Nhờ có vốn sống vô cùng phong phú của một chủ doanh nghiệp, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã có trong tay kho báu để không phải đi tìm tư liệu, nó có sẵn trong đầu anh, chỉ cần tưởng tượng giỏi, hư cấu thêm cho các nhân vật nổi bật tính cách... là có thể “cào” bàn phím ào ào.


VÙNG VĂN HỌC TRONG CÕI NHÂN GIAN

ọc “Cõi nhân gian” của Nguyễn Phúc Lộc Thành - NXB Hội Nhà văn 2022)

NGUYỄN TRƯỜNG

Thường nhà văn có một vùng văn học của mình, có khi đó là miền cao với các dân tộc ít người; đó là quê hương mình; vùng trung du Bắc bộ; vùng bán sơn địa; vùng đất Nam bộ; vùng Tây Nguyên....Có khi vùng văn học thuộc chiều thời gian, đó là năm tháng tác giả can dự vào cuộc chiến tranh hoặc thời kỳ là doanh nhân...

Vùng văn học cho tác giả “đặc quyền” khai thác vốn sống của mình để sáng tác, nó vô cùng quan trọng với nhà văn, vì chỉ khi có vốn sống, nhà văn mới có chuyện mà kể, có “đất” mà tưởng tưởng, để rồi xây dựng hình tượng nhân vật văn học...

tiểu thuyết “Cõi nhân gian 8 tập, dày tổng cộng gần 2000 trang khổ lớn được “sinh ra” trong vùng vùng văn học thời nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành từng trải trong môi trường kinh doanh. Khi học ở Liên Xô về, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã viết tiểu thuyết Cõi nhân gian dày khoảng hơn 300 trang, xuất bản năm 1993, gây được dư luận một thời. Nếu hồi đó tác giả có muốn viết thêm thì cũng chẳng thể thành bộ trường thiên tiểu thuyết 8 tập như bây giờ.

Nguyễn Phúc Lộc Thành lao vào công cuộc kinh doanh, anh làm chủ tịch tập đoàn taxi tải Thành Hưng, và khách sạn lớn ở ngoại thành. Công ty làm ăn phát đạt, mở rộng chi nhánh vào Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ.... Rồi anh tham gia vào sản xuất phân phối rượu vang trên Đà Lạt, miền Trung... Tất cả vốn sống về quản lý doanh nghiệp, về ô tô, về khách sạn, về rượu vang... kể cả cái tên hàng taxi tải Thành Lương trong tác phẩm cũng na ná hãng Taxi tải Thành Hưng ngoài đời. Mặc dù trả lời phỏng vấn đài VOV, anh khẳng định, trong tác phẩm Cõi nhân gian, phần hư cấu đến 90%, nhưng tôi tin rằng, nếu không có hơn 20 năm “ vào đời” trong môi trường kinh doanh nói trên, tôi đoan chắc tác giả không thể dựng nên một “Cõi nhân gian” 7 tập tiếp theo ngồn ngộn vốn sống như thế.

Nhờ có vốn sống vô cùng phong phú của một chủ doanh nghiệp, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã có trong tay kho báu để không phải đi tìm tư liệu, nó có sẵn trong đầu anh, chỉ cần tưởng tượng giỏi, hư cấu thêm cho các nhân vật nổi bật tính cách... là có thể “cào” bàn phím ào ào. Ta không hề ngạc nhiên khi trong vòng 5 tháng trời, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã viết xong 7 tập tiểu thuyết gần 2000 trang khổ lớn.

Cũng nhờ vốn sống của một người lăn lộn trong thương trường, tác giả từng gặp nhiều đối thủ hết sức cao tay, đã từng vào ra các cửa quan lớn nhỏ, biết hết các mánh khóe trên thương trường, dù không có tiếng súng nhưng cực kỳ nguy hiểm, nếu non tay, nếu yếu mềm, nếu sai lầm có khi phải trả giá, nhẹ thì thua lỗ, phá sản, nặng thì vào tù, bị thủ tiêu... Bởi vậy trường thiên tiểu thuyết Cõi nhân gian vô cùng hấp dẫn. Nhiều nhân vật là nút thắt trong câu chuyện đang làm độc giả hồi hộp đến nghẹt thở thì tác giả bất ngờ cởi nút, nhân vật chết, chết nhưng không hết chuyện, một nút thắt mới lại hình thành, lại cuốn hút người đọc say mê đến quên ăn, quên ngủ. Cứ thế, kéo dài đến hết 8 tập.

Thành công trong cuốn tiểu thuyết này là ở xây dựng nhân vật. Nhân vật Yên, Chủ tịch liên thành phố, một quái nhân, bề ngoài thật lịch lãm, sạch sẽ, từng trải, có học, như là tinh hoa của xã hội, nhưng mặt trái là một người lọc lõi, nham hiểm, sống sa đọa, coi chức vụ, tiền tài là mục tiêu, là lẽ sống, nên sẵn sàng ra tay với bất cứ ai cản trở con đường tiến thân của mình. Nhân vật Sinh, một trí thức nhưng tâm địa đen tối, nhúng tay vào tội ác kinh khủng.

