Năm 10 tuổi, Nguyễn Bính đã rời Nam Định lên Hà Nội sinh sống. Những năm đầu thập niên 40, Nguyễn Bính đã nhiều lần lưu lạc vào miền Nam (thời gian này ông lấy tên thật là Nguyễn Bính Thuyết).


NGUYỄN BÍNH – THI SĨ GIANG HỒ CÓ HẠNG

ĐẶNG HUY GIANG

Lâu nay, người ta vẫn coi Nguyễn Bính là một nhà thơ chân quê. Chất chân quê thấm vào ông một cách tự nhiên và được bộc lộ rất rõ qua nhiều bài thơ in trong nhiều tập thơ: “Lỡ bước sang ngang”, “Tâm hồn tôi”, “Hương cố nhân”, “Một nghìn cửa sổ”, “Người con gái ở lầu hoa”, “Mười hai bến nước”, “Mây Tần”, “Ông lão mài gươm”, “Đồng Tháp Mười”, “Trả ta về”, “Gửi người vợ miền Nam”… Và khi nhắc đến nhà thơ chân quê này, người ta không thể quên bốn câu thơ bộc lộ rất rõ cái chất vốn có của ông: Hoa chanh nở giữa vườn chanh/Thày u mình với chúng mình chân quê/ Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

Có lẽ vì quyết giữ chân quê nên Nguyễn Bính thích được là “hoa chanh nở giữa vườn chanh” và lo sợ mất chân quê nên Nguyễn Bính mới sinh ra lo lắng khi thấy một người con gái quê ra tỉnh, khi từ tỉnh (thành thị) trở về quê (nông thôn) đã mất đi ít nhiều “hương đồng gió nội”.

Tâm lý này không chỉ có ở Nguyễn Bính. Xa xưa hơn, chính Trần Tế Xương đã từng lo lắng khi thấy thành thị bắt đầu xâm nhập nông thôn. Chính vì thế mà Trần Tế Xương mới than thở: “Có đất nào như đất ấy không/ Phố phường tiếp giáp với bờ sông”.

Theo tôi, người bắt được mạch của Nguyễn Bính sớm hơn cả chính là Hoài Thanh và Hoài Chân. Ngay từ năm 1941 của thế kỷ trước, trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết: “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm ruộng và cuộc đời bình dị của người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy nghìn năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta. Nhưng – khôn hay dại – chúng ta ngày một lìa xa nề nếp cũ, để hòng đi tới chỗ mà ta gọi là văn minh. Dầu sao, những tính tình tư tưởng ta hấp thụ ở học đường cám dỗ ta, những cái phiền phức của cuộc đời mới lôi cuốn ta, nên ở mỗi chúng ta, người nhà quê kia vốn khiêm tốn và hiền lành, ít có dịp xuất đầu lộ diện. Đến nỗi có lúc ta tưởng chàng đã chết rồi. Ở Nguyễn Bính thì không thể. Người nhà quê của Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường. Tôi muốn nói Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm. Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong ta. Ta bỗng thấy vườn cau bụi chuối là hoàn toàn tự nhiên của ta và những tính tình đơn giản của dân quê là những tính tình căn bản của ta”.

Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh và Hoài Chân đã dành 9 trang để giới thiệu Nguyễn Bính cùng 8 bài thơ của ông, xếp ông ngang hàng với Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Yến Lan, Vũ Hoàng Chương… Đó là các bài: “Tương tư”, “Hai lòng”, “Giấc mơ anh lái đò”, “Lẳng lơ”, “Quan trạng”, “Xa cách”, “Người hàng xóm” và “Xuân về”.

Trong 9 bài thơ này, chúng ta dễ dàng trích được những câu thơ đáng nhớ của Nguyễn Bính. Đây là hai câu gọi tên tương tư trong “Tương tư”: Gió mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng. Đây là 4 câu thơ gọi tên được cách thể hiện tình yêu của một trai làng với một gái làng trong “Xa cách”: Nhà em cách bốn quả đồi/ Cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng/ Nhà em xa cách quá chừng/ Em van anh đấy, anh đừng thương em. Đây là bốn câu thơ gọi tên mùa xuân vừa thanh bình, vừa hữu tình, vừa mang một vẻ đẹp truyền thống trong “Xuân về”: Trên đường cát mịn, một đôi cô/ Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội mùa/ Gậy trúc dắt bà già tóc bạc/ Lần lần tràng hạt niệm nam vô.

