Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm qua đời ở tuổi 82 vào ngày 14/1/2022, để lại hai bản thảo tiểu thuyết viết về Bùi Giáng và Thanh Tùng, vừa lần lượt được xuất bản.


Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm (1940-2022) dù giai đoạn tuổi già mắc bệnh nan y, nhưng vẫn cặm cụi sáng tác đến phút giây sau chót bịn rịn dương gian. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm rất quan tâm đến sự nghiệp và số phận những đồng nghiệp, nên ông từng có tập thơ “Thương nhớ tài hoa”, biên soạn hợp tuyển “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam” và tập tiểu luận “Tiếp cận mật mã thơ” để tôn vinh những người đồng hành bút mực.

Sau khi nghỉ hưu vào năm 2000, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm dành toàn bộ thời gian để đọc và nghĩ về sự đóng góp của các nhà thơ mà mình từng gặp gỡ, từng yêu mến, từng cộng tác. Xuất phát từ băn khoăn “Phải chăng vũ trụ niềm riêng/ Có chi nhắc nhớ trăm miền nợ vay/ Hay người ngoài ấy đứt tay/ Để tôi chảy máu trong này buốt đêm”, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã viết tiểu thuyết về Bùi Giáng và Thanh Tùng.

Nhà thơ viết tiểu thuyết về nhà thơ thì có gì thú vị? Thứ nhất là sự gần gũi. Thứ hai là sự thấu hiểu. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã phát huy hay thế mạnh ấy của mình, để viết tiểu thuyết “Bùi Giáng thiên tài tự hủy” và tiểu thuyết “Người tài hoa khờ dại”.

Hai tiểu thuyết về hai nhà thơ, phải gọi là công trình tâm đắc của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm. Bởi lẽ, ông đã mất 10 năm để sưu tập từng tư liệu và nhấn nhá từng chi tiết về Bùi Giáng và Thanh Tùng.



Tiểu thuyết “Bùi Giáng thiên tài tự hủy” và tiểu thuyết “Người tài hoa khờ dại” gần như được nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm viết song song cùng lúc. Sinh thời, ông thổ lộ, có khi đang viết về Bùi Giáng lại nảy sinh ý tưởng mới về Thanh Tùng, và ngược lại.

Hai tiểu thuyết, mỗi cuốn đều đầy đặn và tỉ mỉ, phải rất trân trọng đồng nghiệp thì nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm mới có thể làm được như vậy. Đáng tiếc, biến chứng ung thư đã không cho phép nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm được nhìn thấy hai tiểu thuyết của mình đến tay độc giả.

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm trút hơi thở cuối cùng, khi tiểu thuyết “Người tài hoa khờ dại” đang đóng xén tại nhà in. Và khi nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã tan vào mây trắng hơn 2 tháng, thì tiểu thuyết “Bùi Giáng thiên tài tự hủy” được gia đình xuất bản theo di nguyện của ông.

Xưa nay, rất ít tác phẩm viết về các nhà thơ. Kiệt xuất và đau thương như Hàn Mặc Tử (1912-1940) thì cũng chỉ được ca ngợi trong bài hát của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Cho nên, tiểu thuyết viết về nhà thơ càng cực kỳ quý hiếm.

Nhà thơ Bùi Giáng (1926-1998) được xem như một kỳ nhân, với rất nhiều giai thoại. Thế nhưng, kể về Bùi Giáng ở bàn trà hoặc quán rượu thì đơn giản, nhưng phục dựng chân dung Bùi Giáng trong một tiểu thuyết lại đương đầu với rất nhiều thử thách. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã rất can đảm đưa Bùi Giáng vào tiểu thuyết với một khái niệm táo bạo “thiên tài tự hủy”.

Đọc tiểu thuyết “Bùi Giáng thiên tài tự hủy” của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, độc giả có thể nhìn nhận sâu sắc hơn về đời và thơ Bùi Giáng. Đặc biệt, bằng sự liên tài, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm giúp người yêu thi ca thấm thía vì sao Bùi Giáng viết “Dạ thưa xứ Huế bây giờ, vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”, hoặc vì sao Bùi Giáng viết “Xin chào nhau giữa con đường, mùa xuân phía trước miên trường phía sau”.



Nhà thơ Thanh Tùng (1935-2017) là tác giả bài thơ “Thời hoa đỏ” nổi tiếng. Ban đầu, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm dự định cho nhân vật lấy đúng tên Thanh Tùng và đặt tên tiểu thuyết là “Thời hoa đỏ dại khờ”. Thế nhưng, đắn đo vài điều tế nhị, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm quyết định đổi tên tiểu thuyết thành “Người tài hoa khờ dại” và nhân vật chính là Trúc Sơn.   

Nhà văn Nguyễn Trường khi đọc tiểu thuyết “Người tài hoa khờ dại” đã bày tỏ sự hài lòng: “Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã có thời gian dài sống và làm việc với thi sĩ Thanh Tùng, câu chuyện về nhà thơ đủ chất liệu viết nên cuốn hồi ức hấp dẫn, nhưng còn một số tình huống tế nhị cần thay đổi địa chỉ và tên người thật nên ông chọn cách viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết cơ bản là hư cấu, vậy viết về một nhà thơ có thật, được nhiều người biết và mến mộ liệu có khó khăn? Nguyễn Vũ Tiềm đã vượt qua được cái ngưỡng chật chội đó, viết về người thật, việc thật mà ngòi bút vẫn tung phá, văn chương vẫn bay bổng, nhân vật hiện ra đầy tính cách, câu chuyện có lớp lang sinh động. Trước hết nhờ nguyên mẫu nhà thơ Thanh Tùng có biệt tài: giỏi võ nghệ, giỏi ứng tác thơ. Những chất liệu đó là “mảnh đất màu mỡ” trợ sức cho Nguyễn Vũ Tiềm trồng tỉa, công phu của người thâm canh đã được đền đáp: cây nghệ thuật đã mọc lên xanh tươi, xum xuê hoa trái.

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm thành danh với thi ca, nhưng ông vẫn là một cây bút văn xuôi đáng nể. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm từng chinh phục người đọc qua tập bút ký “May quá, lòng tốt vẫn còn đây” và tiểu thuyết “Bắc cung hoàng hậu”, cho nên chất lượng của hai tiểu thuyết viết về nhà thơ Bùi Giáng và Thanh Tùng hoàn toàn xứng đáng với sự chờ đợi của giới mộ điệu.

                                                           TUY HÒA