Yves Bonnefoy vốn là người từ toán học, từ triết học bước vào thơ. Ông vừa là nhà thơ lại vừa là nhà thi pháp học. Ông có một lượng tác phẩm đồ sộ ngoài thơ. Đó là những tác phẩm phê bình, những luận án tiến sĩ về thơ tại Pháp và một số quốc gia khác.

MẤY LÁT CẮT TRONG THƠ YVES BONNEFOY

ĐẶNG HUY GIANG

Sinh năm 1924, là một trong những nhà thơ đương đại kiệt xuất của Pháp, châu Âu và thế giới. Ngoài ra, còn là một cây bút chính luận, nhà phê bình văn học và nhà nghệ thuật lịch sử có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn học nghệ thuật tại Pháp. Thuở nhỏ, mơ thành một nhà toán học, nhưng sau gặp gỡ một số nhà thơ, nhà triết học, trong đó có Andre Breton, đã quyết định làm thi sĩ. Tác phẩm đầu tay xuất bản năm 1947. Năm 2007, đã nhận Giải thưởng Franz Kafk cộng hòa Czech). Tại Việt Nam, năm 1999, “Thơ Yves Bonnefoy” đã xuất bản tại Việt Nam qua sự chuyển ngữ của dịch giả Huỳnh Phan Anh.

“Em đã cầm lên một cây đèn và em mở cửa

Làm gì đây với một cây đèn, trời đang mưa, ngày rựng sáng?”

Đây là một bài thơ được trích ra từ “Thơ Yves Bonnefoy” do dịch giả Huỳnh Phan Anh chuyển ngữ, được ấn hành qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 1999.

Theo tôi, từ xưa đến nay, bài thơ ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về Ta-go (nhà thơ Ấn Độ, người đoạt Giải Nobel văn học cách nay đã trên 30 năm). Toàn bào “Không đề” của Ta-go chỉ có 8 từ như sau: “Chúa cũng tự tìm mình trong sáng tạo”. Kiểu làm thơ Haiku truyền thống  Nhật Bản, cũng tạo ra những bài thơ ngắn chỉ với 3 câu và 17 từ.

 Nói chung, làm thơ ngắn cho ra thơ ngắn, không phải là dễ. Có thể ví một bài thơ ngắn đạt đến độ thấu tình đạt lý như một thứ thuốc nổ luôn mang trong lòng nó sự giải thoát những ghìm nén ở mức độ cao. Và cao hơn nữa chính là tư tưởng,

 “Em đã cầm lên một cây đèn” của Yves Bonnefoy (nhà thơ Pháp đương đại) đã làm được như thế.

 Câu một là một câu tả và cũng là một câu mở đầu. Một sự tưởng chừng như rất bình thường đã diễn ra. Một cô gái chuẩn bị ra đường với hai động tác gần như cùng một lúc: Cầm một cây đèn và làm động tác mở cửa.

 Câu hai là câu của tâm trạng và cũng là câu kết thúc. Về thực chất, câu này là một câu hỏi: Làm gì đây với một cây đèn khi mà trời đang mưa và ngày thì đang rựng (rạng) sáng?

   Câu này có thể tạm “giải mã” như sau: Ánh sáng của một cây đèn không còn ý nghĩa gì nữa bởi nó bị hai “thế lực” đe dọa. Thứ nhất, nó sẽ phụt tắt trước mưa. Thứ hai, Nếu không bị mưa “hủy diệt” thì nó cũng bị ngày (hoặc bình minh) “hủy diệt”. Đơn giản vì ánh sáng của nó quá yếu ớt trước ánh sáng của ngày đang bùng phát.

     Sau sự “giải mã”, ta mới thấy cần phải yêu thương và chia sẻ với sự bất lực và những hạn chế khó vượt qua nổi của mỗi con người, của mỗi thân phận hơn. Dẫu vậy, con người ta vẫn phải đối mặt với cuộc sống và vẫn phải “cầm lên một cây đèn”.

    Chưa kể, “Em đã cầm lên một cây đèn…” còn là một bài thơ kiệm lời, được viết tự nhiên như không và sống động như một vài thước phim quay chậm, thậm chí rất chậm và rất ấn tượng.

