Năng lực nhận biết các lối đi của tiền bối không dẫn các trí thức trẻ lạc đường, mà giúp họ định vị và định hướng bản thân tốt hơn. Sẽ là thiệt thòi cho một nền học thuật khi các công trình chiêm nghiệm và nghiên cứu hiện thực của các tiền bối trên thế giới và trong nước không được các trí thức trẻ biết đến, đọc hiểu, đúc rút kinh nghiệm,

Lỗi sai của tiền nhân: phủ nhận hay phản biện?

HÀ THỦY NGUYÊN

Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, Internet cho phép những người hoạt động tri thức tiếp cận một khối lượng khổng lồ tư liệu trên khắp thế giới, và cơ hội lớn ấy đã dần dần khiến các trí thức nhận ra rằng những niềm tin cũ, những điều vốn được coi là sự thật khách quan, hóa ra lại sai hoặc chứa đựng nhiều khúc mắc.

Sự chuyển đổi này đã truyền cảm hứng cho xu hướng "giải thiêng" các học giả tiền bối bằng cách sử dụng những chứng cứ mới hoặc nhãn quan mới để đánh giá và soi xét. Đôi khi, xu hướng "giải thiêng" đi tới mức cực đoan, do nỗ lực bằng mọi giá chứng minh một trí thức nào đó đã sai lầm, và phủ nhận toàn bộ đóng góp của trí thức ấy cho nền tri thức.

Không có sự thật, chỉ có những góc nhìn sự thật

Xét về bản chất, hoạt động tri thức là hoạt động tìm tòi, nghiên cứu, diễn giải, ghi chép và truyền tải những sự thật khách quan liên quan đến các lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Tuy nhiên, sự thật khách quan là một đối tượng khó nắm bắt, bởi đối tượng luôn hiện diện, nhưng mọi sự quan sát và tìm tòi, mọi nỗ lực để hiểu, thường chỉ chạm tới một vài khía cạnh nhỏ. Dân gian Việt Nam xưa có kể một câu chuyện phản ánh thực trạng này, đó là "Thầy bói xem voi". Những ông thầy bói mù sờ voi giống như quá trình các trí thức cố gắng tìm hiểu về một chủ đề nào đó, mà dẫu cho tốn nhiều giấy mực để truyền tải, tốn nhiều năm tháng để khảo cứu, cũng vẫn không thể nào phản ánh đúng được hiện thực ấy.

Phật giáo cũng sử dụng hình ảnh "ngón tay chỉ trăng" với ngụ ý rằng đối tượng khách quan và sự nhận thức về đối tượng ấy không thể đồng nhất với nhau, và không thể bám vào "ngón tay chỉ trăng" để hiểu về trăng. Allen Ginsberg, nhà thơ Mỹ đại diện cho phong trào Beat Generation tại Mỹ vào những thập niên 50s, 60s của thế kỷ 20, phát biểu nhận thức này một cách thẳng thắn: "Tôi không nghĩ rằng có sự thật. Chỉ có những quan điểm thôi." (Nguyên văn: "I don't think there is any truth. There are only points of view").

Tuy nhiên, để chấp nhận rằng sự nhận biết, hiểu, diễn giải và truyền đạt về một đối tượng nào đó không bao giờ phản ánh đúng sự thực là một điều không dễ chấp nhận. Bởi vì điều này gây ra sự hoài nghi mang tính sụp đổ đối với toàn bộ hiện thực xã hội. Khi một trí thức bắt đầu tìm hiểu về một đối tượng, họ luôn bắt đầu từ một điểm đầu tiên dễ thấy, giống như chúng ta nhìn thấy cái bóng của mặt trăng chứ không phải chính mặt trăng. Ví dụ điển hình nhất, như trong môn Hình học, chúng ta sẽ phải mặc định thừa nhận sự tồn tại của một đường thẳng hay đường tròn lý tưởng, trong khi trên thực tế sẽ không bao giờ tồn tại đường tròn hay đường thẳng lý tưởng ấy. Cách tư duy này đã được các nhà vật lý học thuộc trường phái bất định như Werner Heisenberg, Neil Bohr… khẳng định. F. David Peat, tác giả của tác phẩm "Từ xác định đến bất định" (Dịch giả Phạm Việt Hưng, NXB Tri thức) đã mô tả quá trình chuyển đổi mô hình tư duy của các học giả, từ khao khát thấu hiểu được bản chất của hiện thực khách quan, chấp nhận rằng sự hiểu của mình đối với hiện thực khách quan là hữu hạn.

