Nguyễn Huy Thiệp có vẻ từ tốn bảo, hay có ba bảy đường hay anh ạ, nhưng thơ lục bát luôn luôn là một cái bẫy. Nó đánh sập cả những tay thần thơ cao thủ thời tiền chiến. Khi nào ông ta động vào nó mà lụy đề tài thì nhất định chả ra con mẹ gì. Bây giờ cứ tới ngày kỷ niệm này nọ là các bố tương ngay lục bát cho nhanh - nhiều - tốt - rẻ mà!
LÕI ĐỜI KIỂU NGUYỄN HUY THIỆP
TRUNG TRUNG ĐỈNH
Tôi gặp Nguyễn Huy Thiệp lần đầu do ngẫu nhiên, hồi
Thiệp chưa nổi tiếng, ở nhà thi sĩ Trúc Thông vào buổi chiểu mưa phùn ẩm mốc rất
khó chịu, giống y chang cái ngày ông vừa từ giã cõi đời này. Ngôi nhà mặt tiền
phố Hồng Phúc của gia đình Trúc Thông đã cũ. Rất cũ với hai bà chủ là Mẹ và chị
gái cũng đã xưa cũ vì già và chậm chạp, hòa hợp với con phố cổ nhỏ, nghèo, vắng
vẻ cứ u u trệ trệ thế nào ấy.
Tôi đến đúng lúc mẹ đi lấy nước gạo và đồ ăn thừa từ
các nhà bà con trong lối ngõ hẹp, gánh về để nuôi lợn và chăm lo cho “cậu ấm”
luống tuổi nhưng chưa vợ, là nhà thơ được mệnh danh là người cực đoan đổi mới.
Mẹ và đôi thùng nước gạo ấy bước liêu xiêu vừa đến cửa thì tôi thấy Trúc Thông
ra, toan đỡ, nhưng mẹ xua xua tay dấu hiệu không cần. Theo sau Trúc Thông là một
gã khách cũng cũ nhầu, tuy còn trẻ dáng dấp hơi cù lần quê mùa với vẻ mặt khép
nép không mấy tự nhiên, nhưng tôi rất nhanh bắt gặp đôi mắt sáng, sáng một cách
bất thường, theo cảm nhận của tôi.
Chúng tôi chào nhau, lại tiếp tục có cảm nhận mới, tay
này không cù lần như thoáng đầu mình tưởng mà có nét tự tin tỏ rõ một thái độ
kiên quyết khiêm nhu lịch lãm của những người khôn khéo hay đề phòng. Nhất là
khi cùng bước vào nhà, tôi thấy y nở nụ cười rất cởi mở, nhưng lộ rõ cái sự
láu.
Thời ấy, sau cuộc chiến khốc liệt kéo quá dài, đất nước
còn chìm trong nhiều khó khăn đói kém, lại đang phải sống trong chính sách bao
cấp, ngăn sông cấm chợ, ăn nói ở đâu, lúc nào, với ai, nhất là với người lạ
cũng có… vấn đề. Nhìn thấy tướng tá ấy khiến tôi hơi bị dị cảm, và chắc y cũng
khá dị cảm với tôi. Nhưng khi ngồi vào bàn, với ấm trà cổ hủ quen thuộc và gói
thuốc lá quấn ẩm xì cùng hai cái ghế to quá cỡ nhưng bị nghiêng lệch vì xẹo mất
một tẹo chân, dù đã được đóng lại theo cách rất rất Trúc Thông! Họ đang đối ẩm,
bàn nhau chắc chắn là thơ, tôi nghĩ. Trúc Thông giới thiệu tôi với khách và
khách với tôi.
Tôi có nghe tên Nguyễn Huy Thiệp rồi, nhưng chưa đọc
cái gì. Mới đầu tôi cứ ngỡ tay này là nhà thơ ở tỉnh lẻ nào đó lên Hà Nội tìm đến
yết kiến đại ca thơ. Tôi thấy Trúc Thông khá trịnh trọng rót nước, châm thuốc mời
khách rồi ngay sau đó hai người lập tức vào tiếp câu chuyện đang sôi nổi có vẻ
rất phức tạp về thơ và các vấn đề của thơ. Họ đang tranh luận với nhau về thứ
thơ lục bát hay, hay lục bát dở. Trúc Thông nói căng cứng rằng, đã thơ thì trước
hết phải hay, bất kể thơ tự do không lục bát, không niêm luật hay gi gỉ gì gi
cũng vậy, nhưng trước hết nhất thiết phải hay cái đã!
