Đầu tháng 3/2008, mình đang đứng ở hành lang tầng 3 cơ quan thì có người vỗ vai cái bộp. Chiến đây, vẫn kiểu thông báo ngắn gọn như thế. Trông lão phờ phạc, mái tóc không được quan tâm chăm sóc nhuộm nên trắng phớ.
GẬT GÙ CÙNG NGUYỄN VIỆT CHIẾN
NGUYỄN THÔNG
Mình chúa ghét thói đời, thế mà vẫn không thoát được
cái thói “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Bằng cứ chả chối cãi được là đang
“quàng” viết về lão Nguyễn Việt Chiến, một người (theo ý mình) sang, thậm chí rất
sang.
Ở tòa soạn Hà Nội, mình thân nhất với hai lão: Nguyễn
Việt Chiến và Lưu Quang Phổ. Với anh Quốc Phong, dù bạn đồng môn thật đấy nhưng
anh ấy là sếp nên mình cứ kính nhi viễn chi, chả ra thân sơ. Anh Phong hiền
lành tốt tính lắm, nhiều người tôn làm ông phật, mình cũng tôn làm ông phật, vì
vậy lại càng không dám nhí nhố đùa cợt bá vai bá cổ. Lần nào anh ấy vào Sài Gòn
họp mình cũng định mời về cho biết nhà hoặc rủ đi ăn uống gì đó, nhưng cứ rụt rè ngài ngại nên đến giờ sếp
vẫn chả ăn được của mình miếng nào. Tên Phổ thì dễ gần bởi hắn vừa kém tuổi
mình vừa đồng hương, cứ gặp nhau là tán đủ thứ chuyện trên giời dưới bể, nhảm hết
sức nhưng khoái. Hắn là tay phó nháy có hạng, nhiều ảnh đẹp, đạt nhiều giải cao
nhưng mình thích nhất hai tấm ảnh, một tấm chụp em bé bú mẹ (người mẫu là vợ và
con hắn) đẹp tuyệt vời, còn tấm kia thì thôi rồi, không bao giờ có được cơ hội
thứ hai, cực kỳ lắm, mà thôi, nói ra sợ sinh chuyện.
Nguyễn Việt Chiến hơn mình những 3 tuổi, lão sinh năm
1952, tuổi Thìn, vậy mà chả bao giờ lên mặt đàn anh khệnh khạng với mình. Nhiều
lúc tự thấy mình cũng tệ, sống không biết điều. Lão vào Sài Gòn, ghé chỗ bàn
làm việc của mình mà không thấy là phôn liền, ông ở đâu, Chiến đây. Lần thì cho
sách, cho thơ, ra quyển nào mình cũng có suất, ghi đề tặng đàng hoàng, chữ viết
tháu, xâu xấu khó đọc nhưng nhất quán phong cách Nguyễn Việt Chiến, rất phóng
khoáng, chả chịu gò vào quy tắc nào. Lần thì ô mai, lần chè Thái Nguyên chính
hiệu cả ký. Bao nhiêu lần lão vào vào ra ra, mình chưa biếu chưa cho được cái
quả chuối khô miền Nam làm quà, xấu hổ thế không biết.
Thơ của Nguyễn Việt Chiến không dễ đọc như thơ nhiều
người khác, tỉ dụ những đồng hương Sơn Tây của anh như nhà thơ Quang Dũng, Trần
Lê Văn. Cũng phải thôi vì giãn cách thế hệ tuy không xa cũng chẳng gần. Nhưng
thơ Việt Chiến chả gai góc như thơ Nguyễn Quang Thiều (cũng đồng hương, sao cái
xứ Đoài đẻ ra lắm nhà thơ thế).