Chối bỏ tính bất khả tri của hiện thực đến từ nỗi lo sợ trước sự tan rã của nhiều định chế niềm tin trong hoạt động tri thức và sự đổ vỡ của nhiều lý thuyết, triết thuyết. Bởi vì, mọi học thuyết đều đặt trên những tiên đề, và nếu tiên đề này không được đảm bảo tính "thực" và "đúng" trong mọi trường hợp, thì toàn bộ học thuyết được xây dựng từ đó liệu có "sai" hay không? Và điều ấy sẽ kéo theo nhiều xáo trộn trong hệ thống giáo dục, văn hóa, xã hội và chính trị. Đến đây, ắt hẳn sẽ nảy sinh một câu hỏi rằng nếu một quyết sách được đưa ra dựa trên sự khảo sát sai về hiện thực và dựa trên những nền tảng khoa học không đủ chính xác, liệu hậu quả của nó có thể dẫn đến đâu? Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, với nhãn quan bất định, chúng ta sẽ thấy rằng không có một cái được gọi là tiên đề đúng. Vậy thì đâu là cơ sở cho nhận thức đúng sai, cho hệ thống đạo đức, cho nền tảng vận hành xã hội? Cách suy nghĩ này, tiếc thay, đến từ thói quen lười biếng trong hoạt động tri thức, bởi hoạt động tri thức là con đường không có điểm dừng, và tư tưởng bất định không phải đưa chúng ta vào con đường hư vô chủ nghĩa không lối thoát, mà để chúng ta tự nhận thức được sự hữu hạn của bản thân, để thay vì đánh cược cuộc đời đeo đuổi những mảnh vụn của hiện thực, thì chấp nhận chính mình như một mảnh ghép trong hoạt động tri thức đóng góp công trình của mình cho một toàn cảnh của nhân loại.

Phủ nhận để hủy hoại, phản biện để xây dựng

Một khi đã chấp nhận việc hiểu toàn bộ và bản chất của một đối tượng nghiên cứu là điều không thể, chúng ta sẽ thấy rằng quá trình nhận biết, tìm tòi, nghiên cứu, diễn giải, truyền đạt tri thức sẽ luôn khiếm khuyết; hay nói một cách khác, mọi trí thức đều có thể sai ở đâu đó, mà chính bản thân họ cũng chưa ý thức được hạn chế trong năng lực của mình. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể phủ nhận toàn bộ công trình dày công của họ, những điều họ thu nhặt được trên hành trình khám phá đầy gian truân, bởi vì, quá trình ấy giúp chúng ta rút ngắn thời gian với những mày mò giữa bóng đêm của nhận thức.

Những công trình ấy là những lối đi đã được đánh dấu, dẫu là đường thông hay lối cụt giữa mê cung tri thức mênh mông. Năng lực nhận biết các lối đi của tiền bối không dẫn các trí thức trẻ lạc đường, mà giúp họ định vị và định hướng bản thân tốt hơn. Sẽ là thiệt thòi cho một nền học thuật khi các công trình chiêm nghiệm và nghiên cứu hiện thực của các tiền bối trên thế giới và trong nước không được các trí thức trẻ biết đến, đọc hiểu, đúc rút kinh nghiệm, bởi vì nền học thuật ấy sẽ lặp lại những sai lầm trong lịch sử mà đáng lẽ có thể tránh được và tiếp tục tiến lên. Sự giải thiêng tới mức phủ nhận hoàn toàn tước bỏ đi cơ hội ấy.