Có lẽ trong cuộc đời làm thơ của mình, Nguyễn Bính chỉ có duy nhất một lần đi ra ngoài chất chân quê của mình. Ấy là lần ông là cán bộ tuyên truyền ở khu 8. Khi ấy, ông đã sáng tác một bài thơ mang chất tráng ca có tên là “Tiểu đoàn 307”. Bài thơ đã đăng trên báo Tổ quốc – khu 8 vào cuối năm 1949. Bài thơ có những câu: Ai đã từng đi qua Cửu Long giang/ Cửu Long giang sóng trào nước xoáy/ Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn/ Tiếng tiểu đoàn 307/ Lẻ bảy, tiểu đoàn lẻ bảy/ Kể từ buổi ấy, đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy… Sau khi bài thơ xuất hiện trên báo không lâu, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí đã phổ nhạc phỏng theo thơ của Nguyễn Bính thành một bài hát cùng tên. Đến tối 1/10/1950, lần đầu tiên, bài hát “Tiểu đoàn 307” đã được phát sóng trên Đài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến do Tổ quân nhạc Khu 8 trực tiếp biểu diễn.

 Nhưng Nguyễn Bính không chỉ có thế. Nguyễn Bính còn là một thi sĩ giang hồ có hạng. Năm 10 tuổi, Nguyễn Bính đã rời Nam Định lên Hà Nội sinh sống. Những năm đầu thập niên 40, Nguyễn Bính đã nhiều lần lưu lạc vào miền Nam (thời gian này ông lấy tên thật là Nguyễn Bính Thuyết). Năm 1943, Nguyễn Bính vào miền Nam lần thứ ba và đã gặp hai nhà thơ: Đông Hồ, Kiên Giang. Có lúc ông đã cư ngụ trong nhà Kiên Giang. Trong thời gian này, ông đã viết “Hành phương Nam”, “Tặng Kiên Giang”, “Từ độ về đây”. Trong bài “Từ độ về đây” viết năm 1943, có những câu đáng lưu ý:

Từ độ về đây sống rất nghèo

Bạn bè chỉ có gió trăng theo

Những thằng bất nghĩa xin đừng tới

Hãy để thềm ta xanh sắc rêu.

Từ 1947, dấu chân giang hồ của Nguyễn Bính đã in nhiều nơi trên đất phương Nam cho đến khi ông tập kết ra Bắc vào năm 1954.

Trong những câu thơ mang chất giang hồ, Nguyễn Bính có một câu đặc sắc: Một mình làm cả cuộc phân ly. Thông thường, đã nói đến phân ly thì ít nhất phải có hai người hoặc phải có kẻ ở người đi. Nhưng Nguyễn Bính đã vượt lên cái thông thường, cái quen thuộc để tự phân ly. Có thể ông đã phân ly với một vùng đất, với một giai đoạn, với những kỷ niệm… Có thể ông đã quen thói “vẫy vùng” từ thuở nào thuở nào. Câu Một mình làm cả cuộc phân ly được trích từ bài thơ “Những bóng người trên sân ga” được ông sáng tác tại Hà Nội năm 1937.

Năm 1955 đến năm 1957, Nguyễn Bính ở Hà Nội. Từ 1958 cho đến khi tư giã cõi đời (1966), ông trở về sinh sống và làm việc ở cố hương. Trong khoảng thời gian này, Nguyễn Bính chấm dứt cuộc đời giang hồ. Tuy vậy, ông vẫn giang hồ trong tâm tưởng khi để hồn mình lưu lạc cùng một người vợ còn đang sống ở miền Nam. Trong “Đêm sao sáng”, Nguyễn Bính viết:

Đêm hiện dần lên những chấm sao

Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao

Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh

Ai biết cầu Ô ở chỗ nào?

 

Tìm mũ thần nông chẳng thấy đâu

Thấy con vịt lội giữa dòng sâu

Sao Hôm như mắt em ngày ấy

Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu.

 

Chòm sao Bắc Đẩu sáng tinh khôi

Lộng lẫy uy nghi một góc trời

Em ở bên kia bờ vĩ tuyến

Nhìn sao thao thức mấy năm rồi

 

Sao đặc trời cao sáng suốt đêm

Sao đêm chung sáng chẳng chia miền

Trời còn có bữa sao quên mọc

Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em.