Thơ Nguyễn Vũ Tiềm càng đọc càng thấy phải đọc lại xem nhà thơ còn gửi gắm điều gì. Cái cách Nguyễn Vũ Tiềm triển khai thơ cũng khá khác người. Chữ nghĩa của anh dùng khá dễ, không gắt, độc, lạ nhưng rất đúng, chuẩn.
NHÀ THƠ NGUYỄN VŨ TIỀM: TIẾNG SÁO BAY MUÔN DẶM
PHÙNG VĂN KHAI
Khi nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã mất, hai tuần sau tôi
còn nhận được tập thơ có ký tặng của ông. Cầm tập sách dày dặn “Trường ca văn
đàn bi tráng và Thơ chọn lọc” của Nguyễn Vũ Tiềm mà lòng dạ bâng khuâng.
Quả thực, đời người bãi bể nương dâu chẳng nói trước
được điều gì. Nhưng những gì đọng lại từ thơ và đời Nguyễn Vũ Tiềm quả thực là
rất đáng kể.
Tôi xúc động đến tột cùng khi đọc những bài thơ chưa
xuất bản của ông. Càng thấy ông đau đáu cõi người, luôn đặt con người lên trên
hết thảy.
“Những
hồ nước bay lên theo tiếng sáo
Và sao trời trôi trên sóng lênh đênh
Tiếng sáo dẫn bản Mèo xuống núi
Lưng ngựa thồ cõng quả núi nhẹ tênh”
(Tiếng sáo của cháu bé xương thủy tinh)
Những câu thơ tặng cháu Nguyễn Đạo Quốc mắc bệnh xương
thủy tinh như những nốt nhạc bay xa muôn dặm nhẹ nhàng thanh thoát. Thơ Nguyễn
Vũ Tiềm viết về nỗi đau, nhất là về máu xương luôn có sự khác biệt, chạm tới
ranh giới tột cùng mà càng ẩn chứa tình người rộng lớn:
“Gió
đêm ngày rung cây phần phật
Đừng hỏi âm hay dương
Theo những cành chim vút cao điều nguyện ước
Đừng hỏi hồn thiêng ở phía nào
Màu da nào cũng một màu máu đỏ
Gien thiện căn từ trong mỗi tế bào”
(Trước tượng đài Hoài Niệm - Tại thị xã Quảng Trị)
Nguyễn Vũ Tiềm làm thơ tài tình mà phê bình thơ có thể
gọi là thần tình. Khi làm biên tập viên thơ ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, tôi đã
phải thường xuyên đọc đi đọc lại cuốn “Tiếp cận mật mã thơ” của ông để giúp có
thêm kiến thức và cũng là sự công bằng cân nhắc in hay không mỗi bài thơ. Khi đọc
“Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam” của ông, nhất là ở các lần tái bản sau, ta đều
thấy sự dụng công và đam mê đến kiệt cùng của Nguyễn Vũ Tiềm.
Ông còn viết tiểu thuyết và đặc biệt cuốn tiểu thuyết
lịch sử “Bắc cung hoàng hậu” viết về công chúa Lê Ngọc Hân đã được giới điện ảnh
mua bản quyền với giá cao chất ngất. Ông cũng là người lao động miệt mài để có
hàng chục đầu sách mà chỉ riêng “Trường ca văn đàn bi tráng” đã là một hiện tượng
hết sức độc đáo. Cái cách Nguyễn Vũ Tiềm chấm phá từ các tác gia kim cổ đã cho
thấy tài hoa, nhất là trái tim ấm nóng của ông với tiền nhân, với đồng nghiệp.
Hãy xem ông viết về Nguyễn Trãi:
“Tình
thư một bức phong còn kín
Làm sao đắc tội với mình rồng?
Hay đêm ấy chị Hằng xuôi sông Đuống
Ánh ngọt vườn trăng quá dịu dàng?”
Quả là khác biệt, khác thường mà hết sức thế thái nhân
tình vậy.
Hãy xem ông viết về Đoàn Thị Điểm:
“Mỗi
chinh phu, một câu thơ hóa đá
Hồn vọng phu còn tỏa khói sương
Trăm năm hào kiệt phơi xương
Lệ rơi thấm giấy dễ thường chưa khô”
Quả là hiểu đến tận cùng vậy. Hoặc như ông viết về Hồ Xuân Hương:
“Thiếu
nữ ngủ ngày quên chốt cửa
Bao nhiêu quân tử bước dùng dằng
Hữu hình ba góc vô hình gió
Mát mặt anh hùng đến thế chăng?”
Quả là không chút kiêng dè vậy. Lại xem ông viết về Cao Bá Quát:
“Roi
song nát thịt, đầu không khuất
Chỉ cúi trước cành mai xứ quê
Thân dẫu vùi sâu ba lớp đất
Tấc lòng còn hận cửu thiên đê”
Quả đã chạm khắc được thần thái tài tình của phong cốt
họ Cao vậy.
