Nhà văn – nhà báo Nguyễn Phương Liên có nhiều cơ hội tiếp xúc với giới thượng lưu và chị đã khéo léo đưa những quan sát của mình vào tập truyện ngắn “Họa tình”. Đây là một sự khám phá mang lại nhiều ngạc nhiên và suy tư cho công chúng.


Nhà văn Nguyễn Phương Liên đã đến với công việc sáng tác từ khi còn là học sinh chuyên văn ở Nam Định. Nhà văn Nguyễn Phương Liên có số lượng truyện ngắn xuất hiện không nhiều, vì chị còn chia sẻ quỹ thời gian của mình cho nghề làm báo và viết phê bình mỹ thuật. Từng có cuốn sách “Đồng hành với Đẹp” nhận giải thưởng của Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương năm 2019, chị chia sẻ: “Nếu một tác phẩm văn học, một bộ phim, vở kịch hay bài hát có thể cho người ta ít nhiều hiểu được, sẽ thích hay không thích bởi những biểu đạt khá rõ ràng bằng ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, nhạc điệu… thì với mỹ thuật, có những bức tranh chỉ là vài nét chấm phá, nguệch ngoạc như trẻ con nghịch màu hay những khối đá điêu khắc không rõ hình thù mà thực ra lại giàu biểu tượng, ý nghĩa… Cái khó của mỹ thuật chính là điều khiến tôi muốn dấn thân ngoài văn chương vốn đã quen thuộc với mình. Cũng giống như văn học, báo chí, mỹ thuật và kiến trúc rất cần có thực tế, đòi hỏi phải hòa mình với đời sống nghệ thuật trong và ngoài nước, luôn đặt ra những câu hỏi và đi tìm lời giải đáp để hiểu về xu thế chung, những giá trị cũ- mới và cả những bất cập trong hoạt động mỹ thuật. Tôi tự hào từng đặt chân đến nhiều quốc gia, những thánh đường nghệ thuật, thủ đô lớn hiện đại trên thế giới như Paris (Pháp), Roma (Ý), London (Anh), Washington DC (Mỹ)… chiêm ngưỡng vô số tác phẩm, công trình mỹ thuật, kiến trúc tuyệt tác của nhân loại để làm giàu thêm hiểu biết và nhìn nhận lại về mỹ thuật Việt Nam

Nhà văn Nguyễn Phương Liên đang giữ vai trò Trưởng cơ quan đại diện báo Nhân Dân tại đồng bằng sông Cửu Long, hàm Vụ trưởng. Sau hai tập truyện ngắn “Ngôi nhà cát trắng” và “Đối thoại chiều” ra mắt đã lâu, chị mới có thêm tập truyện ngắn “Họa tình” do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành. Ở tuổi 50, nhà văn Nguyễn Phương Liên đã có đủ những trải nghiệm thú vị để viết lại những câu chuyện cuộc sống xung quanh mình một cách hấp dẫn. Trong tập truyện ngắn “Họa tình”, nhà văn Nguyễn Phương Liên chứng tỏ được thế mạnh quan sát về sinh hoạt của giới thượng lưu.

Giới thượng lưu cụ thể là đây là những người có chức vụ, những nghệ sĩ thành đạt, những gia đình giàu sang... Không gian quen thuộc của giới thượng lưu là những ngôi biệt thự xa hoa, những tiệc tùng xa xỉ, những chuyến du lịch nước ngoài và những yêu đương vừa lãng mạn vừa toan tính... Văn chương Việt Nam hiện đại hầu như hiếm hoi tác phẩm phản ánh giới thượng lưu. Vì sao như vậy? Vì những người cầm bút chẳng mấy khi có điều kiện tiếp xúc và thấu hiểu những đối tượng ấy, mà nếu chỉ dùng trí tưởng tượng để thêu dệt thì e chừng tác phẩm sẽ nhạt nhẽo và khiên cưỡng. (Ngược lại, những người đang hưởng thụ nhung lụa phú quý thì chẳng hào hứng gì với cái thú sáng tác mệt mỏi và phức tạp).

