Người ta nói anh em ruột khó nói chuyện nhưng thật ra tôi và Đoàn Vị Thượng khá hợp nhau. Hai anh em có thể ngồi cả buổi nói đủ thứ chuyện, nhiều nhất là văn thơ, có lẽ vì tuổi tác gần nhau lại làm cùng lãnh vực giáo dục, báo chí, văn chương.


Một số điều chưa biết về Đoàn Vị Thượng

TỪ NGUYÊN THẠCH

Tôi không biết nên bắt đầu từ đâu khi nói về Đoàn Vị Thượng (1959-2021).

Tôi và Thượng - anh em hơn 60 năm bên nhau - mọi thứ đều quá quen thuộc đến bình thường nên thật là không dễ khi muốn tìm cái gì mới về Thượng để viết.

Nhận xét, phê bình về thơ Đoàn Vị Thượng (ĐVT) thì đã có các nhà phê bình, bạn bè văn nghệ. Tôi chỉ muốn góp thêm về những điều chưa biết hoặc ít biết về con đường sáng tác ĐVT.

Tôi không biết ĐVT có năng khiếu văn chương thế nào nhưng biết Thượng làm thơ khá sớm, từ những năm trung học đệ nhất cấp (cấp 2 bây giờ). Thượng bột phát làm thơ và có thơ đăng các báo tuổi thiếu niên, nhi đồng trước 1975 ở miền Nam như Thằng Bờm (của Nguyễn Vỹ), Thiếu Nhi (của ông Khai Trí- Nguyễn Hùng Trương), Tuổi Hoa (của linh mục Chân Tín) hay tuổi mới lớn Tuổi Ngọc (của Duyên Anh)...

Tiếc thay những sáng tác thiếu nhi nay không còn giữ.

Năm 16 tuổi, Thượng đã có những  câu thơ thế này:

Tóc em dài tuổi mười lăm

Giấu riêng trong cặp chiếc khăn học trò

Hương ngọc lan trắng thơm tho

Đừng ai theo bước hỏi dò: hoa đâu?

 …

Tuổi mười lăm có gì khoe?

Buông dài mái tóc em che má hồng

Trời xanh cho mắt em trong

Mây se lụa trắng hơn không, áo này?

 (Còn một chút hương bay)
 

17 tuổi, Thượng viết:

Lạc đà qua sa mạc 

Còn để lại dấu chân

Lòng tôi chim đến hót 

Còn để lại bâng khuâng 

 

Đời tôi xanh mấy tuổi 

Tình tôi sầu mấy mùa

Lòng em như giấy mới 

Lòng em ôi tinh khôi

 

Có bao nhiêu vầng trăng

Soi giùm hồn nguyệt tận

Có bao nhiêu thù hận

San giùm lòng yêu thương

 

Tôi như ngày đã hết

Còn lưu luyến hoàng hôn 

Tôi như người đã chết

Còn quyến luyến linh hồn 

 

Em giấu thân trong áo 

Tôi nghe buồn gương soi

Tôi như là gương soi

Chờ em mờ dấu bụi

 

Đêm về những nụ hồng 

Hát thơm lời trăng xanh 

Những con sâu tuyệt vọng

Chợt thức dậy bò quanh!

(Lời trăng xanh)
 

Cũng khoảng thời gian đó, cậu học trò mới lớn dám viết một lá thư tình dài lấp đầy cả cuốn tập học trò gây “chấn động” trong bạn bè trang lứa. Tuổi mới lớn lắm mộng mơ, nhưng đúng là lá thư tình dài làm nhiều người “kính nể”. Đến nay câu chuyện lá thư dài kỷ lục (tiếc là hồi đó chưa có sách về các kỷ lục) đó vẫn còn thỉnh thoảng được nhắc trong đám bạn cũ giờ đã thành U60-70 của Thượng. Chi tiết này các bạn có thể tìm  thấy trong tập  truyện “Long lanh màu trời” của nhà văn Việt kiều Đức - Hoàng Quân vì chính cô là người được nhận bức thư.

Thượng đọc rất nhiều so với tuổi của mình. Năm 1975, Thượng học lớp mười. Gần như các tạp chí liên quan đến văn học ở miền Nam Thượng đều tìm đọc: Văn, Thời Tập, Khởi Hành, Văn Học, Nghiên Cứu Văn Học... Bao nhiêu tiền ăn sáng Thượng dành hết cho sách báo.

