Nhà thơ Trần Ngọc Trác xác nhận Trịnh Công Sơn sáng tác Tình khúc ơ bai nhân chuyến đi thực tế tìm tư liệu sáng tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho. Đó là thôn Đồng Đò, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Nay, thôn Đồng Đò thuộc về địa phận hành chính của xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh.


ĐI TÌM CÂU HÁT Ơ BAI

TRỊNH CHU

“Tôi đi bằng nhịp điệu một hai ba bốn năm/ Em đi bằng nhịp điệu sáu bảy tám chín mười/ Ta đi bằng nhịp điệu nhịp điệu không giống nhau/ Ta đi bằng nhịp điệu nhịp điệu sao khác màu…”

Tình khúc ơ bai (ơ bai, tiếng K’Ho, đọc thành ơ vai trong tiếng Việt) được Trịnh Công Sơn viết ở giọng Đô trưởng (C major), điệu Valse, gồm 2 câu nhạc. Câu nhạc 1, Trịnh Công Sơn sử dụng nhịp 3/4, đến câu nhạc 2, nhạc sĩ chuyển tiết tấu sang 2/4, làm cho câu nhạc trở nên dồn dập, sống động. Giai âm chủ đạo của Tình khúc ơ bai là giai âm ngũ cung.

Tuy vậy, Trịnh Công Sơn có biến tấu một đôi nốt nhạc, tạo sự khác biệt, nhằm làm cho giai điệu bài hát trở nên mênh mang hơn. “Trịnh Công Sơn đã viết Tình khúc ơ bai sau chuyến đi thực tế trên đất Lâm Đồng”, nhạc sĩ Đình Nghĩ, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Lâm Đồng, cho hay. Trước đó, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, nhà thơ Trần Ngọc Trác, cũng xác nhận Trịnh Công Sơn sáng tác Tình khúc ơ bai nhân chuyến đi thực tế tìm tư liệu sáng tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho. “Đó là thôn Đồng Đò, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Nay, thôn Đồng Đò thuộc về địa phận hành chính của xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh”, nhà thơ Trần Ngọc Trác nói rõ.

Thế rồi, tôi đã phải vắt dòng lịch sử, tìm về những ký ức rời, qua câu chuyện của một người trong cuộc, nhạc sĩ Đình Nghĩ, để lần giở nguồn cơn cháy khát giúp Trịnh Công Sơn làm nên Tình khúc ơ bai. Nhạc sĩ Đình Nghĩ kể, khoảng tháng 3/1987, bà Cao Thị Quế Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng lúc bấy giờ, dẫn đoàn nhạc sĩ đi thực tế tại các huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc và TP Đà Lạt. Trong chuyến đi đó, phía Sài Gòn có các nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn, Hoàng Hiệp, Miên Đức Thắng và Trần Long Ẩn; phía Lâm Đồng có Mạnh Đạt, Đình Nghĩ, Sóng Trà, Duy Thanh và Phan Bá Chức. Khi đến thôn Đồng Đò, đoàn có ghé thăm gia đình chị Ka Nheo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đinh Lạc. Chị Ka Nheo có đem rượu cần mời khách. Các già làng và các sơn nữ trong thôn đều đến.

 Mọi người ngồi quanh ché rượu. Cần rượu cứ thế mềm môi vít cong, khách trước rồi đến chủ, từ chủ lại qua khách. Men rượu cần càng nồng, tiếng hát lại càng vang xa, xa mãi. “Trịnh Công Sơn và các nhạc sĩ đang ngồi quây quần cùng bà con bên trong ngôi nhà dài, bỗng một bé gái K’Ho xin hộp quẹt ga (bật lửa) của anh Trịnh Công Sơn. Lúc ấy, anh Sơn đùa: “Vậy thì theo anh về Sài Gòn nhé!”. Em gái K’Ho ngượng nghịu, bật thốt: “Ơ bai!”. Chị Ka Nheo giải thích: “Ơ bai” trong tiếng K’Ho có nghĩa là “Không chịu!”. Sau chuyến đi thực tế đó, Trịnh Công Sơn có bài Tình khúc ơ bai”...