Nhà văn Nguyễn Phương Liên dường như may mắn hơn các đồng nghiệp viết lách. Chị có nhiều cơ hội được dự phần vào giới thượng lưu và chắc lọc được nhiều chi tiết đắt giá. 12 truyện ngắn trong “Họa tình”, đã có quá nửa đề cập đến giới thượng lưu. Ở đó là một khung trời khác hẳn, có kẻ vung tay tiêu tiền thỏa thích, có cuộc hẹn hò mây mưa bí mật, có sự trả giá phô diễn quyền uy, có cái bắt tay thỏa hiệp gian trá, và có cả bi kịch riêng tư đầy u uất.



Nhà văn Nguyễn Phương Liên thổ lộ về truyện ngắn được chọn làm tên cho cuốn sách: “Ranh giới giữa đỉnh cao và vực sâu có lúc thật mong manh. “Họa tình” là câu chuyện hoàn toàn có thật. Và cuộc đời thường đắng cay hơn nhiều lần trang sách”. Truyện ngắn “Họa tình” viết về quan hệ giữa cô họa sĩ trẻ Khuê đang theo chương trình cao học mỹ thuật, với tiến sĩ Phàn trực tiếp làm “tiên sinh” trên bục giảng. Từ sự ngưỡng mộ tài năng và nhân cách, Khuê đã yêu Phàn, bất chấp khoảng cách tuổi tác và bất chấp sự tồn tại của người vợ Phàn. Cuộc tình ngoài luồng dây dưa đã kết thúc bẽ bàng, khi Khuê phát hiện Phàn chiếm đoạt nhiều bức tranh của cô để làm triển lãm cá nhân “Vọng xưa” nhằm khẳng định đẳng cấp nghề nghiệp. Cái mặt nạ đạo mạo rớt xuống khỏi khuôn mặt hãnh tiến của Phàn, khiến Khuê nhận ra rằng lòng tham lam và sự giả tạo vẫn lẩn khuất trong những kẻ được xưng tụng tinh hoa cộng đồng. Khuê hiểu rằng, mình không thể và không nên thuộc về chốn thị phi kia: “Đêm ấy, cô đốt hết những gì mình có. Hơn 300 bức tranh vẽ ròng rã gần chục năm qua, khi ở bên Phàn, lúc một mình cặm cụi nhớ thương. Những máu thịt cô lặng thầm trau chuốt, nâng niu cất giữ với bao tâm sức một đời, định có ngày triển lãm riêng, hiến dâng cho cuộc đời lễ vật thiêng liêng của tình yêu và nghệ thuật”.

Giới thượng lưu được mô tả trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Phương Liên khá sinh động. Ngay cả tuyến nhân vật phụ cũng được khắc họa đáng nhớ, như phu nhân của quan chức Hưng trong truyện ngắn “Để gió cuốn trôi” đanh thép dằn mặt tình địch, như vũ nữ Thanh Tân trong truyện ngắn “Sương khói ngày xanh” loay hoay khước từ cám dỗ vật chất ở quán bar Thiên Thai. Đọc “Họa tình” của nhà văn Nguyễn Phương Liên, công chúng không chỉ có thêm góc nhìn về xã hội danh lợi, mà còn thấm thía nỗi nhọc nhằn của những con người kiên trì gìn giữ sự lương thiện. Độc giả chắc chắn cảm thông cho siêu mẫu Thương lỡ lầm trong truyện ngắn “Cát-xê của VIP” và độc giả chắc chắn cũng xót xa cho cô gái nghèo ê chề trước hào môn của chồng sắp cưới trong truyện ngắn “Vỡ”.

Để lại dư vị nhiều nhất khi đọc trọn vẹn “Họa tình” gần 200 trang in, có lẽ là truyện ngắn “Như bóng người xưa”. Chàng trai Luân có bề ngoài khôi ngô nhưng gia cảnh bần hàn phải đi bán hoa dạo, đã phải lòng nàng tiểu thư hỏi mua thạch thảo tím. Làm gì có phép màu cho Luân đến với mỹ nhân lầu son gác tía, nhưng Luân mang theo hình bóng kia suốt nhiều năm. Rồi Luân lên phố làm nghề mát-xa chân chuyên phục vụ các quý bà, và run rủi có ngày gặp lại người trong mộng. Không thể nguôi ngoai cảm xúc tương tư đẹp đẽ ấy, Luân quyết định quay về làng phụ mẹ trồng hoa. Luân trồng thạch thảo tím cho riêng mình, cho một trái tim trong sáng đứng ngoài giới thượng lưu.   

                                                  LÊ THIẾU NHƠN