Ba tôi cũng thường đọc sách báo. Ở nhà có tủ sách của ba tôi với Bách Khoa, Thời Nay, Phổ Thông, Tiền Phong… Đó là chiếc cầu dắt anh em tôi đi từ một xóm nhỏ nghèo nàn chữ nghĩa đến thế giới bao la của kiến thức làm chúng tôi vừa bỡ ngỡ vừa sung sướng. Có lẽ đó là gốc rễ để sau này mọc lên những chồi non không quá èo uột- những sáng tác đầu tay của Thượng đến nay vẫn còn bạn bè nhớ đến.

Nói về tính cách của người Quảng Ngãi hay lam hay làm và giàu ước mơ Thượng viết:

Con bống sông Trà gầy bé lắm

Chết còn mở mắt tiếc đường bơi

(Gặp bạn đồng hương ở Sài Gòn)
 

Dù không phải gốc người Quảng Ngãi nhưng Quảng Ngãi như là quê hương vì tuổi thơ Thượng lớn lên ở đó. Nhớ về xứ núi Ấn, sông Trà Thượng viết “Mười năm, Quảng Ngãi và trăng”:

Trăng cũ, mười năm tôi trở lại

Biết có như xưa, những tối nào

Những tối nào xưa đà mãi mãi

Hun hút đi về trong cõi nao?

 

Những tối nào xưa, trăng Quảng Ngãi

Lụt khắp đường đêm một ánh vàng

Ai biết bàn chân tôi mê mải

Cũng từ độ ấy sớm lang thang

 

Lang thang xa Quảng, xa trăng Quảng

Biền biệt hàng cây quốc lộ dài

Trăng khuyết xuôi rồi trăng khuyết ngược

Một mảnh trên trời như mảnh chai

 

Mảnh trăng đâm nhói trời xa xứ

Lòng rách một niềm thương nhớ quê

Dẫu vậy cứ cầu trăng chớ rụng

Sợ bóng đêm che mịt hướng về

 

Trăng cũ! Mười năm tôi quá ngại

Tưởng lòng đã ố bụi thời gian

Cảm động thấy trăng vành vạch mãi

Tráng giữa lòng tôi một lớp vàng.

Năm 1977, một hôm hai anh em đi qua tòa soạn tạp chí Đứng Dậy (tôi nhớ trên đường Nguyễn Đình Chiểu), bấy giờ còn linh mục Nguyễn Ngọc Lan và nhà thơ Nguyễn Quốc Thái làm việc ở đó, Thượng nói tôi chờ để vào lãnh nhuận bút bài thơ. Lát sau Thượng ra với tờ tạp chí, phong bì có lời cảm ơn  của BBT kèm nhuận bút 5 đồng bạc. Hai anh em vui lắm. Hồi đó anh em tôi còn đi học, chưa làm gì ra tiền nên số nhuận trên là lớn lắm.

Người ta nói anh em ruột khó nói chuyện nhưng thật ra tôi và Thượng khá hợp nhau. Hai anh em có thể ngồi cả buổi nói đủ thứ chuyện, nhiều nhất là văn thơ, có lẽ vì tuổi tác gần nhau lại làm cùng lãnh vực giáo dục, báo chí, văn chương.

Thượng kể có lần đến báo Văn nghệ TP.HCM lãnh nhuận bút bài thơ lục bát dài 140 câu “Đất nước không viết hoa” chiếm gần hết trang báo khổ lớn. Bài thơ được Thượng viết nhân sáu năm giải phóng miền Nam, khi mới 22 tuổi.

Khi cầm dúm đất trên tay

Ngỡ như ngọn núi cũng gầy thế thôi

Dòng sông cứ miệt mài trôi

Đừng quên đất vẫn xẻ đôi bờ mà

Cái thời mẹ chửa sang ngang

Cha đi lối tắt mà sang bên này

Đất tình tứ mọc thêm cây

Thành con đường của gái trai bây giờ

Tôi qua nước mắt nụ cười

Để cân bằng tựa núi đồi hai vai

Bắt đầu đi tới tương lai

Tôi đi trên đất bằng hai chân mình…

Đại loại những câu thơ già suy tư như thế nên nhân viên phát nhuận bút nghi ngờ Thượng không phải là tác giả vì quá trẻ. Người này hỏi giấy tờ, Thượng đưa CMND tên Trần Quang Đoàn, không phải ĐVT nên càng đắn đo chưa cho lãnh. Đang lúc bối rối thì nhà thơ Bảo Định Giang đi ngang qua, người này bèn xin ý kiến phát được không. Nhưng đây cũng là lần đầu nhà thơ Bảo Định Giang gặp ĐVT. "ĐVT đó à, trẻ thế à, đọc thơ cậu đã lâu giờ mới gặp", nhà thơ Bảo Định Giang nói, "Thôi cho cậu ấy lãnh đi". Nhân viên phát nhuận bút yêu cầu ghi rõ họ tên thật, số CMND, địa chỉ để làm bằng chứng khi cần. 

