Hội Nhà văn Việt Nam nên có biện pháp xử lý thỏa đáng, mà cụ thể là thu hồi giải thưởng Tác Giả Trẻ đã trao cho Vũ Thị Trang? Bởi lẽ, Vũ Thị Trang đã trắng trợn lấy "cơm nguội" của người khác rồi dán nhãn "gạo mới cơm nóng" để rao bán ngang nhiên trước công chúng, thì cớ gì vẫn được xem là "đặc sản" gắn với sự tôn vinh của một cơ quan văn chương chính thống?

Cuốn sách xuất bản năm 2011 của Đỗ Lai Thúy.


Tác Giả Trẻ là giải thưởng được hình thành từ thiện chí của Hội Nhà văn Việt Nam. Một trong 5 tác phẩm được trao giải thưởng Tác Giả Trẻ là cuốn sách “Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của Vũ Thị Trang, đang gây sóng gió trên văn đàn vì bị Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh tố cáo đạo văn.

Liệu giải thưởng Tác Giả Trẻ có trao nhầm cho Vũ Thị Trang không? Và liệu một cây bút có học vị Tiến sĩ như Vũ Thị Trang có táo tợn đạo văn bất chấp sự liêm chính học thuật không?

Trong “Lời nói đầu” cuốn sách “Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật”, Vũ Thị Trang viết: “Đặc biệt, xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới thầy Đỗ Lai Thúy, người đã khơi gợi niềm đam mê ở người viết với phê bình phân tâm học”. Cho nên, chúng tôi tò mò đọc lại cuốn sách “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy” của Đỗ Lai Thúy, và đối chiếu với cuốn sách “Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật”, để xem thầy trò có gì khác biệt?

Trong cuốn sách “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy” dày hơn 500 trang, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Nhã Nam ấn hành vào quý 1 năm 2011, có phần “Phê bình phân tâm học” được in từ trang 219 đến trang 240. Còn trong cuốn sách “Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của Vũ Thị Trang do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành tháng 12/2020, cũng có phần “Phê bình phân tâm học” từ trang 82 đến trang 98. So sánh hai nội dung trên của hai cuốn sách, chúng tôi phát hiện có những chỗ giống nhau đến mức đáng kinh ngạc.

Có phải tư tưởng lớn gặp nhau, hay thời gian một thập niên đã vô tình mật truyền chữ nghĩa từ Đỗ Lai Thúy sang Vũ Thị Trang theo cách không ai có thể ngờ? Xin được nêu ra vài ví dụ cụ thể.

Ở “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy”, trang 229, trang 230 và trang 231, thì Đỗ Lai Thúy viết hai đoạn văn dài mang tính tự ca ngợi bản thân, như sau:

“Đầu những năm chín mươi, khi tìm cách lý giải cái dâm cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương, Đỗ Lai Thúy đã cưỡng lại sức hút của lý thuyết Freud để đi tìm một lối tiếp cận khác, mặc dù chưa nhận thức được đầy đủ sự hạn chế của sơ đồ dồn nén -> ẩn ức -> thăng hoa. Tiếp cận Hồ Xuân Hương từ góc độ văn hóa học, nhà phê bình xây dựng cho mình một hệ pháp nghiên cứu: thơ Hồ Xuân Hương -> văn hóa dâm tục -> tục thờ cúng phồn thực -> tín ngưỡng phồn thực để đưa cái dâm cái tục trong thơ nữ sĩ ngược dòng thời gian trở về với ngọn nguồn của nó, tín ngưỡng phồn thực, thuở cái thiêng, cái tục là một: tục là thiêng, thiêng là tục. Từ đó, thanh tục trong thơ bà cũng là một: trong tục có thanh, trong thanh có tục, bởi Hồi Xuân Hương hoài niệm phồn thực. Nhưng đó là đường dây lịch sử, đường dây kế truyền theo con đường hữu thức do học tập, đào luyện mà thành. Còn con đường khác, con đường phi thời gian, để tín ngưỡng phồn thực ảnh hưởng đến thơ Hồ Xuân Hương một cách trực tiếp và tức thời. Đó là con đường bằng vô thức tập thể. Chính ở đây, Đỗ Lai Thúy phải nhờ đến phân tâm học (hay tâm lý học phân tích, hay tâm lý học các chiều sâu) của C.G. Jung.