Thơ
Chiến nhiều bài hiện đại nhưng vẫn mang hồn cốt truyền thống, dễ cảm nhận. Nhớ
một lần mình giở tờ báo Sài Gòn Giải
Phóng số ra ngày chủ nhật, chỉ vào ngày này
mới đăng thơ, có thơ của hai nhà thơ gốc lính là Trần Thế Tuyển và Nguyễn Việt
Chiến. Ông Tuyển dạo ấy chưa về lĩnh chức tổng biên tập, đang là cục phó cục
báo chí- xuất bản, thơ ông ấy muốn nằm đâu, đậu đâu
chả được. Mình đọc thơ ông Tuyển từ hồi ổng còn chức lính trơn bên chiến trường
479 Campuchia cơ, anh hai nhạc sĩ Lê Khiêm nhà mình phổ nhạc mấy bài thơ ông ấy
cho đoàn ca múa quân khu 7 hát um sùm, nội dung toàn mùi binh đao chết chóc.
Mình bảo anh Khiêm, cứ bao giờ hết chiến tranh ở Campuchia thì nhạc của anh và
thơ ông Tuyển cũng tắt. Về sau đúng y chang.
Trên tờ báo ấy có bài “Ga Hàng Cỏ dọc đường Nam Bộ” của
lão Chiến. Đọc cái tít bỗng dưng thấy bập vào ngay, có nhẽ cái ga này, con đường
này cũng gợi nhiều kỷ niệm gắn bó với mình. Người lính, số phận người lính
trong thơ Việt Chiến, theo mình, rất ấn tượng, mình còn thầm so sánh lão ấy như
một Bảo Ninh trong thơ (còn Bảo Ninh “Nỗi buồn chiến tranh” có ai đó coi là Việt
Chiến trong văn xuôi hay không,
thì tùy).
Thưa mẹ
Ba mươi ba năm trước
Tiễn con đi từ ga Hàng Cỏ
Mẹ về
Nước mắt dọc đường Nam Bộ
Đứt từng khúc tàu đêm…
Ba mươi ba năm sau
Ga không còn Hàng Cỏ
Phố không còn Nam Bộ
Con của mẹ
Vẫn mãi mãi mười tám tuổi
Như chuyến tàu ngày ấy không về
Mẹ ở lại một mình
Không phố, không ga, không tất cả
Còn gì để nhớ
Ga Hàng Cỏ dọc đường Nam Bộ
Nguyễn Việt Chiến cùng đi trên chuyến tàu ấy nhưng may
mắn được trở về với mẹ. Mình cũng có ông anh ruột đi bộ đội, năm 1969 lên tàu
vào Nam từ ga Hàng Cỏ và năm 1975 khoác ba lô về, mình đầy vết thương. Nhưng rất
nhiều người lính trẻ chưa đầy đôi mươi đã tạm biệt ga Hàng Cỏ xuôi nam và chuyến
tàu đưa họ đi là chuyến cuối cùng trong đời. Đọc bài thơ ấy của lão bạn xong, bất
giác mình nhìn trang báo thấy nó thấm nhòe nước mắt.
Thơ Việt Chiến là như vậy.
Đận tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức cuộc thi thơ 2007-2008,
mình thấy lão tham gia một chùm, có bài “Thời đất nước gian lao”, chắc mẩm thế
nào lão cũng gặt hái ra trò. Rồi năm 2010 tạp chí công bố Nguyễn Việt Chiến đoạt
giải nhì (B, không có giải nhất) chính bài đó. Trong khoảng thời gian trên, ông
bạn tôi vừa mang thêm danh hiệu cao quý “cựu tù nhân vụ chống tham nhũng
PMU18”.
Ít bữa sau nhà thi sĩ cựu tù nhân tuyên bố không nhận
giải, nghĩ có chuyện rồi. Sau nghe chính anh kể lại, rằng thương mấy lão bên
Văn nghệ Quân
đội quá, cấp trên xài xể cằn nhằn, góp ý điều nọ tiếng kia nên Nguyễn Việt Chiến chủ động tháo gỡ. Giải có
cũng được, không có chả chết ai. Bài này sau báo Thanh Niên nhà mình đăng lại,
dư luận khen quá trời. Chỗ này phải nói thêm cho cả nghĩa, đăng trên tạp chí
Văn nghệ Quân
đội, ngoài ba người lính, có ma nào đọc, nhưng trên Thanh Niên thì khác nhá. Tiếng
tăm thi sĩ cựu tù nhân nổi như cồn.
