Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân cung cấp góc nhìn học thuật: “Nếu cho rằng “phân tâm” là cách gọi tắt theo quy tắc tiếng Việt đối với cụm từ “phân tích tâm lý”, thì ta không thể ghép chữ “học” vào sau nó được, vì ở đây nó đã mang sắc thái của một động từ.


"TÂM PHÂN HỌC" / "PHÂN TÂM HỌC"

NGUYỄN VĂN DÂN

Từ đầu thế kỷ XX, năm 1900, bác sĩ tâm thần người Áo Sigmund Freud (1856-1939) đã cho xuất bản công trình “Lý giải giấc mơ”, khai sinh ra một phương pháp tâm lý mới: một liệu pháp tâm lý - tâm thần được gọi là “phương pháp tâm phân học”. Sau đó nó được áp dụng vào nghiên cứu văn học và có ảnh hưởng mạnh mẽ trong suốt thế kỷ XX và cho đến nay chưa phải là đã chấm dứt. Tôi xin nói rõ về phương pháp đặc biệt này.

Trước hết, do có tình trạng chưa thống nhất về tên gọi của thuật ngữ (người gọi là “TÂM PHÂN HỌC”, người gọi “PHÂN TÂM HỌC”), nên tôi muốn nói đôi lời về thuật ngữ và khái niệm.

“Tâm phân học” là một từ Hán - Việt được dùng để dịch một thuật ngữ trong các thứ tiếng phương Tây, chẳng hạn như trong tiếng Pháp nó được gọi là “[la] psychanalyse”, trong tiếng Anh là “[the] psychoanalysis” [,saikouǝ’nælǝsis], trong tiếng Nga là “психоана́лиз”. Theo nguyên ngữ của các thứ tiếng trên đây, “tâm phân học” chỉ đơn giản là một “phương pháp phân tích tâm lý”. Chính vì vậy mà người ta đã định nghĩa nó là “Phương pháp thăm dò tâm lý do Freud sáng lập ra nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa vô thức của các hành vi mà cơ sở của nó nằm trong lý thuyết về đời sống tâm lý” (“Le petit Larousse illustré”, Larousse, Paris, 2000, tr. 834). Như vậy thực chất “psychanalyse” (t. Pháp) ban đầu là một liệu pháp tâm lý của bác sĩ tâm thần S. Freud. Về sau nó được phát triển và thu hút nhiều môn đệ để trở thành một học thuyết. Chính vì vậy mà ta có thể dịch nó sang tiếng Việt là “tâm phân học”, với nghĩa là “khoa học phân tích tâm lý”.

Tuy nhiên, hiện ở nước ta đang tồn tại hai cách gọi khác nhau cho cùng một khái niệm của Freud. Ngoài cách gọi đúng theo cách đọc Hán - Việt là “tâm phân học”, có nhiều người lại diễn đạt cụm từ “phân tích tâm lý” theo quy tắc tiếng Việt để gọi nó là “phân tâm học”. Cách gọi sau đã làm cho khái niệm của Freud bị lẫn với từ “phân tâm” trong tiếng Hán - Việt có nghĩa là “tâm trí bị phân tán”. (Các cuốn từ điển Hán - Việt và từ điển tiếng Việt đều giải nghĩa như vậy, chẳng hạn “Từ điển tiếng Việt”, [Viện Ngôn ngữ – Trung tâm Từ điển Ngôn ngữ, H., 1992, tr. 763] đã giải nghĩa “phân tâm” là “bận tâm suy nghĩ vào những công việc khác, tư tưởng không được tập trung”).

Theo tôi, trong cách sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, có một số từ gốc Hán có thể dùng đảo ngược mà vẫn không gây ra sự sai nghĩa, ví dụ như các từ “bảo đảm” và “đảm bảo”, “tương hỗ” / “hỗ tương”, “hoà thuận” / “thuận hoà”, “ảo mộng” / “mộng ảo”, “kỳ dị” / “dị kỳ”, v.v... Tuy nhiên không phải từ nào cũng dùng đảo được, và có những từ nếu dùng đảo sẽ dẫn đến một nghĩa khác hẳn, thậm chí trái nghĩa, chẳng hạn như “văn nhân”/ “nhân văn”, “vương quốc”/ “quốc vương”, “mẫu quốc”/ “quốc mẫu”, “dụng công”/ “công dụng”, “hạ thủ”/ “thủ hạ”, “hạ bộ”/ “bộ hạ”... và tất nhiên phải kể đến cả “tâm phân” và “phân tâm”.

Thế nhưng trong tiếng Việt đôi khi cũng còn có hiện tượng dùng từ một cách đồng âm khác nghĩa giữa từ Hán - Việt với từ nửa Hán nửa Việt, ví dụ như giữa tính từ “nhân bản” với nghĩa là “bản tính con người”, với động từ “nhân bản” với nghĩa là “nhân ra thành nhiều bản” như cách dùng trong in ấn, sao chụp hay trong cụm từ “nhân bản vô tính” đang được thông dụng hiện nay. Chính vì vậy có thể có người biện luận rằng việc dùng từ “phân tâm” trong thuật ngữ “phân tâm học” sẽ không giống với từ Hán - Việt “phân tâm” với nghĩa là “tâm trí phân tán”, mà là giống với cách dùng động từ “nhân bản” theo cách đọc của tiếng Việt trong cụm từ “nhân bản vô tính” trên đây, và do đó gọi là “tâm phân học” hay “phân tâm học” cũng đều được.