Tín nhưỡng phồn thực ra đời khi nhân loại bước vào thời kỳ trồng trọt và chă nuôi, nảy sinh lòng mong ước nhiều sinh sôi nảy nở. Nhưng người nguyên thủy tư duy trực tiếp và cụ thể, nên cái ý niệm trừu tượng kia được biểu tượng hóa thành tục thờ âm dương vật và hành động tính giao. Ở tín ngưỡng phồn thực cái thiêng và cái tục, vì vậy, tuy hai mà một. Nhưng khi xã hội bắt đầu phân hóa, các tôn giáo lớn ra đời chủ trương cấm dục hoặc tiết dục, thì thiêng tục tách rời: A là A, B là B, A không thể vừa là A vừa là không A, nên càng không thể là B, đặc biệt là trong ý thức chính thống và chính thức của xã hội. Dâm tục trở thành một cấm kỵ. Các biểu tượng phồn thực bị đẩy lùi vào tiềm thức và vô thức dưới dạng siêu mẫu (archetype). Các cỗ máy sinh sản này tồn tại thường trực trong vô thức tập thể của cộng đồng và của cá nhân, gặp khi thuận lợi sẽ “giáng lâm” vào những sáng tạo văn hóa, tạo ra một sự liên thông xóa nhòa mọi rào cản thời gian và không gian. Con đường “di truyền văn hóa” này đã mang đến cho thơ Hồ Xuân Hương những biểu tượng gốc như hang, động, khe, giếng, hầm (âm vật) sừng, chày (dương vật) giã gạo, đánh đu (hành động tính giao), tức những biểu tượng có ý nghĩa phồn thực cả trong văn bản thơ của nữ sĩ lẫn ngoài văn bản thơ bà. Đó là kho trời chung mà nhà thơ lấy làm vô tận của mình riêng. Điều đáng chú ý nữa là trong thơ Hồ Xuân Hương, ngoài những biểu tượng gốc, còn có những biểu tượng phái sinh như cái quạt, miệng túi càn khôn (âm vật), con suốt, đầu sư, cán cân, dao cầu (dương vật), dệt cửi, châm, hút (hành động tính giao), tức những biểu tượng do chính nhà thơ sáng tạo ra, chỉ có ý nghĩa phồn thực trong khí hậu văn bản thơ bà. Qua trường hợp Hồ Xuân Hương, có thể thấy, bất kỳ một nhà thơ nào cũng phải tiếp thu truyền thống (tức vô thức tập thể), nhưng ai không vừa theo vừa chống lại truyền thống bằng những sáng tạo cá nhân của riêng mình không thể thành một nhà thơ lớn”.

Trang 95-95 trong cuốn sách của Vũ Thị Trang.


Toàn bộ đoạn trích trên, được Vũ Thị Trang sao chép nguyên vẹn thành hai trang 93 và 94 trong cuốn sách “Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật”. Phải chăng, Vũ Thị Trang thuộc lòng văn bản của Đỗ Lai Thúy đến mức viết ra như "nhập đồng"? Sự “sáng tạo” duy nhất của Vũ Thị Trang là thay đổi dấu câu.  

Tự nhận mình là học trò của Đỗ Lai Thúy, cho nên Vũ Thị Trang tiếp thu tác phẩm thầy mình khá sâu sắc. Nếu Đỗ Lai Thúy viết về thơ Hoàng Cầm trải dài 2 trang 234 và 235 trong cuốn sách “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy”, thì Vũ Thị Trang chịu khó co kéo để cô đọng lại thành một trang 95 trong cuốn sách “Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật”.

Tuy nhiên, có đoạn nhận xét về thơ Hoàng Cầm của Đỗ Lai Thúy khiến Vũ Thị Trang cảm thấy cũng nên vần nên điệu, đành miễn cưỡng cắt và dán trọn vẹn. Đó là kết quả hiển thị trên trang 236 của “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy” và trang 96 của “Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật”.

Trang 96 của Vũ Thị Trang và trang 236 của Đỗ Lai Thúy.


Chưa hết, Vũ Thị Trang còn chứng tỏ có khả năng “biên tập” khéo léo, bằng cách chau chuốt lại những gì Đỗ Lai Thúy thể hiện. Trong cuốn sách “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy”, Đỗ Lai Thúy đưa ra kết luận ở trang 239 và 240: “Như vậy, kể từ 1936, khi học thuyết Freud đến Việt Nam và để lại dấu ấn ở phê bình văn học đến nay là cả một hành trình đau khổ. Có nhục có vinh. Có thất bại và có thành công. Nhưng, một điều tuy hơi cũ mèm cũ mà kẻ viết những dòng tự nghiệm này có thể rút ra được cho phân tâm học và không chỉ phân tâm học là, nhận thức là một quá trình, nhất là với các học thuyết được bứng trồng vào những miền thổ nhưỡng lạ. Nhưng rồi sự xen canh gối vụ giữa tìm hiểu, giới thiệu lý thuyết và thực hành áp dụng đã đưa phê bình phân tâm học từ sống sít đến thuần thục, từ cứng nhắc đến sáng tạo”