Cũng liên quan đến Tình khúc ơ bai, ngày 17/11/1988, từ TP Hồ Chí Minh, Trịnh Công Sơn có mấy lời thư gửi lên Đà Lạt cho bà Cao Thị Quế Hương, người trực tiếp đưa các nhạc sĩ đi thực tế. Nội dung bức thư đã được bà Cao Thị Quế Hương công bố trên Tập san Khát Vọng do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành, tôi xin chép lại: “Quế Hương thân mến! Gửi lên Quế Hương 3 bài hát đã thất lạc. Bài mới chưa viết được vì bận rất nhiều công việc cộng thêm bị đau suốt cả tháng nay vì cụp xương sống không di chuyển được. Về lời bài hát ơ bai, nếu ngại người K’Ho hiểu lầm, thì Quế Hương nên cắt nghĩa cho họ. Chữ “khác màu” không có nghĩa là màu da mà chỉ là màu sắc của hòa âm cuộc sống. Và chính đoạn kết ơ bai chính là sự phủ nhận sự khác biệt trên. Chúc Quế Hương vui và khỏe. Thân ái. Ký tên Trịnh Công Sơn”. Ở phần tái bút, Trịnh Công Sơn viết: “Gửi mấy cái ảnh chụp ở lần gặp ở buôn người dân tộc K’Ho”.

Cứ theo cách nói của Trịnh Công Sơn, “đoạn kết ơ bai chính là sự phủ nhận sự khác biệt trên”, tức màu sắc của hòa âm cuộc sống, rồi thử đem ra đối chiếu với phần dịch nghĩa từ “ơ bai” của bà Ka Nheo, tôi nhận thấy không được ổn cho lắm. “Ơ bai” dịch thành “không chịu” không những không được chuẩn xác mà còn chẳng ăn nhập gì với “sự phủ nhận sự khác biệt trên” cả. Vậy, “ơ bai” trong tiếng K’Ho có nghĩa là gì? Bà Ka Triều, người K’Ho, ngụ xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, nói: “Dịch chữ “ơ-bai” trong ngôn ngữ K’Ho thành “không chịu” trong tiếng Việt là chưa thật sự chính xác. “Không chịu” trong tiếng Việt nếu chuyển ngữ sang tiếng K’Ho thì phải là “ơ gơ dăn”, “không thích” là “ơ gơboh”. Còn nghĩa của từ “ơ bai” lại là “không đâu!”.

Đến đây, sự giải nghĩa của Trịnh Công Sơn đã trở nên sáng rõ: “Sông cạn đá mòn, sông cạn đá mòn/ Làm sao ta gặp, làm sao ta gặp, được nhau/ Ơ bai à... á.../ Ơ bai à... á.../ Ơ bai à... á.../ Ơ bai à... á...!”… “Ngày ấy, anh Sơn đến đâu cũng uống rượu, không bao giờ uống bia. Không có rượu ngoại (Tây), anh uống rượu đế (quốc lủi). Trong đoàn chỉ có mỗi Đình Nghĩ chịu đựng được tính khí này của anh và tiếp chuyện cùng anh có khi từ đêm cho đến sáng”, nhạc sĩ Đình Nghĩ nói thêm.

Đồng Đò như quán trọ ven đường mà Trịnh Công Sơn đã có lần buồn chân ghé chơi rồi để lại Tình khúc ơ bai trên hành trình ca thơ của mình. Câu nói bật thốt của em gái K’Ho ngày nào cũng chỉ là những gợi mở để Trịnh Công Sơn ưu tư về sự hòa âm cuộc sống. Tôi lại bắt chước Trịnh, cưỡi xe gắn máy nhắm hướng Bảo Lộc - Di Linh thẳng tiến đến thôn Đồng Đò. Có điều tôi đến đây không phải để sáng tác một Tình khúc ơ bai mới. Tôi đến Đồng Đò để được nghe tiếng chân trần lên non và đứng một mình lặng ngắm dáng ai nhạt nhòa nơi nẻo vắng.

  

Nguồn: Văn Nghệ