Tác phẩm đoạt giải Tác Giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam là cuốn “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật” dường như đang cố tình thách thức sự liêm chính học thuật?


Tác phẩm đoạt giải Tác Giả Trẻ được xem như một món quà văn chương đầu đời của người cầm bút. Vì vậy, tác phẩm đoạt giải Tác Giả Trẻ luôn được công chúng hy vọng cả về chất lượng tác phẩm lẫn nhân cách tác giả. Đáng tiếc, “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật” của Vũ Thị Trang vừa được giải thưởng Tác Giả Trẻ của Hội Nhà Văn Việt Nam (đồng thời cuốn này cũng được Tặng thưởng của Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương) lại có những biểu hiện khuất tất về bản quyền.

Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh – Trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại của Viện Văn học, cho rằng phần 3 cuốn sách “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật” có tên gọi “Ám ảnh tự do – xung đột giữa những cái tôi trong tự truyện Việt Nam đương đại” đã lấy kết quả nghiên cứu của chị từng tham gia công trình “Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học” được triển khai tại Học viện Khoa học Xã hội năm 2019 do Vũ Thị Trang làm chủ nhiệm đề tài.

Khi mời Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh góp sức vào công trình “Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học”, thì Vũ Thị Trang đang đảm nhiệm vai trò Phó Khoa Văn học của Học viện Khoa học Xã hội. Giữa năm 2021, Vũ Thị Trang chuyển về làm chuyên viên Phòng Lý luận Văn học của Viện Văn học. Nghĩa là, đến thời điểm xảy ra vướng mắc, Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh và Tiến sĩ Vũ Thị Trang trở thành đồng nghiệp cùng cơ quan.

Vì sao rắc rối giữa hai nữ Tiến sĩ ở Viện Văn học không thể tìm được tiếng nói ổn thỏa? Có gì khó hiểu phía sau chăng? Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng “Hội đồng đã xét và trao giải cho cuốn sách của Vũ Thị Trang, phải họp và xem xét lại. Vì tác quyền tri thức trong tác phẩm trao giải có vấn đề lớn, tư cách trung thực của tác giả cũng có vấn đề”. Còn nhà văn Trần Đức Tiến khẳng định sự dây dưa của Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học đều vô lý, bởi “có mỗi việc đối chiếu 2 văn bản để kết luận có đạo của nhau không, mà để chảy nước ra mãi thế”.

Câu chuyện đạo văn trong giới có học hàm, học vị đã phổ biến từ lâu nhưng vẫn chưa được chấn chỉnh nghiêm túc. Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh phải công khai lên tiếng để bảo vệ thành quả lao động của mình cũng như bảo vệ sự liêm chính học thuật, là một hành động đáng ủng hộ.  

Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh từng có tác phẩm "Tiểu thuyết có yếu tố tự truyện trong văn học Việt Nam đương đại" được giới chuyên môn và bạn đọc đánh giá cao.  

Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh chia sẻ: “Sau khi phát hiện những nội dung nghiên cứu của mình xuất hiện trong sách “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật”, tôi soát lại Tài liệu tham khảo, Lời giới thiệu, Lời nói đầu và cả cuốn sách thì không hề thấy có chú thích nào về việc cuốn sách này thoát thai từ đề tài cấp Bộ “Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học” mà tôi có tham gia để từ đó phát triển thành sách cá nhân mang tên Vũ Thị Trang.

Tôi gọi điện hỏi Vũ Thị Trang vì sao lấy các phần viết của tôi đưa vào sách mà không có chú thích, không đề tên tôi thì ban đầu Vũ Thị Trang đổ lỗi cho người biên tập đã tư vấn bỏ tên tôi ra khỏi sách, vì trong sách Vũ Thị Trang đưa thêm 2 chương luận án tiến sĩ vào.

Khi tôi yêu cầu Vũ Thị Trang phải có đính chính công khai về việc sử dụng các phần viết của tôi thì Vũ Thị Trang nói giờ sách đã phát hành hết, không còn quyển nào, chờ đến khi tái bản sẽ tách sách làm 2 cuốn, 1 cuốn Vũ Thị Trang viết riêng để tên Vũ Thị Trang, 1 cuốn viết chung thì để đồng tác giả.

Tôi không đồng ý vì cuốn sách cần phải đính chính là cuốn xuất bản đầu lần đầu này, và nếu không đính chính ngay tại đây thì sẽ ảnh hưởng đến những công bố khoa học của tôi. Rồi Trang bổ sung lý do cho việc từ chối đính chính, rằng sách này thuộc bản quyền của Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội nên sách không phải chỉ là của Trang(!).

Để làm rõ thực chất những lý giải trên của Vũ Thị Trang, tôi kiểm tra lại bản lưu Báo cáo tổng hợp đề tài “Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học” (bản pdf) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia thì không thấy có tên của các thành viên thực hiện đề tài. Tôi cũng gọi điện cho người biên tập để hỏi lại cho rõ về việc tư vấn “bỏ tên tôi ra khỏi sách” thì anh ấy phủ nhận việc này.

Trước những điều bất thường rất rõ ràng như thế, tôi đã gửi mail yêu cầu Vũ Thị Trang xin lỗi tôi và cần phải đính chính công khai thì Vũ Thị Trang thách thức “chị cứ làm đơn gửi VASS (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) và GASS (Học viện Khoa học xã hội) đi ạ, tôi nghĩ những bản lưu hợp đồng và kinh phí, nội dung chuyên đề sẽ được lưu tại hai nơi này. Từ giờ trở đi bất kể đúng sai, tôi sẽ không nói thêm một lời nào. Tuy nhiên chị không nên lôi những người không liên quan vào việc này tránh làm phiền đến họ”. (Email ngày 19 /1/2022).

 Thái độ bất hợp tác này của Vũ Thị Trang khiến tôi buộc phải làm đơn đề nghị gửi đến các cơ quan liên quan để giải quyết vấn đề xâm phạm bản quyền, đó là Học viện Khoa học Xã hội – tổ chức chủ trì đề tài, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – cơ quan xuất bản cuốn sách, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội – cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề tài khoa học, Viện Văn học – cơ quan chuyên môn sâu nhất về nghiên cứu văn học, nơi tôi và Vũ Thị Trang cùng công tác. Ngoài ra tôi cũng gửi đơn đến hai tổ chức đã trao giải cho cuốn sách là Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật và Hội Nhà văn Việt Nam. Các đơn đề nghị tôi đã gửi từ ngày 24/1/2022.

Đến ngày 14/3/2022, sau khi tôi công khai câu chuyện trên facebook và báo chí đưa tin về sự việc, Vũ Thị Trang tuyên bố với báo chí sẽ đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội lập tổ thẩm định chuyên môn để giải quyết. Đây là điều mà tôi đã mong mỏi từ ngày 24/1/2022 khi tôi gửi đơn đề nghị đến 6 cơ quan, tổ chức và tiếp tục gửi đơn lần 2 đến Học viện Khoa học Xã hội, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội vào 21/2/2022 mà đến nay vẫn chưa có cơ quan tổ chức nào giải quyết dứt điểm”.

                                              PHẠM TUẤN

Nguồn: NNVN