NHỮNG
CHIẾC XE NÔI VÀ CÂU CHUYỆN BÊN LỀ CUỘC CHIẾN UKRAINE
MAI
AN NGUYỄN ANH TUẤN
Cậu
sinh viên đạo diễn cũ, giờ là phó giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình một tỉnh
miền núi, “hạ sơn” về Thủ đô đã tới thăm tôi. Quanh quẩn một lúc những chuyện
chỉ thầy trò mới biết, lại nhảy ngay sang chuyện nóng chiến sự Nga - Ukraine.
Tôi nói vui: “Chẳng mấy khi bản Đài “xuất tướng”, em vốn là một đạo diễn -
phóng viên giỏi, hành nghề đi thôi, thầy có sẵn máy quay và mic chuyên dụng đây!”
Chẳng ngờ cậu ta hào hứng: “Hay quá thầy, em cũng đang muốn thực hiện một phóng
sự về dư luận - phản ứng của dân ta về cuộc chiến này cho khán giả miền núi… Thầy
sẽ là nhân vật đầu tiên của chúng em! Đồ nghề lúc nào em cũng mang theo!”.
Tôi biết mình đã trót dại, song chẳng còn cách
nào khác, đành chỉnh sửa qua loa cổ áo nhàu nát sau những ngày nằm bẹp đọc sách
và gõ kịch bản - trong khi cậu ta xăng xái chuẩn bị…
“Nhưng
này em, có những vấn đề nhạy cảm lắm, lại liên quan tới “nhóm lợi ích chính trị”
trong cách nhìn nhận về Nga và Ukraine. Hôm trước, thầy chỉ mới đưa lên hình ảnh
bé gái Nga chắp tay khóc như cầu xin các vị “đầu têu” chiến tranh, cùng mấy lời
cảm ngôn, thế mà đã có những lời hằn học, chửi rủa cay độc, như: “Diễn vậy đủ rồi,
mồ cha không khóc đi khóc đống mối” – “Cái bác nhà thơ này. Bác nghĩ bác là
thiên thần đầy nhân ái còn nta là ác quỷ thích hút máu người thì phải. Chính phủ
nào mà chuyện gì cũng phải tâm sự mặn với từng người dân được, phải ghé tai với
từng ông văn nghệ sĩ mộng mơ như bác để giải trình cái việc nta phải làm? Bác
nghĩ người ta điên hay tâm thần hoặc rảnh quá lại phải điều quân đội đi cả đống
con người vất vả, dù biết thừa là sẽ phải đau đầu đối phó với cả đống lệnh cấm
vận? Bao người sẽ phải chết? Chiến tranh là trò đùa à? Rồi nghe đến cả triệu thằng
dân đen chẳng biết đầu cua tai nheo ra sao chửi bới rủa xả, cộng thêm một đống
những ông nhà văn nhà thơ cám hấp lẻn chửi kháy người ta nữa?”
“Trước hết cháu nên gửi cho thằng này và chính
phủ của nó cùng bầy đàn đang hùa theo. Sau nữa là gửi cho thằng tác giả. Khi trẻ
em các nước Nam Tư, Afgan, Lybia, Syria, Iraq bị dội bom lên đầu thì thằng chó
đó nó ở đâu. Bọn đạo đức giả chó hùa!”
“Hôm qua Putin có nói rằng: mạng sống của
14000-15000 người dân và trẻ em Donbass bị Ukr giết, họ là chó hoang à mà các
người im lặng”. Vậy, có ai từng thương khóc cho những đứa trẻ ở đấy ko? Từng
gào lên đòi công lý cho họ không? Hay mạng của người này là vàng còn mạng của
người khác là rác?”, v.v.
“Đó
là nhóm FB “Matxcơva-tình yêu của chúng ta” (Москва-наша любовь) – chắc hầu hết
là những người từng học hay làm việc ở Liên Xô, đại diện cho số đông người ủng
hộ Putin và cuộc xâm lược của Nga hiện nay. Chẳng trách họ, bởi ngay cả một số
vị tướng tá nhà ta, kiến thức và bản lĩnh chính trị đầy mình mà cũng có não trạng
như thế - cái não trạng bị nhồi sọ, chất đầy thói tự kiêu tự mãn đáng phì cười,
thậm chí còn vô tình ảnh hưởng cả chủ nghĩa sô vanh và chủ nghĩa phát xít mới của
người ta mà không tự biết…
Nhưng
thôi, thầy trò ta hẵng tạm quên cái đám đông “cuồng Pu” và cả cái ông Tổng thống
“cuồng chiến tranh” kia, để trò chuyện về nghề nghiệp cho vui. Mà vẫn không xa
rời thời sự, như chức năng nhiệm vụ của các Đài địa phương và Đài Trung ương.