Một bài nữa: “Bất toàn là đỉnh cao”:

Có điều là phải hủy diệt, và hủy diệt, và hủy diệt

Có điều là sự cứu rỗi chỉ có được bằng cái giá đó.

Phá tan bộ mặt trần trụi trồi lên trong đá hoa

Đập vỡ mọi hình dạng, mọi cái đẹp.

Yêu cái toàn bích bởi đó là ngưỡng cửa

Nhưng chối từ nó ngay khi tận mặt, hãy quên nó, cái đã chết.

Bất toàn là đỉnh cao”.

Đây là bài thơ ở dạng “thơ định đề”, tứ được quy nạp ngay ở hai câu mở đầu. Vấn đề là phải liên tục hủy diệt để cứu rỗi và tất cả “chỉ có được bằng cái giá đó” (hoặc cách đó).

 Tiếp theo mạch thơ được diễn dịch cụ thể hơn: Để làm được điều đó thì phải “phá tan bộ mặt trần trụi trồi lên trong đá hoa” và phải “đập vỡ mọi hình dạng, mọi cái đẹp”.

 Rồi lôgic tiếp theo là: Phải yêu cái toàn bích bởi nó là ngưỡng cửa”, nhưng khi gặp ngưỡng cửa rồi thì phải từ chối nó, quên nó, bởi nó là “cái đã chết”. Và chúng ta không được phép dừng lại, phải tiếp tục hành trình hủy diệt. Nhưng hủy diệt ở đây không chỉ là hủy diệt mà là tiếp tục tìm kiếm, chinh phục và sáng tạo.

Bài thơ kết lại ở câu thật chí lý: “Bất toàn là đỉnh cao”.

Thêm một bài nữa: “Tên gọi đích thực”:

“Em là đền đài kia, tôi gọi sa mạc

Là giọng nói kia, bóng tối, là khuôn mặt kia, sự vắng bóng

Và khi em ngã vào đất cằn

Tôi gọi hư vô, ánh chớp đã mang em đi.

 

Chết là vùng đất em yêu dấu. Tôi đến đây

Vĩnh viễn bằng những con đường tăm tối của em

Tôi hủy diệt ước vọng em, dáng hình em, trí nhớ em

Tôi là kẻ thù không thương xót của em.

 

Tôi gọi em là chiến tranh, và tôi tước đoạt

Những tự do chinh chiến nơi em, và tôi được

Trong đôi bàn tay tôi, khuôn mặt em tối tăm, xuyên thấu

Trong trái tim tôi, vùng sáng choang giông bão kia”.

 Trong bài thơ này, em chính là “đền đài”, là “giọng nói kia”, là “khuôn mặt kia”, là “sự vắng bóng”. Đến “khi em ngã vào đất cằn”, đến khi “ánh chớp mang (hình ảnh hoặc bóng hình) em đi”, anh chỉ còn một cách: “Gọi hư vô”. Mặc dầu vậy, anh vẫn chinh phục em đến cùng: “Tôi hủy diệt ước vọng em, dáng hình em, trí nhớ em..” Và cuối cùng, tên gọi đích thực của tình yêu là “chiến tranh” và “những tự do chinh chiến nơi em” mà kết quả là: “Và tôi được/ Trong bàn tay tôi, khuôn mặt em”, để rồi “trong trái tim tôi, (một) vùng đất sáng choang…”

Trong một bài khác: “Một giọng nói khác”, cũng có ý này, nhưng được triển khai có vẻ thực chứng hơn và gần gũi hơn: “Tôi sẽ sống trong em, tôi sẽ tước đoạt trong em/ Mọi ánh sáng/ Mọi hiện thân, mọi cản trở ngầm, mọi luật lệ/ Và trong khoảng trống, nơi tôi nâng em lên, tôi sẽ mở ra/ Con đường sấm sét…”

 Đây là hai bài thơ mang hơi hướm dữ dội, khốc liệt và một lần nữa, chất “hủy diệt để sáng tạo”, “sáng tạo nhờ hủy diệt” hoặc “hủy diệt song hành với sáng tạo và ngược lại”…vẫn tiếp tục tiếp diễn.