Nền học thuật phương Tây cũng đã từng mắc phải những sai lầm như vậy, điển hình là thái độ của giới học thuật phương Tây đối với triết gia Hy Lạp vĩ đại Aristotle. Aristotle có thể nói là triết gia quan trọng nhất của nhận thức luận phương Tây, những tác phẩm của ông đóng góp cho thế giới phương pháp luận trong nghiên cứu, phương pháp tư duy logic, ngôn ngữ học, chính trị học và luân lý học (hay còn gọi là triết học đạo đức)… Nhưng trong suốt nhiều thế kỷ, ngay từ khi Aristotle còn đang sống (384-322 TCN), các trí thức đã liên tục tìm cách đạp đổ và phủ nhận tư tưởng của ông, dù rằng việc đó không hề dễ. Bởi lẽ, thật khó có thể phủ nhận một lối đi thông suốt và sáng sủa, dẫu rằng lối đi của ông chưa giúp giải mã hoàn toàn hiện thực nhưng cũng mở ra nhiều ngả đường mới mẻ chứ không đâm đầu vào ngõ cụt.

Ở thời kỳ hiện đại, Aristotle vẫn tiếp tục bị các học giả phương Tây chỉ trích vì hai sai lầm chính: Một là, ông tỏ thái độ coi thường năng lực và vai trò của phụ nữ khi ông đưa ra kết luận rằng phụ nữ yếu đuối, phi lý trí và không có khả năng tự chủ. Hai là, logic học của ông bị cáo buộc rằng nó khiến quá trình hiểu hiện thực trở nên hạn hẹp. Những người bám vào hai chỉ trích này đều luôn mong muốn gạt bỏ Aristotle ra khỏi vị trí nền tảng của triết học phương Tây nói riêng và triết học thế giới nói chung. Nhưng hai điểm bị coi là "sai lầm" ấy đến nay vẫn không thể làm lung lay địa vị của Aristotle, bởi vì bất cứ ai đã từng đọc tác phẩm của ông đều không thể phủ nhận vai trò của ông đối với nền tri thức nhân loại.

Đó là còn chưa kể, chỉ trích thứ nhất đến từ sự hạn chế do khác biệt thời đại, và chỉ trích thứ hai thì đến từ việc những người chỉ trích không đặt Logic học trong toàn bộ hệ thống tư tưởng của Aristotle để nhận thức rằng Logic học chỉ là một trong số các công cụ để Aristotle diễn giải quan điểm của ông về hiện thực, và trong cả hai tác phẩm rất quan trọng của ông là "Luân lý học" (Book Hunter dịch, NXB Đà Nẵng) và "Siêu hình học", ông đều khẳng định rằng hiện thực là "bất khả tri" dẫu rằng ông đã diễn giải rất kỹ lưỡng các lối nhận thức và các khía cạnh của một đối tượng cần được hiểu.

Lối phủ nhận này không thể được bao biện bằng mỹ từ "phản biện". Khác với phủ nhận, sự phản biện trước hết đến từ thấu hiểu và nhận ra những khiếm khuyết của một quan điểm, và bằng các minh chứng cụ thể, đáng tin cậy, cùng với lập luận rành mạch, không công kích cá nhân và không bị cảm xúc chi phối, để vạch rõ, bổ sung và nới rộng thêm nhãn quan của người đi trước. Tinh thần phản biện ấy mang tính xây dựng và tạo nền móng cho những trí thức sau đó, chứ không đến từ động lực hạ bệ một tiền bối uy tín để bản thân có một vị trí quan trọng trong mê cung tri thức.

Đương nhiên, tất cả tinh thần chấp nhận lỗi sai này không có nghĩa rằng chúng ta khoan thứ cho những cái sai trong đạo đức nghề nghiệp, như "quên ghi nguồn trích dẫn" hay quá trình làm việc hời hợt và tạm bợ. Bởi vì, lẽ tất yếu, chỉ những trí thức "ít sai nhất" mới có vị thế vững bền, không thể đánh đổ trong nền học thuật, ngay cả trong những thời khắc nhân loại mê muội nhất.

 

Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng