Nhà thơ Khét – Trần Đức Tín được trao giải thưởng Tác Giả Trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM năm 2021, với tập “Ở đậu trong nhau”. Hành trình sáng tạo của gương mặt thơ trẻ phương Nam này đã diễn ra như thế nào?


Theo KHÉT đi qua những mảnh vỡ tâm hồn

HOÀNG THỤY ANH

Đọc Khét, từ “Rồi mình cũng xa lạ nhau”, “Mình mắc cạn vào nhau” đến “Ở đậu trong nhau”, dễ nhận thấy một cái tôi đa cảm đa tình luôn tìm mọi cách rút ngắn khoảng cách. Môtíp khao khát thuộc về nhau cùng đồng hiện trong cả ba thi tập không hề gây nhàm chán, quen thuộc, ngược lại, có sự kế thừa, có sự đổi mới, cho người đọc những ngẫm suy về các giác độ hiện tồn của cái tôi bản thể. Vì vậy, trong những tính toán kết nối, xâu chuỗi, Khét đã tạo được phong cách của mình, một giọng thơ “tận tụy” hướng nội. Thi tập “Ở đậu trong nhau” là sự nương tựa vào nhau giữa cái tôi bên ngoài và cái tôi trong gương, giữa cái tôi đang hiện hữu và cái tôi thuộc về quá khứ, giữa cái tôi thị thành và cái tôi quê kiểng. Ở đó, tình yêu là phương tiện để Khét vong thân, đi qua những mảnh vỡ của tâm hồn, thể hiện tình cảm sâu nặng, thanh khiết với nàng thơ của mình, và những hồi tưởng mãnh liệt với cố hương.

Đặt ba tập thơ cùng hệ, thuộc về “nhau”, dính dáng đến “nhau”, là một dụng ý của Khét. Soi ngắm nhau, không chỉ là cái soi ngắm của Khét với người mình yêu, với cuộc sống mà còn là sự soi ngắm của Khét với bản thể chính mình. Khét đặt tấm gương soi ấy vào không gian đô thị và từ không gian đô thị nhìn về không gian ruộng đồng. Không gian đô thị là không gian của thực tại, còn không gian ruộng đồng, quê kiểng là không gian của kí ức. Có thể thấy sự xuất hiện dày đặc của động từ “về”, chỉ sự di chuyển, phương hướng như: về quê, về nhà, ngày về, về đây, về xuôi, quay về, đem về, mang về, về lại, về phía, chạy về, bay về, bơi về, trở về, lon ton về… trong thơ Khét như là tín hiệu tạo hiệu ứng tương phản.

Trong “Ở đậu trong nhau”, Khét hầu như rất ít miêu tả về không gian đô thị, mà chỉ mượn không gian ruộng đồng khúc xạ để nói về sự trống vắng, buồn bã, cô đơn của con người trong không gian đô thị. Không gian đô thị thường đặt con người vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, luôn cảm thấy hụt hẫng, bơ vơ, xa lạ, nhưng chính hoàn cảnh ấy lại đánh thức con người, cho con người góc nhìn khác, biết khước từ và thăng hoa tâm hồn. Không gian ruộng đồng nghèo khổ, chật vật, bão lũ chồng chất, nhưng nồng ấm tình người. Đó là nơi Khét được sống lại, được chở che, yêu thương và tìm thấy những hệ giá trị chưa bị hư hao.

Không gian thời gian hiện tại (thị thành) trong thơ Khét còn bị xô lệch, biến dạng bởi sự trì níu của không gian thời gian quá khứ (ruộng đồng), bởi những dồn chứa, ẩn ức của cái tôi bản thể. Hai không gian này đưa đến một không gian khác – không gian của cõi lòng, nơi trái tim Khét được thỏa thích bơi lội, được trải bày những nhu cầu, những đắm đuối của cái tôi bản thể. Khét dùng bản ngã của mình làm đối tượng dự phần vào trò chơi của cái tôi. Cái tôi bên ngoài song hành cùng với cái tôi bên trong, tự đặt ra luật chơi, có sự tương tác/hỗ giữa quá khứ và hiện tại, rồi cùng nhau bộc lộ, giải mã ý thức về bản thể, về phận số.

