Đối với người hâm mộ của bất kỳ nhà văn nào, điều họ mong chờ là chất lượng ổn định. Họ muốn chỉ cần nhìn thấy tên người viết thôi là có thể tự tin mua ngay quyển sách. Vậy nhưng đôi khi trong làng văn học thế giới lại có những nhà văn sau khi chạm đến đỉnh cao sự nghiệp để trở thành nổi tiếng, song bất ngờ ngã tuột xuống đáy vực sâu thẳm. Mà nguyên nhân là, chỉ với một quyển sách thôi họ đã tự đánh mất tất cả sự công nhận và lòng tin của độc giả.


Michael Crichton

Khi Michael Crichton tuyên bố sẽ từ bỏ nghiệp bác sỹ, bạn bè lẫn gia đình ông đều tỏ ra hết sức bất ngờ. Không ai biết rằng trước đó Crichton (dưới nhiều bút danh khác nhau) đã xuất bản một số tiểu thuyết trinh thám và tình báo khá thành công. Giới phê bình đánh giá cao Crichton ở khả năng kết hợp giữa tình tiết, nhân vật hấp dẫn của tiểu thuyết trinh thám với những yếu tố khoa học vừa viễn tưởng, vừa thực tế. Nhiều người cho rằng Michael Crichton rồi sẽ trở thành nhà văn có sách bán chạy nhất nhì nước Mỹ.

Dự đoán của họ không sai. Crichton không thiếu gì những tác phẩm đứng đầu danh sách bán chạy của tờ New York Times. Có thể kể đến một số tiểu thuyết tiêu biểu như "The Andromeda Strain", "The Great Train Robbery", "Jurassic Park", "Airframe", "Prey", v.v…Trong đó tiểu thuyết "Jurassic Park" đã được đạo diễn gạo cội Steven Spielberg chuyển thể thành bộ phim kinh điển "Công viên kỷ Jura" năm 1993. Michael Crichton trở thành cái tên có mặt trên giá sách của nhiều gia đình Mỹ.

Vào năm 2004, Crichton xuất bản tiểu thuyết "State of Fear". Tác phẩm kể về cuộc hành trình của luật sư Peter Evans nhằm lật tẩy âm mưu gây ra thảm hoạ sóng thần. Nhóm nhân vật phản diện là những nhà hoạt động môi trường có cùng mục tiêu buộc loài người thẳng thắn đối diện với biến đổi khí hậu. Các nhà phê bình đánh giá "State of Fear" vẫn giữ được phong cách, lối xây dựng câu chuyện cuốn hút của Crichton. Nhưng mặt khác tác phẩm lại nhận phải sự chỉ trích từ giới khoa học vì hai lý do. Đó là, phủ nhận sự tồn tại của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Và bôi nhọ phong trào bảo vệ môi trường. Crichton hoàn toàn không có kiến thức rõ ràng về hai lĩnh vực này mà vẫn đưa ra những kết luận mang tính chủ quan. Đây là sai lầm khó chấp nhận được với một nhà văn tên tuổi.

Ngay cả những bạn đọc trung thành của Crichton cũng khó "nuốt trôi" được "State of Fear". Trước khi mất vào năm 2008, nhà văn còn xuất bản một tiểu thuyết nữa là "Prey". Tác phẩm tuy vậy nhanh chóng rơi vào quên lãng, khác hẳn những tiểu thuyết trước đó của Crichton.

Stephenie Meyer

Vào nửa cuối thập niên 2000, thật khó để không bắt gặp cái tên "Stephenie Meyer" trên giá nhà sách. Nữ nhà văn người Mỹ trở thành hiện tượng toàn cầu sau khi bộ tiểu thuyết "Twilight" của cô bán được hơn 100 triệu bản. Danh tiếng của Stephenie Meyer càng được củng cố bởi thành công mà những bộ phim chuyển thể từ bộ tiểu thuyết giành được. Sau khi đặt dấu chấm hết bộ tiểu thuyết "Twilight", Stephenie Meyer "gác bút" một thời gian để chăm sóc những đứa con mới sinh. Nỗi niềm mong ngóng của người hâm mộ Meyer chỉ được thoả mãn khi cô tuyên bố sẽ xuất bản một tác phẩm mới vào năm 2016. Tiểu thuyết "The Chemist" là kết quả của hơn năm năm lao động của nhà văn. Nhân vật chính của tác phẩm Alex, điệp viên và chuyên gia tra tấn của CIA bị vướng vào một âm mưu tấn công khủng bố trên đất Mỹ.