Nguyễn Vũ Tiềm làm thơ dường như không biết mệt, càng
về sau càng thâm hậu mà vẫn luôn tươi tắn, như tiếng sáo bay muôn dặm trùng
khơi:
“Triệu
hải lý xôn xao bàn tay sóng
Vỗ căng tròn xích đạo một vòng ôm”
Những câu đề từ trong tập “Minh triết đất đai” được
rút từ bài “Gần và xa” đã sớm cho thấy sự quyết liệt nhưng phóng khoáng, sức
hàm chứa đa diện của Nguyễn Vũ Tiềm. “Hạt nhân ái gieo vào/ ngày càng chắc mẩy/
lục địa lòng người xích lại gần nhau/ bờ chạm bờ/ môi chạm môi/ truyền lửa” (Gần
và xa); “Trục trái đất đã nghiêng rồi/ đức tin đừng nghiêng nữa” (Năm trăm vị
La Hán); “Em heo may sang tôi nỗi niềm đông chí/ cả mối tình hỏa hoạn, đóng
băng” (Heo may và đông chí); “Tay lấm láp phù sa/ chính là lúc ngộ ra điều sạch
sẽ/ giấc ngủ thường đến muộn/ tôi gối đầu lên/ luật nhân quả của cây trồng”
(Minh triết đất đai).
Thực quý và cũng thấy nổi lên rõ ràng sự bứt phá, làm
mới của Nguyễn Vũ Tiềm. Anh từng ví người làm thơ siêng năng gom nhặt những hạt
vàng trong đời sống. Tôi cho rằng cá nhân anh luôn cần mẫn, chăm chỉ ở điều tâm
nguyện ấy. Thứ đãi nhặt được trong đời sống có khi chỉ là những vảy vàng rất nhỏ,
thậm chí nhỏ đến mức mắt thường không nhận ra, khó bề làm nên tên tuổi hoặc chí
ít là câu thơ, bài thơ đọng lại với đời. Nhưng người làm thơ vẫn quả quyết đi
trên con đường khó khăn ấy. “Những khuôn khổ bị phá vỡ/ giới hạn bị bước qua/
những khoảng cách trở về không khoảng cách/ cái gần gũi quanh ta bỗng hiện những
chân trời” (Thư pháp gia); “Nửa thế kỷ phố phường/ tôi vẩn đục thế sao (Cái đẹp
chối từ); Nụ hôn ấy không ngờ/ tôi tiêu mãi đến giờ chưa hết” (Đầu sông Lô đến
cuối sông Cầu); “Chuyện cũ/ nhớ đến đâu là vừa/ khờ dại bao nhiêu là đủ/ để cụng
ly với cơn gió không nhà?” (Bạn với lãng quên).
Thơ Nguyễn Vũ Tiềm ngoài việc ưa triết lý anh đã cài
được sự tinh nghịch, giễu nhại nên thơ anh trong “Minh triết đất đai” không làm
người đọc nhàm chán. Sự dẫn dụ của nhà thơ không nằm nhiều ở cách sắp đặt câu
chữ mà nằm ở ý tứ phía sau. Đọc thơ anh luôn thấy cảm giác nhà thơ đã nói hộ những
cảnh huống trong cuộc đời mà mình chứng kiến sao mà vừa sắc sảo vừa thấu lý đạt
tình.
Cũng sự việc ấy cảnh huống ấy ta còn loay hoay diễn đạt
anh đã tóm gọn bằng chỉ mấy câu: “Trong lùm cây/ trên ghế đá/ hiển hiện tiền sử
hồng hoang/ mà không cần khảo cổ” (Những bản nháp tình yêu); “Gió thổi bi hài
vào năm tháng/ một hào quang vừa mới hạ màn” (“Tích tắc” dượt đuổi); “Người bạn
xạc xào rủ anh sang thu/ trên con thuyền hoàng hôn tuổi tác” (Con nợ của trần
gian); “Khách không mời đang độc quyền mặt đất/ những bầy đàn rơm rác của cao
sang” (Hạt mưa sa vào phố); “Xoa tay lên da thịt/ chạm cánh đồng xưa mỡ màu/
lùa tay lên mái tóc/ thấy đàn sáo đậu lưng trâu” (Gọi hoài không thấy đồng
thưa).
“Minh triết đất đai” tiếp tục khẳng định lao động thơ
của Nguyễn Vũ Tiềm. Dường như các nhà thơ luôn sợ mình phải dừng lại. Nỗi sợ
này có chăng đã thúc đẩy nhà thơ phải mới và khác. Không ít người lực bất tòng
tâm. Nguyễn Vũ Tiềm đã khác. Đọc tiểu luận phê bình của anh về thơ thấy thú vị
và còn thú vị hơn khi anh chính là tín đồ lý luận thơ của chính mình. Anh viết
từ những gì anh đặt ra với nhiều người. Đương nhiên mọi lý thuyết với thơ mới
chỉ là phần vỏ.
