Cựu chiến binh Bùi Quang Lâm có cuộc hành trình ngược về ký ức thơ dại, thông qua nhân vật Nồi Đất trong cuốn sách cùng tên, vừa ra mắt sáng 21/4 tại TP.HCM.


Cựu chiến binh Bùi Quang Lâm vốn là lính bộ binh của Đại đội 12, Trung đoàn 55, Sư đoàn 303, Mặt trận 779. Cựu chiến binh Bùi Quang Lâm sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia, đã trở về TP.HCM sinh sống bằng nghề vẽ và viết.

Cựu chiến binh Bùi Quang Lâm từng có cuốn sách “Đất K” kể lại tháng ngày đứng trong hàng ngũ quân tình nguyện Việt Nam, được trao giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm 2020.

Ký ức chiến tranh không nguôi ám ảnh cựu chiến binh Bùi Quang Lâm, bởi người em ruột của ông là liệt sĩ Bùi Thanh Tùng đã hy sinh trên xứ sở chùa tháp. Giữa đời thường bề bộn, cựu chiến binh Bùi Quang Lâm vẽ tranh phong cảnh để trang trải cơm áo và nguôi ngoai tâm hồn. Thế nhưng, những kỷ niệm thời thơ dại vẫn cồn cào réo thúc trong lòng ông. Vì vậy, ông quyết định viết “Nồi Đất” để lý giải vì sao mình cầm súng và cầm bút.

Cuốn sách “Nồi Đất” ngót nghét 300 trang, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, có dáng dấp như một tự truyện của cựu chiến binh Bùi Quang Lâm. Nếu như “Đất K” là những câu chuyện Bùi Quang Lâm trải nghiệm trong khói lửa, thì “Nồi Đất” là những cơn cớ để dẫn dắt Bùi Quang Lâm chọn lựa đến “Đất K”.

17 chương của cuốn sách “Nồi Đất” xoay quanh sự lầm lũi và sự trưởng thành của cậu bé có cái tên rất lạ là Bùi Thượng Nồi Đất. Tác giả Bùi Quang Lâm cũng không thể trả lời rành mạch gốc tích Nồi Đất. Chỉ biết, cái tên như một định mệnh quăng quật và chìm nổi, quăng quật để tồn tại, chìm nổi để lớn khôn. Cách nhân vật Nồi Đất chịu đựng nghịch cảnh và cách nhân vật Nồi Đất nhẫn nại yêu thương, khiến độc giả không khỏi bùi ngùi liên hệ với thành ngữ “nồi nhôm thì mất, nồi đất thì còn”.



Trong cuốn sách “Nồi Đất”, tác giả Bùi Quang Lâm phục dựng một góc nhỏ Sài Gòn, nơi mình đã ngụp lặn cơ cực: “Quận Tư là một cù lao, chung quanh là sông nước, dân cư tứ xứ về đây sinh cơ lập nghiệp chính bằng lao động chân tay. Họa hoằng lắm mới có người trí thức sống bằng nghề dạy học, hoặc mở tiệm may nhỉ nhỏ phục vụ người lao động nghèo. Nhưng cũng ế ẩm vì mấy ai có tiền may đồ mới, chỉ vá lại đồ rách để mặc là chính. Trẻ con thì một hoặc hai năm mới được may chiếc áo hoặc quần mới chạy tung tăng”.

Thế nhưng, tại chốn trú ngụ ngỡ chừng tạm bợ và tù đọng ấy, cậu bé Nồi Đất đã được bồi đắp tinh thần tranh đấu cho tương lai. Một trong những người thắp lửa khát vọng yêu nước cho Nồi Đất là ông Ba Cang. Hạt mầm vươn tới tự do đã được gieo cấy vào ý thức Nồi Đất từ mấy lời bộc bạch của ông Ba Cang: “Tôi vào miền Nam trong đoàn phu của Pháp và chứng kiến nhiều đòn roi nô lệ từ kẻ cho mình là “mẫu quốc” trên đất An Nam. Sự miệt thị và đòn roi đẫm máu của quan thầy Pháp không làm người Việt cùng khổ phải cúi đầu. Họ quên mất sự thông minh và dòng máu kiêu hùng quả cảm luôn cháy bỏng trong trái tim người Việt”.

Sự túng thiếu đeo bám suốt tuổi thơ nhọc nhằn của Nồi Đất, nhưng không làm Nồi Đất sợ hãi và bế tắc. Nồi Đất muốn được dự phần vào sự thay đổi của xã hội. Nồi Đất muốn cống hiến thanh xuân cho Tổ quốc. Vì vậy, năm 18 tuổi, Nồi Đất đăng ký ra mặt trận biên giới Tây Nam và giúp đỡ người dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot.  

Cuốn sách “Nồi Đất” kết cấu theo trình tự thời gian đi qua của nhân vật Nồi Đất. Cựu chiến binh Bùi Quang Lâm dùng lối kể mộc mạc và chân thành. Những con người đã gặp, những địa danh đã đến, như những mảnh ghép bồn chồn và xa vắng.

Ở tuổi 62, tác giả Bùi Quang Lâm ngoảnh lại quá khứ, không chỉ để an ủi bản thân đã tận tụy với cuộc đời, mà còn chia sẻ với người khác giá trị của đức tin cao đẹp và hạnh phúc bình dị.  

                             TUY HÒA