 

Ngay từ lúc ra mắt, "The Chemist" đã nhận phải sự chỉ trích, thậm chí là chê cười từ phía công chúng. Nhiều nhà phê bình đã nhận ra những "hạt sạn" trong lối viết của nữ tác giả. Nhưng trong trường hợp "Twilight" Meyer có hai lợi thế kéo lại. Đó là, cô chuyên viết về tình cảm tuổi teen. Và được làm việc với một đội ngũ biên tập viên chuyên nghiệp. Ngược lại, "The Chemist" là tiểu thuyết tình báo, một thể loại hoàn toàn lạ lùng với nhà văn. Đã thế nhà xuất bản lại cho Meyer "toàn quyền quyết định" về nội dung tác phẩm do muốn để cô "phát huy tối đa trí sáng tạo". Kết quả là một tiểu thuyết lộn xộn, không có thông điệp rõ ràng, vai trò của các nhân vật nhập nhoè vào nhau, và nói chung là ngớ ngẩn.

Sau khi "The Chemist" gặp thất bại, Stephenie Meyer quyết định quay trở lại series "Twilight" với tiểu thuyết hậu kỳ "Midnight Sun". Tuy tiểu thuyết bán được một triệu bản, nhưng nhiều nhà phê bình và bạn đọc không khỏi cảm tưởng rằng Meyer đã đánh mất "ma thuật" của mình.

Thomas Harris

Thật khó có thể tưởng tượng một nhà văn tài năng lại coi việc sáng tác đau đớn tựa đi trên bàn chông. Nhưng đó lại là sự thật với nhà văn Mỹ Thomas Harris. Nhà văn gạo cội Stephen King miêu tả về bạn mình như sau: "Nhà văn nào cũng từng vật vã vì câu chữ mình viết ra. Nhưng mỗi khi Harris ngồi vào bàn giấy, tôi lại sợ anh ấy đang lên cơn động kinh". Bản thân nhà văn cũng thừa nhận rằng công việc sáng tác đem lại cho ông nỗi đau cả về tinh thần và thể xác.

Tuy thế Thomas Harris lại là cha đẻ của nhân vật phản diện xuất sắc nhất trong nền văn học hiện đại: Hannibal Lecter. Lecter xuất hiện lần đầu tiên trong tác phẩm "Red Dragon" và sau đó trở thành "ngôi sao" của series tiểu thuyết năm phần. Bạn đọc có ấn tượng mạnh ngay từ lần đầu "gặp gỡ" kẻ sát nhân hàng loạt kiêm ăn thịt người này.

Diễn viên Anthony Hopkins, người đảm nhận vai Hannibal Lecter trong bộ phim chuyển thể giành giải Oscar "Sự im lặng của bầy cừu" đã dành những lời khen ngợi nhà văn như thế này: "Thomas Harris đã tạo ra một nhân vật phản diện mà ai cũng yêu quý. Hắn ta độc ác chẳng phải vì tính cách khó chịu. Hắn độc ác vì bản chất hắn độc ác, cũng giống như bản chất con hổ là kẻ săn mồi vậy!".

Nhờ vào lợi nhuận kiếm được từ việc bán bản quyền, Thomas Harris có thể tạm "gác bút" mà vẫn sống thoải mái. Nhưng rồi cũng đến lúc khán giả bắt đầu tỏ ra chán ngán Hannibal Lecter. Harris quyết định sẽ xây dựng nên một hình tượng nhân vật phản diện khác cũng cuốn hút như Hannibal vậy. Hannibal Lecter thực chất là tổng hợp của nhiều kể giết người khác nhau được Harris phỏng vấn ở trong nhà thương điên. Lần này nhà văn dự định cũng làm tương tự như thế.

