Mattie là người sớm ý thức về cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống vô cùng ngắn ngủi của cậu. Xuất phát từ thực tế này, Mattie đã trân trọng từng ngày đang sống và coi chúng như những giọt sống cuối cùng của đời mình. Bởi thế, cậu mới coi một ngày bình thường cũng là một món quà, một ân sủng của thượng đế.


CON MẮT CỦA TRÁI TIM

ĐẶNG HUY GIANG

Thật khó mà tin nổi, một quan niệm về thơ: “Thơ là trải nghiệm của tôi về bệnh tật, cái chết và sự chia lìa..., về sức mạnh, tương lai, hoà bình và rất nhiều thứ khác” lại được thốt lên từ miệng một cậu bé còn ít tuổi - Matthew J.T.Stepanek (còn được gọi là Mattie Stepanek) - người được coi là thần đồng của thơ ca Hoa Kỳ đương đại.

Nhưng đấy lại là sự thật, sự thật 100%. Và bạn có tin hay không tin thì tuỳ, nhưng dưới đây lại là bài thơ của một cậu bé dưới 14 tuổi, sống cách Hoa Kỳ một nửa vòng trái đất. Bài thơ có tên gọi “Hình dung”. Tác giả của nó là Đặng Chân Nhân - người Việt Nam. Toàn bài “Hình dung” như sau: Thử hình dung xem/ Mình là một ngọn núi/ Cao mấy nghìn mét/ trên mình đầy cây mọc/ sông chảy/ người leo/ mây phủ kín tầm nhìn/ Thử hình dung xem/ Mình là một người hành tinh khác/ không quen biết người Trái Đất/ đi trên một đĩa bay/ Thử hình dung xem/ Mình là một cái tượng/ đông cứng/ suốt đời nhìn về một hướng/ làm một động tác/ Thử hình dung xem/ Mình là một món ăn/ bị cho lên chảo nghìn độ/ bị cắn bởi vật sống/ Thử hình dung xem/ Mình đến từ tương lai/ biết hết những điều mới mẻ/ coi thời hiện đại như quá khứ/ Còn đến nghìn điều để hình dung...

Đó là cái nhìn thực tế và trí tưởng tượng của Đặng Chân Nhân, trong “Hình dung” có một khổ thơ như thế này: Thử hình dung xem.../ Mình là một cái tượng/ đông cứng/ suốt đời nhìn về một hướng/ làm một động tác... Có người đọc xong, phán đoán: Rất có thể tác giả là một cụ già 70 tuổi. Cũng có người lại nghĩ đến một “biểu tượng” khác của khổ thơ mang ý nghĩa “ám chỉ”. Đấy là nỗi khổ của người lớn, nỗi khổ của những người ưa suy diễn, quy chụp... nên khi cho phát trên sóng phát thanh, bài thơ “Hình dung” (do tác giả trực tiếp đọc) đã sợ và phải cắt béng đi khổ thơ này, trong khi người viết ra nó lại hoàn toàn trong sáng và rất tự nhiên nhi nhiên. Và chính Đặng Chân Nhân chứ không phải là ai khác, đã giải thích tứ thơ và việc làm thơ theo cách của cậu ngay khi mới tròn mười tuổi: Làm thơ không khó nếu tìm ra một chủ đề và xoay quanh chủ đề ấy.

Nêu một ví dụ như thế để thấy: Cái khoảng cách về mặt nhận thức (cũng có thể đã nằm trong ý thức hoặc vô thức) sẽ không còn cách nhau là bao giữa trẻ em của một nước phát triển và một nước đang phát triển, nếu chúng sớm tư duy mang tính chất toàn cầu và sớm có một cái nhìn phổ quát về mọi mặt.