Như thế, thầy và em sẽ đỡ bị “ném đá” thảm khốc, thầy đỡ bị vu là “nhà thơ nhà thẩn”,
còn công sức lao động của em sẽ dễ được duyệt để phát sóng… Ví dụ, lấy cái hình
ảnh này làm chi tiết trung tâm: những chiếc xe nôi tại nhà ga của những bà mẹ
trẻ ở Ba Lan để sẵn dành cho phụ nữ trẻ tị nạn có con nhỏ từ Ukraine tới…”
NGƯỜI
PHỎNG VẤN:
Tuyệt
lắm thầy! Trên trang của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn mới đưa bài báo của nguyên Tổng
Biên tập báo Quốc Tế Nguyễn Văn Vĩnh, phàn nàn: “Nga đánh vào Ukraine mà nhóm
phóng viên đang thường trú tại Moscow của VTV lại không hề có một thông tin nào
đặc biệt "tại chỗ" cả. Có chăng là cứ ngày vài lần một chị phóng viên
hiện hình, với sự xào xáo tin tức từ các bản tin quốc tế của nước khác…” Nếu là
em… với tư cách là phóng viên mặt trận…
NGƯỜI
ĐƯỢC PHỎNG VẤN (Ngắt lời):
Nếu
là tôi, tôi cũng vứt máy quay và bút để cầm lấy khẩu súng cùng đàn ông đàn bà
Ukraine bảo vệ đất nước của họ…
NGƯỜI
PHỎNG VẤN
Ôi,
máu thế, thầy! Nhưng khi chưa tìm được súng, và chưa được người có trách nhiệm
quân sự đồng ý, với máy quay trong tay cũng là một thứ vũ khí, em sẽ ghi lại thật
nhiều hình ảnh về sự ngoan cường của người dân - cả trẻ em nữa, trong việc ngăn
chặn những bước chân xâm lược…
NGƯỜI
ĐƯỢC PHỎNG VẤN
Thế
nhà báo - đạo diễn quên mất quy ước giữa chúng ta là chỉ xoay quanh những chiếc
xe nôi à? Cũng lỗi tại tôi trước…
NGƯỜI
PHỎNG VẤN
Em bỗng
nhớ tới bộ phim câm "Chiến hạm Potemkin" mà thầy bắt chúng em phải
xem học tập ở năm đầu, có cảnh người mẹ trẻ bị đạn bắn trúng bụng, chị ta ngã
xuống và sau đó chiếc xe nôi có một em bé liền tự lăn xuống các bậc đá của Cung
điện, qua các xác người cùng những bước chân lính Sa hoàng dẫm lên xác người…
NGƯỜI
ĐƯỢC PHỎNG VẤN
Được
đấy, liên tưởng khá hay, và nhất là nhắc khéo người ta sự trùng hợp giữa Sa
hoàng xưa với Sa hoàng nay... Nhưng một đằng là biểu tượng của sự chà đạp - bỏ
rơi quyền sống của trẻ thơ, một đằng lại là biểu tượng của tình hữu ái giữa Con
người hiện đang mất dần đi trong thế giới bạo tàn này… Nếu cảnh những con sư tử
đá trong phim «Chiến hạm Potemkin» như chồm lên được dựng theo lối montage độc
đáo của Eisenstein, thì cảnh chiếc xe nôi đơn độc trôi đi, nhảy xuống từng bậc
đá là cảnh thực - có điều, nó đã được phát hiện bởi một trái tim nghệ sĩ lớn,
và được miêu tả không phải bằng ống kính khách quan lạnh lùng… Và thầy hy vọng là em sẽ liên tưởng tới cả những
điểm sửa xe miễn phí, điểm nấu hàng trăm suất ăn, những chốt phát tiền cho bà
con về quê trong cuộc tháo chạy khỏi Sài Gòn trong đại dịch năm ngoái…
NGƯỜI
PHỎNG VẤN
Thú
thực, em tới thăm thầy lần này một phần cũng bởi đọc được một Stt của thầy hôm
trước viết về những Tấm lòng nhân hậu Ba Lan: «Đó là Đất nước của nhạc sĩ thiên
tài Chopin, của nhà thơ vĩ đại Adam Mickievich, của văn hào đoạt giải Nobel
Sienkievich… Đất nước từng bị bọn phát xít đày đọa, dựng lên bao trại tập trung
rùng rợn, lò thiêu người, đất nước đã cùng các binh đoàn Hồng quân Xô Viết sát
cánh tiêu diệt từng tên lính dã thú đeo thập ngoặc… Lòng Nhân hậu Ba Lan được
nhân lên trong những cơn “Đại hồng thủy” – như tên một tác phẩm của Sienkievich,
duy trì cho tới hôm nay, để vô tư, hết lòng cưu mang người dân lành của nước bạn
đang lâm nguy… Tôi đã chảy nước mắt xúc động, và bởi niềm vui nữa, trước lòng
Nhân hậu cao cả của người dân Ba Lan - trong một thời đại sắt máu, trống vắng
tình người, khi mà tham vọng của những kẻ độc tài đang là mối đe dọa khủng khiếp
của Hòa Bình». Và hôm nay lại nghe thầy nói về những chiếc xe nôi Ba Lan cụ thể