Cái chính yếu là thơ lại đỏng đảnh không chiều theo một
phương diện lý thuyết nào. Chắc chắn Nguyễn Vũ Tiềm hiểu rõ điều đó: “Có một
chuyện hiểu lầm giữa nhân tình và thời tiết/ chị dùng thơ làm dao giải phẫu/ cấp
cứu một làn gió thu” (Nữ văn sĩ); “Dẫu tôi cuốc bẫm cày sâu/ miệt mài chăm bón/
vẫn thất bát trắng tay/ rỗng tháng ngày/ mùa không hạt” (Bản thể tôi lưu lạc
quên về); “Đi suốt nhiệt hàn/ hai bàn chân phồng rộp/ áo xuân hè dăm miếng vá
thu đông” (Năm trăm vị La Hán); “Tất cả cánh cửa đều mở ra/ lòng người đóng chặt”
(Thời tiết).
Quay trở lại với “Văn đàn bi tráng và Thơ chọn lọc” mà
ông vừa gửi tặng tôi, còn đề từ rằng: “Nếu tiện, xin cho ít lời nhận xét, phẩm
bình. Nếu là bài viết in ở đâu đó thì càng quý”. Quả thực là vừa khiêm nhường vừa
trân trọng bạn đồng nghiệp vậy. Không riêng gì trong thơ, mà trong đời sống ông
cũng luôn là người hết sức có trách nhiệm và hết sức thẳng thắn.
Ông từng viết: “Cơ chế thị trường ở nước ta có nhiều
lúc, nhiều lĩnh vực phát triển không lành mạnh, tất nhiên rồi sẽ phải điều chỉnh
đúng quỹ đạo thôi. Thơ ca không là ngoại lệ, hiện tượng một số người lợi dụng
tình yêu thi ca để trục lợi cũng trong tình trạng ấy, đó cũng là điều nói lên
thi ca vẫn được công chúng cần đến. Thi ca từ xưa vẫn được gọi là “ngôi đền
thiêng” lẽ ra phải luôn được gìn giữ cho trong sạch vậy mà lại bị mang ra trục
lợi. Ai làm tổn hại đền thiêng ắt phải trả giá thôi”.
Thi ca quả thực là ngôi đền thiêng. Đừng tưởng muốn
trà trộn vào được là được. Vừa qua, khi Hội Nhà văn Việt Nam xét kết nạp đã nổi
sóng gió về một trường hợp có bài thơ ẩu tả làm cách đây đã 19 năm vẫn bị dư luận
và nhất là các nhà thơ đồng thời lên tiếng phản biện và lãnh đạo Hội đã phải dừng
lại trường hợp này. Tôi tin chắc rằng, nếu Nguyễn Vũ Tiềm còn sống, chắc chắn
ông sẽ là người đầu tiên lên tiếng mạnh mẽ trước sự dung tục toan trà trộn vào
ngôi đền thiêng như ông từng nói: “Ai làm tổn hại đền thiêng ắt phải trả giá
thôi”. Đó cũng là chính con người ông vậy.
Tôi từng có một kỷ niệm nhỏ với Nguyễn Vũ Tiềm, khi
ông xét tuyển bài tứ tuyệt của tôi và tôi xin rút vì một lẽ riêng mà hơn ai hết
ông là người hiểu và đồng cảm. Bài có bốn câu như sau:
“Lấm
bụi giang hồ kinh giấc mộng
Ngựa xe thành lũy cũng hoang tàn
Ta về cúi trước hai vầng cỏ
Thăm thẳm cao xanh lệ ứ tràn”
(Trước mộ song thân)
Lý do thực đơn giản. Khi làm theo cảm xúc nhưng rà
soát lại kinh hãi thấy phụ mẫu vẫn đương khỏe mạnh đã phải lập tức điện ngay
cho Nguyễn Vũ Tiềm, thôi anh bỏ ra cho em. Ông cười hiền trong máy, ừ, đúng
đúng. Từ đó, thi thoảng tôi lại trao đổi với ông về thơ ca, về thời cuộc.
Vậy mà thoáng cái ông đã về chốn vô cùng.
Không ít những nhà thơ chưa đọc xong đã thấy hết. Thơ
Nguyễn Vũ Tiềm càng đọc càng thấy phải đọc lại xem nhà thơ còn gửi gắm điều gì.
Cái cách Nguyễn Vũ Tiềm triển khai thơ cũng khá khác người. Chữ nghĩa của anh
dùng khá dễ, không gắt, độc, lạ nhưng rất đúng, chuẩn. Trong những nét đẹp, thấy
thật rõ ràng, thơ Nguyễn Vũ Tiềm luôn như tiếng sáo bay muôn dặm trùng khơi.
Nguồn: Tinh Hoa Việt