Tuy nhiên nếu cho rằng “phân tâm” là cách gọi tắt theo quy tắc tiếng Việt đối với cụm từ “phân tích tâm lý”, thì ta không thể ghép chữ “học” vào sau nó được, vì ở đây nó đã mang sắc thái của một động từ. Cho nên ta chỉ có thể giải thích rằng việc dùng thuật ngữ “phân tâm học” chỉ là một cách dùng dễ dãi có phần tuỳ tiện theo quy tắc tiếng Việt cho một từ Hán - Việt là “tâm phân học”, rằng trong ý thức của nhiều người, “tâm phân học” và “phân tâm học” chỉ là “hai cách gọi cho cùng một khái niệm”. Chỉ có điều cách gọi thứ hai là thiếu chính xác và cách gọi thứ nhất mới đúng, vậy nên theo tôi đã đến lúc chúng ta phải chấn chỉnh lại cách dùng từ để trả lại ý nghĩa chính xác cho thuật ngữ “tâm phân học”.

Thực ra, khi người ta gọi học thuyết của Freud là “phân tâm học” nhưng vẫn hiểu nó là “tâm phân học” thì cũng có thể thể tất được. Vì đó chính là hiện tượng sai lệch chữ nghĩa diễn ra khá phổ biến lâu nay, giống như khi người ta nói “hỗ trợ” nhưng lại hiểu là “bổ trợ”, nói “hợp chủng quốc Hoa Kỳ” nhưng vẫn hiểu là “hợp chúng quốc Hoa Kỳ” theo đúng nghĩa của nó...

Thế nhưng gần đây có nhà nghiên cứu lại đưa ra một quan niệm khác hẳn. Đó là quan niệm phân biệt “phân tâm học” với “tâm phân học” và coi đó là hai khái niệm “hoàn toàn khác nhau” chứ không phải đơn thuần chỉ là thói quen đảo chữ. Theo quan niệm này, “phân tâm học” là lý thuyết “phân tích tâm lý” của Freud; còn “tâm phân học” là lý thuyết “tâm lý học phân tích” của nhà tâm lý học người Thuỵ Sĩ Carl Gustav Jung (tên khai sinh: Karl Gustav Jung, 1875-1961). Ở đây, quan niệm này đã lặp lại cách diễn đạt từ Hán - Việt theo quy tắc tiếng Việt đối với thuật ngữ “tâm lý học phân tích” để biến nó thành “tâm phân học”, giống như cách diễn đạt theo quy tắc tiếng Việt đối với từ Hán - Việt “phân tích tâm lý” để cho ta thuật ngữ nửa Hán nửa Việt là “phân tâm học” như đã nói ở trên. Như vậy là với quan niệm này, thuật ngữ “phân tâm học” không còn đường trở về với nghĩa của thuật ngữ “tâm phân học” như nhiều người vẫn quan niệm.

Tuy nhiên, sự phân biệt trên đây rất khó có khả năng trở thành hiện thực. Bởi lẽ trên thực tế ở nước ta những người dùng thuật ngữ “phân tâm học” vẫn đều hiểu đó chính là “tâm phân học” của Freud và của những người theo học thuyết này. Cụ thể là có một số cuốn sách viết về Freud đã được người viết đặt tên là “Tâm phân học Freud”.

Còn về phần Jung, theo như tất cả những tài liệu mà tôi được biết, thì khi nói đến ông, người ta vẫn đều coi ông là một nhà “tâm phân học”, tuy rằng ông có lập ra một trường phái riêng là trường phái “tâm lý học phân tích” để chống lại quan điểm về vô thức cá nhân và quan điểm đề cao tính dục của Freud. Cụ thể là có tài liệu coi Jung là người kế tục Freud (“Từ điển mỹ học đại cương”, tập thể ban biên tập do V. E. Masek làm thư ký, Bucureşti, 1972, tr. 285, bản tiếng Rumani); có tài liệu thì gọi ông là “người cải cách” lý thuyết Freud (“Từ điển mỹ học”, chủ biên: A. A. Beljaev, L. I. Novikova và V. I. Tolstykh, M., Nxb. Politizdat, 1989, tr. 430, bản tiếng Nga); có tài liệu khi nói đến “phê bình tâm phân học” thì coi Jung là một cột mốc quan trọng sau Freud (“Từ điển bách khoa văn học Merriam-Webster”, xuất bản tại Springfield, Massachusetts, Hoa Kỳ, 1995, tr. 913, tiếng Anh); có tài liệu trong khi vẫn coi Jung là nhà tâm phân học nhưng nói rõ thêm rằng ông là người đã “mở rộng” lý thuyết tâm phân học của Freud (“Microsoft Encarta 99 Encyclopedia”, Hoa Kỳ); có tài liệu khi nhắc đến trường phái “tâm lý học phân tích” của Jung thì mở ngoặc đơn chú thích thêm rằng trường phái đó cũng là “tâm phân học” (“Le petit Larousse illustré”, 2000, tr. 835, tiếng Pháp).

Do đó, ý tưởng muốn phân biệt hai giai đoạn khác nhau của lý thuyết phân tích tâm lý vô thức bằng hai thuật ngữ nghịch đảo nói trên sẽ trở nên vô ích và không đủ sức thuyết phục. Tốt nhất, nếu muốn phân biệt Jung với Freud thì ta nên dịch đầy đủ tên bộ môn tâm lý học của Jung là “tâm lý học phân tích”. Làm như thế, chúng ta vừa truyền đạt được chính xác lý thuyết của Jung, không gây ra tình trạng mơ hồ, vừa phân biệt được giai đoạn Jung với giai đoạn Freud, lại vừa không phản lại một thực tế là “tâm lý học phân tích” của Jung vẫn có thể được coi là một trường phái nằm trong phong trào “tâm phân học” nói chung.