 Không gian bên trong, không gian của vô thức, hoài niệm cũng là một thế mạnh của thơ Khét. Phản biện/kháng với cái tôi bên trong thôi chưa đủ, Khét còn rong ruổi, đuổi bắt cái tôi đã từng tồn sinh trong quá khứ. Cái tôi bên ngoài không chỉ nhìn thấy những rợn ngợp cô đơn của cái tôi bên trong đang hiện hữu mà còn truy tận cùng nguồn cội của nó, xới lật những góc buồn tưởng như đã yên giấc. Gốc rễ nỗi cô đơn của Khét bắt đầu từ cố hương. Giữa Khét và cố hương chưa bao giờ tách rời. Cố hương cho Khét những hoài vọng buồn đẹp, những trải nghiệm về tình yêu và lẽ sống. Những hoài vọng có khi dội về từ ám ảnh kí ức, có khi đến từ giấc mơ, sự tưởng tượng, nhưng cho Khét con đường tìm lại bản thể.

Càng riết ráo với không gian bên trong, ngôn ngữ thơ Khét càng trĩu buồn, dằng dặc buồn. Buồn tràn ngôn từ, tràn hình ảnh. Người đọc bị nỗi buồn bủa vây, cảm giác ngộp/ ngợp. Theo thống kê của tôi, có đến 69 từ “buồn” (tính cả nhan đề) dàn trải trong 69 bài thơ. Lại là một sự trùng hợp ngẫu nhiên về con số 69 (có thể Khét không hề biết và không hề có chủ ý), song nó cũng ít nhiều cho người đọc cảm giác thú vị. Con số 69, theo phong thủy, là con số mang đến sự may mắn, tốt đẹp, tượng trưng sự luân hồi. 69 nỗi buồn của Khét cũng thế, hàm chứa những ý nghĩa ấy.

Đó là những nỗi buồn đẹp mà Khét không ngừng tìm cách chiếm lĩnh, nuôi dưỡng: “tôi tự nuôi nấng buồn” (dan díu buồn), “tôi đi đặt trúm nỗi buồn” (đặt trúm). Nhìn ngắm nỗi buồn khôn lớn, tức là Khét đã quy nạp những nhận thức, ngẫm nghĩ về con người và cuộc sống trong thơ mình. Nên, cảm giác ngộp/ ngợp chỉ xuất hiện trong vai trò là cú hích để kích hoạt những cung bậc xúc cảm của người đọc và thấu hiểu vì sao Khét “xin tạ ơn những đặc ân buồn lầm lũi” (tạ ơn). Trân quý nỗi buồn, Khét còn đưa vào thơ hệ thống từ cùng trường như: sầu, đau, đau thương, đau đớn, u ẩn, nao nao, hoang mang, leo lét, rưng rức, tê tái, chòng chành… khiến cảm thức quay về thêm phần đắng đót, nhức nhối. Người đọc soi ngắm phần chìm của vô thức, những sóng sánh của nỗi buồn, nhận chân các giá trị, bởi vượt qua nỗi buồn là sự mở rộng, khoáng đạt của tâm hồn.



Cái tôi trong thơ Khét là cái tôi hiện sinh, cái tôi lo âu, bất an. Khét ý thức gốc rễ của trạng thái này từ khi con người vừa sinh ra: “có phải ta đã xa ta ngày đầu tiên mở mắt” (tạ ơn). Tiếng khóc đầu đời là nỗi đau đầu đời, dự báo thân phận kẻ bị lưu đày. Khét nhận ra sự vong thân “ta đã xa ta” ấy chính là hiện sinh, ý thức về sự tồn hiện của thân xác, vì sao “đôi chân bông sữa tím bầm lên phố xá” (mang buồn về lòng mẹ), vì sao “tôi mồ côi như tiếng chuông chùa” (cũ)? Đấy là những suy tư, trăn trở của con người, khi sinh ra buồn đã “lăn tròn trên tay như hạt đậu” (buồn tôi khôn lớn rồi).

Con người không đoán định được phận số của mình, do đó, trạng thái lo âu luôn có mặt, thường trực trong hành trình đi tìm bản ngã. Lo âu như là một nỗ lực của hiện sinh, luôn vươn mình, hướng về phía trước, tìm mọi cách duy trì sự sống. Càng rơi vào cùng cực cô đơn càng thức nhận giá trị của bản thân, giá trị của đời sống và làm đẹp nỗi cô đơn – đặc ân, món quà của tạo hóa. Kể cả cái quá khứ đau buồn chưa bị cắt đuôi, “tuổi trẻ về như dao nhọn/ găm vào đêm trôi” (tuổi trẻ), như một căn bệnh di truyền, cũng không làm con người lụi tàn năng lượng sống. Sự vẫy vùng, “hành xác” “ôm lấy khúc gập ghềnh mà đi” sẽ giúp con người vượt qua sự tẻ nhạt, tù đọng để suy ngẫm và khẳng định nhân vị.