Nguyễn Huy Thiệp có vẻ từ tốn bảo, hay có ba bảy đường
hay anh ạ, nhưng thơ lục bát luôn luôn là một cái bẫy. Nó đánh sập cả những tay
thần thơ cao thủ thời tiền chiến. Khi nào ông ta động vào nó mà lụy đề tài thì
nhất định chả ra con mẹ gì. Bây giờ cứ tới ngày kỷ niệm này nọ là các bố tương
ngay lục bát cho nhanh - nhiều - tốt - rẻ mà!
Nguyễn Huy Thiệp nói tiếp, nói nhanh dần lên. Đã thơ
mà làm theo yêu cầu này nọ thì tất nhiên là dở ẹc. Thằng lục bát là dễ nhận ra
hay hay dở, thơm hay thối nhất. Ví dụ như cụ Huy Cận hay cụ Tế Hanh là những điển
hình. Rồi anh chua một câu rất “đểu” là, tôi gí cái ccc vào các loại thần tượng.
(Nói rất nhỏ nhưng rất rõ ràng, bằng cái giọng trầm, ấm, chỉ đủ cho ba người
cùng nghe). Thật đấy, y khẳng định, kể cả các bậc thi bá lâu nay. Trúc Thông vốn
là nhà thơ luôn luôn có máu cách tân, lại hơi bị cực đoan, nên tụ tập quanh anh
là một nhóm các nhà thơ trẻ đương thời, coi anh là thủ lĩnh: Dương Kiều Minh,
Phan Huyền Thư, Trần Anh Thái…
Sau cuộc gặp ở nhà Trúc Thông ấy, tôi với Nguyễn Huy
Thiệp trở nên quý nhau. Thiệp hay hẹn tôi đến quán cà phê dưới tượng đài bên hồ
Gươm gần Sở văn hóa Hà Nội. Quán này của mấy o bạn xinh đẹp và rất lịch lãm, rất
Hà Thành. Tôi được làm quen thêm với họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng, bạn chí cốt thời ấy của
Nguyễn Huy Thiệp. Tôi thấy hai ông gần như ngày nào cũng phải ngồi với nhau, rồi
sau đó lại rủ nhau đi đâu đó, có vẻ bí hiểm.
Một hôm tôi hỏi o Vân o Ngân, hai nàng đều rất thân rất
quý với hai chàng nghệ sĩ tài danh này, để biết. Hóa ra hai bố thường kéo nhau
đến các quán cà phê hay những chỗ có tụ điểm bia hơi đông người nào đó để vẽ
chân dung cho khách, kiếm tiền tiêu vặt. Hình như việc vẽ vời này cũng cuốn hút
nhiều công sức và tài năng của Thiệp. Thiệp vẽ một cách nghiêm cẩn, bởi tôi thấy
anh chăm chút vào từng chi tiết của từng bức vẽ. Nguyễn Hồng Hưng vẽ điêu luyện và hào hoa,
không nắn nót.
Một lần Nguyễn
Hồng
Hưng vui tay ngồi vẽ chân dung tôi, vẽ xong rồi bỏ đấy, quên luôn. Mãi tới đầu
năm rồi, có mấy chục năm, anh hỏi và tôi gửi lại anh bản copy qua email. Trong
các câu chuyện về viết và vẽ, tôi thấy đôi bạn này rất đáng trọng bởi cái sự vì
nể tài năng của nhau. Có lần Nguyễn
Hồng Hưng nói với tôi, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp cái nào đọc cũng độc và
lạ. Nhiều cái viết được là do ý tưởng của mình. Nói thế không phải anh kể công,
mà là cái sự gắn kết ý tưởng của hai người khiến tôi rất phục.
Về hội họa tất nhiên Nguyễn Huy Thiệp cũng là tay máu
mê, tôi biết anh rất chịu khó học hỏi ở bạn mình. Nguyễn Huy Thiệp ca ngợi tài
năng của Nguyễn Hồng Hưng rất khéo, không phải tâng bốc nhau mà chỉ qua câu
chuyện thường ngày “đá” vào vài câu khen nhẹ nhàng. Thiệp bảo, Nguyễn Hồng Hưng là “ca” thông minh trổ trời,
hiếm có, một tài năng dị biệt, khỏi bàn. Y phóng bút ký hoạ như múa, trông mà bắt
mê.
Nguyễn Huy Thiệp bảo, Nguyễn Hồng Hưng viết truyện ngắn cũng rất
“mả”, tạp văn thì năm-bờ-oăn! Hồi ấy tôi chơi với ai thì chơi, ít khi để ý công
việc của người khác. Thậm chí tôi thường né tránh những cuộc cãi vã khen chê
này nọ. Tôi tâm niệm câu của các cụ “văn mình vợ người”, khen mà đúng thì không
sao. Khen mà sai ý của người được khen thì trở nên diễu nhau, đùa không đùa được,
mà thật cũng không thật được. Chê đúng có khi gây họa, họa nhỡn tiền là mất bạn!