Đang học lớp 10 thì miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sang năm thay vì lên lớp 11 Thượng nhảy lớp 12 trường Đạt Đức ở Phú Nhuận. Năm 1976 Thượng đậu tốt nghiệp cấp ba và thi vào trường Trung học  Sư phạm TP.HCM. TP lúc đó rất thiếu giáo viên nên học xong một năm Thượng ra trường đi dạy học ở quận 11 lúc mới 18 tuổi.

Thượng có hơn mười năm dạy học. Đây là vốn sống giúp Thượng viết được nhiều bài thơ làm nên tên tuổi mình, trong đó có bài thơ “Bụi phấn” được nhiều bạn đọc yêu thích.

Một lần, tổng biên tập một tờ báo ở TP.HCM gặp tôi hỏi Đoàn Vị Thượng ngày trước đi Thanh Niên Xung Phong ở đơn vị nào? Thượng không có đi TNXP nhưng nhiều người nghĩ vậy vì Thượng viết khá nhiều về đề tài này. Hồi đó lực lượng TNXP có tờ tạp chí Tuyến Đầu đăng nhiều thơ của Thượng nên mới có sự nhầm lẫn như vậy.

Sau vài năm dạy học, Thượng học lên đại học ngành ngữ văn nhưng rồi bỏ ngang. Chẳng ai biết lý do ngoài Thượng. Một hôm tôi hỏi Thượng mới kể. Trong một buổi học nghe thầy giáo giảng về thơ Quang Dũng, Thượng nhận thấy nhiều thông tin, nhận định không đúng với suy nghĩ của mình về nhà thơ này. Nên nhớ lúc đó là giai đoạn chưa đổi mới, nhà thơ Quang Dũng còn bị đánh giá “này nọ” một cách khắt khe. Nghe những từ như “bọn Nhân Văn giai phẩm xét lại”, “tư tưởng tiểu tư sản”… không lọt lỗ tai, thế là Thượng bỏ ngang, không học nữa. Cần nói thêm, ở miền Nam trước 1975 thơ Quang Dũng được đánh giá rất cao. Nhiều tạp chí ra hẳn chuyên đề về nhà thơ Quang Dũng. Còn trong lứa tuổi học sinh chúng tôi thì thuộc cả thơ Quang Dũng như bài “Đôi mắt người Sơn Tây”, “Đôi bờ”...

Trong quá trình sưu tầm để làm tập thơ ĐVT, tôi tìm thấy mẫu “Thư mời” dự đêm thơ Triệu Từ Truyền và Mai Trinh Đỗ Thị tại Lăng Ông Bà Chiểu, phía dưới có tên thay mặt Ban chủ  nhiệm là ĐVT. Thập niên 1980-90, sinh hoạt đêm thơ diễn ra khá phổ biến như một phong trào. Từ Nhà văn hóa Thanh niên của Thành Đoàn đến Cung Văn hóa lao động của LĐLĐ TP, nhà văn hóa các quận huyện, các trường đại học, các khu du lịch văn hóa… Có những đêm các nhà thơ chạy sô mệt nghỉ. Tại Lăng Ông Bà Chiểu, có giai đoạn đêm thơ được tổ chức hàng tuần. Thượng có khiếu ăn nói, dẫn chương trình rất duyên dáng.

Sau này làm báo, Thượng vẫn dành thời gian viết bài giới thiệu các giọng thơ mới. Đã có hàng chục tập thơ được Thương viết lời giới thiệu.  

Thượng làm thơ nhiều nhưng chưa bao giờ tự in thơ. Một số tập thơ in riêng và chung là do NXB hay bạn của Thượng đầu tư. Nhiều bạn bè văn nghệ như Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Liên Châu, Lê Minh Quốc… thúc giục Thượng in thơ, thậm chí có bạn sẵn sàng bỏ tiền in thơ cho Thượng nhưng Thượng chỉ cười. Nên khi Thượng bệnh, muốn in gấp cho Thượng tập thơ thật không dễ nếu không có bạn bè thương yêu cùng góp một tay sưu tầm lại những bài thơ đăng rải rác trên các báo.

Tôi lên kế hoạch quyết làm một tập di cảo đầy đặn trong năm 2021 nhân một năm ngày mất của Thượng. Công việc được một nửa đường thì xảy ra đại dịch Covid-19 " ai ở đâu ở yên đó " nên đành dang dở. Dẫu vậy cũng kịp ra mắt tập “Thơ tình & những bài áo trắng”.

Năm nay nếu suôn sẻ thì có thể ra một tập đầy đủ tạm gọi là di cảo để đáp lại thịnh tình của các bạn.