Điểm cần nhấn mạnh: Cả 4 bài thơ dẫn ra ở trên đều có tứ và chúng là 4 cái phôi, 4 cái cốt lõi lạ. Cũng có thể ví chúng như những khoảnh khắc lóe sáng lạ thường của những tia chớp.

 Sau chót, có thể dẫn thêm một bài thơ nữa mang tên “Nghệ thuật thi ca”. Theo tôi, chưa có ai nói đến một khái niệm mà có thể cô đọng, sinh động và cũng thật biểu tượng, thật thi ca như thế này:

“Bị vét cạn là cái nhìn ở ngoài đêm tối này

Bị khóc chặt và hong khô là đôi bàn tay

Người ta đã điều hòa cơn sốt. Người ta đã bảo trái tim

Hãy là trái tim. Có một loài quỷ dữ trong các đường gân này

Vừa bỏ trốn vừa kêu la.

Trong miệng có một giọng nói buồn thiu đẫm máu

Được lau sạch và gọi trở lại”

Trong một số bài khác, độc giả có thể tìm ra những đơn vị câu ấn tượng trong cách nói của Yves Bonnefoy. Đó là “Lời nói cũng cần một vật chất” trong “Để xuất hiện ánh sáng thăm thẳm…”Đó là “Niềm vui cứu vớt niềm vui/ Tình yêu cứu vớt tình không yêu” trong “Miệng, hẳn em đã uống…” Đó là “Và khi tôi nói to trong thế giới vô ích/ Tôi có em trên những ngả đường của giấc ngủ mênh mông” trong “Ngọn đèn, người ngủ”. Đó là “Trong niềm cô đơn của máu/ Vào bờ vai trần của ước mơ phù phiếm” trong “Điều tản mạn, điều không thể chia cắt”…

     Yves Bonnefoy vốn là người từ toán học, từ triết học bước vào thơ. Ông vừa là nhà thơ lại vừa là nhà thi pháp học. Ông có một lượng tác phẩm đồ sộ ngoài thơ. Đó là những tác phẩm phê bình, những luận án tiến sĩ về thơ tại Pháp và một số quốc gia khác.

  Theo dịch giả Huỳnh Phan Anh: “Yves Bonnefoy nói gọn: Thơ là một hành vi nhận thức, là cuộc truy tìm ý nghĩa, không phải truy tìm từ. Bởi những từ khi thốt lên, chúng vừa chỉ định vừa xóa nhòa chính sự vật. Bởi cách viết, nói theo ông, là rào cản, là sự vắng bóng. Nhà thơ phải chấp nhận định mệnh của mình là dùng từ, là quyết định một cách viết, đồng thời làm sao nói lên cái thật mà không làm nó biến tính, không che giấu nó lần nữa, đánh mất nó trong tất cả những gì gọi là ý tưởng, huyền thoại, ẩn dụ hay ảo tưởng nghệ thuật. Vấn đề không phải là thần thánh hóa chữ nghĩa hay cách viết vốn là phương tiện, mà từ hư vô và vắng bóng chúng đã tạo nên, tìm tới vén mở lời nói đích thực, hiện diện đích thực, nơi chốn đích thực. Phải chăng người ta viết trong ám ảnh của cái bên ngoài, trong hy vọng ở một bờ cõi khác mà chữ nghĩa là một hứa hẹn? Thơ là tiếng nói tối thượng, thơ cũng là hy vọng, khát vọng về đời thực và lối sống tối hậu “tập hợp được những vật thể xa xôi và gần gũi trong một sự đồng thuận”, có khả năng đầy lùi khủng hoảng và những nhiều nhương”.

Từ xuất phát ấy, quan niệm nghệ thuật  ấy, Yves Bonnefoy đã làm thơ. Và chỉ bằng mấy bài thơ như mấy lát cắt trên thôi, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra một giọng thơ riết róng, triệt để trong một phong cách thơ uyển chuyển, biến hóa, phức hợp với những tứ thơ độc đáo, khác lạ.

Cho nên, cũng không phải vô cớ, mà nhiều năm qua, Yves Bonnefoy từng là một trong số ứng viên sáng giá của Giải thưởng Nobel về văn chương./.