Tóm lại, đó không phải việc của mình!
Có bận trong quán cà phê tôi nghe hai ông bàn nhau làm
một công trình xây dựng tượng Phật ngay tại vườn nhà ông Thiệp. Tôi tưởng đấy
chỉ là chuyện vui, ai dè sau này hóa ra chuyện thật! Tôi quan niệm khá cũ, tượng
đài các đấng Thần Phật hay Chúa hay các nhân vật lớn khác là chuyện nghiêm trọng,
rất linh thiêng và chắc chắn phải có nhiều nghi lễ, nhiều đòi hỏi khắt khe của
thủ tục tôn giáo, và cả ông chính quyền chứ đâu phải ai thích làm thế nào, ở
đâu cũng được(?).
Trong nhiều câu chuyện với tôi, Nguyễn HuyThiệp rất
hay nói tới nhà chùa. Thỉnh thoảng Thiệp kể say sưa chuyện lịch sử và nhất là lịch
sử các tôn giáo. Chuyện đạo Phật vào Việt Nam hồi nào, như thế nào, chia nhập
tiểu thừa đại thừa ra sao cứ vanh vách. Tôi thấy Thiệp khá có ý thức quan tâm đến
giới nghiên cứu về tâm linh, bỏ nhiều thời gian vào các cuộc đi, xem, nghe, dự
các cuộc lên đồng ở gần, ở xa… với một tình cảm rất chân thành, tâm huyết chứ
không hời hợt như tôi. Có lần Thiệp đi đến một chỗ hẹn để xem tử vi hay xem bói toán gì đó, rủ tôi cùng đi, nhưng
đến khi sắp đến giờ hẹn thì tôi có việc gì đó lại cáo lỗi. Thiệp không trách,
chỉ cười bảo, lỗi tại cái duyên.
Tôi chơi mãi với Thiệp mà không thân được, chả hiểu vì
sao. Tôi đổ cho thằng ma men không phải món Thiệp mê, còn tôi thì... nói thật
là hơi bị nó làm cho mình nhiều khi liêu xiêu chả ra sao! Mỗi lần gặp nhau
chúng tôi ai cũng đều rất hồ hởi quan tâm, hỏi han chân tình đủ thứ, nhất là về
tin hai cô bạn một hồi thân với chúng tôi, ngày nào cũng cùng nhau nơi quán cà
phê, chuyện tào lao cà kê dê ngỗng không chán. Thiệp là người có duyên… ngầm.
Anh kể chuyện bông phèng hóm hỉnh bằng cái giọng ấm, rất ấm và cách diễn đạt rất
hóm và cuốn hút, khiến các o bạn xinh đẹp và lịch lãm mỗi lần ngồi nghe anh Thiệp
nói về các ý tường đâu đâu một cái chuyện của thời xưa xưa mà cũng thấy các o rất
nể vì.
Tôi đọc Thiệp khá nhiều vì tôi phục tài viết truyện ngắn
của Thiệp. Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp không bao giờ theo một lối viết,
theo một chủ đề. Cách kể chuyện của ông cũng đa tầng đa lớp với một thứ giọng cứ
tưởng như dễ dàng, thậm chí đơn giản, có một vài người viết bắt chước cái giọng
ấy, nhưng nó nhanh chóng bị “lòi” ra, khiến chính họ tẽn tò với các con chữ của
mình! Những người có giọng văn rất riêng, rất đặc sắc như Nguyễn Khải và sau
này như Phan Thị Vàng Anh cũng có một thứ giọng văn rất cuốn hút, rất riêng và
rất dễ “lây”. Nhưng tất cả những người “lây” đều bị các con chữ, lối hành văn
ma mị của họ loại sang lề ngay tắp lự!
Tôi đọc Nguyễn Huy Thiệp nhiều, gần như hồi đó Thiệp
có truyện nào vừa in ra là tôi tìm đọc ngay. Tôi biết Thiệp không đọc của tôi
cái nào, hay có cũng chỉ là có sơ sơ. Một lần tôi đùa bảo Thiệp, ông không đọc
tôi là ông thiệt chứ không phải tôi đâu nhá. Thiệp cười trừ, ừ ừ, sao ông biết?
Tôi bảo ngu mà không biết! Thiệp bảo, hiểu nhau thế làm gì, chắc là do cái
duyên! Và tôi không giận, không lấy đó làm điều! Tôi chưa bao giờ tặng sách cho
Thiệp. Thiệp cũng không tặng sách cho tôi.