 Thơ của Mattie hay nhắc đến thiên đường, đặc biệt là thiên thần. Dường như một cái chết được báo trước đã ám  ảnh cậu và cậu luôn ý thức về điều đó. Ít nhất ta có thể tìm thấy những dẫn chứng trong 9, 10 bài thơ của “Khúc hát trái tim” (Hữu Việt dịch và giới thiệu, Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành tháng 10/2006, tái bản 2011). Tôi còn sống sót/ Nhưng một ngày kia tôi sẽ gặp lại/ hai anh trai và một chị gái của tôi trên thiên đường (Tự bạch của tác giả); Nhưng chắc một điều mùi đó rất tuyệt/ Tuyệt đặc biệt/ như mùi của/ cánh thiên thần (“Cánh thiên thần”);  Và đó là viên kẹo/ đậm đà hương vị/ của cầu vồng và thiên thần (“Kẹo đặc biệt”); Hoặc có thể, khi chân tôi ngứa/ tôi sẽ nghĩ đến những thiên thần/ Vì họ chẳng làm ta ngứa chân/ khi ta chạm vào họ (“Khi chân tôi ngứa”); Hạnh phúc như được bay tới thiên đường khi phải chết (“Khúc hát trái tim”); Đó là khi tôi bé tí tẹo/ Nửa vời giữa một thiên thần và một vật mông muội (“Cây đèn thần”); Tất cả chúng ta cùng cầu nguyện/ để đứa trẻ thiên thần kia không bị bắt đi và Mẹ còn bảo để cho những đứa trẻ kia lên thiên đường/ trở thành thiên thần tí hon (“Bài học niềm tin”); Cái cửa sổ.../ nó nằm ngay quãng giữa/ thiên đường trên mặt đất/ và thiên đường trên trời (“Sự quan trọng của cửa sổ”); Nếu người ta tìm ra thuốc khi tôi đã lên tới thiên đường (“Tôi có thể... nếu người ta”)...

 Mattie là người sớm ý thức về cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống vô cùng ngắn ngủi của cậu. Xuất phát từ thực tế này, Mattie đã trân trọng từng ngày đang sống và coi chúng như những giọt sống cuối cùng của đời mình. Bởi thế, cậu mới coi một ngày bình thường cũng là một món quà, một ân sủng của thượng đế (“Quà ngày”). Bởi thế trong “Quà ngày”, cậu mới viết: Bạn có biết không? Mai là một ngày mới/ Và hôm nay là một ngày mới/ Thật ra/ ngày nào cũng là một ngày mới... Bởi thế trong “Bài học niềm tin”, cậu mới viết: Mỗi một ngày đơn lẻ đã là một sự diệu kỳ. Và tôi không khỏi ngạc nhiên đến ứa nước mắt khi Mattie đã phải sống trong ý nghĩ chấp nhận ngay từ khi còn nhỏ dù đó là sự chấp nhập ở tư thế thiên thần: Hạnh phúc như được bay tới thiên đường khi phải chết (“Khúc hát trái tim”).

Nhưng, cao cả thay khi Mattie lại luôn sống với cái tâm thật thánh thiện của mình và không phải chỉ để cho riêng mình hoặc chỉ để riêng cho con người: Tôi sẽ ước trên những ngôi sao tuyết đang rơi/ và sẽ gặp vận may suốt ngày, suốt đêm, suốt đời (“May mắn mùa đông”). Mattie muốn trở thành người tuyết để có đông trẻ em vây quanh (“Điều quan trọng”). Mattie không bao giờ muốn bạn mình đau (“Hoà bình”) và phải học cả Cách bất đồng mà không để ai đau (Tôi có thể... nếu người ta) hoặc Mà là những người bạn thì chẳng bao giờ làm bạn mình đau (“Hoà bình”). Mattie có niềm tin để lên đường (có thể hiểu niềm tin là hành trang để lên đường) là Mỗi ngày/ mỗi người trên thế gian/ nên làm ít nhất/ một việc tốt cho người khác (“Niềm tin để lên đường”). Mattie luôn mở lòng mình ra với thế giới bên ngoài từ “cửa sổ trái tim mình”: Cái cửa sổ đặc biệt nhất/ nằm trong trái tim mình (“Sự quan trọng của cửa sổ”). Cậu luôn cần người tốt và coi người tốt là thước đo của phẩm cách con người một cách tức khắc và hiện sinh: Ta sẽ sống ra sao.../ phụ thuộc/ chúng ta có bao nhiêu bạn chí cốt lúc này (“Lời nhắc nhở của Rebecca”). Mattie luôn yêu hoà bình, vì hoà bình. Chính vì thế mà cậu viết: Chỉ một vụ giết người đủ làm nên tội ác/ chỉ một quả bom đủ làm mọi thứ nổ tung/ Ôi, chỉ một nỗi đau thôi/ đủ để kêu trời và Ngay cả khi nói: “bắt đầu khởi chiến... đã là quá đủ (“Chỉ một”) hoặc Chúng ta không cần vũ khí làm gì (“Chỉ cần hoà bình”). Hình như duy nhất một lần và chỉ một lần thôi, Mattie nhắc đến hai từ cảnh giác trong câu Chúng ta hãy cảnh giác (“Trước cuộc viếng thăm”).

