Đạo văn trở nên phổ biến vì kẻ đạo văn đủ tinh khôn để nhận ra người Việt Nam bây giờ rất ngại đọc. Sao chép một đoạn văn hay sao chép một trang sách, được xem như một sự tiện tay, có món hàng tạm hài lòng lọt vào tầm mắt thì cầm lấy luôn cho công việc đang làm thêm phần thuận lợi


Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Đạo văn phần nào phản ánh lối sống cơ hội và chụp giật

@ Nhà văn khi sáng ra tác phẩm văn chương luôn muốn có nhiều người đọc, người đồng cảm và chia sẻ, tác phẩm càng bán chạy, càng được nhiều người đọc thì càng chứng tỏ được “phẩm hàm” của nhà văn. Vậy có thể nói rằng, đạo văn là một trong những hành động ăn cắp dễ bị phát hiện nhất. Ông có thấy như thế không?

Lê Thiếu Nhơn: Bằng chút ít kinh nghiệm bản thân, tôi thấy rằng, trường hợp đạo văn lại rơi vào những tác phẩm không bán chạy. Hầu như tôi chưa từng thấy tác phẩm in vài ngàn bản trở lên nào mà tác giả lại đạo văn. Ngược lại, tác phẩm bị phát hiện đạo văn thường in vài trăm bản và phát hành theo kênh khá bí mật. Nói chung, tác phẩm đạo văn trực tiếp phơi bày phẩm chất nghiệp dư của tác giả, trong mắt các đồng nghiệp.

@ Vậy sao người ta vẫn “dại dột” đi đạo văn?

Lê Thiếu Nhơn: Có nhiều lý do để đạo văn, có cả yếu tố danh hão và yếu tố lợi còm. Tuy nhiên, theo tôi, phần lớn đạo văn đều xuất phát từ những phút giây bốc đồng, muốn nhanh chóng có tác phẩm nhưng lại ái ngại phi trải qua dặm dài suy tư và sáng tạo. Đấy là sự “lóe sáng” kỳ lạ của lòng tham con người.

@ Theo ông người ta đạo văn để làm gì?

Lê Thiếu Nhơn: Người ta đạo văn để thỏa mãn ham muốn nhất thời về sự sở hữu tác phẩm. Tôi nghĩ, có khi chính kẻ đạo văn cũng không thể rành mạch về mục đích của hành vi đạo văn. Vì có đoạn văn hoặc câu thơ được “đạo” khá tầm thường, chứ không phải xuất sắc lắm. Thật trớ trêu, khi kẻ đạo văn có tâm lý an ủi đáng sợ là, chính mình còn không đọc lại tác phẩm thì chẳng bạn đọc nào quan tâm đâu!

@ Và hình như ở Việt Nam ta tình trạng đạo văn xẩy ra nhiều hơn ở các nước khác, bởi hình như không có năm nào là văn đàn không “dậy sóng” về những vụ đạo văn.

Lê Thiếu Nhơn: Đạo văn trở nên phổ biến vì kẻ đạo văn đủ tinh khôn để nhận ra người Việt Nam bây giờ rất ngại đọc. Sao chép một đoạn văn hay sao chép một trang sách, được xem như một sự tiện tay, có món hàng tạm hài lòng lọt vào tầm mắt thì cầm lấy luôn cho công việc đang làm thêm phần thuận lợi. Đạo văn phần nào phản ánh lối sống cơ hội và chụp giật của thị dân hôm nay.  

@ Các cuộc thi văn chương phải tổ chức như thế nào để nâng cao chất lượng và giảm thiểu được tình trạng đạo văn?

Lê Thiếu Nhơn: Muốn giảm thiểu đạo văn thì chỉ có cách tăng tính công khai tác phẩm ứng thí. Ban giám khảo dù có ba đầu sáu tay, cũng không thể đọc hết hàng triệu trang sách và trang báo được in hàng năm, chưa kể còn có bao nhiêu công trình nghiên cứu khác. Hiện nay, độc giả chỉ thực sự sâu sát với lĩnh vực của họ đang theo đuổi, nên một tác phẩm đạo văn viết về nghề y thì giới văn chương chưa chắc tinh ý phát hiện bằng giới bác sĩ. Cộng hưởng sự liêm chính của xã hội thì may ra mới có sự liêm chính trong học thuật, liêm chính trong văn chương. 

@ Nên xử lý thế nào đối với tội danh “đạo văn”?

Lê Thiếu Nhơn: Tội danh đạo văn không bị xử lý hình sự, nhưng lại gây tổn thương không nhỏ cho công chúng. Xử lý đạo văn, trước hết cần sự nghiêm khắc của những cơ quan chuyên môn, sau đó phải hy vọng vào sự tự trọng của kẻ đạo văn. Khi bị phát hiện sao chép gần như nguyên xi bài thơ của người khác, mà kẻ đạo văn vẫn dương dương “tôi viết trước in sau” thì hết thuốc chữa. Bởi lẽ, khi ấy “đạo văn” đã thành “đạo tặc”.

 

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An