Tôi quan sát Nguyễn Huy Thiệp và Đồng Đức Bốn chơi với
nhau, thân với nhau và từ đó cũng nhận ra cuộc sống của giới giang hồ văn bút
thật đa dạng! Họ chơi với nhau nhưng tôi nghĩ họ không thân với nhau. Họ nể phục
nhau mỗi người theo cái cách của riêng mình chứ không phải bạn bè theo cái nghĩa bạn bè truyền thống. Nguyễn Huy Thiệp viết
về thơ lục bát của Đồng Đức Bốn thật hay, thật đúng, thật sâu sắc. Có thể nói
là thật siêu! Chả có nhà thơ hay nhà lý luận văn học nào mà điểm đúng huyệt cái
tài, cái đặc sắc, cái dân dã, cái tôi vụt sáng, vụt hiện nhờ bản năng như thơ lục
bát mà chỉ có ở Đồng Đức Bốn. Nguyễn Huy Thiệp nói chắc lừ rằng, Đông Đức Bốn rất
xứng đáng là người nối bước lục bát theo chân cụ Nguyễn Bính. Tôi nhắc lại là,
không ai cảm nhận được và viết ra được về thơ và chân dung ông nhà thơ đồng quê
lục bát đặc sắc này như Nguyễn Huy Thiệp.
Hồi ấy tôi là đồng hương với Đồng Đức Bốn, cũng có
chơi nhưng càng chơi càng chán, càng nhạt, không phải nhạt do Bốn mà là do
chính cái thằng tôi. Nhiều khi qua Nguyễn Huy Thiệp, nghe Thiệp tụng ca tài thơ
của Bốn khiến tôi phải nghĩ lại về cái thói định kiến không đâu của một kẻ cầm
bút mà nông nổi cảm tính cực đoan của mình. Hồi ấy, tôi mắc cái tật không biết
có phải xấu không, nhưng hễ cứ gặp ai, cái cảm giác ban đầu mà thấy chơi được
hay không chơi được là có thái độ phản ứng ngay tắp lự từ sâu trong lòng. Trường
hợp Đồng Đức Bốn là thế. Hôm gặp nhau hình như ở Hải Phòng lần đầu, Đồng Đức Bốn
khoe được ông Tố Hữu và ông Nguyễn Khoa Điềm khen với cái vẻ hoan hỉ làm tôi cụt
hứng! Và sau đó gặp Bốn tôi không sao mặn mà được nữa. Chả ai có tội gì, nhưng
người tử tế hay ho tài danh, làm nhà văn nhà thơ hẳn hoi, sao phải lụy mấy nhà
quan chức! Đến khi nghe Nguyễn Huy Thiệp là tay lõi đời cũng khen hết nước hết
cái, lại rất chân tình, lại rất đúng thì tôi phải sững lại. Tôi tự khuyên phải
xem lại mình. Thiệp cho tôi xem bản đánh máy bài viết của mình về Đông Đức Bốn,
xem xong, xem lại rồi tôi nói với Thiệp, chịu bố! Xin chắp tay vái ba vái thầy,
tôi nói thêm. Ông đúng là loại nhà văn lọc lõi, một văn tài quái đản. Nguyễn
Huy Thiệp nhìn tôi như nhìn chú học trò biết lỗi, chỉ cười cười. “Tay
này có cái cười rất … đểu”, tôi nghĩ thế!
Đêm ấy tôi về tôi nghĩ mãi, những tay tài cao họ rộng
lượng hơn mình rất rất nhiều, kể cả Đồng Đức Bốn, kể cả Nguyễn Huy Thiệp. Họ gần
như không chấp nê đến thái độ nhỏ nhen của tay văn hóa lùn kiểu nhà quê như
tôi, mặc dù họ cũng đều xuất xứ nhà quê, sáng đi cày, chiều đào đá ong, tối
đóng gạch, chẻ nan, đấu vật, làm tay thợ ai sai gì làm nấy…như tôi cả!
Tôi nhớ mãi cái cảm giác bị ám ảnh đến cả năm trời sau
khi đọc xong truyện “Con gái thủy thần”. Hồi đọc “Muối của đất”, “Chuyện làng
quê”. “Những người thợ xẻ” rồi “Cún”, rồi “Tướng về hưu” rồi “Kiếm sắc” hay
“chuyện trong bản nhỏ”… đúng là truyện nào tôi cũng thấy hay, thấy thích, bởi nó chất chứa nhiều ý tưởng, nhiều
nỗi niềm, nhiều góc khuất của đời sống. Nhưng phải đến “Con gái thủy thần” một
thiên truyện mang đầy đủ nhất cái chất bi ai hùng tráng, cái tài viết tài kể
chuyện siêu việt của một tâm hồn Việt cao thượng đoan chính mà sâu nặng ân
tình, một lối văn vừa giản dị thăng hoa đầy ngẫu hứng nhưng mang nhiều ý tưởng.