Như mọi đứa trẻ thông minh, có đầu óc sáng láng, Mattie hay phát hiện và lý giải mọi thứ theo cách của riêng mình. Điều này được thể hiện qua các bài “Ý nghĩa thật sự của giác quan”, “Cốc nước triết học”, “Điều gì sẽ xảy ra”, “Chỉ một”...

Mattie đã nhìn giác quan bằng con mắt của trái tim. Bởi thế cậu đã nhấn mạnh: Mắt sinh ra để khóc, tay sinh ra để ôm và vuốt ve dịu dàng, lưỡi và miệng sinh ra để nói những lời yêu thương (“Ý nghĩa thật sự của giác quan”).

 Mattie có cách nhìn về cốc nước thật khác lạ và tích cực trong “Cốc nước triết học” theo cách nói quen thuộc của người Mỹ. Thay vì nói: Cốc nước vơi một nửa, Mattie lại nói: Cốc nước đầy một nửa. Ở đây, tuy cách gọi tên sự vật không khác nhau về bản chất (một cốc nước có 1/2 là nước) nhưng cách gọi tên thứ hai làm cho cuộc sống có sắc màu lạc quan hơn và vận động, phát triển hơn. Một bài thơ tài tình ở chỗ thay chữ vơi một nửa bằng chữ mới đầy một nửa.

Trong số này, toàn bích và tài tình nhất là “Những cái đồng hồ”. Không hiểu sao khi đọc bài thơ này, tôi lại nhớ đến một lối dạy thông thái của thiền sư người Ấn Độ Osho (đại ý): Bạn hãy cảm nhận thời gian bằng chiếc đồng hồ không kim nhưng quan trọng là chiếc đồng hồ này vẫn chạy. Và nếu bạn làm được như thế thì bạn không còn phải lo đến cái chết nữa. Sự gặp gỡ giữa Osho và Mattie là ở tứ thơ: Tôi thích đeo nhiều đồng hồ bị chỉnh sai đi một chút, không có cái nào chạy nhanh quá, cái nào chạy chậm quá hoặc cái nào cũng đúng tăm tắp. Cái chính là chúng đang chạy. Và tôi như có tất cả thời gian trên trái đất để không bao giờ phải nghĩ đến thời khắc cuối cùng của cái chết.

 Hình như chỉ có một lần, Mattie triết lý trong thơ nhưng cũng vẫn là sự triết lý bằng “con mắt của trái tim” qua “Bài học của Micah” (tên một con chó của Mattie). Đây cũng là bài thơ ít chữ nhất (kiệm lời nhất) và thật sâu sắc:

Hãy luôn

tha thứ cho sự lãng quên

nhưng đừng bao giờ

quên

tha thứ.

 Tôi cũng đặc biệt đánh giá cao những chi tiết thơ của Mattie mang dấu ấn của một tài năng thơ đặc biệt: Đó là khi tôi bé tí tẹo/ nửa vời giữa một thiên thần/ và một vật mông muội (“Cây đèn thần”); Ai đã chơi khăm xáo trộn các mùa/ trong khi chúng ta đang ngủ (“Mùa đông người da đỏ”); Tôi đang ở giữa/ một tiếng vọng dài/ chưa nỡ bỏ tôi đi (“Tiếng vọng tương lai”)...

 Cuối cùng, xin cảm ơn thi sĩ Hữu Việt - người đã đem đến cho chúng tôi một Mattie với “tiếng vọng tâm linh”, với “tôi mãi mãi là tôi” - người luôn làm thơ “con mắt của trái tim” trong những thời khắc xuất thần và mong manh, một mất một còn nhất. Và tôi nghĩ, ở ngay trên đầu chúng ta thôi, Mattie đang nhẹ nhàng bay bằng đôi cánh thiên thần về miền ánh sáng.