Trong làng văn, thỉnh thoảng tôi vẫn được thu thập được một vài chuyện chỉ mới nghe nói thôi, mà đã có nhà văn, nhà thơ đã tin. Rồi từ những căn cứ hết sức vu vơ đó mà tự dưng mất bạn mất bè.


TỪ CHUYỆN NỒI CƠM CỦA KHỔNG TỬ

ĐẶNG HUY GIANG

Trong “Cổ học tinh hoa”, có một chuyện rất hay, mang hàm ý sâu sắc. được lưu truyền đến tận bây giờ. Đó là “Chuyện nồi cơm của Khổng Tử”.

  Nội dung vắn tắt như sau:

  “Một lần, Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử.

 Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát…   

May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo … Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm…

Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.

Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống … thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi từ từ đưa cơm lên miệng …

 Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài … ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”

Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về … Nhan Hồi lại luộc rau … Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ …

Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.

Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …

Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy … cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?

Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”

Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”

Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”. Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”

Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em … Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”

Vậy mà lâu nay, trong làng văn, thỉnh thoảng tôi vẫn được thu thập được một vài chuyện chỉ mới nghe nói thôi, mà đã có nhà văn, nhà thơ đã tin. Rồi từ những căn cứ hết sức vu vơ đó mà tự dưng mất bạn mất bè.

Cách nay mấy năm, một lần đi công tác ở miền trung, tôi có hỏi một nữ nhà thơ có tiếng: “Em quý chị và quý cả nhà thơ L. Em thấy cả hai người đều đáng trân trọng về tài năng và đức độ. Vào đây, qua bè bạn, em mới biết chị và nhà thơ L. không chấp nhận nhau. Vậy là do đâu, hở chị?” Nữ nhà thơ có tiếng cười: “Có gì đâu, chẳng qua là có người bảo: Mình chê thơ anh L. không hay. Thơ làm như thế thì đơn giản quá! Nhưng trên thực tế thì có phải như vậy đâu! Thế rồi anh L. giận mình, rồi kiên quyết không gặp mặt mình nữa. Đầu đuôi chuyện này, chỉ có thế thôi!”

Một chuyện khác. Mới hè năm ngoái thôi, khi đi nghỉ mát ở một thành phố cảng, khi tôi định đến trụ sở của hội văn học nghệ thuật thăm nhà văn Đ. thì nhà thơ H. ngăn lại. Nhà thơ H. bảo: “Chớ đến. Ông đến bây giờ thì không hay đâu. Vừa rồi, tôi thấy nhà văn V. nói nhỏ với tôi: Đừng để ông G. đến gặp ông Đ. nhé. Ông Đ. đang giận ông G. vì nghe có người nói: Các tác phẩm của ông Đ. bị ông G. chê là “cận văn học” và “á văn chương”, tức là chỉ na ná hoặc giống văn chương mà thôi!”

 -  Em có bao giờ nói thế đâu? Em vẫn quý anh Đ. và văn chương của anh ấy mà!

 -  Nhưng…có người lại nói thế và chuyện cậu nói mà có người nói thế lại đến tai nhà văn Đ. rồi.

- Và nhà văn Đ. đã tin…?

- Chứ còn sao nữa. Tốt nhất là cậu đừng có đến gặp nhà văn Đ. nữa.

Qua hai chuyện nho nhỏ này mới thấy: Trong làng văn, thỉnh thoảng vẫn có một vài nhà văn, nhà thơ rất dễ nổi nóng, rất dễ mất bạn vì một lý do chưa xác định và chưa được kiểm chứng.

1% miếng bánh, có thể vẫn là miếng bánh. Đấy là hiện tượng thuộc về tự nhiên. Nhưng 99% sự thật, có khi chưa hẳn là sự thật. Đấy là hiện tượng thuộc về xã hội. Trong thơ, B. Brecht – nhà thơ lớn nửa đầu thế kỷ 20 người Đức từng giúp người đọc phân biệt sự khác nhau giữa tất yếu tự nhiên và tất yếu xã hội qua bài thơ “Nếu hòn sỏi nói”:

Khi bạn tung hòn sỏi lên trời

hòn sỏi nói tôi sẽ rơi xuống đất

bạn tin hòn sỏi kia nói thật

Nếu có ai ném bạn xuống nước

chắc chắn bạn sẽ bị ướt

Nếu có cô gái viết thư và hẹn giờ đến gặp

 thì bạn chớ vội vàng tin

 vì đó không phải là tất yếu của tự nhiên.