Khét soi mình, ngắm mình, “mình ên trong một mình”, “làm cuộc di cư trong đầu mình mỗi tối”, kể cả “khánh tận kiệt cùng”, cũng chỉ để đẹp lên từ nỗi đau. Cái tôi bên ngoài nhìn cái tôi bên trong vật lộn với nỗi đau, nó không thỏa hiệp, đồng nhất với cái tôi bên trong, mà luôn phản biện, buồn này chối từ buồn khác, đau này hủy diệt đau khác, để nở hoa bản thể. Cho nên, nỗi buồn đau trong thơ Khét cứ thế liên tục luân hồi, tái sinh và lộng lẫy.

Kiểu thơ diễn giải, trần tình tiếng lòng của Khét tạo dựng kiểu thơ dài trong “Ở đậu trong nhau”. Nhưng đó là sự buông lỏng về mặt cảm xúc chứ không phải sự bừa bãi, rối rắm, dư thừa về mặt ngôn từ. Những con chữ cộng sinh, xô đuổi nhau, kéo dài như một hình thức bung vỡ, xõa ra của cảm xúc, có lúc bị ngắt, chẻ, xuống dòng đột ngột như phơi trắng sự giãy giụa của cái buồn. Câu dài nhất 18 chữ, ngắn nhất 1 chữ. Khai phá, giải phóng cái tôi bên trong, “cái tôi chưa biết”, phần khuất lấp, ẩn ức ấy sẽ như nham thạch phun trào tự do.

Khét trôi theo cái dòng ý thức miên man ấy để bày ra giọng thơ thiết tha, đắm đuối, bỏng cháy. Giải tỏ những nghiền ngẫm về được mất, sống chết của cuộc sống, Khét kết hợp giọng thâm trầm, suy nghiệm với giọng thân tình, yêu thương để chạm khắc vào lòng người đọc. Khét biết lấy nỗi buồn nâng đỡ cái tôi bản thể và xác tín những giá trị mang tính triết lí. Cái buồn của Khét vì thế trổ nhánh từ những chiêm nghiệm về giá trị sống, tình yêu và sự ngắn ngủi của đời người.

Cơn ba động tâm hồn của Khét không hoa mĩ, mà rất chân thành, gần gũi, mang hơi thở dân dã, mộc mạc của người miền Tây Nam bộ. Người đọc có thể thấy cố hương của Khét qua những hình ảnh đặc trưng như sông Cửu Long, bà ba, cánh đồng, lúa, lục bình, bìm bịp, câu vọng cổ, cánh cò, rau đắng… Không gian mênh mông, bản sắc văn hóa vùng sông nước đã làm cho cái tôi bản thể của Khét thêm phần năng động, phóng khoáng và giàu tình cảm. Khét luôn yêu hết mình, sống hết mình, sâu lắng với góc quê nghèo “giấu nước mắt vào đêm”. Những tiếng gọi như “em à”, “em ơi”, “đình lan ơi”, “mình ơi”, “chế ơi”, “em nè”, “mẹ ơi”… hay dạng kể lể như “em ạ”, “em biết không”… trong các bài thơ, nghe rất thấm thiết, ngọt lịm. Nó cất giấu một tình cảm giản dị mà đậm sâu, nhẹ nhàng, tình tứ mà thổn thức, sôi trào.

Trói buộc, nhốt mình vào nỗi buồn dằng dặc, Khét được nhiều thứ: được là chính mình, bày tỏ sự lo âu – định mệnh của con người, nói đúng hơn, Khét đang cháy với nỗi cô đơn. Cái tôi thơ Khét đã vượt thoát cạm bẫy chốn thị thành, sống hết mình với những rung cảm biếc xanh. Dù Khét đã đa dạng hóa chủ đề trong thơ mình, nhưng nhiều khi vẫn bị những xúc cảm ngút ngàn cô đơn xâm lấn, nên “Ở đậu trong nhau” khó tránh khỏi ám ảnh về sắc thái âm tính: niềm đau và chia li. Đứng ở góc nhìn so sánh, khái quát, lại thấy “Ở đậu trong nhau” đi trong mạch buồn sầu nội cảm của hai tập “Rồi mình cũng xa lạ nhau”, “Mình mắc cạn vào nhau”. Vừa là lợi thế để Khét khẳng định giọng thơ của mình song vừa là hạn chế, bó Khét trong cái khuôn quen thuộc. Khẳng định cá tính và biết phủ định cá tính, làm mới mình trong sáng tạo, đấy là con đường không dễ, luôn vẫy gọi phía trước và vô tận. Với con người dạt dào, nhạy cảm và nội lực như Khét, tôi tin, Khét sẽ làm được, làm tốt. Vì trong Khét luôn ý thức cao độ về quá trình vong thân để hiện tồn.