dành cho các bà mẹ trẻ Ukraine chạy nạn…
NGƯỜI
ĐƯỢC PHỎNG VẤN
Hiện
tại, thầy chỉ là dân làm phim viết báo tự do, đã ở “Dưới đáy” (tên một tác phẩm
của M.Gorki) của giới báo chí - nghệ thuật, còn em dù là lãnh đạo của một Đài
thì cũng chỉ là tỉnh lẻ; và tiếng nói của báo chí – nghệ thuật nói chung ở nước
ta xét cho cùng chỉ là tiếng nói cần phải được «định hướng cho chính trị», vì vậy
em đừng có tham vọng gì quá sức mà để thất vọng… Có điều, chúng ta có một thứ
«vũ khí» riêng, đó là sức mạnh của hình tượng nghệ thuật để nói về nỗi khổ đau
chất chồng và nghị lực sống phi thường của dân tộc mình. Hơn thế, các vị lãnh đạo
lớn của ta chẳng đã khuyến khích nhà văn ta phấn đấu đoạt giải Nobel trong văn
học (và dĩ nhiên là cả giải Oscar hay Canne trong điện ảnh) là gì! Các ông ấy
có lý đấy, bởi bao lâu nay cứ tự hào chiến thắng hết giặc này đến giặc nọ (kể cả
thắng «thế lực thù địch» tưởng tượng), đâm ra cũng hơi bẽ bàng, bởi trên bản đồ
Văn học - Điện ảnh - Văn hóa thế giới chẳng thấy Việt Nam đâu cả - ngoài mấy
cái đồ mây tre đan, thổ cẩm trong vài cuộc triển lãm vội vàng của các Đại sứ
quán nhằm báo cáo thành tích…
NGƯỜI
PHỎNG VẤN
Vâng,
em hiểu… Nhưng liên quan gì tới câu chuyện «Những chiếc xe nôi Ba Lan» kia ạ?
NGƯỜI
ĐƯỢC PHỎNG VẤN
Có đấy
em! Nếu một nhà sản xuất phim kiểu «Ông hoàng Hollywood» (tên tác phẩm của F.
Scott Fitzgerald) xuất hiện, họ sẽ đưa tấm hình «Những chiếc xe nôi Ba Lan»
đang chờ đợi người tới nhận kia như một ý tưởng hay (không phải mua bản quyền)
cho các nhà biên kịch & đạo diễn phù hợp để hình thành kịch bản điện ảnh, rồi
làm thành phim ăn khách. Cái chất ăn khách của họ thực ra gắn chặt với giá trị
nhân bản toàn cầu và tâm lý mong đợi ở khán giả Mỹ và khán giả khắp thế giới…
Trong lúc chưa có một nhà sản xuất như vậy (ở Việt Nam ta thì chẳng biết bao giờ
có), thầy thử «đặt hàng» em và Đài bên em, sẽ hay hơn đứt tất cả những phim điện
ảnh & Truyền hình nước ta đã «ăn theo» kịch bản nước ngoài một cách sống sượng
và đáng xấu hổ:
Bối
cảnh nhà ga vắng tanh. 7 chiếc xe nôi như «7 võ sĩ đạo» (phim Nhật). 7 người mẹ
trẻ Ba Lan, 5 người không hề quen biết nhau, không hẹn mà cùng tới nhà ga chưa
có chiến sự nọ - nơi họ đoán chắc sẽ có những người mẹ Ukraine ôm con tới đây để
chạy qua biên giới. Trong số đó, có đến 4 người là cháu của các cựu binh đã hy
sinh trong tận chiến chống phát xít, họ thấm hiểu nỗi khổ chiến tranh qua bố mẹ,
ông bà. Có hai cô, sau khi để lại xe nôi, đã gửi con mình cho bạn gái mới quen,
để ra trận cùng chồng chống xâm lược… Rồi những người mẹ trẻ Ukr. ôm con chạy tới
đây, mỗi người một số phận, và đã thể hiện sự xúc động, lòng biết ơn của từng
người với những chủ chiếc xe nôi không gặp mặt kia ra sao… Một tình tiết này
khá thú vị: số người mẹ trẻ Ukr. có con nhỏ là những 10 người, trong đó chỉ có
7 chiếc xe nôi. Sự nhường nhịn tất yếu của họ, nhường nhịn một cách tinh tế,
không ra vẻ đàn chị, cũng là một bài ca của lòng nhân hậu – tiếp nối sự nhân hậu
của những bà mẹ trẻ Ba Lan…
NGƯỜI
PHỎNG VẤN
Thực
quá hóc đối với em, và với Đài tỉnh lẻ của em. Chắc ngay cả Đài TW cũng khó mà
thực hiện nổi… Nhưng em cũng cám ơn thầy…
NGƯỜI
ĐƯỢC PHỎNG VẤN
Thực
ra thầy trò ta phải cám ơn những người dân Ukr. đang đổ máu cho không phải chỉ
Đất đai, Tổ quốc của họ, mà còn cho cả nhân loại yêu Hòa Bình… Và «Những chiếc
xe nôi» này không chỉ là một gợi ý đề tài cho những người làm phim, mà còn là lời
kêu gọi hữu ích đối với những người tâm hồn đã bắt đầu nguội lạnh với số phận
Con người…
Hà
Nội, 8/3/2022