Cả một cuộc đời của Chương, nhân vật chính, đi tìm Nàng, tìm tình yêu, tìm để tới
Biển, là nơi sông đổ ra, mà chỉ biết là, biển rộng lớn chàng chưa bao giờ thấy.
Chàng đi tìm chân lý, mà tìm thao thiết như nước sông, như gió đồng với những
khao khát đời con người ta. Thủy thần ở đâu? Ở đâu? Biển ở đâu? Nàng ở đâu? Người
kể chuyện, không phải kể chuyện mà là dựng chuyện, chuyện thoắt cái đang ở thời
nay, thoắt cái ở thời mê hoặc xa xưa mà sao cứ mồn một.
Lâu lâu mới
gặp nhau vì mỗi người một việc, tôi thì bươn chải giang hồ vặt. Thiệp chú tâm
vào viết vào vẽ và bao nhiêu chuyện đời đều lên bổng xuống trầm, thậm chí lên bờ xuống ruộng cả!
Thế rồi, có một lần cách đây dăm năm, lúc mà cánh tôi
đều cũng đã cao cao tuổi, không muốn nói là đã già. Anh bạn họa sĩ phố cổ nổi
tiếng Lê Thiết Cương nhân một cái dịp gì đó của mình bảo, em “thửa” được chai
Xi-vat 35, hôm nay mời mấy ông anh “xử”. Khách mời hôm đó có Nguyễn Huy Thiệp,
Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà và tôi. Tôi cảm thấy mình vinh dự tự hào được đứng
trong hàng ngũ hạn hẹp của Cương hôm đó. Trong bốn thực khách, người đáng yêu
nhất là Thiệp, vì Thiệp không là tay hay rượu. Không hay rượu nhưng biết ý
nghĩa của các cuộc rượu. Tôi nói, hôm nay anh em mình được Cương cho gặp em
“hoa hậu Xi- Vát 35”. Bữa tiệc Cương bày biện giản dị và sang trọng, rất lịch sự,
rất chi là “phố cổ Hà Nội”, và phải nói thêm là rất chi là Lê Thiết Cương: tối
giản nhưng kỹ lưỡng, cầu kỳ, người uống và chủ đều khẽ khàng, không phải cái khẽ
khàng kiểu cách giữ ý mà rất tự nhiên, thậm chí kể cả nói tục cũng rất đỗi là
Lê Thiết Cương phố cổ!
Thiệp là tay sành đời, sành văn, sành sử và sành…
chơi. Lối sống lối chơi của Thiệp rất ma mị, tự tin, không khoa trương, không dấu
diếm e dè, không kiểu cách, không cầu kỳ nhưng có một thứ hương xạ gì đó quyến
rũ tôi mà đúng là chỉ có Thiệp mới có! Nó dễ dãi, quê mùa một cách rất mộc mạc.
Mộc mạc mà không rõ ràng, không thô thiển. Thiệp quan sát một lúc phong thái uống
rượu của Bảo Ninh rồi ghé tai tôi nói nhỏ: “Bảo Ninh nó giỏi văn chương, giỏi đời
sống “ăn chơi” thuộc loại “đẳng cấp” đấy ông ạ. Trông nó ù ờ thế, nhưng chuyện
gì nó ngửi một cái cũng ra đúng mùi vị hết. Giống như uống rượu, ngửi rượu, chắc chắn nó là tay
siêu giỏi. Nó ngửi cái là biết rượu nào ngon cỡ nào luôn, và cả hay cỡ nào, dở
thế nào chứ không mù rượu như tôi, và có khi cả ông nữa”.
Quả thật, chơi với Bảo Nình chắc chắn là tôi chơi lâu hơn, uống với Bảo Ninh nhiều hơn, sống với Bảo Ninh cũng nhiều hơn. Rất nhiều. Nhưng chỉ loáng một cái Thiệp đã vẽ đúng cái thần thái chân dung của Bảo Ninh, không phải chỉ là uống rượu, (đểu thế)! Tôi lại chắp tay vái sống bạn: “Chịu ông” một phát nữa! Thiệp quý Bảo Ninh, phục tài Bảo Ninh với cái cách thể hiện rất Thiệp, không vồ vập, không thói quen mà chỉ riêng y mới có.