Câu chuyện của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Dân: “Hôm nay, một học viên cao học nhắn tin cho tôi: “Em nhờ thầy đứng tên chung cho bài báo của em, vì tạp chí trường em yêu cầu em phải nhờ một thầy cô có học hàm học vị đứng tên cùng”. Đọc tin nhắn này tôi bị sốc nặng và trả lời ngay là tôi không bao giờ bán danh.


CHIA SẺ QUYỀN TÁC GIẢ VÀ CÂU CHUYỆN “MƯỢN DANH”

NGUYỄN VĂN DÂN

Trong lĩnh vực sáng tạo tinh thần, Luật sở hữu trí tuệ quy định “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Như vậy, tác giả là chủ thể sáng tạo; tác phẩm là sản phẩm sáng tạo của tác giả.

Trong trường hợp chủ thể sáng tạo không phải là một cá nhân mà là 2 hoặc nhiều cá nhân, thì ở đây có sự chia sẻ quyền tác giả trong nhóm chủ thể đó tuỳ theo phần đóng góp của mỗi cá nhân cho sản phẩm sáng tạo. Nhưng trên thực tế, trong lĩnh vực sáng tạo tinh thần đã có những trường hợp “mượn danh” để chia sẻ quyền tác giả.

Có 2 trường hợp mượn danh như sau:

1. Người mới vào nghề mượn danh người nổi tiếng để người đó đứng tên chung cho công trình do một mình mình viết nhằm tăng thêm uy tín cho bài viết. Trong một số trường hợp còn là để thuyết phục người duyệt bài và để cho bài báo dễ được công bố. Đây là trường hợp “chia sẻ quyền tác giả tự nguyện”.

2. Người đã có danh (thường là người thầy), đề nghị người mới vào nghề (thường là học trò) cho họ đứng tên chung để họ được cộng thêm điểm công trình, phục vụ cho con đường tiến thân khoa học của họ. Đây là trường hợp “chia sẻ quyền tác giả cưỡng bức”.

Về mặt khoa học, hai trường hợp mượn danh này đã vi phạm đạo đức khoa học. Nhưng về mặt luật pháp thì chúng không vi phạm, bởi lẽ Luật cho phép “quyền tác giả” được áp dụng đối với cả tác phẩm được “sở hữu” chứ không chỉ “sáng tạo”. Người ta có thể biện luận là: “Tôi là tác giả vì được tác giả gốc chia sẻ quyền sở hữu đối với công trình đó”.

Tuy nhiên, về mặt khoa học thì việc làm này không minh bạch. Nhưng, vì nó không vi phạm pháp luật nên nó vẫn diễn ra khá thường xuyên.

Bản thân tôi cũng đã gặp cả hai trường hợp như vậy: Một người (đã có chút tên tuổi) đề nghị đứng tên chung cho một dịch phẩm của tôi khi tôi còn đang chập chững tập dịch. Một người, sau này, khi tôi đã có chút tiếng tăm, đề nghị được đứng tên chung cho một tác phẩm dịch thuật với lý do là người đó có nhúng bút sửa lại đôi chút. Trong cả hai trường hợp tôi đều từ chối.

Song hôm nay, một học viên cao học nhắn tin cho tôi: “Em nhờ thầy đứng tên chung cho bài báo của em, vì tạp chí trường em yêu cầu em phải nhờ một thầy cô có học hàm học vị đứng tên cùng”.

Đọc tin nhắn này tôi bị sốc nặng và trả lời ngay là tôi không bao giờ bán danh. Đây không phải là “chia sẻ quyền tác giả tự nguyện”, vì đương sự không có ý định nhờ ai đứng tên cho bài báo tự mình viết ra, mà là do một cơ quan khoa học “yêu cầu”.

Họ còn nói có thể mời cả một người không cùng chuyên ngành với tác giả cũng được. Việc này thực sự là đã đi quá giới hạn, vì nó vi phạm pháp luật. Nó công khai cho phép (mà đúng ra là bắt buộc) tác giả phải chia sẻ quyền tác giả cho những người không phải là chủ thể sáng tạo cũng không phải chủ thể sở hữu đối với sản phẩm của người kia. Cái này thuộc trường hợp thứ hai: chia sẻ cưỡng bức, nhưng là cưỡng bức công khai từ phía một cơ quan có pháp nhân.

Nếu chỉ dừng lại ở việc thoả thuận ngầm giữa hai cá nhân thì đó mới chỉ là “vi phạm liêm chính khoa học”. Nhưng CÔNG KHAI yêu cầu thì là vi phạm pháp luật. Trường hợp này chỉ có thể giải thích là cơ quan khoa học đó muốn chiếm đoạt thành quả sáng tạo của học sinh để “trao tặng” cho các nhà khoa học (những người có thể là bạn bè hoặc trong nhóm lợi ích của họ), thậm chí có thể gọi nó là một hành động ăn cướp, nhưng là cướp vặt, vì nó chỉ giống như một hành động “bán danh ba đồng”.

Việc này cần phải bị lên án và ngăn chặn ngay, nếu không, nó sẽ làm ô nhiễm môi trường khoa học và huỷ hoại niềm tin cùng với lòng kính trọng của những người trẻ tuổi làm khoa học.