Hồi cả nước ồn ào vụ tàu Trung Quốc vào biển Việt Nam
cắt cáp dầu khí tàu Bình Minh, quấy phá chặn tàu khảo sát Viking. Gớm, cứ sôi
sùng sục. Sài Gòn, Hà Nội dân chúng xuống đường biểu tình, cờ đỏ sao vàng khẩu
hiệu kêu gọi bảo vệ chủ quyền biển đảo rợp đường. Chính quyền nửa bằng lòng nửa
không. Cái đầu óc nhanh nhạy của lão nhà thơ bạn tôi nghĩ ra ngay điều cần làm.
Lão lục lại được bài viết từ hồi hơi xa, năm 2009, nhưng vào lúc này lại cực kỳ
thời sự. Chiếc lò vi sóng cuộc sống đang nóng giãy đành đạch, bỏ vào là thành
món ngon ngay. Nội dung chả chê được chỗ nào, trên thích dưới ưa, hài hòa nhà
nước nhân dân. Chỉ riêng cái tít “Tổ quốc nhìn từ biển” đã ăn giải rồi. Anh em
bộ đội hải quân thích mê tơi. Ban tuyên giáo thích mê tơi. Mở gu-gồ sợt cái tên
bài thơ và tên thi sĩ thì có mà đếm mệt nghỉ.
Mình nghĩ lẩn thẩn, mấy tờ báo nếu biết điều nên gom
ít tiền thu được xung quanh vụ này mà trả tác quyền cho lão Chiến mới phải. Giới
văn nghệ văn gừng ăn theo kẻ ít người nhiều. Nổi nhất là cái cô nhạc sĩ Quỳnh Hợp
của đài phát thanh ở Sài Gòn, cũng từng viết khá khá bài nhưng ít người biết,
nay phổ “Tổ quốc nhìn từ biển”, mình đã nghe, thực thà thấy chả hay lắm, nhưng
báo chí biết đến ầm ầm, quân chủng hải quân bao sô tổ chức cho cả một đêm nhạc
giữa Sài Gòn, tướng lĩnh lẫn lính tráng thủy thủ kéo nhau ngồi coi chật rạp, vỗ
tay rầm rầm, khoái cực.
Đầu tháng 3/2008,
mình đang đứng ở hành lang tầng 3 cơ quan thì có người vỗ vai cái bộp. Chiến
đây, vẫn kiểu thông báo ngắn gọn như thế. Trông lão phờ phạc, mái tóc không được
quan tâm chăm sóc nhuộm nên trắng phớ. Suốt nhiều tháng qua, PV Việt Chiến, có
sự trợ giúp của đàn em Káp Thành Long, là tay chiến tướng, chủ công chủ lực của
báo nhà trong chiến dịch chống tham nhũng, đặc biệt là vụ PMU18.
Cuộc chiến thông tin giữa các báo cực kỳ căng thẳng,
chỉ cần chậm một nhịp cũng mất bạn đọc, mất nhiều là đằng khác, như chơi. Với mối
quan hệ rộng rãi, khéo léo, chân thành của mình, lão Chiến đã đem về cho báo
Thanh Niên nhiều thông tin nóng hôi hổi, vô cùng giá trị. Báo tăng lượng phát
hành từng ngày. Nhưng…, chả cần nói nữa, ai cũng tỏ tường cả rồi.
