng quay phim, nên tối đó phải lặn lội đi mượn máy quay M7 của một người bạn học nghề cũ, nhờ dạy cách vận hành máy quay…

Cả ngày hôm sau, lủng lẳng dây máy ảnh máy quay ở hai vai, hắn tất tả đầy “lương tâm nghề nghiệp” thực hiện những yêu cầu của chủ thuê mình trong các góc máy, các cảnh huống sinh hoạt… Nhưng họ ăn uống ê hề mà quên bẵng mất kẻ phục vụ đang khát khô cổ, mồ hôi ướt đẫm… Chẳng lẽ, lúc đó hắn lại phải hạ mình tới xin họ một cốc nước, một ly bia? Thêm nỗi nhục của kẻ mang danh đạo diễn điện ảnh quốc gia phải đi làm công việc dịch vụ của một anh thợ ảnh dạo! Dĩ nhiên, làm dịch vụ thì chẳng hề gì, chẳng có gì xấu, chỉ sợ học trò cũ hoặc bạn đồng nghiệp bắt gặp mình trong cảnh ngộ này thì chẳng biết chúi mặt vào đâu?… Có điều, lần đó hắn đã có một cuộc tự an ủi rất giàu ý nghiã, tuy chẳng khác AQ bao nhiêu: Chứ sao, mấy ai trong nghề điện ảnh như mình đã được biết rõ tâm trạng của một kẻ làm thuê bán sức lao động cho kẻ nhiều tiền mà cậy của, vô tâm – “cái biết” đó chính là tâm trạng của một miếng mỡ nằm trong chảo mỡ, như văn hào Lỗ Tấn từng nói đến…

Và một tình tiết khá thú vị và cũng khá buồn có thực đã diễn ra, ngoài “kịch bản phân cảnh” dự kiến (mà hắn sẽ tìm cách đưa vào một kịch bản): cô dâu tương lai của gia đình quý tộc đó về sau chẳng hiểu sao lại đâm ra mê cái kẻ làm dịch vụ nọ, bỏ phứt không thương tiếc thân phận “chuột sa chĩnh gạo” bày sẵn cho cô, khiến hắn phải tìm cách “gạt lệ” bán sới khỏi cái C.ty văn hóa đương ăn nên làm ra kia, nhằm giữ mình và giữ nghề…