Vũ Thị Trang đúng là hậu sinh khả úy, ái ngại thầy mình diễn đạt dài dòng luộm thuộm, nên viết lại thành trang 97 trong cuốn sách “Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật” gãy gọn hơn: “Kể từ 1936, khi học thuyết Freud đến Việt Nam và để lại dấu ấn ở phê bình văn học đến nay là cả một hành trình với cả thất bại và thành công. Nhưng, có thể rút ra được cho phê bình phân tâm học nói riêng và phê bình văn học nói chung là nhận thức như một quá trình, nhất là với các học thuyết được bứng trồng vào những miền thổ nhưỡng lạ. Nhưng rồi sự “xen canh gối vụ” giữa tìm hiểu, giới thiệu lý thuyết và thực hành áp dụng đã đưa phê bình phân tâm học từ sống sít đến thành thục, từ cứng nhắc đến sáng tạo”.

Chỉ cần lược bỏ vài câu, Vũ Thị Trang đã giúp Đỗ Lai Thúy xóa tan mặc cảm “một điều tuy hơi mèm cũ mà kẻ viết những dòng tự nghiệm này có thể rút ra”, khi hồn nhiên “bứng trồng” tâm tư của thầy sang “miền thổ nhưỡng lạ” của mình.

Vũ Thị Trang xóa giúp Đỗ Lai Thúy xóa tan mặc cảm “một điều tuy hơi mèm cũ mà kẻ viết những dòng tự nghiệm này có thể rút ra”


Vũ Thị Trang công khai sao chép nội dung từ cuốn sách “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy”, có phải Đỗ Lai Thúy không hề hay biết chăng? Chưa hẳn, bởi lẽ chính Đỗ Lai Thúy đã viết “Lời giới thiệu” cho cuốn sách “Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật” với ngôn từ khá hoành tráng: “Phân tâm học là một đại dương, mênh mông và sâu kín. Phê bình phân tâm học tìm ra những con đường để dò nơi “rốn bể” ấy, phát hiện thêm nhiều chiều kích thẩm mỹ mới, lần mở đường biên tác phẩm. Vũ Thị Trang thì đi sâu vào giải mã những ám ảnh để tìm ra những giá trị nghệ thuật ở phía bên kia nó. Với tư cách là một người nghiên cứu phân tâm học và phê bình phân tân, tôi vui mừng giới thiệu chuyên khảo “Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của Tiến sĩ Vũ Thị Trang đến với bạn đọc”

Vũ Thị Trang đạo văn có thể là hành vi háo thắng trẻ người non dạ. Thế nhưng, Đỗ Lai Thúy năm nay đã 74 tuổi, là Tiến sĩ lịch sử văn hóa nghệ thuật kiêm Phó Giáo sư văn học nhiều năm lăn lộn với nghề, thì tại sao không nhắc nhở học trò?

Lẽ nào, cuốn sách của Đỗ Lai Thúy đã in từ 10 năm trước nên ông quên mất những gì mình từng viết? Lẽ nào, Đỗ Lai Thúy không nhận ra hành vi sao chép của Vũ Thị Trang là một thái độ đi ngược lại sự liêm chính học thuật và cố tình lừa dối cộng đồng? Đỗ Lai Thúy im lặng cho Vũ Thị Trang sao chép công khai, là sự nâng đỡ trong sáng hay sự nâng đỡ trong tối?

Hành vi dung túng của Đỗ Lai Thúy đang muốn chứng minh phê bình văn học đôi khi còn là “con vật lưỡng thê” núp bóng khoa học để trở thành “con thú lưỡng cực” danh và lợi?

Tranh chấp bản quyền giữa Tiến sĩ Vũ Thị Trang và Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh đang đối diện với sự im lặng đáng sợ của các cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, với hành vi sao chép từ cuốn sách “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy” của Vũ Thị Trang, thì câu chuyện đạo văn của Vũ Thị Trang đã rõ ràng.

Vì vậy, Hội Nhà văn Việt Nam nên có biện pháp xử lý thỏa đáng, mà cụ thể là thu hồi giải thưởng Tác Giả Trẻ đã trao cho Vũ Thị Trang? Bởi lẽ, Vũ Thị Trang đã trắng trợn lấy "cơm nguội" của người khác rồi dán nhãn "gạo mới cơm nóng" để rao bán ngang nhiên trước công chúng, thì cớ gì vẫn được xem là "đặc sản" gắn với sự tôn vinh của một cơ quan văn chương chính thống?

                                      PHẠM TUẤN

 

Nguồn: NNVN