Tiểu thuyết "Cari Mora" được Thomas Harris xuất bản vào năm 2019. Tác phẩm lấy nhân vật chính là một thiếu nữ người Colombia, nhưng "trọng tâm" của tiểu thuyết lại là kẻ buôn người Hans-Peter Schneider. Cũng như Hannibal, Schneider là một kẻ không có khái niệm thiện - ác mà sống dựa vào bản năng cầm thú của mình. Vấn đề là thay vì tạo dựng một nhân vật phức tạp mà vẫn đủ đơn giản để khán giả "bám" vào, Harris gán cho Schneider quá nhiều tính cách. Hành vi của y nhiều lúc trở nên vô lý và phi lô-gíc. Người đọc không khỏi có cảm giác Thomas Harris muốn tạo nên một con quái vật nhưng lại sinh ra thằng hề.

"Cari Mora" là tiểu thuyết Thomas Harris bán được ít ấn bản nhất từ trước đến nay. Nhiều nhà phê bình còn cho rằng Harris cố ý viết một tác phẩm dở đến vậy như cách trả thù nhà xuất bản Grand Central Publishing. Trước đó tác giả và nhà xuất bản đã có tranh chấp trước toà vì vấn đề tác quyền.

James Patterson

Trong số những tác giả có mặt trong danh sách này, nhà văn Mỹ James Patterson là người phạm nhiều lỗi lầm nhất. Cả một thế hệ nhà văn trinh thám nước Mỹ chịu ảnh hưởng của những tiểu thuyết Patterson như "Alex Cross", "Women's Murder Club", "NYPD Red", "Maximum Ride", v.v…Các tác phẩm của ông đã bán được tổng cộng 300 triệu bản và đưa James Patterson lên hàng những nhà văn được trả nhuận bút cao nhất thế giới.

Thành công còn đưa Patterson đến với…nguyên tổng thống Bill Clinton. Vào năm 2018, hai người cùng xuất bản tiểu thuyết "The President Is Missing". Qua câu chuyện về một kỳ bầu cử tổng thống, tác phẩm đề cập đến các mối chia rẽ về giàu nghèo, chính trị, sắc tộc ở Mỹ. Tuy mang nội dung sâu sắc, nhưng "The President Is Missing" không lấy được lòng của cả người đọc lẫn giới phê bình. Độc giả cho biết tiểu thuyết thiếu cả tình tiết lẫn nhân vật hấp dẫn. Nhiều người thậm chí còn thẳng thắn nhận xét tác phẩm khô khốc như một bản báo cáo chính trị vậy.

Patterson và Bill Clinton.


Tổng thống Bill Clinton là một diễn giả xuất chúng, nhưng trời không phú cho ông tài viết lách. Việc này là bình thường đối với các đời tổng thống Mỹ khác, vậy nên họ mới thuê nhà văn chuyên nghiệp viết tự truyện cho mình. Vấn đề ở chỗ James Patterson là người viết trực tiếp "The President Is Missing".

Theo một bài báo trên tờ Daily Sun, hầu hết những tác phẩm trước đây của Patterson là do ông thuê người khác viết còn mình đứng tên. Nhưng riêng với "The President Is Missing" ông viết đến 9/10 tác phẩm. Bạn đọc lần đầu tiên được "thưởng thức" tài năng thật sự của Patterson không khỏi chua chát. Họ tự hỏi vì sao một con người ít tài năng lại thành công đến như vậy. Chỉ qua một đêm mà tên của James Patterson trở thành "trò cười" trong giới văn học Mỹ. Không nản chí, Patterson và tổng thống Clinton tiếp tục cho "ra lò" phần hai của tiểu thuyết mang tên "The President's Daughter". Dẫu tác phẩm tiếp tục chịu sự chỉ trích từ giới phê bình, nhưng có thông tin rằng, Hollywood đang cân nhắc việc chuyển thể cả hai tiểu thuyết nói trên thành phim.

                                      CÔNG VŨ

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An