Nhân vật chính tên Hương, xưng tôi, ngôi thứ nhất trong thiên truyện, học ở Liên Xô về, với tấm bằng phó tiến sĩ, thẻ đảng viên, sống lơ ngơ trong dòng chảy đời sống đang rất thực dụng, đạo đức xã hội đang xuống cấp. Anh vẫn giữ được thiên lương, vẫn yêu quý con người, lấy tình thương và lòng trung thực làm lẽ sống. Theo năm tháng, theo sự biến chuyển của thời cuộc và theo dòng thời gian của truyện, đần dần Hương cũng biến đổi theo, mỗi lần mắc sai lầm, Hương lại tự vấn, tự sám hối mình, tự hứa sẽ từ bỏ sai lầm đó. Nhưng cũng như cô Kiều của Nguyễn Du, muốn thoát ra khỏi chốn bùn nhơ, càng cựa quậy, càng muốn thoát thì càng dấn sâu vào lỗi lầm, cứ như “ma đưa lối quỷ đem đường”. Nhưng mỗi lần như thế, nhân vật Hương càng trưởng thành hơn.

Đó cũng là bài học vào đời của Hương, bởi thế ta không ngạc nhiên trong tiểu thuyết có 159 chương, mỗi chương đều có tên là Vào đời. Điểm sáng của cuốn tiểu thuyết tưởng như mô tả một xã hội đầy u ám, đầy bon chen, lọc lừa đối trá, tiêu cực, nhân vật chính vẫn hướng thiện, vẫn giữ cho được sự thiên lương. Các nhân vật như ông Tám, bà Tám, cô Hoan, bà Hiền... họ có nhiều mặt tốt, nhưng cũng có mặt chưa tốt. Hình như Nguyễn Phúc Lộc Thành muốn xây dựng nhân vật không cố định một chiều, xấu hẳn, tốt là tốt hẳn.

Đúng thế, con người không ai là xấu hẳn, mà cũng khó có người tốt hoàn toàn. Ở góc độ này, họ là người tốt, mà ở góc độ kia họ lại là người xấu. Tác giả đều hướng các nhân vật đến cái thiện, đấu tranh với cái ác, tỏ thái độ với cái ác bằng cách cho kẻ thủ ác phải trả giá, phải thất bại hoặc bị trừng trị. Trong cuộc đời sáng tác của nhà văn, giữ cho được một nhân vật để độc giả nhớ tên, thành điển hình cho một tuýp người như Sở Khanh, Tú Bà, Từ Hải... trong Truyện Kiều của nguyễn Du khó lắm thay. Nhà văn nặn dựng nên nhân vật, nhưng nếu viết giỏi chính nhân vật lại dựng nên tầm vóc nhà văn. Trong Cõi nhân gian của Nguyễn Phúc Lộc Thành ta có thể nhớ được rất nhiều nhân vật như tiến sĩ Hương, ông Yên, bà Tám, Hoan... Chưa biết người đời còn nhớ được những nhân vật nay bao lâu, thôi hãy đợi thời gian trả lời.



Cuốn tiểu thuyết đề cập đến rất nhiều tiêu cực trong xã hội, từ môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân đến nhà nước, tác giả còn cho nhân vật chính tham gia cả trong lĩnh vực chính trị. Hương làm phó giám đốc một sở về văn hóa ở Hà Nội chính là để tác giả có “đất’’ phản ánh những mặt trái của cơ chế nhà nước ta. Trong đó người ta dùng tiền chạy chức chạy quyền, địa vị chỉ là “lưỡi hái” để quan nhà ta “gặt hái” những mùa bội thu do tham nhũng, do cơ chế tạo cho họ tham những. Đi đến đâu cũng phải phong bì. Nếu như ngày xưa gặp nhau “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì ngày nay, gặp nhau, phong bì là đầu câu chuyện. Đến nỗi phó giám đốc sở Hương, không tham, không coi trọng đồng tiền, chỉ giải quyết công việc mà mình giao phó, không ép ai phải hối lộ, ấy thế mà mới có mấy tháng nhậm chức, ngăn bàn anh đã đầy nhóc phong bì, có lần bí tiền anh mở ra đếm có gần tỷ rưỡi đồng.

Còn cấp cao hơn ở trên thành phố, ở trung ương hầu như đều có sân sau các doanh nghiệp, họ đều giàu, giàu đến không biết tiền để làm gì, mỗi lần các doanh nghiệp gặp mặt họ là bao thư hàng trăm ngàn đô la, là đồng Thụy Sĩ gắn kim cương, là bì thư chứa chìa khóa căn hộ, là giấy chứng nhận xe hơi hạng sang...

Tác giả muốn gửi đến thông điệp báo động về một cơ chế của chúng ta đã lạc hậu, văn hóa đã xuống cấp trầm trọng, cần phải thay đổi tận gốc rễ mới có thể cứu vãn được. Kỳ lạ thay tác giả mô tả nó như nó vốn thế, không lên gân, không bới móc, không hằn học, tất cả cũng vì cái tâm trong sáng, muốn xã hội ta thay đổi để đất nước tốt lên, tươi sáng lên của một người nặng lòng vì quê hương đất nước. Đó cũng là cái tài nầng lên tầm nghệ thuật của tác giả Cõi nhân gian”.