Ông bạn tuổi rồng nhả khói thuốc, ghé tai tôi, ông ạ,
chắc họ bắt tôi, chuyến này thì đi tù chứ chẳng chơi. Cũng như nhiều anh em
khác của cơ quan đang say chiến thắng, tôi hậm hừ làm đếch gì có chuyện đó. Người
hùng chống tham nhũng làm tôi tin ngay: anh Khế cho tôi vào chuyến này đi chơi đã đời, Đà
Lạt, Phan Thiết… đâu cũng được, xong rồi ra cho nó bắt. Anh ấy còn nói, nó mà bắt
ông thì tôi sẽ làm nhiệm vụ thăm nuôi ông, ông cứ yên tâm.
Thế thì có chuyện thật rồi. Nhưng thoắt một cái, người
thơ trong Việt Chiến trỗi dậy, dường như xóa sạch mọi lo lắng, quên tiệt cả việc
mình sắp phải đi tù. Lão móc túi lấy ra mảnh giấy nhàu nát đọc cho tôi nghe bài
thơ mới nhất, lão bảo đặt tạm tên là “Thơ viết trên máy bay”, giọng thơ và giọng
đọc hơi buồn, tâm trạng u ẩn, tôi nghe mà chả nhớ được câu nào bởi lúc đó hồn
vía tôi đang nghĩ đến cái Hỏa Lò mới ở Hà Nội.
Ngày 13/5/2008, nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị bắt,
thân thể tại ngục trung. Báo Thanh Niên giật con tít to đùng trên trang nhất,
chiều cao chữ cỡ hai ngón tay, gây xôn xao một thời. Tôi lính lác nên chả được
suất ra thăm bạn, nghe anh em về bảo tinh thần vững lắm, chỉ phải cái phát sinh
đủ thứ bệnh. Thì nhà tù mà. Cùng bị bắt với anh có nhà báo Nguyễn Văn Hải báo
Tuổi Trẻ, là con rể bạn cùng lớp với tôi. Cứ hồi hộp chờ ngày Chiến, Hải ra
tòa.
Ngày 14/10/2008, một lần nữa tôi thêm yêu ông bạn già
Nguyễn Việt Chiến. Trước tòa, anh không chối quanh co, không đổ cho người này
người khác, anh nhận những gì anh làm và khẳng định không có tội. Tôi thấy buồn
cho Hải, cho bạn gái của tôi (mẹ vợ Hải) khi Hải chọn cách ứng xử khác anh Chiến,
mặc dù Hải bữa đó có rất đông đồng nghiệp cùng cơ quan trong Nam ngoài Bắc đến
chứng kiến, động viên anh. Án 2 năm tù chứ hai mươi năm, tôi nghĩ, ai chẳng biết,
chứ Nguyễn Việt Chiến của tôi coi nhẹ tựa lông hồng.
Cả Chiến và Hải đều được ra tù sớm. Thực ra nhà lao chế
độ cũng chả muốn giam giữ mấy ông loại này lâu làm gì. Càng kéo dài càng phiền
phức, chi bằng phóng thích sớm chừng nào hay chừng ấy. Cuối năm 2009, lão vào
Sài Gòn, phôn tôi ra chỗ nhà hàng đầu đường Trần Phú, Q.5 làm vại bia. Tôi tới
nơi thì lão đã yên vị rồi, tóc đen nhánh, thẳng thớm, mặt mũi hồng hào, đang cười
khơ khớ với luật sư Trần Vũ Hải. Chúng tôi chúc mừng cuộc sống đầy những bất ngờ.
Giữa đám ồn ào như chợ vỡ, tôi hét lên vào tai lão Chiến, này, các ông tướng Phạm
Xuân Quắc, thượng tá Đinh Văn Huynh phải chịu ơn anh đấy. Ai chả biết những tài
liệu ấy, nhà báo các ông nếu không được các vị ấy xì cho thì ma nào xớ rớ nổi.
Nhà thơ của tôi cười khớ khớ, nào, uống chúc mừng ông Quắc, ông Huynh.
Nguồn: Tạp chí Văn Hóa
Nghệ An